Thứ sáu, 29/03/2024 11:54 (GMT+7)

Nếm 'trái đắng' khi ồ ạt phát triển điện mặt trời

MTĐT -  Thứ tư, 10/07/2019 09:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những tháng gần đây, nhiều nhà đầu tư điện mặt trời chạy đua để dự án kịp đóng điện trước ngày 30/6. Điều này đã và đang đẩy cả ngành điện cũng như các nhà đầu tư vào tình cảnh khó khăn.

Truyền tải không theo kịp dự án

Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0): Về các dự án điện năng lượng tái tạo, năm 2018, chỉ có 3 nhà máy điện đóng điện thành công. 3 tháng đầu năm 2019 có thêm 5 nhà máy. Tuy nhiên, chỉ từ tháng 4 đến tháng 6, có tới 81 nhà máy đóng điện thành công vào hệ thống điện. Tính đến hết tháng 6/2019, có 89 nhà máy đóng điện trên toàn quốc (gồm 87 nhà máy điện mặt trời và 2 nhà máy điện gió). Công suất lắp đặt của các nhà máy điện gió và điện mặt trời là trên 4.543MW (chiếm 8,3% hệ thống điện quốc gia). Trong đó, điện mặt trời công suất là trên 4.463MW. Ông Nguyễn Đức Cường-Giám đốc A0 đánh giá: Trong thời gian ngắn, số lượng nhà máy đưa vào vận hành đồng loạt như trên là điều chưa từng có trong lịch sử ngành điện Việt Nam, thậm chí điều này chắc chỉ Việt Nam mới có.

Đổ xô đầu tư điện mặt trời có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Ảnh: Đức Phong.

Nói tới đầu tư vào năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, Ninh Thuận và Bình Thuận hiện là hai địa phương nổi bật nhất khi có số lượng dự án nhà máy điện mặt trời đứng đầu toàn quốc, lần lượt là: 15 nhà máy với tổng công suất hơn 1.000MW và 19 nhà máy với tổng công suất 871MW. Hậu quả dễ thấy, tại 2 địa phương này, tình trạng quá tải lưới điện diễn ra khá trầm trọng. Những con số điển hình có thể kể đến là: Trục đường dây 110kV Tháp Chàm - Hậu Sanh - Tuy Phong - Phan Rí mang tải tới 260-360%; đường dây 110 kV Phan Rí – Sông Bình – Đại Ninh mang tải 140%; đường dây 110 kV Đa Nhim - Đơn Dương mang tải 123%... A0 nhận định: Mức mang tải này còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Thậm chí, A0 còn đưa ra cảnh báo: Nếu không có biện pháp giải quyết tình trạng này, đến năm 2020 tình hình ngày càng trầm trọng hơn. Nguy cơ sự cố, rã lưới (gây mất điện cả hệ thống điện quốc gia - PV) rất cao.

Từ góc độ người trong cuộc, theo đại diện Nhà máy Điện mặt trời Phước Hữu (Ninh Thuận): "Chỉ vừa được chứng nhận vận hành thương mại giữa tháng 6, song điều đáng buồn là ngày nào nhà máy cũng nhận văn bản của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Nam (A2) yêu cầu cắt giảm công suất. Tỷ lệ cắt giảm thường là 30-60% công suất. Với tình trạng hiện tại, nguồn trả nợ sẽ rất khó khăn”.

"Bắt tay" gỡ khó

Đại diện một số dự án điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận khác nêu quan điểm: Thực tế, các đơn vị đều nhìn nhận khá rõ tình trạng quá tải lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Điều các nhà đầu tư mong muốn là giải quyết vấn đề này càng nhanh càng tốt để tăng hiệu quả dầu tư của dự án. Thậm chí, các chủ đầu tư sẵn sàng chung tay cùng EVN giải quyết các vấn đề liên quan như khó khăn về vốn, giải phóng mặt bằng...

Theo EVN, thời gian gần đây khi các dự án đồng loạt đóng điện trước tháng 7/2019 để có thể được hưởng giá điện ưu đãi 9,35 cent/kWh, tình trạng quá tải lưới điện mới diễn ra. Ông Trần Đình Nhân-Tổng giám đốc EVN cho hay: Để giải quyết vấn đề này, EVN đã chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Nam đẩy nhanh tiến độ các dự án đường dây, phấn đấu đến năm 2020 không còn nhà máy điện bị giảm phát. "EVN sẽ bằng mọi cách giải tỏa hết công suất cho nhà đầu tư”, ông Trần Đình Nhân nhấn mạnh.

