Thứ năm, 28/03/2024 19:14 (GMT+7)

Khẩu trang dùng một lần: Mối nguy hại với người thu gom rác

Lam Vy -  Thứ hai, 19/07/2021 19:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khẩu trang y tế đã qua sử dụng không được vứt đúng nơi quy định lại tiềm ẩn nguy cơ cao phát tán và lây lan dịch bệnh và trở thành gánh nặng đối với môi trường.

Dịch bệnh COVID-19 ở nước ta đang có những diễn biến ngày càng phức tạp, số lượng ca nhiễm mới tăng cao chỉ trong thời gian ngắn. Người dân được khuyến cáo thực hiện nghiêm quy định 5K, không ra khỏi nhà khi không có việc gì thật sự cần thiết và điều bắt buộc là phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà để đảm bảo sức khoẻ cho chính mình và những người xung quanh.

Chính vì vậy, những chiếc khẩu trang y tế dùng một lần luôn là vật bất ly thân của nhiều người bởi tính tiện ích, giá thành rẻ...Nhưng bên cạnh những mặt lợi đó, khẩu trang y tế đã qua sử dụng không được vứt đúng nơi quy định lại tiềm ẩn nguy cơ cao phát tán và lây lan dịch bệnh và trở thành gánh nặng đối với môi trường.

Chúng ta không khó để bắt gặp những chiếc khẩu trang y tế đã qua sử dụng vứt bừa bãi ở trên các góc phố, vỉa hè. Đó là do ý thức của một bộ phận người dân chưa có ý thức phòng tránh dịch bệnh và ý thức bảo vệ môi trường. Họ vô tư vứt những chiếc khẩu trang đã dùng ra đường, sự vô tư của họ rất có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới những công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác.  

Bởi những chiếc khẩu trang được thu gom cùng với rác thải sinh hoạt, khiến nguy cơ mất vệ sinh và tiềm ẩn lây nhiễm bệnh dịch khá cao.

Những chiếc khẩu trang được thu gom cùng với rác thải sinh hoạt, khiến nguy cơ mất vệ sinh và tiềm ẩn lây nhiễm bệnh dịch khá cao. (Ảnh:Internet).

Thường xuyên quét rác và thu gom rác trên tuyến đường Xuân Thuỷ, Cầu Giấy. Chị Đ.T.H (Công nhân vệ sinh môi trường của Công Ty Cổ Phần Môi Trường & DV Đô Thị Vĩnh Yên) chia sẻ với PV : “  Tôi thường làm khung giờ buổi chiều tối tại tuyến đường này, cứ sau mỗi ca làm, số lượng khẩu trang đã dùng vứt ra đường nhiều lắm, đây là tuyến đường gần các trường Đại học, lại gần chợ Nhà Xanh nên rác vứt ra cũng nhiều hơn. Không chỉ là rác khẩu trang, nhiều khi những thức ăn thừa, đồ uống còn dở được vứt bỏ tại nhiều gốc cây, ven đường, trời nắng nóng nên dễ bốc mùi, mất vệ sinh.

Mỗi công nhân làm nhiệm vụ này phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm cao, đặc biệt là khi dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp. Trong khi, đồ bảo hộ được trang bị cũng chỉ có tính tương đối, không thể phòng tránh tuyệt đối được dịch bệnh. Nên chúng tôi mong muốn, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, không xả rác, vứt rác bừa bãi. Đồng thời, mong muốn Nhà nước hỗ trợ, ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho những người làm nhiệm vụ này, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm bệnh..." .

Với việc dùng khẩu trang vải hay khẩu trang y tế trong việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh Covid-19 là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, với những người dân chưa có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, vứt bỏ bừa bãi  khẩu trang đã dùng tại nơi làm việc, đường phố sẽ gây lên nhiều nguy cơ tiềm ẩn khiến dịch bệnh bùng phát rất cao.

Đặc biệt là khi dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, tốc độ lây nhiễm nhanh như hiện nay, những chiếc khẩu trang bị vứt bừa bãi, nếu có virus hoặc những mầm bệnh, rất dễ phát tán ra môi trường và làm mất mỹ quan đường phố.

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, các loại khẩu trang dùng 1 lần không có khả năng tiêu diệt các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm. Sau khi dùng và bỏ đi, chính các khẩu trang thải bỏ này là nơi phát sinh nguồn bệnh vì các loại siêu vi, vi khuẩn, nấm vẫn tiếp tục sinh sôi, nảy nở trong lớp sợi của khẩu trang và nguy cơ cao phát tán mầm bệnh trong môi trường.

Cùng với đó, khẩu trang y tế làm bằng các chất liệu vải không dệt khá bền nên rất khó phân hủy ở môi trường tự nhiên. Theo tính toán, trọng lượng bình quân của một chiếc khẩu trang y tế 3 lớp khoảng 30g, nếu dựa trên ước tính mỗi ngày có 100 triệu chiếc khẩu trang y tế 3 lớp thải bỏ thì mỗi ngày có 300 tấn rác thải loại này, tương đương 9.000 tấn/tháng, một con số không nhỏ mang đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và phát tán mầm bệnh.

Theo PGS.TS  Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, khẩu trang y tế chính là một mối lo lớn của mẹ thiên nhiên bởi có thành phần nhựa nên rất khó phân huỷ.

Khẩu trang y tế dùng một lớp vải nhựa, nên khi vứt ra môi trường sẽ làm gia tăng khối lượng nhựa trong môi trường. Việc thu gom rồi đốt sẽ là một trong những giải pháp khả thi. Còn nếu cứ thế mà vứt ra môi trường thì có thể đến vài trăm năm chúng mới phân hủy.

Theo chia sẻ từ các chuyên gia y tế, người dân không nên lạm dụng khẩu trang y tế mà có thể sử dụng khẩu trang vải trong cuộc sống thường ngày. Như vậy, vừa bảo vệ được sức khỏe bản thân, vừa làm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường tự nhiên cũng như hạn chế mất cân bằng cung - cầu trong thị trường khẩu trang y tế.

Bạn đang đọc bài viết Khẩu trang dùng một lần: Mối nguy hại với người thu gom rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.