Thứ năm, 28/03/2024 21:41 (GMT+7)

Kon Tum: Không có độc tố trong nước tại khu vực cá nuôi bị chết

MTĐT -  Thứ sáu, 21/07/2017 10:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 20/7, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đã có kết quả quan trắc chất lượng nước khu vực lòng hồ Plei Krông (huyện Đăk Hà), nơi có hàng chục tấn cá chết vào ngày 11 và 12/7.

Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum) đã lấy hai loại mẫu nước tại điểm xả thải của Nhà máy tinh bột sắn Tây Nguyên Đăk Hà và mẫu nước hồ Plei Krông (tại 4 vị trí, mỗi vị trí lấy hai mẫu: tầng mặt và tầng dưới cách mặt nước 1m).

Kết quả phân tích các thông số đặc trưng trong nước thải của Nhà máy tinh bột sắn Tây Nguyên-Đăk Hà cho thấy tất cả các giá trị đều nằm trong giới hạn cho phép (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp).

Cá chết được thu gom trong bao bì trước khi đi chôn (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Thông số môi trường đặc trưng nhất và có độc tính cao trong nước thải của Nhà máy là xyanua, kết quả phân tích có nồng độ rất thấp, thấp hơn nhiều lần so với quy chuẩn cho phép.

Kết quả trên cho thấy Nhà máy tinh bột sắn Tây Nguyên-Đăk Hà đang thực hiện xả thải đúng vị trí, lưu lượng, quy chuẩn theo Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp.

Kết quả quan trắc tại các điểm cho thấy nguồn nước đục, nồng độ ôxy hòa tan trong nước hồ rất thấp và giảm theo độ sâu mực nước (giao động từ 1,92 mg/L đến 4,50 mg/L). Nồng độ chất hữu cơ và Amoni (chất có thể gây các bệnh nguy hiểm) trong nước khá cao. Hầu hết các vị trí quan trắc đều vượt giới hạn quy định theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt….

Từ các kết quả trên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đánh giá do trời mưa, nước mưa kéo theo bùn đất xuống lòng hồ.

Nhà máy Thủy điện Plei Krông vận hành phát điện tạo mực nước hồ hạ thấp, diện tích mặt thoáng lòng hồ bị thu hẹp nên khả năng khuyếch tán ôxy từ không khí vào nguồn nước hồ bị hạn chế.

Nguồn cung cấp ôxy cho nguồn nước từ bên ngoài giảm, dung tích hồ bị thu nhỏ, trong khi các lồng nuôi cá này là tự phát, có mật độ nuôi cá trong lồng cao nên hoạt động hô hấp của cá diễn ra mạnh càng làm suy giảm nồng độ ôxy hòa tan trong nước của lồng cá.

Ngoài ra, sự tích tụ chất thải (thức ăn dư thừa, chất thải từ cá) lâu ngày từ hoạt động nuôi cá lồng trên khu vực lòng hồ dẫn đến tăng nồng độ chất hữu cơ, Amoni trong nước. Quá trình phân hủy chất hữu cơ, Amoni làm suy giảm đáng kể nguồn ôxy hòa tan trong nước.

Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng cá lồng nuôi chết đột ngột, xảy ra hàng loạt là do nguồn nước bị thiếu ôxy nghiêm trọng, không đủ cung cấp cho nhu cầu hô hấp của cá.

Cá chết không phải do nhiễm độc tố gây ra, cá chết chủ yếu chỉ xảy ra đối với các loài cá nuôi trong lồng, không xảy ra với các loài cá tự nhiên.

Trước đó, ngày 13/7, TTXVN đã có bài phản ánh tình trạng cá nuôi chết hàng loạt trên lòng hồ thủy điện Pleikrông.

Ngay sau sự việc xảy ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn vào cuộc, điều tra làm rõ nguyên nhân cá chết.

Ngày 14/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhận định cá chết hàng loạt do hàm lượng ôxy hòa tan thấp, cá bị ngạt.

Theo TTXVN

Bạn đang đọc bài viết Kon Tum: Không có độc tố trong nước tại khu vực cá nuôi bị chết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.