Thứ năm, 25/04/2024 12:58 (GMT+7)

Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ hai, 27/04/2020 16:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đa dạng sinh học cũng hàm chứa sự đa dạng HST, sự đa dạng các mối tương tác giữa cơ thể sống trong các quần xã tự nhiên.

I. Khái quát về đa dạng sinh học

          Trong quá trình tồn tại, sinh vật luôn phát triển và tiến hóa. Điều này được xác định bằng ba cơ chế chủ yếu: Chọn lọc, đột biến và tính ngẫu nhiên.

          Hiện nay, chúng ta không thể biết được một cách chính xác có bao nhiêu loài sinh vật tồn tại, hầu hết các nhà sinh vật đoán ước rằng có ít nhất từ 5 - 10 triệu loài khác nhau. Một số khác cho rằng, có thể có từ 30 - 100 triệu loài, thậm chí còn nhiều hơn. Cho đến nay đã xác định được khoảng 250.00 loài thực vật có hoa; 800.000 loài thực vật bậc thấp và 1,5 triệu loài động vật (H.Raven, 1993).

          Thế nhưng khái niệm đa  dạng sinh học (ĐDSH) không chỉ đơn thuần là số lượng các loài khác nhau (đa dạng loài) mà còn đa dạng di truyền, sự đa dạng di truyền nội tại trong các loài - nghĩa là những quần thể khác nhau làm thành các loài đặc trưng. Đa dạng sinh học cũng hàm chứa sự đa dạng HST, sự đa dạng các mối tương tác giữa cơ thể sống trong các quần xã tự nhiên. Ví dụ, quần xã rừng với các cây tỗ, cây bụi, cây dược liệu, nấm, vi khẩn và những vi sinh vật khác tạo thành tính đa dạng lớn hơn so với một ruộng trồng ngô. Sự đa dạng HST còn có nghĩa là sự đa dạng của các HST tìm thấy trên trái đất như: rừng, đồng cỏ, sa mạng, các rạn san hô, hồ ao, cửa sông… Như vậy ĐDSH là sự phong phú về nguồn gen, về giống loài sinh vật và HST tự nhiên.

          Chính do sự ĐDSH cùng  với những hoạt động phong phú của nó đã làm cho vỏ trái đất thường xuyên bị biến đổi và ngược lại, sự ĐDSH cũng thay đổi do những tác động của các nhân tố vô sinh của sinh quyển. Những nhân tố vô sinh của sinh quyển và sinh vật sống trên đó đã tạo thành một hệ thống tự nhiên được duy trì và tồn tại nhờ sự chuyển hóa vật chất và năng lượng giữa các thành phần của sinh quyển và được gọi là sinh thái quyển.

II. Tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam

          Việt Nam đã được xem là một trong những nước thuộc vùng Đông Nam Á giàu về đa dạng sinh học. Ở Việt Nam do sự khác biệt lớn về khí hậu từ vùng gần xích đạo tới giáp vùng cận nhiệt đới, cùng với sự đa dạng về địa hình đã tạo nên sự đa dạng về thiên nhiên và cũng đó mà Việt Nam có tính ĐDSH cao. Một dải rộng các thảm thực vật bao gồm nhiều kiểu rừng phong phú đã được hình thành ở các độ cao khác nhau, như các rừng thông chiếm ưu thế ở vùng ôn đớn và cận nhiệt đới, rừng hỗn hợp lá kim và lá rộng, rừng khô cây họ Dầu ở các tỉnh vùng cao, rừng họ Dầu địa hình thấp, rừng ngập mặn cây đước chiếm ưu thế ở ven biển châu thổ sông Cửu Long và sông Hồng, rừng tràm ở đồng bằng Nam Bộ và rừng hỗn loại tre nứa ở nhiều nơi.

          Cho đến nay đã thống kê được 10.484 loài thực vật bậc cao có mạch, khoảng 800 loài rêu và 600 loài nấm. Theo dự đoán của các nhà thực vật học số loài thực vật bậc cao có mạch ít nhất sẽ lên đến 12.000 loài, trong đó có khoảng 2300 loài đã được nhân dân dùng làm nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn gia súc, lấy gỗ, tinh dầu và nhiều nguyên liệu khác.

