Thứ sáu, 19/04/2024 07:23 (GMT+7)

Chuyên gia Nhật hứa giúp đánh “bay” mùi sông Tô Lịch chỉ sau 3 ngày

MTĐT -  Thứ bảy, 20/04/2019 17:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhật Bản dự kiến sử dụng thiết bị công nghệ nano đặt dưới lòng để làm sạch sông Tô Lịch. Đặc biệt, với công nghệ bio-nano, chỉ sau 3 ngày, mùi hôi thối của nước sông sẽ giảm đi nhiều.

Mới đây, tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, TS Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên Hợp Quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản đã đưa ra đề nghị: Nhật Bản sẽ mang thiết bị công nghệ bio-nano đặt dưới lòng sông Tô Lịch, chỉ sau 3 ngày xử lý, sẽ giảm đáng kể mùi hôi thối, dần làm sạch lòng sông.

Theo TS Tadashi Yamamura, phía Nhật Bản dự kiến sử dụng thiết bị công nghệ nano đặt dưới lòng để làm sạch sông Tô Lịch. Đặc biệt, với công nghệ bio-nano hiện đại nhất hiện nay, chỉ sau 3 ngày, mùi hôi thối của nước sông sẽ giảm đi nhiều. Phía Nhật Bản đã điều tra, khảo sát trong 2 năm mới đưa ra đề nghị này.

Là cựu Lưu học sinh học bổng toàn phần Monbukagakusho (MEXT) Chính phủ Nhật Bản, người có 15 năm sống và làm việc tại Nhật Bản - người vận động, đưa công nghệ Nano Bioreactor về Việt Nam để giúp làm sống lại sông Tô Lịch. Ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) vui mừng: “Đặc trưng nhất của công nghệ Nano Bioreactor này là nước sẽ được “tự làm sạch” hết mùi hôi thối và giữ được chất lượng nước đảm bảo QCVN, mặc dù thải hàng ngày vẫn có khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa qua xử lý chảy xả vào sông Tô Lịch. Khi lắp đặt hệ thống các máy sục khí công nghệ nano và các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor (được làm từ đá núi lửa của Nhật Bản) ở dưới lòng sông Tô Lịch thì do lượng bùn tích tụ ở tầng đáy gây ra mùi hôi thối đã bị công nghệ này phân hủy, nên hàng ngày dưới tác động của các bọt khí kích thước nano và vật liệu thiên nhiên chất xúc tác Bioreactor sẽ kích hoạt các vi sinh vật có lợi, phân giải luôn trong ngày các chất bẩn, bùn, vi khuẩn có hại thành khí CO2 và nước H2O.

Nước sông Tô Lịch bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Internet.

Do vậy, khi sử dụng công nghệ này sẽ không còn khí độc H2S hay NH3 gây ra mùi hôi thối độc hại ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh khu vực nữa" – ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Được biết, công nghệ Nano Bioreactor đã được thực hiện thành công tại một số nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Indonexia… và tới đây, dự án công nghệ này sẽ được thực hiện tại sông Tô Lịch của Việt Nam.

Cũng tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Yamamura đã báo cáo với Thủ tướng về công nghệ này và nhấn mạnh công nghệ Nano - Bioreactor hoàn toàn tự nhiên, không có chất độc hại, ngoài ra, còn giúp giảm thiểu chi phí xây dựng nhà máy, bảo trì thiết bị như các công nghệ trước đây.

Thiết bị sẽ được đặt dưới lòng sông Tô Lịch, vận hành tự động để làm sạch nước, phân hủy bùn, chất thải. Trong đó, công nghệ Bioreactor có vai trò kích thích các vi sinh vật có ích, gây ức chế và làm giảm mạnh số lượng các vi sinh vật có hại, gây ô nhiễm môi trường nước.

Công nghệ Nano của Nhật Bản xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm, mùi hôi, phân giải toàn bộ lớp bùn tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học. Hệ thống Nano này có thể phân giải chất gây ô nhiễm mà không cần đợi việc tách nước thải vào sông.

