Thứ ba, 19/03/2024 09:10 (GMT+7)

Bể lắng đứng trong xử lý nước thải

MTĐT -  Thứ bảy, 10/10/2020 09:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cấu tạo, tính toán bể lắng đứng trong xử lý nước thải, thiết kế bể lắng đứng để tăng hiệu quả toàn bộ hệ thống xử lý. Có mấy loại bể lắng trong xử lý nước thải?

1. Bể lắng là gì? Công dụng của bể lắng trong các hệ thống xử lý nước thải

Bể lắng là một trong những khâu quan trọng bậc nhất của hệ thống xử lý nước thải. Bể lắng dùng để xử lý cơ học nhằm tách các chất rắn có khả năng lắng trong nước thải nhằm loại bỏ hoàn toàn các chất ô nhiễm trong nước thải.

Bể lắng được ứng dụng trong hầu như toàn bộ các hệ thống xử lý nước thải công nghiệp và xử lý nước thải sinh hoạt.

2. Có mấy loại bể lắng trong xử lý nước thải

Có 3 loại bể lắng thông dụng hay được sử dụng trong các trạm xử lý nước thải:

- Bể lắng đứng hay còn gọi là bể lắng ly tâm: đặc trưng của bể lắng đứng là hỗn hợp nước bùn đi từ dưới lên trên, bùn nặng lắng xuống dưới còn nước trong theo máng răng cưa thoát ra ngoài

- Bể lắng ngang: Hỗn hợp nước bùn đi theo chiều ngang bể song song với mặt đất, lớp bùn nặng hơn lắng xuống dưới và được cơ cấu gạt bùn ở đáy gạt về đầu bể để thu bùn, nước trong được thu tại máng nước ở đầu bên kia của bể.

- Bể lắng lamella: Hiệu quả lắng cao nhất trong tất cả các bể lắng.

3. Ứng dụng của bể lắng đứng trong xử lý nước thải

Bể lắng đứng được ứng dụng rất rộng rãi trong xử lý nước thải:

- Trong các hệ thống xử lý nước thải công nghiệp: là công đoạn chính tách cặn khi các phản ứng tạo kết tủa xảy ra. Tùy theo quy mô mà bể lắng đứng còn được sử dụng làm bể tách cát hoặc bể lắng sơ cấp ngay từ ban đầu.

- Trong các hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt:

Bể lắng đứng thường được sử dụng sau bể Hiếu khí Aeroten để tách bùn vi sinh ra khỏi nước nhằm giảm chất rắn lơ lửng trong nước thải và tuần hoàn lại bùn vi sinh quay lại bể Thiếu khí và Hiếu khí.

Với các hệ thống xử lý nước thải quy mô lớn, bể lắng đứng cũng được sử dụng làm bể tách cát hay bể lắng sơ bộ.

4. Cấu tạo của bể lắng đứng

Bể lắng đứng được chế tạo từ thép Carbon CT3 được sơn phủ chống gỉ, hoặc được xây dựng bằng bể bê tông (với các bể lắng lớn), xây gạch với các bể lắng nhỏ hơn.

Bể lắng đứng thường có dạng hình trụ tròn hoặc trụ vuông đáy chóp. Có nhiều trường hợp do diện tích xây dựng, cấu tạo các bể khác trong hệ thống xử lý nước thải mà bể lắng đứng có thể có hình hộp chữ nhật.

Bể lắng đứng gồm có 4 phần:

- Phần vỏ ngoài của bể: bao gồm cả bộ phận vát đáy nhằm thu bùn

- Phần ống trung tâm hướng dòng nước thải tạo chiều đi của nước thải từ dưới lên trên

- Phần máng răng cửa thu nước đi kèm với vách chắn bọt nổi

- Bộ phận thu bùn có thể kèm theo cánh gạt bùn trong các hệ thống xử lý nước thải quy mô lớn.

5. Nguyên lý và hiệu quả của bể lắng đứng trong xử lý nước thải

Nước thải sẽ được đưa vào ống trung tâm của bể lắng, ống trung tâm có tác dụng hướng dòng nước chảy từ dưới lên trên. Thông thường vận tốc nước dâng lên trong bể lắng được khống chế trong khoảng 0,5 - 1m/h.

Nếu:

Nước lên trên với vận tốc v

Dưới tác dụng của trọng lực, hạt cặn chuyển động xuống dưới với vận tốc ω

Nếu ω > v thì các hạt cặn sẽ lắng nhanh, còn ngược lại các hạt cặn sẽ bị nước cuốn lên trên.

Kết thúc quá trình lắng, lớp bùn dưới đáy sẽ được bộ phận hút bùn hút ra để xử lý riêng.

Hiệu quả của bể lắng:

Bể lắng đứng sơ cấp: dùng để loại bỏ các chất vô cơ hoặc hữu cơ không tan trong nước thải trước khi áp dụng các phương pháp xử lý sinh học và hóa lý phía sau. Bể lắng này có khả năng loại bỏ 50 – 70% các chất lơ lửng, 25-40% các chất hữu cơ có trong nước thải.

Bể lắng đứng thứ cấp: dùng để tách bùn vi sinh hoặc bông bùn keo tụ ra khỏi dòng nước thải trước khi thải ra môi trường.

6. Lưu ý khi thiết kế bể lắng đứng để tăng hiệu quả xử lý nước thải

Bể lắng đứng trong xử lý sinh học đóng một vai trò rất quan trọng, bể lắng đứng có 2 vai trò chính:

- Tách các bùn vi sinh và cặn lơ lửng ra khỏi dòng nước thải trước khi thải ra môi trường

- Tuần hoàn lại lớp bùn vi sinh về các bể xử lý chính phía trước nhằm duy trì nồng độ bùn vi sinh trong hệ thống.

Trong trường hợp thiết kế bể lắng đứng không hợp lý, bùn vi sinh không được tuần hoàn lại các khâu xử lý phía trước làm giảm toàn bộ hiệu quả của hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học. Đồng thời nước thải sau xử lý sẽ có nồng độ chất lơ lửng cao.

+ Có thể kết hợp rất nhiều bộ phận để tăng hiệu quả của bể lắng đứng, có thể kể đến thông dụng nhất như bổ sung thêm các tấm lắng Lamella, sử dụng thêm lớp hạt lọc nổi xifo...

7. Các sự cố của bể lắng đứng trong các hệ thống xử lý

Các sự cố liên quan đến kỹ thuật thiết kế bể lắng đứng trong xử lý nước thải

- Vát đáy bể lắng đứng không đủ độ dốc

- Tính toán bể lắng đứng có diện tích bề mặt riêng bé

- Không có vách chắn bọt nổi

- Cơ cấu thu bùn không hợp lý hay cài đặt chế độ chạy bơm bùn không đúng.

Theo CCEP

Bạn đang đọc bài viết Bể lắng đứng trong xử lý nước thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.
Đặc sắc rừng dó trầm tại Hương Khê, Hà Tĩnh
Cây dó trầm mọc nhiều ở miền núi Hương Khê, nhưng người dân địa phương chỉ nhận ra giá trị của chúng sau khi nhóm người ngoại tỉnh đến mua. Điều này đã khơi dậy sự quan tâm về bảo vệ và phát triển tài nguyên tự nhiên.