          Hệ động vật Việt Nam cũng hết sức phong phú. Hiện đã thống kê được 275 loài thú, 828 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài ếch nhái, 472 loài cá nước ngọt, khoảng 2000 loài cá biển và thêm vào đó có hàng chục ngàn loài động vật không xương sống ở cạn, ở biển và nước ngọt. Hệ động vật Việt Nam không những giàu về thành phần loài mà còn nhiều nét độc đáo, đại diện cho vùng Đông Nam Á.

          Cũng như thực vật giới, động vật giới Việt Nam có nhiều dạng đặc hữu: hơn 100 loài và phân loài chim và 78 loài và phân loài thú là đặc hữu. Có rất nhiều loài động vật có giá trị thực tiễn cao và nhiều loài có ý nghĩa lớn về bảo vệ như Voi, Tê giác, Giava, Bò rừng, Bò tót, Trâu rừng, Bò xám, Nai cà tông, Hổ, Báo, Cu ly, Vượn, Voọc vá, Vọoc xám, Vọoc mũi hếch, Sếu cổ trụi, Cò quắm cánh xanh, Cò quắm lớn, Ngạn cánh trắng, nhiều loài trĩ, cá sấu, trăn, rắn và rùa biển.

          Về mặt đa dạng sinh thái, Việt Nam có nhiều kiểu rừng khác nhau, từ kiểu rừng rậm thường xanh đến kiểu rừng rụng lá ở các độ cao khác nhau, từ đai thấp (lowlands), cận núi (sub-montane), núi (montane), cận núi cao (sub-alpine), các kiểu rừng núi đất, rừng núi đá vôi, rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng tre nứa…

          Việt Nam cũng có đất ngập nước khá rộng trải ra khắp đất nước nhưng chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng đồng bằng sông Hồng. Đây không những là vùng sản xuất  nông nghiệp quan trọng của Việt Nam mà còn là nơi sinh sống của 39 loài động vật được coi là loài có nguy cơ bị tiêu diệt ở vùng Đông Nam Á thuộc nhóm thú, chim và bò sát (AWB, 1989). Ngoài ra Việt Nam còn có phần nội thủy và lãnh hải rộng khoảng 226.000km2 trong đó có hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ và nhiều rặng san hô phong phú.

          Ở Việt Nam các rặng san hô phân bố rải rác từ Bắc vào Nam của Biển Đông và càng vào phía Nam cấu trúc số loài càng phong phú. Phần lớn các rặng san hô ở biển miền Bắc là những đám hẹp hoặc tạo thành từng cụm nhỏ, độ sâu tối đa chỉ giới hạn trong vòng mươi mét. Ở phía Nam điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn cho sự phát triển của san hô. Từ vùng bờ biển Đà Nẵng đến Bình Thuận có nhiều rặng san hô ở xung quanh các đảo và các bãi ngầm và xung quanh các đảo  ở vịnh Thái Lan ở phía Tây Nam. Các đảo và bãi ngầm thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có những bãi san hô rộng lớn và đa dạng nhất trong vùng biển Việt Nam. Các rặng san hô phía Tây Nam có cấu trúc đa dạng và có đỉnh cao từ 8 - 10m và nằm ở độ sâu chừng 15m. Cũng như rừng nhiệt đới các rạn san hô là nơi có tính đa dạng sinh học cao, chứa đựng nhiều loại tài nguyên quý giá và có nhiều tiềm năng cho sự phát triển khoa học và kinh tế trong tương lai.

          Hiện nay chúng ta đã phát hiện được hơn 300 loài san hô cứng ở vùng biển Việt Nam, trong số đó có 62 loài san hô tạo rặng phù hợp với điều kiện trong vùng. Về nhóm nhuyễn thể ở nước mặn, chúng ta đã thống kê được khoảng 2500 loài, giáp xác 1500 loài, giun nhiều tơ 700 loài, da gai 350 loài, hải miên 150 loài, 635 loài tảo biển cũng đã được xác định.

          Nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có về sinh giới này, có thể đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của nhân dân Việt Nam trong quá trình phát triển, cũng như đáp ứng nhu cầu ấy trong quá khứ. Nguồn tài nguyên thiên nhiên này không những là cơ sở vững chắc của sự tồn tại của nhân dân Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã qua mà còn là cơ sở cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam trong những năm sắp tới. Tuy nhiên thay vì bảo tồn nguồn tài nguyên này, nhân dân Việt Nam dưới danh nghĩa phát triển kinh tế đang khai thác quá mức và phí phạm nguồn tài nguyên quý giá này.

          Nhiều loài hiện đã trở nên quý hiếm, một số loài đang có nguy cơ bị diệt vong. Nếu biết sử dụng đúng mức và quản lý tốt, nguồn tài nguyên sinh học của Việt Nam có thể trở thành nguồn tài nguyên tái tạo rất có giá trị, thế nhưng nguồn tài nguyên này đang suy thoái nhanh chóng.

          Sự suy thoái của các hệ sinh thái tự nhiên và nơi cư trú của nhiều loài động thực vật nhất là rừng nhiệt đới và các vùng đất ngập nước là nguyên nhân chính về suy thoái đa dạng sinh học ở Việt Nam. Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, ở Việt Nam rừng nhiệt đới ở địa hình thấp không còn nguyên vẹn nữa vì phần lớn các khu rừng này đã bị biến đổi do các hoạt động nông nghiệp và định cư. Các hoạt động này đã làm cho sự phong phú vốn có về tài nguyên ở đây đã bị suy thoái nghiêm trọng. Cũng vì thế mà các khu rừng nguyên vẹn phần lớn chỉ còn sót lại ở các vùng núi cao, những nơi hiểm trở. Đó là những nơi còn giữ được sự phong phú của các loài, và là những nơi cư trú cuối cùng của các loài đặc hữu và các loài có nguy cơ bị tiêu diệt.

          Độ che phủ của rừng ở Việt Nam đã giảm sút đến mức báo động. Chất lượng của rừng đã bị hạ thấp quá mức. Đất nước Việt Nam trải dài trên nhiều vĩ tuyến và độ cao, với địa hình rất đa dạng, lại có khí hậu thay đổi từ điều kiện nhiệt đới ẩm phía Nam, đến điều kiện ôn hòa ở vùng cao phía bắc, đã tạo nên sự đa dạng về hệ sinh thái tự nhiên và phong phú về các loài sinh vật rừng. Những hệ sinh thái đó bao gồm nhiều loại rừng như rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng cây lá rộng đai thấp, rừng cây lá rộng nửa rụng lá, rừng trên núi đá vôi, rừng hỗn giao lá rộng và lá kim, rừng đai núi cao, rừng tre nứa…

          Trước đây toàn bộ đất nước Việt Nam có rừng che phủ, nhưng chỉ mới mấy thập kỷ qua, rừng bị suy thoái nặng nề. Diện tích rừng quốc gia đã giảm xuống từ chỗ năm 1943 chiếm 43% thì đến năm 1991 chỉ còn xuống 28% tổng diện tích đất nước, trong đó chỉ còn 10% là rừng nguyên thủy. Miền Bắc Việt Nam đã chứng kiến sự sa sút lớn nhất về độ che phủ của rừng, giảm từ 95% đến 17% trong vòng 48 năm. Ở nhiều tỉnh độ che phủ còn lại rất thấp, ví dụ, ở Lai Châu chỉ còn 7,88%; ở Sơn La 11,95% và ở Lào Cai 5,38%. Sự suy giảm về độ che phủ rừng ở các vùng này là do mức tăng dân số tạo nhu cầu lớn về lâm sản và đất trồng trọt. Kết quả đã dẫn tới việc biến nhiều vùng rừng thành vùng đất hoang cằn cỗi. Những khu rừng còn lại ở vùng núi phía Bắc đã xuống cấp, trữ lượng gỗ thấp và phân cách nhau thành những đám rừng nhỏ cách biệt.

