Thứ bảy, 20/04/2024 10:29 (GMT+7)

Khai thác cát, hãy dừng lại trước khi quá muộn! Kỳ 3: Sẽ không còn cát về đồng bằng

MTĐT -  Thứ năm, 10/08/2017 14:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quá trình phù sa, cát từ thượng nguồn sông Mê Công về đồng bằng sông Cửu Long trải qua quãng đường hơn 250km và mất đến hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm mới tạo nên địa hình ổn định của đáy sông. Trong vòng 15 năm qua, khai thác cát trên hai con sông Tiền, sông Hậu ở đồng bằng đã làm mất đi hơn 200 triệu tấn cát, khiến đáy sông hạ thấp trung bình 1,3m. Sạt lở diễn biến trên diện rộng là do tình trạng mất cân bằng phù sa, nhất là cát. Khi các đập thủy điện trên sông Mê Công đi vào hoạt động thì sẽ không còn hạt cát nào về vùng hạ lưu châu thổ Cửu Long được nữa.

Bồi lắng trăm năm, khai thác hơn thập kỷ

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường đại học Cần Thơ cho rằng, quy luật tự nhiên xưa nay “sông sâu bên lở bên bồi”.

Tuy nhiên, phần bồi lúc nào cũng lớn hơn, nhiều hơn phần lở. Đó chính là nguyên nhân hình thành nên đồng bằng châu thổ Cửu Long. Bởi đồng bằng này được bồi đắp từ phù sa, cát và trầm tích. Cát đi đến đồng bằng sông Cửu Long đôi khi mất hàng chục đến hàng trăm năm. Bởi vì cát từ thượng nguồn ở Trung Quốc đi xuống Myanmar, qua Lào, nó nằm dưới đáy sông.

“Mỗi năm mùa lũ nước mới đưa đi một ít cát, mùa khô nó nằm lại, mùa lũ năm sau nó mới đẩy đi một chút xíu nữa. Thời gian dịch chuyển cát mà chúng ta có được bây giờ, đôi khi cát đó nó có cỡ mấy chục hoặc là hơn 100 năm về trước, nó mới đến đồng bằng này. Mất thời gian rất dài bồi lắng hơn 100 năm như thế, nhưng chúng ta khai thác chỉ hơn chục năm, hai chục năm thì mỏ cát biến mất đi. Không có cát bồi đắp thì sạt lở gia tăng lên”, ông Tuấn giải thích.

Cũng theo lý giải của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, trong ngành khoa học Thủy lợi, người ta nói rằng nước lũ mà có nhiều phù sa thì chảy chậm hơn. “Người ta nói “dòng sông mang nặng phù sa là vậy”. Mà cái gì mang nặng thì nó chạy chậm. Giờ phù sa ít đi thì vận tốc dòng chảy gia tăng lên. Trong ngành thủy lợi chúng tôi dùng từ rất dễ hiểu là “nước đói phù sa”. Mà khi nước “đói” chảy nhanh hơn. Chúng ta hình tượng là, cái gì đói thì nó tìm cách ăn. Ăn hai bên bờ sông hay ăn dưới đáy sông, tức là phải lấy thêm đất cát để cho “no”. Giống như một xe tải chở nặng thì chạy chậm, khi không chở gì nó có thể chạy nhanh hơn, nhưng khả năng va chạm hai bên bờ sẽ gia tăng lên”, vị chuyên gia phân tích.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, vẫn cần cát để làm xây dựng, nhà cửa, đường xá. Nhu cầu này hiện nay càng tăng lên và người ta đã khai thác vượt khả năng của tự nhiên, sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.

Ông Thiện dẫn chứng, trong vòng 15 năm qua, trên hai con sông Tiền, sông Hậu ở đồng bằng đã mất đi hơn 200 triệu tấn cát, làm cho đáy sông hạ thấp trung bình 1,3m. Sạt lở diễn biến trên diện rộng là do tình trạng mất cân bằng phù sa, nhất là cát.

“Nguyên nhân sâu xa hơn để giải thích hiện tượng sạt lở trên diện rộng ở đồng bằng sông Cửu Long là sự mất cân bằng trên toàn hệ thống. Đó là sự giảm phù sa mịn, phù sa lơ lửng trong nước và giảm cát, do các thủy điện chặn phù sa trong dòng nước chảy về và do khai thác cát ở các quốc gia trên sông Mê Công từ Lào, Thái-lan, Campuchia xuống Việt Nam”, ông Thiện nhận định.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường đại học Cần Thơ cảnh báo, lớp cát dưới đáy sông như phần xương sống của cơ thể, nếu không có lớp cát thì hai bên bờ sông sẽ lở khủng khiếp. Cát là yếu tố quan trọng thiết kế địa hình đáy sông, điều tiết dòng chảy, vận tốc dòng chảy và độ xoáy dòng chảy. Hiện nay, lượng cát về không đủ nên bờ biển của đồng bằng đang bị xói lở dữ dội.

Đừng tự ăn vào da thịt mình!

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết, hiện có dư luận rằng, sạt lở ở Vàm Nao, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang và khu vực xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp là do những hố xoáy, hố sâu là chưa chuẩn xác.

