Khai khoáng đáy biển sâu: Cần lắm những bước đi thận trọng!
Đáy biển sâu với trữ lượng khoáng sản khổng lồ hứa hẹn trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Các nhà khoa học cảnh báo việc khai thác đáy đại dương có thể gây ra thiệt hại môi trường không thể phục hồi cho Trái đất.
Nguồn tài nguyên khổng lồ
Cả thế giới đang có những quyết sách nhằm tăng cường khai thác các nguyên liệu thô quan trọng cho công cuộc chuyển đổi năng lượng. Hoạt động khai thác diễn ra khắp nơi trên đất liền, nhưng một số người nói rằng họ đang nhìn ra một nguồn khoáng sản phong phú hơn nhiều: đáy biển sâu.
Vài nghìn mét dưới mực nước biển, đáy đại dương có rải rác hàng triệu nốt sần đa kim, mỗi nốt có kích thước gần bằng một củ khoai tây lớn, chứa các khoáng chất như mangan, sắt, niken, đồng và coban. Những nốt sần đa kim này từng được con người biết đến cách đây hơn 100 năm, nhưng đến giờ, việc khai thác chúng mới trở thành đề tài nóng bỏng, cấp thiết khi không chỉ châu Âu, mà cả thế giới, đang hướng đến những nguồn năng lượng mới thay thế dầu khí.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán rằng đến năm 2040, nhu cầu về đồng và các nguyên tố đất hiếm của thế giới có thể tăng 40%, trong khi nhu cầu về niken và coban sẽ tăng 60% và lithium tăng 90%. Đây đều là những nguyên liệu quan trọng cho việc sản xuất pin và các thành phần quan trọng khác của năng lượng tái tạo, chẳng hạn như nam châm trong tua bin gió.
Theo Oliver Gunasekara, Giám đốc điều hành công ty khai khoáng Impossible Metal có trụ sở tại Mỹ, việc khai thác tài nguyên từ đáy biển ít gây hại cho môi trường hơn so với trên mặt đất. “Chúng ta cần một lượng lớn kim loại để có thể rời xa nhiên liệu hóa thạch… Vì vậy câu hỏi đặt ra là nên khai thác chúng ở đâu để ít tác động nhất. Tôi tin rằng tác động của khai thác dưới biển sâu ít hơn đáng kể so với các giải pháp thay thế trên đất liền”, ông Gunasekara cho biết.
Impossible Metal là một trong nhiều công ty khai khoáng đang nỗ lực vận động cho việc “làm giàu” từ đáy biển. Tại một vùng biển ngoài khơi Thái Bình Dương được gọi là Đới đứt gãy Clarion-Clipperton nằm giữa Hawaii và Mexico, The Metals, một công ty khai khoác có trụ sở tại Vancouver (Canada) đang tiến hành các hoạt động thăm dò vùng đáy biển có độ sâu từ 3.500 đến 5.000 mét. The Metals đã đào bới khoảng 3.600 tấn đất đá để đánh giá trữ lượng mangan, niken và coban ở những nốt sần đa kim phủ khắp bề mặt đáy biển của khu vực này.
Tạp chí The Mining, ước tính có khoảng 21 tỷ tấn nốt sần đa kim đang nằm dưới đáy Đới đứt gãy Clarion-Clipperton (CCZ), trên một khu vực trải dài hơn 5.000 km và hiện có gần 20 công ty khai khoáng quốc tế có hợp đồng thăm dò ở đây.
Nguy cơ về thảm họa môi trường
Đới đứt gãy Clarion-Clipperton (CCZ) và những vùng nước có độ sâu hàng nghìn mét, được gọi là vùng đáy biển sâu, thường nằm ngoài quyền tài phán của các quốc gia nhưng cũng trùng hợp là nơi có các hệ sinh thái dễ bị tổn thương.