          So với những năm bốn mươi, độ che phủ của rừng là 43% thì nay rừng tự nhiên chỉ còn khoảng 26% (rừng già, rừng trung bình và rừng thưa), 25 năm qua toàn bộ vùng rừng tự nhiên ở vùng cao và ven biển đã giảm mức độ trung bình 350.000ha/năm. Việc phá rừng để làm rẫy canh tác dẫn đến việc làm xói mòn đất, làm mất chất dinh dưỡng trong đất, và cả những biến đổi sâu sắc về đặc điểm vật lý cũng như sinh học của cả hệ sinh thái.

          Nhận thức được việc mất rừng là tổn thất duy nhất nghiêm trọng đang đe dọa sức sinh sản lâu dài của những tài nguyên có khả năng tái tạo, nhân dân Việt Nam đang thực hiện một chương trình rộng lớn về xanh hóa những vùng đất bị tổn thất do chiến tranh và sửa chữa những sai lầm trong công cuộc phát triển nhanh của mình trong những năm qua. Mục tiêu là trong vòng thế kỷ XXI xanh được 40 - 50% diện tích cả nước, với hy vọng phục hồi lại cân bằng sinh thái ở Việt Nam, bảo tồn đa dạng sinh học và góp phần vào việc làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu.

          Một chương trình nữa về khoanh nuôi rừng và trồng rừng đang được thực hiện bằng cách xây dựng những vùng rừng đệm và rừng trồng kinh tế để cung cấp gỗ củi và gỗ xây dựng. Cần chú ý tạo ra những loại rừng hỗn hợp các loài cây bản địa phù hợp với điều kiện và khí hậu địa phương, giảm bớt các loại rừng chỉ trồng thuần một loài cây hay là trồng các loại cây du nhập từ nước ngoài.

          Thật khó mà ước tính được tổn thất về rừng và lâm sản hiện nay ở Việt Nam. Tuy nhiên, có thể ước định rằng tỷ lệ mất rừng hiện nay là khoảng 110.000ha/năm. Tỷ lệ trồng lại rừng hàng năm khoảng 130.000 - 150.000 ha (chương trình Hành động về Rừng nhiệt đới - Bộ Lâm nghiệp, 1991) và mục tiêu là trồng càng nhanh càng tốt để đạt 300.000ha/năm. Chương trình trồng 5 triệu hecta rừng trong những năm đang được các địa phương tích cực thực hiện. Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì 3 triệu hecta rừng sẽ được phục hồi và trồng dặm thêm, 2 triệu hecta trồng mới và 1 triệu hecta sẽ trồng các cây công nghiệp (Nguyễn Huy Ngọ, 1999). Dù cho các chương trình trồng rừng có đạt được sớm thì cũng chưa đủ bù đắp ngay được mức phá rừng hiện tại.

III. Nguyên nhân suy thoái đa dạng sinh học.

          Như đã nói ở trên, sự suy thoái của các hệ sinh thái tự nhiên, nhất là hệ sinh thái rừng nhiệt đới là nguyên nhân cơ bản của sự suy thoái đa dạng sinh học ở Việt Nam. Sự suy thoái rừng và các hệ sinh thái tự nhiên khác ở Việt Nam có liên quan mật thiết với lịch sử phát triển của đất nước. Trong thời kỳ đầy của lịch sử, nhân dân Việt Nam tập trung sinh sống ở châu thổ sông Hồng. Trong quá trình phát triển nhân dân Việt Nam đã dịch chuyển dần xuống phía nam bằng cách khai khẩn các vùng đồng bằng ven biển, các thung lũng và họ đã đến vùng châu thổ sông Cửu Long cách đấy vài ba thế kỷ. Nhân dân sinh sống ở các vùng núi tuy không đông, nhưng do kỹ thuật canh tác lạc hậu, họ đốt nương làm rẫy trên sườn dốc và cũng đã góp phần đáng kể vào việc thu hẹp diện tích rừng ở nhiều nơi.

          Trong thời kỳ thuộc địa Pháp, nhiều vùng rộng lớn phias Nam đã bị khai phá để trồng cà phê, cao su, chè và một số cây công nghiệp kkhacs. Vào khoảng năm 1943, hầu như các khu rừng thuộc châu thổ sông Hồng, một phần lớn châu thổ sông Cửu Long cùng với các khu rừng dọc theo bờ biển miền Trung, những chỗ thấp và một số ít vùng núi đã bị khai phá để trồng trọt và xây dựng làng bản. Vào lúc này độ che phủ của rừng còn lại khoảng 43%.