Liên quan với vấn đề phát triển năng lượng tái tạo, điển hình là điện gió, điện mặt trời, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục Trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thông tin thêm: Bộ Công Thương đã có tờ trình Chính phủ bổ sung quy hoạch tổng sơ đồ điện 7 hiệu chỉnh, xây dựng các dự án lưới điện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, các trạm 500kV, đường dây 500kV, mạch kép và các đường dây 220kV, các nhánh rẽ... Dự kiến, sẽ có thêm nhiều công trình được đầu tư vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Dù vậy, ông Cường cũng nhấn mạnh: Quá trình triển khai xây dựng các đường dây còn gặp không ít khó khăn như: Vốn đầu tư, thời gian thi công, đền bù giải phóng mặt bằng... Do vậy bên cạnh việc Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo EVN khẩn trương thực hiện tiến độ các dự án đường dây đi vào vận hành, Bộ cũng đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có cơ chế xã hội hóa, kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư đường dây truyền tải nhằm giảm áp lực đầu tư.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, TS. Nguyễn Mạnh Hiến-nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nêu quan điểm: "Với phát triển điện mặt trời thời gian tới, để tránh rơi vào tình trạng đầu tư ồ ạt, bị động gỡ khó như hiện tại, cần tính toán kỹ lưỡng cho ra đời quy hoạch điện. Đặc biệt, khi đã có quy hoạch thì cần làm đúng nội dung đã vạch ra. Chính phủ, Bộ Công Thương đóng vai trò mấu chốt. Xét đến cùng, Chính phủ, Bộ Công Thương phải kiên quyết trong vấn đề này”.

Ngày 11/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Theo đó, giá ưu đãi cho điện mặt trời ở mức 9,35 UScent/kWh. Quyết định có hiệu lực hết ngày 30/6/2019.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, mang tính nối tiếp Quyết định 11.

Theo dự thảo mới nhất, giá điện mặt trời sau ngày 30/6/2019 có thể được chia theo 2 phương án là chia thành 4 vùng giá và 2 vùng giá.

Cụ thể, theo phương án chia thành 4 vùng phát triển điện mặt trời, các mức giá điện sẽ tương ứng loại hình đầu tư (điện mặt trời mặt đất, áp mái, nổi...). Theo đó, vùng 1 (vùng ít tiềm năng nhất, tập trung ở các tỉnh phía Bắc) có mức giá cao nhất 2.102 đồng/kWh; vùng 2: 1.809 đồng/kWh; vùng 3: 1.620 đồng/kWh. Đặc biệt là, vùng 4 - vùng có tiềm năng cao nhất (Ninh Thuận, Bình Thuận... ) có mức giá thấp nhất là 1.525 đồng/kWh (mức giá này thấp hơn nhiều con số 2.086 đồng/kWh mà các dự án vận hành trước tháng 7/2019 được hưởng).

Theo phương án chia 2 vùng giá: Giá điện mặt trời mái nhà cao nhất tại vùng 1 là khoảng 1.916 đồng/kWh; thấp nhất khoảng 1.758 đồng/kWh với dự án điện mặt trời mặt đất. Tương tự, các mức giá tại vùng 2 (6 tỉnh có bức xạ tốt như Bình Thuận, Ninh Thuận...) lần lượt là khoảng 1.803 đồng/kWh và 6,67 khoảng 1.525 đồng/kWh.

TheoHải Quan

Bạn đang đọc bài viết Nếm 'trái đắng' khi ồ ạt phát triển điện mặt trời. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giải bài toán rác thải ở Bắc Ninh
Theo kế hoạch từ 2024, Bắc Ninh cơ bản sẽ xử lý triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày bằng các nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại của thế giới.
Thú quý trở về và thông điệp xanh
Thời gian gần đây, ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số địa phương khác, người dân liên tiếp phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm như voọc Hà Tĩnh, lửng lợn Đông Dương, mang Trường Sơn, gà lôi trắng, khỉ mốc, rùa sa nhân...

Tin mới