Các nhà nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng 90% sinh vật biển sống gần các nốt sần đa kim là loài mới. Các nhà nghiên cứu từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London đã phân tích các mẫu động vật sống ở tầng đáy được thu thập trong các chuyến thám hiểm tới khu vực CCZ. Trong số 5.578 loài được tìm thấy ở đây, từ 88% đến 92% là loài mới đối với khoa học, theo bài báo được công bố hôm 25/5 vừa qua trên tạp chí Current Biology.
Adrian Glover, một tác giả của nghiên cứu, đã dành vài tháng trên biển để thu thập các mẫu vật. Ở độ sâu trung bình hơn 4.000 mét dưới đáy biển vẫn chứng kiến động vật phát triển mạnh. Glover cho biết nhiều loài trong đó hoàn toàn mới đối với giới khoa học và rất có giá trị vì chúng có thể chứa các hợp chất hóa học có khả năng điều chế thành thuốc chống ung thư, kháng nấm hoặc kháng virus.
Những phát hiện của nhóm nghiên cứu đã phản bác các ý kiến cho rằng khu vực đáy biển sâu là một vùng đất hoang về sinh thái. Và do đó, việc khai thác đáy biển sâu hoàn toàn có thể phá vỡ môi trường sống của những loài sinh vật mới này, thậm chí khiến chúng tuyệt chủng.
Chung quan điểm, Tiến sĩ Diva Amon, giám đốc của SpeSeas - một nhóm bảo tồn đại dương có trụ sở tại Trinidad & Tobago, đồng thời là nhà nghiên cứu tại Đại học California (Mỹ) cũng cảnh báo các hoạt động khai thác đáy biển sâu có thể gây ra thảm họa môi trường cho Trái đất. “Đáy biển sâu là một kho đa dạng sinh học và đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, cung cấp nơi sinh sản và kiếm ăn cho cá. Hành tinh này sẽ không giống như chúng ta đang thấy nếu không có hệ sinh thái đáy biển sâu”, tiến sĩ Amon viết trên New York Times.
Nhà khoa học này nói thêm: “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc khai thác hàng trăm nghìn dặm vuông dưới đáy biển sau có thể gây ra thiệt hại không thể phục hồi đối với sức khỏe đại dương. Những cỗ máy khổng lồ sẽ được gửi xuống để nạo vét khoáng chất - và mọi thứ khác trên đường đi của chúng - tạo ra những đám trầm tích lan rộng nhiều dặm vào vùng nước xung quanh và phát ra tiếng ồn, ánh sáng sẽ làm xáo trộn hệ sinh thái tối tăm, tĩnh lặng dưới đáy đại dương”.
Một phân tích gần đây trên tạp chí The Nature thậm chí còn chỉ ra nguy cơ phát tán phóng xạ từ việc khai thác các nốt sần đa kim. “Có ba cách tiếp xúc với bức xạ từ các nốt sần, bao gồm hít hoặc nuốt phải các nốt sần, hít khí radon trong không gian kín và nồng độ tiềm năng của một số đồng vị phóng xạ trong quá trình xử lý nốt sần. Nhìn dưới lăng kính này, việc xử lý các nốt sần đa kim không phù hợp sẽ gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe”, bài viết trên The Nature cho hay.
Trong khi đó, Monica Verbeek, giám đốc điều hành của nhóm bảo vệ đại dương Seas At Risk có trụ sở ở Brussels (Bỉ), nhận định trên tạp chí Politico: “Sẽ là một sai lầm tuyệt đối nếu cố gắng chống lại khủng hoảng khí hậu bằng cách làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học”. Theo bà Verbeek, một trong những rủi ro tiềm ẩn là việc khai thác quy mô công nghiệp có thể phá vỡ chu trình carbon của đại dương, giải phóng CO2 bị mắc kẹt trong trầm tích đáy biển.
Cần những cú hãm phanh kịp thời
Hiện tại, Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế (ISA), một tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc với 168 thành viên, đang chịu trách nhiệm điều chỉnh hoạt động thăm dò và khai thác khoáng sản dưới đáy biển sâu. Nói cách khác, ISA chính là nơi cấp phép cho các công ty khai khoáng quốc tế thăm dò ở đáy biển.