Trao đổi với báo Giáo dục thời đại về công việc dùng công nghệ làm sạch sông Tô Lịch, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam bày tỏ quan điểm: “Đây là công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Song muốn làm phải thí nghiệm, chưa nên đại trà. Công nghệ nano tốn tiền, cần phải làm thử, trong vòng 1 - 2 tuần kết quả tốt sẽ nhân rộng đại trà. Còn nếu tốn kém mà không hiệu quả thì chúng ta sẽ dừng lại, tìm công nghệ khác cho phù hợp hơn”, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh.

Ông Huỳnh cũng cho biết thêm, các nước trên thế giới triển khai biện pháp này nhiều nhưng với nước ta, áp dụng công nghệ nano vào giải quyết ô nhiễm môi trường nước là mới. Nhiều quốc gia đã sử dụng công nghệ hiện đại này, tiêu biểu như Đức, họ tự sản xuất công nghệ và áp dụng đại trà xử lý ô nhiễm nước, bởi công nghệ của họ làm ra.

Công nghệ bio-nanor là gì?

Tiến sĩ Tadashi Yamamura cho biết công nghệ nano sử dụng vật liệu thiên nhiên nên rất thân thiện với môi trường (điều mà các phương pháp hóa học và vật lý không có được). Đây là công nghệ kết hợp giữa sinh học và công nghệ nano.

Nếu như công nghệ sinh học đã thực sự trở thành một ngành công nghiệp vào cuối những năm 1970 thì công nghệ nano lại là một vấn đề rất mới mẻ với khi nghiên cứu bất cứ thứ gì liên quan đến các cấu trúc có kích thước nhỏ hơn 100nm.

Cụ thể theo Helino, công nghệ nano là khoa học, kỹ thuật và thao tác liên quan tới các hệ thống có kích thước nano, ở cấu trúc cấp độ kích thước siêu nhỏ này thì hạt, tinh thể nano, lớp nano, ống nano sẽ có những tính chất và chức năng mới mà các nhà khoa học cân phải nghiên cứu.

Còn công nghệ sinh học có nền tảng là công nghệ tái tổ hợp sẽ tập trung nghiên cứu các quá trình, cơ chế ở mức phân tử của các hệ thống sinh học. Có thể thấy việc nghiên cứu cấu trúc, tính chất ở mức độ siêu nhỏ của vật chất chính là điểm chung của cả hai công nghệ trên.

Việc kết hợp giữa những điểm chung này là một hệ quả tất yếu dẫn tới sự ra đời của công nghệ sinh học nano (bio-nanotechnology), ngành công nghệ tìm kiếm các mối liên kết giữa những vật có kích thước nano.

Trong đó, "Bio2Nano" là việc kết hợp sử dụng vật liệu và cấu trúc sinh học (incorporating nanomaterials (NMs)) để tạo các hệ thống kỹ thuật mà máy lọc nước của Nhật Bản với màng chức năng tự lắp ráp được đặt dưới đáy sông Tô Lịch nêu trên là một ví dụ tiêu biểu.

Các màng chức năng này sẽ được tạo thành bởi các hạt có kích thước nano như metal-oxide NPs (gồm aluminium oxide, TiO2 và zeolite), vật liệu kháng vi sinh vật (gồm silver-NPs (Ag-NPs) và CNTs) và vật liệu quang xúc tác (như bimetallic-NPs, TiO2).

Những phân tử có kích thước nano sẽ sắp xếp hay tổ hợp với nhau thành các cấu trúc có nhiều tính chất vượt trội nhằm tăng tính thấm, khử mùi hôi, điều khiển màng sinh học, bền vững trước tác động nhiệt hay cơ học, khả năng tự làm sạch...

Việc nghiên cứu công nghệ sinh học xanh sử dụng công nghệ bio-nano hiện nay đang là hướng phát triển bền vững ở nhiều quốc gia. Không chỉ nước thải mà công nghệ bio-nano còn có thể sử dụng để làm sạch dầu tràn trên biển, ô nhiễm không khí, đất...

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia Nhật hứa giúp đánh “bay” mùi sông Tô Lịch chỉ sau 3 ngày. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Biến xơ mướp thành nguyên liệu thời trang độc đáo
Nảy sinh ý tưởng tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ phí từ cây mướp, vốn rất dồi dào tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Loofaa đã có cách làm sáng tạo biến xơ mướp thành nguyên liệu “xanh” cho những sản phẩm thời trang độc đáo và thân thiện với môi trường.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.