Thứ sáu, 29/03/2024 06:46 (GMT+7)

Khí carbon giảm nhờ COVID-19 không đủ để cứu bầu khí quyển

MTĐT -  Thứ hai, 15/06/2020 14:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù việc hạn chế đi lại và ngưng các hoạt động sản xuất đã giúp lượng khí carbon giảm đáng kể nhưng theo các chuyên gia, so với lượng CO2 trong khí quyển hiện có thì chỉ như muối bỏ bể.

Thế giới vẫn đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu khi lượng carbon dioxide (CO2) gia tăng trong khí quyển vẫn đang đạt mức cao nhất từ trước tới nay, mặc dù các phương tiện cơ giới ít hoạt động và sản xuất công nghiệp được tạm ngưng để ngăn chặn dịch COVID-19.

Vào ngày 3/5, lượng CO2 đạt mức cao chưa từng thấy trong hơn 60 năm trở lại đây, theo báo cáo của Cơ quan khí tượng Vương quốc Anh và Viện Hải dương học Scripps (Mỹ) trên tạp chí khoa học Carbon Brief ngày 7/5.

Chỉ vài tuần sau khi thế giới thực hiện phong tỏa biên giới, cách ly xã hội và tạm ngừng nhiều hoạt động kinh doanh sản xuất, nhiều báo cáo khoa học khí tượng đã cho thấy những thay đổi đáng kinh ngạc về chất lượng không khí tại nhiều quốc gia.

Những thành phố đầy khói bụi trước đó tại Trung Quốc, Ấn Độ trở nên trong lành, quang đãng; những dòng sông trước đây đục ngầu ở Ý đã trong veo tới nỗi từng đàn cá rủ nhau về.

Trong một tuần vào tháng 4, Mỹ đã cắt giảm lượng carbon dioxide được khoảng 1/3. Trung Quốc, nước phát thải lớn nhất thế giới, đã giảm ô nhiễm carbon gần một 1/4 vào tháng 2. Ấn Độ và châu Âu cắt giảm phát thải lần lượt 26% và 27%.

Nhưng theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu giảm trong năm nay do dịch COVID-19 chỉ khoảng 8%. So với mức 415 phần triệu cuối năm 2019 và 418,12 phần triệu (ppm) lượng khí thải CO2 mà Đài quan sát Mauna Loa (Hawaii) đo được trong tháng 5 này thì chẳng khác nào muối bỏ bể.

Các dữ liệu nghiên cứu cho thấy giảm phát thải khí nhà kính tạm thời khi mọi người ở nhà trong đại dịch không đủ để cứu bầu khí quyển vì việc đốt nhiên liệu hóa thạch đã diễn ra từ rất lâu.

Một điều quan trọng là CO2 có thể tồn tại trong khí quyển hàng trăm đến hàng ngàn năm sau khi nó thoát khỏi các nhà máy và ống xả phương tiện cơ giới. 8% lượng khí mất đi trong vài tháng chẳng thể xóa đi những gì chúng ta tác động vào môi trường và khí quyển trong 100 năm qua. Nó có thể làm chậm sự biến đổi khí hậu nhưng không đáng kể.

Tháng 5 là thời điểm quan trọng vì đó là khi mức độ CO2 trong khí quyển thường đạt mức cao nhất. Mức độ này thường dao động trong suốt cả năm theo các mùa. Vào mùa xuân và hè, lá cây tại các cánh rừng rộng lớn ở Bắc bán cầu giải phóng lượng CO2 rất lớn khi phân hủy sau khi đã rụng xuống từ mùa thu, đông trước đó.

Đó là lý do mà dù có những báo cáo tích cực về chất lượng không khí nhưng thế giới không nên vì thế mà vui mừng sớm. Chúng ta vẫn đang đối diện nguy cơ tổn hại chất lượng cuộc sống rất lớn do biến đổi khí hậu.

Nồng độ CO2 trong khí quyển vẫn tiếp tục tăng

Theo Zhu Liu tại Đại học Tsinghua, Trung Quốc, chỉ khi chúng ta giảm lượng khí thải nhiều hơn mức này thì mới có thể thấy được sự suy giảm nồng độ CO2 khí quyển. Nghĩa là, chúng ta có thể cần phải giảm khoảng 20% lượng khí thải trong cả năm trên toàn thế giới (bằng với mức giảm trong tháng 4/2020), tuy nhiên thế giới cũng không thể duy trì được trạng thái này trong một thời gian dài.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA ước tính đến cuối năm 2020, lượng khí thải toàn cầu sẽ giảm khoảng 8% so với năm ngoái. Điều này có nghĩa là sẽ giảm được khoảng 2,6 tỷ tấn cacbon thải vào khí quyển. Nhưng điều đó không có nghĩa là vấn đề CO2 đã được giải quyết.

Biến đổi khí hậu là một vấn đề tích lũy từ quá khứ. Nó không giống như những loại ô nhiễm khác, như vứt rác xuống sông và sau đó ngừng lại là vấn đề được giải quyết. Đây là vấn đề của toàn bộ lượng khí thải mà con người đã thải ra trong quá khứ.

Một sự kiện toàn cầu như Covid-19 đã đẩy lượng khí thải xuống 17%, nhưng hơn 80% lượng khí thải vẫn được tiếp tục thải vào khí quyển, vì vậy nồng độ CO2 trong khí quyển vẫn tiếp tục tăng. Nói tóm lại, mặc dù lượng khí thải đã giảm, CO2 vẫn được thải ra và tích tụ ở trong khí quyển Trái đất.

Tiến sĩ Joeri Rogelj, giảng viên về biến đổi khí hậu tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn cho biết: "Đối với khí hậu, việc giảm phát thải trong tháng này hoàn toàn không đáng kể. Thậm chí tệ hơn khi các biện pháp kích thích kinh tế được công bố và có nguy cơ cao là các chính phủ bắt đầu đầu tư vào các lĩnh vực gây ô nhiễm cao".

Giáo sư khí hậu học Mark Maslin, Đại học College, London nói: "Nếu chúng ta hạn chế sự nóng lên toàn cầu chỉ ở mức 1,5 độ C thì cần phải cắt giảm toàn cầu ít nhất 7% mỗi năm trong 30 năm tới. Đại dịch cho chúng ta thấy rằng những thay đổi lớn về cấu trúc trong hệ thống giao thông và năng lượng là bắt buộc".

Minh Tuệ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Khí carbon giảm nhờ COVID-19 không đủ để cứu bầu khí quyển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.