Thứ tư, 24/04/2024 19:16 (GMT+7)

Khó khăn trong xử lý rác thải nhựa từ nông nghiệp

MTĐT -  Thứ năm, 10/12/2020 21:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện nay, hoạt động sản xuất của ngành nông nghiệp đang thải ra môi trường một lượng rác thải nhựa khổng lồ.

Hiện trạng rác thải nhựa nông nghiệp

Hiện nay, hoạt động sản xuất của ngành nông nghiệp đang thải ra môi trường một lượng rác thải nhựa khổng lồ. Rác thải nhựa phát sinh từ quá trình sản xuất nông nghiệp đa phần gồm chai lọ, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật, túi bọc hoa quả… Vài năm gần đây, khi sản xuất nông nghiệp chuyên canh theo hướng hàng hóa phát triển mạnh cũng là thời gian các hộ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sử dụng bao bì, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng. Điều này đồng nghĩa với việc lượng rác thải nhựa phát thải ra môi trường ngày càng lớn và đa dạng về chủng loại.

Đối với bao bì, chai lọ thì có thể tái chế hoặc tái sử dụng nhưng có nhiều loại rác thải không thể tái chế hay tái sử dụng được như các loại nilong mỏng dùng để quây ruộng lúa chống chuột, thiên địch; túi nilong để bọc quả như trồng ổi, xoài…,

Hiện nay, rác thải nhựa từ sản xuất nông nghiệp chưa được thu gom và xử lý triệt để. Loại rác thải này được xếp vào danh sách “rác thải nguy hại” và được thu gom, xử lý theo quy định về rác thải nguy hại của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hàng năm mỗi tỉnh thải ra khoảng từ 50-100 tấn rác thải này. Trong đó, mỗi ha lúa/vụ, nông dân xả thải ra môi trường khoảng 1-1,5kg bao bì, chai lọ đựng thuốc; còn trồng hoa màu, cây công nghiệp thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gấp 2-3 lần trồng lúa. 

Ví dụ chỉ tính riêng huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai có diện tích trồng chuối lớn nhất tỉnh (hơn 2.000 ha) và hàng trăm ha cây ăn quả khác. Với việc sử dụng túi ni-lông để bọc quả, ước tính mỗi năm, các trang trại và hộ gia đình ở đây sử dụng hơn 15 tấn túi ni-lông, nghĩa là lượng rác thải cũng tương ứng.

Anh Giàng Lử (thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) cho biết, gia đình trồng hơn 1,2 ha chuối, trung bình mỗi năm sử dụng hơn 2.000 túi ni-lông để bọc buồng chuối (khoảng 5,5 kg), ngoài ra số lượng chai, lọ nhựa đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng khoảng 2,5 kg. 

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc thu gom, xử lý lượng rác thải nhựa chưa được thực hiện theo đúng quy trình nên đã và đang gây ra hệ lụy rất lớn đối với môi trường và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Bất cập trong cách xử lý rác thải nhựa từ nông nghiệp tại các địa phương

Do yếu tố địa hình và điều kiện kinh tế - xã hội nên hiện nay các địa phương đặc biệt là những nơi vùng cao còn nhiều khó khăn nên việc triển khai mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn nói chung và rác thải nhựa nói riêng còn rất khó, chưa thể thực hiện được. Hầu hết các xã khu vực nông thôn, vùng cao chưa triển khai dịch vụ thu gom rác thải nhựa, rác thải rắn. Túi ni-lông và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng bước đầu đã được người dân thu gom nhưng các hộ gia đình chủ yếu tự xử lý bằng phương pháp đốt, chôn lấp tại chỗ.

Vì thế, hầu hết rác thải nhựa phát sinh từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt được người dân đốt trực tiếp, còn lại là chôn lấp tại chỗ mà chưa được thu gom đưa đi tái chế hoặc xử lý đúng cách.

Hầu hết rác thải nhựa được người dân tự xử lý bằng cách đốt và chôn lấp.

Tại một số tỉnh như Long An, Đồng Nai… đã tiến hành thu gom và xử lý rác thải này bằng hình thức đem đốt tại các lò đốt chuyên dụng của một số đơn vị được cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại. Tuy nhiên lượng rác được thu gom và xử lý chiếm tỉ lệ rất thấp so với lượng rác xả thải ra và tồn đọng trong đồng ruộng. Ví dụ tỉnh Đồng Nai mới xử lý được 18 tấn trong khi hàng năm xả thải ra khoảng 100 tấn rác thải trên.

Ngoài ra, các tỉnh khác chưa đầu tư công nghệ xử lý thì mới thu gom vào các hố rác và nông dân đốt ở nhiệt độ chỉ vài trăm độ C thì sẽ không phân hủy hết mà thừa lại tàn dư bên ngoài môi trường (nguyên tắc, bao bì, chai lọ thuốc phải được đốt ở nhiệt độ 1.500 độ C mới tiêu hủy hết). Bên cạnh đó, nếu ở ngoài môi trường chất thải nhựa nylon khi đốt sẽ tạo ra khí thải chứa Dioxin và Furan, là những chất kịch độc, tồn tại lại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Đặc biệt ở những nơi chưa có bể thu gom chai lọ, bao bì phân bón và thuốc BVTV thì người dân bỏ lại góc ruộng, sau đó trôi nổi ngoài môi trường.

Trong ngành chăn nuôi, rác thải nhựa trong chăn  nuôi thải ra từ ống dẫn nước tại hệ thống chuồng trại, hệ thống thu gom nước thải, bao bì đựng thức ăn, chai lọ thuốc thú ý….Chỉ tính riêng trong ngành sữa mỗi năm cũng có khoảng trên 8 tỷ ống hút nhựa được tiêu thụ và thải ra môi trường.

Một khó khăn lớn trong việc xử lý rác thải nông nghiệp là nhận thức của người dân về những nguy hại do rác thải nhựa gây ra chưa cao nên ở hầu hết các địa phương có diện tích trồng chuối lớn, việc thu gom rác thải nhựa không được quan tâm đúng mức, đã tác động xấu đến cảnh quan và môi trường nông thôn./.

PV (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Khó khăn trong xử lý rác thải nhựa từ nông nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.