Thứ năm, 28/03/2024 18:23 (GMT+7)

Khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Mekong

MTĐT -  Thứ năm, 02/12/2021 18:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các báo cáo kiểm toán của Việt Nam, Thái Lan và Myanmar phản ánh tình trạng suy thoái nguồn nước sông Mekong kèm theo những ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, đời sống của người dân.

Khac phuc tinh trang o nhiem nguon nuoc song Mekong hinh anh 1
Một đoạn sông Mekong. (Nguồn: luxurycruisemekong.com)

Kiểm toán hợp tác với chủ đề “Kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mekong gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” với sự tham gia của ba cơ quan kiểm toán nhà nước gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar là một trong những kết quả quan trọng minh chứng cho những nỗ lực của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nói chung và Kiểm toán Nhà nước Việt Nam nói riêng trong việc phát triển, chia sẻ kiến thức, hợp tác nâng cao năng lực thực hiện kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững.

Đây cũng là hoạt động thực hiện các cam kết đã đưa ra tại Tuyên bố Hà Nội, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế và những nỗ lực của cộng đồng ASOSAI trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Ứng dụng nhiều phương pháp tiếp cận kiểm toán hiện đại

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) 2018-2021, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã đề xuất và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của kiểm toán nhà nước các nước trong việc triển khai cuộc kiểm toán hợp tác “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mekong gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.”

Việc kiểm toán phối hợp diễn ra trong bối cảnh toàn lưu vực đã và đang phải đối mặt với các thách thức to lớn, những tác động tiêu cực không thể lường trước, bắt nguồn từ hiện tượng biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, cũng như việc quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước thiếu bền vững, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hơn 65 triệu người dân quanh lưu vực sông Mekong.

Cuộc kiểm toán được kỳ vọng đưa ra các kiến nghị và đóng góp tiếng nói với cộng đồng quốc tế, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nước sông Mekong một cách công bằng và hài hòa giữa các quốc gia, hướng tới sự phát triển bền vững chung của toàn lưu vực.

Cuộc kiểm toán được áp dụng hình thức kiểm toán song song, loại hình kiểm toán hoạt động và được tiến hành đồng thời bởi cơ quan kiểm toán nhà nước của ba nước Việt Nam, Thái Lan, Myanmar. Mỗi cơ quan kiểm toán nhà nước lựa chọn phương pháp kiểm toán phù hợp với nhu cầu cũng như mối quan tâm của mỗi nước và phải đảm bảo đạt được mục tiêu chung đã thống nhất.

Đó là việc xác định liệu các quốc gia liên quan có thực hiện đầy đủ các trách nhiệm đã được quy định liên quan đến việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại lưu vực sông Mekong hay không?

Về phương pháp kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, Thái Lan và Myanmar đã ứng dụng hiệu quả những phương pháp tiếp cận kiểm toán hiện đại và phù hợp với thông lệ kiểm toán quốc tế như mô hình kiểm toán các Mục tiêu phát triển bền vững (ISAM) do Cơ quan sáng kiến phát triển của Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế (INTOSAI IDI) xây dựng với phương pháp “Tiếp cận toàn chính phủ.”

Điều này giúp cho các cơ quan kiểm toán nhà nước đánh giá một cách tổng thể, toàn diện hệ thống chính sách, cơ chế vận hành gắn với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững về mức độ gắn kết, tích hợp; tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong quá trình thực thi và kết quả đạt được; mối quan hệ tương hỗ và tác động lẫn nhau giữa các bộ phận liên quan; đồng thời chỉ ra những bất cập, thiếu sót còn tồn tại; qua đó góp phần nâng cao tác động và giá trị mang lại của cuộc kiểm toán.

Ngoài ra, trong quá trình kiểm toán, các cơ quan kiểm toán nhà nước còn chủ động và tích cực trong việc nghiên cứu, vận dụng linh hoạt những phương pháp kiểm toán hiện đại nhằm thu thập các bằng chứng kiểm toán đa dạng, vững chắc, làm cơ sở cho việc đưa ra những phát hiện kiểm toán có giá trị, như ứng dụng công nghệ viễn thám bằng hình ảnh vệ tinh; tổ chức khảo sát trực tuyến đối với các nhóm cư dân khác nhau để đưa ra ý kiến về những tác động đến hệ sinh thái và thủy sản...

Lưu vực sông Mekong đang có dấu hiệu ô nhiễm nguồn nước

Báo cáo tóm tắt kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, Thái Lan và Myanmar cho thấy, Chính phủ các nước đã có sự quan tâm, chú trọng và đưa ra nhiều nỗ lực, giải pháp trong công tác quản lý nguồn nước sông Mekong gắn với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, các báo cáo kiểm toán cũng phản ánh tình trạng suy thoái nguồn nước sông Mekong kèm theo những ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, sinh kế, đời sống của người dân đã và đang diễn ra tại cả ba quốc gia. Kết quả kiểm toán cho thấy chất lượng nước tại một số khu vực thuộc lưu vực sông Mekong đang có dấu hiệu ô nhiễm.

Khac phuc tinh trang o nhiem nguon nuoc song Mekong hinh anh 2
Ngư dân đánh bắt cá trên sông Mekong. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại Việt Nam, tình trạng chất lượng nước mặt, nước ngầm có dấu hiệu bị ô nhiễm vi sinh, nhiễm phèn và có độ mặn cao cũng đã xuất hiện tại một số địa phương. Đặc biệt là vào mùa khô và tại các khu vực thành thị, các khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều cơ sở chế biến, sản xuất hoặc các khu vực tiếp giáp biển.