Bởi Đồng bằng sông Cửu Long có 22 hố sâu từ 13 - 44m, theo tài liệu báo cáo kỹ thuật số 31 của Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Mà những hố sâu này đã có từ nghìn đời rồi, trong Gia định Thành thông chí cũng có ghi chép. Những hố sâu này là một phần tự nhiên của hệ thống sông Mê Công với gần 500 hố, hố sâu nhất đến 90,5m ở Champaksak, phía nam Lào. Hay như ở huyện Sampo gần biên giới Campuchia với Lào có khoảng 90 hố, hố sâu nhất ở đó là 80,5m. Còn hố sâu phía bên dưới TP Phnom Penh dài tới 18,5km. Ông Thiện giải thích cơ chế hoạt động của hố sâu tự nhiên, vào tháng 7 - 8 khi nước sông dâng lên, nước mang cát vào lấp khoảng 20 - 30% chiều sâu hố. Vào tháng 8 - 9, khi nước sông Mê Công mạnh thì nạo vét cát trong đó mang đi xuống phía dưới, duy trì cái hố tự nhiên này. Bây giờ, phía trên khai thác cát làm cho thiếu cát đi, nên cát không dịch chuyển vào trong hố được thì cái hố bị đói cát. Tháng 7 - 8 không còn nhận cát được, thì tháng 8 - 9 nó vẫn nạo vét mà nạo vét vào bờ, tạo hàm ếch, âm thầm gây sụp bất ngờ ở phía trên.

“Con người khai thác cát là hố nhân tạo, khác hoàn toàn với hố tự nhiên. Những chỗ khai thác cát tạo hố sâu khoảng 15m, rộng vài ha. Hố này do con người tạo ra, không có động lực nước nạo vét cát đi. Vào tháng 8 - 9, cát năm sau về dưới đáy sông gặp hố nhân tạo này thì bị bắt giữ lại và nó làm cho những hố khai thác cát phía dưới bị đói cát, gây sạt lở. Cho nên việc khai thác cát ở một nơi nhưng nó gây sạt lở hàng trăm km ở phía hạ lưu và gây sạt lở bờ biển; không thể nói ở nơi nào không khai thác cát thì sạt lở không phải do khai thác cát gây ra. Khai thác cát gây sạt lở hàng trăm km trên toàn hệ thống sông”, ông Thiện khẳng định.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng, phải có quyết sách về vấn đề sử dụng cát. Sai lầm nếu nghĩ cát là vô hạn, nên cho khai thác bừa bãi, không kiểm soát. Khi khai thác thì các doanh nghiệp họ thu lợi rất lớn còn người dân bị ảnh hưởng.

“Nhất là tuyệt đối không được khai thác cát để bán cho nước ngoài, chảy máu tài nguyên. Vì chúng ta bán tài nguyên khó tái tạo được trong tương lai. Điều lo ngại là khi các đập thủy điện trên dòng chính Mê Công hình thành sẽ tiếp tục làm cho phù sa giảm đi. Phù sa chúng ta nói ở đây có hai dạng: thứ nhất là cát di chuyển dưới đáy, thì những đập thủy điện giữ lại hoàn toàn; còn phù sa lơ lửng, trôi theo dòng nước nó cũng bị giảm đi”, ông Tuấn thông tin.

Đồng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết thêm, với sự mất cân bằng hệ thống do thiếu hụt phù sa thì khuynh hướng sạt lở sẽ diễn ra ngày càng trầm trọng hơn, mà khó có thể đảo ngược được, cho đến khi tìm được điểm cân bằng mới. “Cái điểm cân bằng mới này có thể rất xa, vì theo dự báo, khi có thêm 11 đập thủy điện ở phía hạ lưu thì lượng phù sa hiện nay đã giảm 50% rồi, sẽ giảm thêm 50% nữa, nghĩa là chỉ còn bằng ¼ lượng cũ, trước năm 1992. Và cát đi dưới đáy sông bị cắt đứt 100%. Trong tương lai, khi có 11 đập thủy điện thì không còn một hạt cát, một viên sỏi nào về đồng bằng. Đó là bài toán cho trước, đòi hỏi chúng ta giải bài toán trong tương lai để khai thác cát thế nào mà vẫn giữ được bờ sông, bờ biển”, ông Thiện nói.

Trước việc nhiều tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, giá cát tăng cao bất thường như hiện nay là do cung không đủ cầu, do tình trạng siết chặt quản lý, cấp phép khai thác cát. Vì thế lãnh đạo các tỉnh đề xuất giải pháp tăng cường khai thác cát để “giải bài toán” sốt giá cát. Giải pháp này cũng vấp phải nhiều phản ứng của các nhà khoa học.

“Nguồn cát khan hiếm, giá cát tăng lên là chuyện thế nào cũng xảy ra. Chúng ta nói là sợ giá cát tăng lên nên tăng cường khai thác cát tức là chúng ta đang ăn vào thịt của chúng ta”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện bày tỏ quan điểm.

Khai thác như hiện nay cát sẽ cạn kiệt

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành, địa phương về hoạt động khai thác cát, sỏi diễn ra ngày 6-7. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch thăm dò, khai thác đã được phê duyệt theo quy định; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính cấp huyện, xã để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép.

“Việc này vừa thất thoát tài nguyên, vừa tác động xấu đến các công trình ven bờ, gây nguy hiểm tính mạng, tài sản của người dân, gây bức xúc trong nhân dân. Vì khai thác cát như hiện nay thì nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt, gây ra tình trạng sạt lở, thay đổi dòng chảy tự nhiên”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kết luận.

Theo Báo Nhân dân

Bạn đang đọc bài viết Khai thác cát, hãy dừng lại trước khi quá muộn! Kỳ 3: Sẽ không còn cát về đồng bằng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