Thứ sáu, 29/03/2024 15:41 (GMT+7)

Kết hợp công nghệ điện hóa - siêu âm xử lý nước nuôi tôm

Bắc Lãm -  Thứ hai, 17/10/2022 17:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các nhà khoa học tại Công ty cổ phần Huetronics và trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) đã phát triển giải pháp điều chế vi bọt khí sử dụng công nghệ điện hóa - siêu âm trong khử trùng, cải thiện môi trường nước nuôi trồng thủy sản.

tm-img-alt
Môi trường nước của hồ nuôi tôm rất dễ bị ô nhiễm bởi hàm lượng các chất hữu cơ dư thừa từ thức ăn tồn đọng. Ảnh: ITN

Môi trường nước là một trong những yếu tố quyết định tới sự sinh trưởng và phát triển của tôm. Nước hồ nuôi rất dễ bị ô nhiễm bởi hàm lượng các chất hữu cơ dư thừa từ thức ăn tồn đọng. Bên cạnh đó, lượng hóa chất, kháng sinh được sử dụng trong quá trình nuôi cũng đọng lại ở đáy ao nuôi không được xử lý. Đáy ao nuôi còn là nơi hình thành lớp bùn đáy do tích tụ lâu ngày các chất hữu cơ, cặn bã, và là nơi sinh sống của các vi sinh vật gây thối, các vi sinh vật sinh các khí độc như NH3, NO2, H2, H2S, CH4…. Các vi sinh vật gây bệnh như: khuẩn Vibrio spp., Aeromonas, E Coli, Pseudomonas, Proteus, Staphylococcus… nhiều loại nấm và động vật nguyên sinh.

Tất cả những hóa chất, kháng sinh, vi sinh vật kể trên tồn đọng qua thời gian dài trong một ao nuôi tôm, tạo điều kiện thuận lợi để các sinh vật mang mầm bệnh sinh sôi, phát triển. Điều này rất nguy hiểm, nhất là khi các ao nuôi tôm thường nuôi với mật độ cao, dồn nén lượng tôm lớn vào diện tích sống nhỏ với đầy mầm bệnh, và hệ quả là hiệu quả nuôi trồng giảm mạnh sau các vụ nuôi liên tiếp.

Với mong muốn xử lý nguồn bệnh trong môi trường nuôi, nhiều vùng nuôi trồng thủy sản, hộ nuôi đã bỏ ra vài triệu đến vài chục triệu đồng để xử lý môi trường ao nuôi nhưng kết quả đạt được lại không như mong muốn. Mặt khác, việc sử dụng tràn lan các hóa chất để khử trùng nước như chlorine, Iodin, thuốc tím, formalin,… có thể dẫn đến suy thoái môi trường và gây ra hiện tượng nhờn thuốc trước các loại vi khuẩn, vi rút, vi sinh vật gây bệnh.

Từ thực tế trên, nhóm các nhà khoa học đã lựa chọn giải pháp sử dụng dung dịch hoạt hóa điện hóa anolyte hay còn được gọi là nước oxy hóa điện ly (Electrolyzed oxidizing water) - một tác nhân khử trùng hiệu quả cao, diệt nhanh nhiều loại vi khuẩn, dễ sản xuất, giá thành rẻ, thân thiện với môi trường.

Song để cải thiện hiệu suất diệt khuẩn dung dịch anolyte, các nhà khoa học đã đưa ra ý tưởng chuyển hóa mật độ bọt khí của dung dịch điện hóa anolyte thành vi bọt khí (nanobubbles) bằng cách cho nổ tung bọt khí sau điện hóa sử dụng siêu âm công suất.

Công ty Huetronics đã thử nghiệm công nghệ trên tại một ao nuôi tôm 12ha (xã Điền Hương, Phong Điền, Thừa Thiên Huế) lấy nước từ phần nước thải ra của một công ty nuôi tôm gần đó. Kết quả cho thấy, suốt quá trình ương nuôi (32 ngày) và nuôi ngoài, tôm phát triển tốt, đạt trung bình 0,7gram/con (giai đoạn ương) và 13,5 gram/con (giai đoạn nuôi thương phẩm), tỷ lệ sống đạt khoảng 80%.

Dung dịch vi bọt khí nanobubble được điều chế từ hệ thống điện hóa - siêu âm có khả năng diệt nhanh các loại vi khuẩn, vi rút, nấm mốc trong thời gian tiếp xúc ngắn nhưng không bị nhờn thuốc sau một thời gian dài sử dụng; xử lý môi trường nước mặn, lợ bị ô nhiễm do vi khuẩn, tảo, các độc tố đạt hiệu quả cao; quy trình sản xuất đơn giản, giá thành rẻ - chỉ tiêu tốn khoảng 700 đồng/m3 so với 2.000 đồng/m3 khi sử dụng các hóa chất để xử lý. Bên cạnh đó, thông thường, quá trình nuôi tôm sẽ thải ra ngoài môi trường một lượng lớn nước thải bẩn, nhưng phương pháp xử lý nước mới này sẽ chỉ tốn một lượng điện nhỏ chứ không tốn nước.

Bạn đang đọc bài viết Kết hợp công nghệ điện hóa - siêu âm xử lý nước nuôi tôm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Cần Giờ phấn đấu đạt Net zero vào năm 2035
Huyện Cần Giờ, TPHCM vừa ban hành Kế hoạch phối hợp xây dựng Chương trình hành động Vì một Cần Giờ Xanh, đề xuất trồng rừng gắn với tín chỉ carbon, nhằm đạt được mục tiêu "net zero" vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam.
Giải bài toán rác thải ở Bắc Ninh
Theo kế hoạch từ 2024, Bắc Ninh cơ bản sẽ xử lý triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày bằng các nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại của thế giới.
Thú quý trở về và thông điệp xanh
Thời gian gần đây, ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số địa phương khác, người dân liên tiếp phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm như voọc Hà Tĩnh, lửng lợn Đông Dương, mang Trường Sơn, gà lôi trắng, khỉ mốc, rùa sa nhân...

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.