Nguyên nhân được xác định có thể là do tác động từ hoạt động xả thải trong quá trình sản xuất, sinh hoạt cũng như tình trạng suy giảm lượng nước sông Mekong, dẫn đến thiếu nước ngọt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng tự làm sạch và rửa mặn tự nhiên của dòng sông.

Về lượng nước, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam và Kiểm toán Nhà nước Thái Lan đều ghi nhận tình trạng thiếu nước tại các quốc gia này có xu hướng ngày càng gia tăng.

Trên cơ sở phân tích các số liệu đo đạc, thống kê về mực nước, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam chỉ ra, lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về Đồng bằng sông Cửu Long đang có chiều hướng suy giảm, lượng nước năm 2020 thấp hơn 157 tỷ m3 so với cùng kỳ năm 2011; lượng phù sa, bùn cát về từ thượng nguồn năm 2020 cũng giảm tương ứng 14 triệu tấn so với năm 2017.

Về sinh kế của người dân, Kiểm toán Nhà nước Thái Lan đánh giá “Hiệu ứng dòng nước đói” là nguyên nhân gây ra xói mòn và phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng, nhà ở của người dân dọc theo ven bờ sông, đồng thời đưa ra cảnh báo việc thiếu hụt phù sa cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hệ thống sinh thái trên sông. Kết quả khảo sát của Ủy hội sông Mekong quốc tế cho thấy, 79% hộ gia đình làm nghề nông và ngư nghiệp ở 8 tỉnh dọc theo sông Mekong bị giảm thu nhập do sự biến đổi của nguồn nước.

Các cơ quan kiểm toán nhà nước của ba quốc gia đã đưa các cảnh báo về nguy cơ, rủi ro và hệ quả của tình trạng suy thoái tài nguyên nước sông Mekong, kiến nghị những giải pháp hữu ích, có tính khả thi cao trực tiếp đến Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền liên quan.

Các báo cáo cho biết, những kết quả và kiến nghị kiểm toán sẽ góp phần quan trọng trong việc khắc phục những tồn tại, hạn chế và tăng cường tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý tài nguyên nước, gắn với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của từng quốc gia nói riêng và toàn thể cộng đồng lưu vực sông Mekong nói chung.

Khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố Hà Nội

Có thể khẳng định, cuộc kiểm toán hợp tác quốc tế “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mekong gắn với việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững” đã được chuẩn bị, tổ chức, triển khai thực hiện một cách kỹ lưỡng, bài bản và thành công tốt đẹp.

Đây cũng là cơ hội để các cơ quan kiểm toán nhà nước cùng nhau đánh giá lại những điểm mạnh, điểm yếu và rút ra những bài học kinh nghiệm cho các cuộc kiểm toán hợp tác quốc tế trong tương lai.

Cuộc kiểm toán một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố Hà Nội năm 2018 với thông điệp “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” là văn kiện quan trọng thể hiện tầm nhìn chiến lược của ASOSAI cho giai đoạn 2018-2021, nhằm nâng cao vai trò, vị thế của cơ quan Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong việc hiện thực hóa Chương trình Nghị sự 2030 về mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Đây cũng là nền tảng vững chắc, thúc đẩy việc triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, chia sẻ kiến thức và hợp tác cùng phát triển giữa các nước trong hoạt động kiểm toán môi trường; khẳng định những lợi ích, nỗ lực và đóng góp của cộng đồng ASOSAI cho việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững mà cuộc kiểm toán hợp tác quốc tế “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mekong gắn với việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững” là một trong những minh chứng rõ rệt nhất.

Có thể khẳng định, những nội dung của Tuyên bố Hà Nội sẽ tiếp tục được kế thừa và phát triển như trụ cột ưu tiên trong các văn kiện quan trọng của ASOSAI các giai đoạn tiếp theo, như Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2022-2027 và Tuyên bố Bangkok.

Đặc biệt, việc thực hiện cuộc kiểm toán trong bối cảnh dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp trên phạm vi quốc tế và khu vực châu Á đã đặt ra cho các cơ quan kiểm toán cần phải có biện pháp triển khai kiểm toán phù hợp và thích ứng tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể.

Một trong những phương pháp hiệu quả đã được các cơ quan kiểm toán nhà nước áp dụng trong cuộc kiểm toán đó là việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, qua đó, giúp các kiểm toán viên có thể thực hiện kiểm toán từ xa thông qua trao đổi, truy cập, trích xuất và phân tích các dữ liệu cần thiết mà không cần phải xuống trực tiếp đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các phương pháp tiếp cận kiểm toán phù hợp với thông lệ quốc tế là rất cần thiết. Đồng thời, việc áp dụng Mô hình kiểm toán các Mục tiêu phát triển bền vững là yếu tố quan trọng trong việc định hướng, giúp các kiểm toán viên xem xét, đưa ra những phân tích, đánh giá mang tính chất tổng thể, toàn diện đối với công tác xây dựng, triển khai hệ thống chính sách về quản lý tài nguyên nước, thay vì chỉ đánh giá hoạt động của một đơn vị hay chương trình đơn lẻ. Điều này đã góp phần nâng cao giá trị của các kết quả và kiến nghị kiểm toán một cách rõ rệt./.

Bạn đang đọc bài viết Khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Mekong. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.