Những hoạt động này, về mặt kỹ thuật, cũng phải được tài trợ bởi một quốc gia trong khu vực liên quan. Chẳng hạn như trường hợp của The Metals. Hơn một thập kỷ trước, The Metals, thông qua một công ty con, đã thuê hòn đảo Nauru nhỏ bé ở Thái Bình Dương, làm nhà tài trợ cho việc thăm dò và khai thác đáy biển ở CCZ.
Sau quá trình khai thác thử nghiệm, The Metals đang lên kế hoạch thu gom 1,3 triệu tấn nốt sần đa kim mỗi năm trước khi tăng lên khoảng 11,3 triệu tấn/năm ở đỉnh điểm. Quá trình khai thác của The Metals dự kiến kéo dài khoảng hai thập kỷ và thu về cho công ty khoản lợi nhuận lên đến 31 tỷ USD.
Mối lợi kinh tế khổng lồ khiến những tập đoàn lớn gây sức ép mạnh mẽ lên ISA. Gần đây hơn, Nauru, thay mặt cho The Metals, viện dẫn một điều khoản buộc ISA phải giải quyết các quy định về môi trường trước tháng 7 tới. Nếu cơ quan quản lý bỏ lỡ hạn ấy, The Metals có thể nộp đơn xin bắt đầu khai thác, ngay cả khi không có quy định cụ thể.
Dự kiến vào tháng 7 tới, ISA sẽ tổ chức cuộc họp nhằm quyết định xem có cấp phép khai thác cho các công ty hay không. Lúc này, bên cạnh nỗ lực vận động, gây áp lực từ các tập đoàn khai khoáng thì cũng có rất nhiều tiếng nói phản đối hoạt động này.
Hơn 700 nhà khoa học trên khắp thế giới mới đây đã ký một tuyên bố kêu gọi trì hoãn khai thác dưới biển sâu. Một số công ty và ngân hàng lớn cũng cam kết ủng hộ giới khoa học hoặc tạo ra các chính sách loại trừ tài trợ cho khai thác dưới biển sâu. Một số nhà sản xuất ôtô còn cho biết họ sẽ không sử dụng pin xe điện làm từ khoáng chất dưới đáy biển.
Hiện có 12 quốc gia thành viên của ISA cũng chính thức kêu gọi cấm khai thác đáy biển sâu. Tây Ban Nha và Đức đã yêu cầu tạm dừng các hoạt động khai thác dưới biển sâu để phòng ngừa cho đến khi các nhà khoa học có thể chứng minh rằng nó vô hại. Pháp thậm chí còn đi xa hơn khi thúc đẩy lệnh cấm hoàn toàn. Hội đồng Liên minh Châu Âu (EC) - đại diện cho tất cả các nước thành viên - cũng yêu cầu ISA “thiết lập một cơ chế quản lý hợp lý” để đảm bảo bất kỳ hoạt động nào như vậy “sẽ không gây ra tác động có hại cho môi trường biển”.
Cơ chế mà EC nhắc đến vốn đã được thảo luận trong hơn một thập kỷ song chưa có kết quả. Bây giờ, những áp lực từ nhiều phía có thể buộc ISA phải hoàn thiện các quy tắc môi trường ngay tại cuộc họp tiếp theo của tổ chức này vào tháng 7, hoặc muộn nhất là tại cuộc họp sau đó diễn ra vào tháng 10. Nhưng với nhiều nhà khoa học, mọi quy định đưa ra lúc này đều là vội vàng khi nhân loại còn biết quá ít về hệ sinh thái đáy biển sâu.
Bất cứ hành xử thiếu thận trọng nào với đáy biển sâu cũng có thể phải trả cái giá rất đắt. Hay nói như Sir David Attenborough, nhà sinh vật học và lịch sử tự nhiên nổi tiếng người Anh thì “việc đổ xô khai thác môi trường nguyên sơ và chưa được khám phá dưới đáy đại dương có nguy cơ tạo ra những tác động khủng khiếp không thể đảo ngược đối với hành tinh này”.
Theo Quang Anh / An ninh thế giới