Thứ bảy, 20/04/2024 04:40 (GMT+7)

Ngạc nhiên công nghệ Nhật biến hồ “chết” thành hồ “sống”

MTĐT -  Thứ ba, 25/12/2018 14:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hồ Hùng Thắng (Quảng Ninh) là nơi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt và có mức độ ô nhiễm cao, sau 1 tháng xử lý bằng công nghệ Nhật, các thông số ô nhiễm môi trường đều đạt giới hạn cho phép.

Hồ này nằm trong chuỗi 4 hồ điều hòa thuộc phường Yết Kiêu và Hùng Thắng, Bãi Cháy (Quảng Ninh) giúp điều hòa môi trường, tạo điểm nhấn không gian xanh cho TP du lịch Hạ Long. Hồ rộng 9ha và được coi là phần hạ lưu của 4 hồ trước khi xả ra vịnh Hạ Long.

Ngày 17/5 năm nay (thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt), UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở TN&MT phối hợp cùng đoàn chuyên gia Nhật của công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) tiến hành khảo sát thực tế 4 hồ điều hòa đang bị ô nhiễm nặng.

Trong đó, nước tại hồ Hùng Thắng bị ô nhiễm nặng nhất. Vào thời điểm lấy mẫu, đây là nơi có hiện tượng cá chết nhiều nhất, gây ra mùi hôi thối nặng và biến đổi màu nước thành đen đặc.

Mẫu nước trước khi xử lý.

Tại diện tích 900m2 triển khai thuộc giai đoạn 1, JVE tiến hành đặt các module Bakture dạng tấm xuống đáy hồ, với các cao độ khác nhau. Việc sử dụng các tấm Bakture sẽ giúp bột Bakture tồn tại ổn định trong thời gian dài, không bị thất thoát theo dòng chảy của nước trong hồ.

Tái sinh hồ chết

Chủ tịch HĐQT công ty JVE Nguyễn Tuấn Anh cho hay, sau 1 tháng xử lý nước hồ Hùng Thắng, Trung tâm chất lượng và bảo vệ tài nguyên nước - Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ TN&MT) đã lấy mẫu phân tích chất lượng nước hồ để đánh giá hiệu quả xử lý của công nghệ Bakture.

So sánh với kết quả phân tích tại thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, tất cả các thông số ô nhiễm đều giảm mạnh và đạt giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

Mẫu nước sau khi xử lý 1 tháng.

Ngoài ra, bằng biện pháp cảm quan thực tế tại khu vực triển khai thí điểm, có thể nhận thấy về độ mùi của nước, từ trạng thái mùi hôi nồng nặc đã hoàn toàn biến mất. Độ trong của nước tăng cao, có thể nhìn thấy đáy hồ, cá và các thực vật thủy sinh phát triển tốt; lượng bùn tích tụ dưới đáy suy giảm mạnh mà không cần đến các biện pháp nạo vét cơ học khác.

Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh cũng tiến hành quan trắc lấy mẫu nước phân tích vào ngày 9/10 (sau 1,5 tháng xử lý). Kết quả cho thấy, mọi thông số được cải thiện rõ rệt hơn nữa và đạt giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

Phương pháp xử lý nước ô nhiễm bằng công nghệ thiên nhiên Bakture là công nghệ hiện đại, hoạt động trên nguyên lý kích hoạt các vi sinh vật và thanh lọc bằng vòng tuần hoàn sinh thái trong tự nhiên.

Qua thực tế xử lý thí điểm ô nhiễm nước trên diện tích 900m2 tại hồ Hùng Thắng (khu vực bị ô nhiễm nặng nhất trong số 4 hồ) bằng công nghệ Bakture, dù chịu tác động của thủy triều lên xuống thất thường, nước mưa chảy tràn trong những ngày mưa bão, các nguồn nước thải liên tục từ các khu dân cư đô thị xung quanh đã tác động mạnh đến khu vực xử lý nhưng chất lượng nước vẫn đạt yêu cầu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mặt.

Phần diện tích hồ trước khi xử lý.

Các chuyên gia Nhật Bản và JVE đánh giá, công nghệ Bakture hoàn toàn có khả năng xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường nước mặt tại 4 hồ điều hòa của TP Hạ Long, nếu mô hình được nhân rộng sẽ mang lại môi trường sống sạch đẹp cho nhân dân trong khu vực, hệ sinh thái tự nhiên được cải thiện và bảo vệ.

Công nghệ Bakture (Back to the nature - Trở về với tự nhiên) đã được áp dụng tại 300 điểm ô nhiễm ở Nhật Bản, Lào, Thái Lan... trong đó chủ yếu là khu vực nước thải công nghiệp, cơ sở chăn nuôi, nước hồ, ao ô nhiễm. Tại Việt Nam, công nghệ được áp dụng hiệu quả tại hồ Hạnh Phúc (Hải Phòng).

Sau khi xử lý.

Bột Bakture được sản xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên, chủ yếu là đá núi lửa dạng tổ ong, xốp, với công nghệ riêng biệt, giúp thúc đẩy quá trình tự làm sạch của môi trường thông qua phát huy tối đa năng lực phân giải các chất bẩn, độc hại... bởi các vi sinh vật có lợi sẵn có trong môi trường.

Sản phẩm đã được cấp bằng sáng chế tại Nhật Bản, đạt chứng nhận JAS (tiêu chuẩn hữu cơ về nông nghiệp Nhật Bản) và được Tổ chức Phát triển công nghiệp LHQ (UNIDO) chứng nhận về công dụng làm sạch môi trường.

Đặc biệt, công nghệ sử dụng bột Bakture xử lý, hoạt động theo nguyên lý thông qua vòng tuần hoàn sinh thái tự nhiên để tự phân hủy các chất ô nhiễm và chất độc hại, làm cho các vi sinh vật có lợi phát triển, là chất xúc tác giúp tăng khả năng tự làm sạch sẵn có của tự nhiên.

Theo VietnamNet

Bạn đang đọc bài viết Ngạc nhiên công nghệ Nhật biến hồ “chết” thành hồ “sống”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...