Thứ năm, 25/04/2024 12:48 (GMT+7)

Kêu gọi đầu tư 16 dự án vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô hơn 70.000 tỷ đồng

Khánh Dung -  Thứ tư, 13/07/2022 09:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các dự án đều có vị trí thuận lợi khi nằm cạnh quốc lộ 1A vào cảng Chân Mây, tại các khu vực ven sông và các đường trục chính Khu đô thị Chân Mây, kết nối với đèo Hải Vân,...

tm-img-alt
Sở hữu cảng nước sâu là một trong những lợi thế phát triển của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô .Ảnh: Nguyễn Phong

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hút đầu tư năm 2022 địa bàn Khu kinh tế, Khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thu hút đầu tư nhiều dự án lớn tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Dự án có quy mô lớn nhất là khu đô thị Chân Mây (vị trí trung tâm) quy mô 1.000 ha với tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng. Dự án khu đô thị Chân Mây (vị trí ven sông Bù Lu) rộng 420 ha với vốn đầu tư 14.700 tỷ đồng; dự án khu đô thị Chân Mây (vị trí 2) hơn 43 ha quy mô 1.290 tỷ đồng và dự án khu đô thị Chân Mây (vị trí 4) quy mô 2.130 tỷ đồng, có diện tích 71 ha. Tiến độ thực hiện các dự án trong vòng 5 năm.

Các dự án du lịch có khu du lịch biển Lăng Cô - đầm Lập An gần 20 ha với vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng; khu du lịch sinh thái Bãi Cả 120 ha với quy mô đầu tư 2.500 tỷ đồng.

Các dự án logistics có kho bãi phục vụ sản xuất, kinh doanh tại khu cảng Chân Mây 120 tỷ đồng; dự án trung tâm logistic và thương mại dịch vụ cảng Chân Mây 120 tỷ đồng và dự án khu dịch vụ logistic cảng Chân Mây 1.260 tỷ đồng.

Tại Khu công nghiệp Chân Mây có dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp số 2 Chân Mây 120 ha với vốn 800 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp kỹ thuật cao (vị trí 1) quy mô 400 ha, vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng; vị trí 2 rộng 310 ha, vốn đầu tư 1.550 tỷ đồng; vị trí 3 rộng 305 ha, vốn đầu tư 1.525 tỷ đồng; vị trí 4 quy mô 290 ha với vốn đầu tư 1.450 tỷ đồng.

Trong khu cảng Chân Mây, Thừa Thiên Huế kêu gọi đầu tư dự án bến số 4, 5 quy mô hơn 20 ha với số vốn 1.600 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây dựng bến hàng tổng hợp dài 540 m, container, phục vụ tàu có tải trọng đến 70.000 DWT cập bến.

Tất cả các dự án trên trên đều có vị trí thuận lợi khi nằm cạnh quốc lộ 1A vào cảng Chân Mây, giáp sông và các đường trục chính Khu đô thị Chân Mây, kết nối với đèo Hải Vân,...

Thừa Thiên Huế giao Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với đơn vị, địa phương căn cứ danh mục dự án được phê duyệt, tổ chức kêu gọi các nhà đầu tư tham gia nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định.

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có diện tích 27.108 ha gồm 5 khu chức năng chính là khu cảng, khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu đô thị và khu du lịch. Khu kinh tế nằm tại thị trấn Lăng Cô và các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, có vị trí thuận lợi khi giáp biển Đông, đèo Hải Vân, quốc lộ 1A, kết nối với TP Đà Nẵng về phía nam.

Với định hướng phát triển là đô thị hiện đại, trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng cao cấp; đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao..., Chân Mây - Lăng Cô đang được tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm đầu tư trở thành đô thị động lực quan trọng của khu vực và cả nước.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ,đô thị Chân Mây - Lăng Cô đang được tỉnh quan tâm đầu tư để trở thành đô thị ven biển hiện đại mang tầm khu vực và quốc tế.

Trong quy hoạch xây dựng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đô thị Chân Mây - Lăng Cô được định hướng phát triển thành đô thị loại III; là điểm trung chuyển, liên kết, hỗ trợ cho các cụm cảng Vùng Kinh tế trọng điểm Trung bộ, gồm Chu Lai (Quảng Nam), Tiên Sa, Liên Chiểu (Đà Nẵng), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), tạo thành chuỗi liên kết đô thị ven biển miền Trung, tạo động lực tăng trưởng cho khu vực.

Trong cuộc làm việc với Thừa Thiên Huế vào cuối tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận về thế cạnh tranh của tỉnh so với các địa phương lân cận và lưu ý: “Thừa Thiên Huế cần quy hoạch tốt để phát triển bền vững, cần phải tìm ra thuận lợi và cơ hội so với hai tỉnh, thành phố bên cạnh là Đà Nẵng, Quảng Trị để đi lên...”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, phải làm rõ cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Huế so với Đà Nẵng, Quảng Trị là thế nào để phát triển không bị trùng.

Ngoài việc khai thác tối ưu đặc thù của địa phương, tỉnh Thừa Thiên Huế phải tăng cường các dịch vụ, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và xây dựng công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí…

Nghị quyết số 10-NQ/TU về phát triển KKT Chân Mây - Lăng Cô giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế thông qua. Nghị quyết xác định, đây là một trong những KKT có vị trí chiến lược, nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối thuận lợi với mạch máu giao thông của đất nước, nằm cách Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc - Nam khoảng 6 - 7 km; nằm giữa sân bay Phú Bài và sân bay Đà Nẵng.

Hơn thế, cảng Chân Mây có thể đón tàu du lịch lớn lên tới 50 vạn tấn, kết hợp với đường bộ bởi tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan từ Thừa Thiên Huế đi Đà Nẵng và Dự án Hầm Hải Vân 2 đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị đưa vào khai thác, sẽ tạo thêm nhiều lợi thế cạnh tranh, giúp Chân Mây - Lăng Cô có những bước chuyển mới.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực chiến lược này, đồng thời sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Chân Mây - Lăng Cô thành đô thị loại III.


Tại đây, những dự án lớn như Khu du lịch Laguna Lăng Cô, Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô; Dự án Bến số 2 và Bến số 3 - Cảng Chân Mây; Dự án Hạ tầng Khu công nghiệp - Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây; Dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế; Nhà máy Điện khí LNG Chân Mây… góp phần giúp KKT Chân Mây - Lăng Cô có những bước chuyển tích cực trong tiến trình khẳng định vai trò là khu kinh tế đa ngành.

Để phát huy tiềm năng của Chân Mây - Lăng Cô, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Thừa Thiên Huế phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết để phát triển.

“Đẩy mạnh hợp tác, liên kết, phát huy các tiềm năng, lợi thế riêng có của Thừa Thiên Huế theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung; xây dựng tuyến đường bộ ven biển; hoàn thành cao tốc nối các địa phương trong Vùng; liên kết các cảng biển, cảng hàng không, tạo thành cửa ngõ giao thương quốc tế; phát triển toàn diện các dịch vụ logistics phục vụ miền Trung, Tây Nguyên và các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, hài hòa quy hoạch vùng và các quy hoạch quốc gia trên địa bàn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ.
Bạn đang đọc bài viết Kêu gọi đầu tư 16 dự án vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô hơn 70.000 tỷ đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới