Thứ sáu, 29/03/2024 01:05 (GMT+7)

Kho bạc Nhà nước Gia Lai - Một quyết định mang tính cưỡng bức (Kỳ 3)

MTĐT -  Thứ ba, 14/06/2016 11:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau khi ký 2 bản quyết định kỷ luật CBCC gây nhiều tranh cãi, ngày 1/6/2016 ông Giám đốc Trương Đăng Phước đã nhận quyết định nghỉ hưu.

Coi như ông đã hạ cánh an toàn sau khi hết nhiệm kỳ, tuy nhiên hậu quả mà ông để lại cho người kế nhiệm sẽ là những những vụ khiếu nại triền miên nếu KBNN không có cách xử lý hợp tình và đúng pháp luật. Chúng tôi cũng đã có một số cuộc gặp gỡ với lãnh đạo huyện Chư Păh, KBNN Chư Păh, KBNN Gia Lai để tìm hiểu thêm về vấn đề này.

Đã sai lại càng sai

Trong các số báo ngày 25 và 30/5/2016, chúng tôi đã phân tích rất kỹ những sai phạm của ông Giám đốc KBNN Gia Lai Trương Đăng Phước khi đặt bút ký bản quyết định số 328/QĐ-KBGL ngày 25/4/2016 về việc kỷ luật bà Phan Thị Thúy Phượng.

Không đồng ý với một văn bản trái pháp luật và không có giá trị thực hiện đối với bản thân mình, ngày 9/5/2016 bà Thúy Phượng đã gửi đơn khiếu nại lần thứ nhất lên Giám đốc KBNN Gia Lai. Tuy nhiên, trong buổi đối thoại ngày 24/5/2016 giữa lãnh đạo KBNN Gia Lai và Luật sư đại diện của bà Phan Thị Thúy Phượng thì KBNN Gia Lai vẫn bảo lưu quan điểm xử lý kỷ luật bà Thúy Phượng là đúng quy trình và đầy đủ cơ sở (!).

Điều khá buồn cười là khi đối thoại các lãnh đạo của KBNN Gia Lai lại viện dẫn 02 lý do để làm cơ sở kỷ luật bà Thúy Phượng với hình thức khiển trách là: Trong quan hệ công tác có cử chỉ, phát ngôn với đồng nghiệp chưa đúng với chuẩn mực văn hóa công sở và có hành vi gây mất trật tự nơi công sở trong giờ làm việc vào ngày 5/12/2014. Các lý do được đưa ra này hoàn toàn trái với Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với CBCC.

Điều 9 trong nghị định nêu rõ, một CBCC bị hình thức kỷ luật khiển trách khi vi phạm một trong bảy hành vi được cụ thể hóa (không có hành vi gây mất trật tự), trong đó có hành vi thứ 3: Gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nếu dựa vào 2 lý do trên đây để kỷ luật bà Thúy Phượng với hình thức khiển trách vì gây mất đoàn kết (theo nội dung quyết định số 328) không chỉ hết sức vô lý mà còn vi phạm pháp luật bởi gây mất trật tự thì không thể là gây mất đoàn kết được (!).

Bên cạnh đó, lãnh đạo KBNN Gia Lai cũng dựa vào văn bản xác minh số 387/C54 (P6) ngày 4/2/2016 của Viện khoa học hình sự (Tổng cục cảnh sát) và Kết luận số 173/KL-KBGL ngày 12/5/2015 của KBNN Gia Lai để chứng minh là quyết định kỷ luật số 328/QĐ- KBGL do Giám đốc Trương Đăng Phước ban hành là đúng.

Ở đây lãnh đạo KBNN Gia Lai đã cố tình lập lờ đánh lận con đen khi văn bản 387/C54 (P6) của Viện khoa học hình sự xác nhận vào ngày 6/12/2013 bà Thúy Phượng có một số lời nói mà KBNN Gia Lai cho là chưa đúng với chuẩn mực văn hóa công sở, thì đã hết thời hiệu để xử lý kỷ luật theo quy định của Luật CBCC số 22/2008/QH12 ngày 13/11/2008 do Quốc hội ban hành và Quyết định 531/QĐ-BTC ngày 19/3/2015 của Bộ Tài Chính (thời hiệu xem xét kỷ luật được quy định là 24 tháng tính từ ngày xảy ra hành vi).

Hơn nữa, Kết luận số 173/KL-KBGL ngày 12/5/2015 của chính KBNN Gia Lai cũng đã xác nhận bà Thúy Phượng chỉ có cử chỉ nóng nảy, phát ngôn chưa đúng chuẩn mực văn hóa công sở đâu có ghi bà Thúy Phượng gây mất đoàn kết nội bộ (!).

Mặt khác, trong quyết định 173/KL-KBGL lãnh đạo KBNN Gia Lai cũng chỉ yêu cầu bà Phan Thị Thúy Phượng viết bản kiểm điểm chứ không đề nghị kỷ luật. Khi viện dẫn lại bản kết luận này làm căn cứ đối thoại có lẽ “lãnh đạo KBNN Gia Lai cố tình quên”rằng kết luận số 173/KL-KBGL đã bị hủy bỏ bởi quyết định 653/QĐ-KBNN ngày 25/2/2016 do phó TGĐ KBNN Nguyễn Việt Hồng ký (!) nên sự viện dẫn này chỉ là cách áp đặt vô căn cứ.

Tiếp tục, ngày 26/5/2016, ông Giám đốc Trương Đăng Phước lại ký bản quyết định số 413/QĐ-KBGL về việc giải quyết khiếu nại (lần đầu) của bà Phan Thị Thúy Phượng. Tại quyết định này ông cũng căn cứ rất nhiều thông tư, quyết định, trong đó có Luật CBCC số 22/2008/QH12 ngày 13/11/2008 do Quốc hội ban hành và Quyết định 531/QĐ-BTC ngày 19/3/2015 của Bộ Tài chính để bảo lưu quyết định số 328/QĐ-KBGL ngày 25/4/2016 mà ông đã ký.

Tuy nhiên, ông “lại quên” rằng, quyết định 328/QĐ-KBGL là hoàn toàn vi phạm pháp luật vì đã đưa ra nội dung trái với những điều đã quy định cụ thể trong Luật và Quyết định mà ông đã lấy làm căn cứ để xử lý, nhất là trong đó một lần nữa ông lại viện dẫn một cách tùy tiện kết luận số 173/KL-KBGL dù kết luận này đã bị hủy bỏ bởi quyết định 653/QĐ-KBNN. Ông đã sai lại càng sai. Ngày 4/6/2016, bà Phan Thị Thúy Phượng đã gửi đơn khiếu nại (lần 2) lên Tổng Giám đốc KBNN với mong muốn lãnh đạo cấp cao hơn xem xét và có sự điều chỉnh cho đúng pháp luật.

RỐI REN LÀ DO ĐÂU?

Chúng tôi đã có buổi làm việc và trao đổi với ông Nguyễn Văn Hảo – Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Chư Păh – và được biết rằng, sở dĩ KBNN Chư Păh xảy ra tình trạng mất đoàn kết, khiếu kiện kéo dài trong nhiều năm qua chưa giải quyết được một phần là do công tác tổ chức, bố trí CBCC của KBNN Gia Lai không phù hợp, thậm chí là sai nguyên tắc.

Một đơn vị chỉ có 12 CBCC thì trong đó 4 cặp (8 người) có quan hệ thân thích với nhau như vợ chồng, cha con, mẹ con, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cũng như khi tổ chức hội họp, xếp loại, phân loại đánh giá CBCC. Một phần vì nể nang, một phần so kè nhau, phần khác là chia bè cánh hoặc thụ động trong quá trình đánh giá năng lực của từng người. Khi trao đổi với ông Nguyễn Thành Chung – Tân Giám đốc KBNN Gia Lai – về việc bố trí nhân sự ở KBNN Chư Păh thì ông cho rằng việc này xảy ra đã nhiều năm, hiện KBNN tỉnh cũng chưa có phương án giải quyết (và có thể nhiều KBNN ở các huyện khác cũng xảy ra tình trạng này - NV).

Trường hợp hai bố con ông Đoàn Minh Phượng và bà Đoàn Thị Quỳnh Mai là một ví dụ điển hình. Ngày 27/2/2015 bà Quỳnh Mai gởi đơn tố cáo đến các cơ quan, cho rằng Bà Phan Thị Thúy Phượng – Phó Giám đốc KBNN Chư Păh - đã đánh mình tại nơi làm việc và cung cấp băng ghi hình về sự việc trên.

Tuy nhiên, sau khi thẩm định và xem xét chứng cứ theo yêu cầu của KBNN, Viện khoa học hình sự (Tổng cục cảnh sát) đã có văn bản trả lời số 3737/C54 (P2) ngày 29/12/2015, trong đó ghi rõ: Căn cứ vào hình ảnh trong tập tin “clip mp4”, không xác định được người phụ nữ mặc váy màu xanh có hành vi đánh người phụ nữ còn lại hay không. Trong bản Kết luận số 173/KL-KBGL ngày 12/5/2015 của KBNN Gia Lai cũng nêu: đơn tố cáo của bà Quỳnh Mai có nhiều nội dung không đúng sự thật và không đủ cơ sở, yêu cầu bà Mai chấm dứt ngay hành vi gởi đơn tố cáo đến nhiều nơi làm ảnh hưởng uy tín của ngành, yêu cầu bà Đoàn Thị Quỳnh Mai viết kiểm điểm để lãnh đạo xem xét, xử lý.

Trên cơ sở này, giám đốc KBNN Gia Lai đã ban hành Quyết định số 251/QĐ-KBGL ngày 10/9/2015 kỷ luật bà Đoàn Thị Quỳnh Mai với hình thức cảnh cáo (lần 1). Sau khi quyết định 653/QĐ-KBNN hủy bỏ QĐ 251/QĐ-KBGL thì giám đốc KBNN đã ban hành quyết định số 329/QĐ-KBGL ngày 25/4/2016 (sau QĐ 653 đúng 2 tháng) tiếp tục kỷ luật bà Đoàn Thị Quỳnh Mai (lần 2) với hình thức cảnh cáo vì làm đơn tố cáo sai sự thật.

Trong một diễn biến khác, ngày 16/3/2016 ông Đoàn Minh Phượng, bố của bà Quỳnh Mai - cũng tố cáo đến các cơ quan chức năng là ông Đỗ Ngọc Thanh – Giám đốc KBNN Chư Păh – có hành vi bóp cổ ông Phượng tại cơ quan. Sau gần 3 tháng điều tra, thu thập chứng cứ, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Chư Păh đã có thông báo số 46/TB ngày 7/6/2016 gởi đến người tố cáo, người bị tố cáo, Viện kiểm sát nhân dân huyện Chư Păh, khẳng định: không có sự việc phạm tội xảy ra và quyết định không khởi tố vụ án hình sự, kết luận điều tra vụ việc theo quy định của pháp luật.

Ở đây chúng tôi không bàn đến việc hai bố con ông Đoàn Minh Phượng – bà Đoàn Thị Quỳnh Mai, công chức của KBNN Chư Păh có rất nhiều đơn thư khiếu nại, buộc các cơ quan phải tốn nhiều công sức để xem xét, họp hành, giải quyết trong một thời gian rất dài mà chỉ riêng với hành vi cố tình tố cáo sai sự thật, hoặc nói cách khác là vu khống bà Phan Thị Thúy Phượng và ông Đỗ Ngọc Thanh nhằm bôi nhọ và hạ uy tín của hai lãnh đạo KBNN Chư Păh cũng đã đủ cơ sở và điều kiện để các cơ quan pháp luật xem xét yếu tố hình sự.

Đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra huyện Chư Păh khởi tố vụ án theo điều 122 của bộ luật hình sự (Luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009) để răn đe người khác. Để có thể ổn định tư tưởng và đảm bảo công việc của CBCC, chúng tôi đề nghị Tỉnh ủy Gia Lai, Tổng Giám đốc KBNN rà soát lại cách tổ chức, bố trí nhân sự của ngành KBNN tại Gia Lai và xem xét lại các quyết định mà nguyên giám đốc KBNN Gia Lai đã ban hành sao cho phù hợp với các quy định của pháp luật.                            

Nguyên Vũ

Bạn đang đọc bài viết Kho bạc Nhà nước Gia Lai - Một quyết định mang tính cưỡng bức (Kỳ 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.