Thứ sáu, 29/03/2024 01:55 (GMT+7)

Chuyển đổi công nghệ - bảo vệ tầng ô zôn

MTĐT -  Thứ tư, 21/09/2016 14:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn) - Làm lạnh công nghiệp hiện là lĩnh vực sử dụng nhiều chất HCFC22 (R22) ở Việt Nam, trong khi chất này được xem là tác nhân làm thủng tầng ô zôn, tăng nhiệt độ Trái đất và tạo ra những cực đoan trong biến đổi khí hậu. Do đó, Nhà nước đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang thiết bị, sử dụng các chất thay thế thân thiện hơn với môi trường.

Kết quả khảo sát của Bộ TN&MT cho thấy, tổng thể tích kho lạnh của Việt Nam năm 2016 khoảng 3,5 triệu m3. Trong đó, khoảng 40% (1,4 triệu m3) vẫn đang sử dụng thiết bị cấp đông, làm đông sâu chứa môi chất lạnh R22. Chất này có chỉ số tiềm năng phát thải khí nhà kính (GWP) cao gấp 1.810 lần CO2 và được liệt vào danh mục cần phải loại bỏ của Nghị định thư Montreal. Bởi vậy, nhu cầu chính đáng là phải có chất thay thế ít nguy hại hơn R-22, nhưng đồng thời, vẫn đảm bảo hiệu quả về chi phí, lợi nhuận cho các doanh nghiệp đầu tư.

Theo chuyên gia của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), thị trường quốc tế đã có nhiều loại thiết bị đang sử dụng môi chất lạnh không làm suy giảm tầng ô zôn, có GWP thấp như các chất Hydrocacbon (R-290, R-600a), NH3 hoặc CO2. Những thiết bị này có thể lắp đặt dễ dàng với chi phí hợp lý. Tuy vậy, thách thức hiện nay, của Việt Nam là chưa có quy định hoặc tiêu chuẩn về các môi chất lạnh có nguồn gốc tự nhiên này. Mặt khác, cần nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về lợi ích của việc sử dụng công nghệ phát thải thấp.

Nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mới tại Việt Nam, mới đây, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phối hợp với UNIDO đã giới thiệu kết quả thí điểm chuyển đổi công nghệ sử dụng chất HC-290 (R-290). Qua 2 năm triển khai, chất lượng và hiệu quả của thiết bị đã đáp ứng sự kỳ vọng của các doanh nghiệp tham gia thí điểm.

Dự án đã chuyển giao thiết bị lạnh cho 4 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Thủy sản Phú Minh Hưng (Quảng Ninh), Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Đại An (Hà Nội), Công ty Animex Nghệ An (Nghệ An) và Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre (TP. HCM). Ông Đỗ Kim Cương, chuyên gia quốc gia của dự án cho biết: Những chỉ số thực tế thu được đều cho kết quả khả quan. Qua so sánh với kho lạnh sử dụng chất R-22, cả 9 kho lạnh dùng R-290 đều giảm suất tiêu thụ điện, trung bình 30%. Lượng điện tiết kiệm hàng năm khoảng 300.000 kwh, tương đương 18.000USD tiền điện. Lượng phát thải R-22 giảm 420kg/năm, phát thải CO2 cũng giảm 955 tấn/năm. Trong khi đó, công suất máy nén R-290 chỉ bằng 55% công suất máy nén R-22.

Theo phản hồi của 4 đơn vị thí điểm, doanh nghiệp còn tiết kiệm được chi phí vận hành do thiết bị chạy hoàn toàn tự động, hiệu suất làm lạnh tốt với nhiệt độ ổn định, bảo quản hàng hóa đạt tiêu chuẩn. Thiết bị gọn, nhỏ, dễ lắp đặt và phù hợp với kho lạnh có thể tích vừa và nhỏ 50 - 1.000 m3. “Ngoài chi phí điện, nhân công, việc lắp đặt nhiều máy trong 1 kho lạnh cũng rất thuận lợi trong quá trình vận hành, sử dụng. Nếu 1 máy trục trặc, có thể thay thế dễ dàng trong thời gian ngắn, mà không ảnh hưởng đến các máy khác. Đặc biệt, không làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Duy Nguyên, Giám đốc Công ty CP Đại An cho biết.

“Dựa trên kết quả khảo sát, chỉ cần 1/3 số kho lạnh R-22 chuyển sang dùng R-290, hiệu quả mang lại có thể gấp 150 lần kết quả thí điểm”, chuyên gia Đỗ Kim Cương khẳng định.

Bên cạnh những ưu điểm, nhược điểm của các loại  khí gas tự nhiên là dễ gây cháy nổ hơn các loại gas truyền thống. Do thế hệ máy mới, nên các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp chuyên về máy lạnh cũng chưa có kinh nghiệm trong sửa chữa, thay thế phụ tùng, đặc biệt là các kỹ năng đảm bảo an toàn trong hàn xì đường ống dẫn gas. Ở Việt Nam, cũng chưa có nhà máy sản xuất gas mới thay thế R-22 nên thiếu nguồn cung, khó khăn trong việc nhập khẩu.

Ngoài nâng cao trình độ nhân lực, cơ chế tài chính phù hợp cũng đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ thay thế. Hỗ trợ tài chính dưới phương thức vay ưu đãi từ các quỹ và ngân hàng thương mại, cũng như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp là giải pháp thu hút doanh nghiệp hướng tới việc sử dụng môi chất lạnh tự nhiên.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục KTTV&BĐKH, những nội dung này sẽ được xây dựng và triển khai trong thời gian tới, gắn với lộ trình của Việt Nam về thực hiện các cam kết trong Nghị định thư Montreal về giảm phát thải các chất làm suy giảm tầng ô zôn.

Khánh Ly/monre.gov.vn

Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi công nghệ - bảo vệ tầng ô zôn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giải bài toán rác thải ở Bắc Ninh
Theo kế hoạch từ 2024, Bắc Ninh cơ bản sẽ xử lý triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày bằng các nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại của thế giới.
Thú quý trở về và thông điệp xanh
Thời gian gần đây, ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số địa phương khác, người dân liên tiếp phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm như voọc Hà Tĩnh, lửng lợn Đông Dương, mang Trường Sơn, gà lôi trắng, khỉ mốc, rùa sa nhân...

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.