          Ba mươi năm chiến tranh tiếp theo có lẽ là những năm mà rừng của Việt Nam bị thu hẹp lại nhanh nhất. 72 triệu lít chất diệt cỏ cùng 13 triệu tấn bom đạn với khoảng 25 triệu hố bom đạn lớn nhỏ các loại, bom cháu cùng với đội xe ủi đất khổng lồ đã tiêu hủy hơn 20 triệu ha rừng nhiệt đới các loại.

          Sau chiến tranh, diện tích rừng chỉ còn lại 9,5 triệu ha, chiếm khoảng 29% diện tích cả nước, trong đó có khoảng 10% là rừng nguyên thủy. Trong những năm vừa qua, để đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng, để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng nền kinh tế còn yếu của mình, nhân dân Việt Nam vẫn phải tiếp tục khai thác một cách mạnh mẽ diện tích rừng còn lại.

          Sau chiến tranh, nhân dân địa phương đã tổ chức trồng lại những khu rừng ngập mặn bị chất độc hóa học phá hủy. Hàng ngàn hecta rừng đước đã được trồng lại. Các loài động vật hoang dã dần dần trở về. Năng suất thủy sản ở đây tăng dần lên hàng năm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do việc chạy đua nuôi tôm xuất khẩu mà nhiều khu rừng ngập mặn vừa mới được phục hồi đã bị phá hủy để làm ao nuôi tôm làm cho hệ sinh thái này bị suy thoái nặng nề. Cần phải có những biện pháp hữu hiệu để phục hồi lại rừng ngập mặn mà sử dụng một cách bền vững.

          Ngoài việc rừng bị phá hủy, nguyên nhân quan trọng gây nên sự tổn thất đa dạng sinh học ở Việt Nam cũng giống như hầu hết các nước khác trên thế giới, đó là sự mâu thuẫn giữa cung và cầu. Tài nguyên thiên nhiên thì có hạn mà nhu cầu của con người thì ngày càng tăng, một mặt là để đáp ứng cuộc sống cho dân số tăng nhanh, và mặt khác là mức độ tiêu dùng của mỗi nhóm người cũng tăng thêm không ngừng.

IV. Giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học

          Phát triển bền vững đã trở thành một khái niệm mới quan trọng mang tính chỉ đạo các hoạt động của con người, nhưng thực sự rất khó khăn để tìm thấy một thế cân bằng đúng đắn giữa việc bảo vệ ĐDSH và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

          Chính quyền địa phương và chính quyền trung ương bảo vệ ĐDSH thông qua các bộ luật khống chế các hoạt động như đánh bắt cá, săn bắn, sử dụng đất, ô nhiễm công nghiệp và thông qua việc thiết lập các khu bảo vệ.

          Nhiều xã hội truyền thống có những quy chuẩn đạo đức bảo tồn rất mạnh mẽ và các hoạt động quản lý đủ mạnh để bảo vệ được ĐDSH, những người dân này cần được hỗ trợ thêm để tiếp tục được các nỗ lực bảo tồn của họ.

          Năm tài liệu quan trọng về môi trường đã được ký kết vào năm 1992 tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về môi trường với sự tham dự của hơn 100 nhà lãnh đạo các quốc gia. Thực hiện và tài trợ cho những công ước mới này là rất cần thiết cho các nỗ lực bảo tồn quốc tế.

          Các nhóm bảo tồn và các chính phủ các nước phát triển đang ngày càng tăng việc tài trợ cho các dự án bảo tồn ĐDSH tại các nước đang phát triển vùng nhiệt đới. Mặc dù mức tài trợ ngày càng tăng nhưng lượng ngân sách vẫn chưa đủ để đối phó với việc mất mát ĐDSH đang diễn ra hàng ngày. Thêm nữa, các cơ chế mới như quỹ môi trường quốc gia và quốc tế, các cơ chế trả nợ theo phương thức hỗ trợ bảo vệ thiên nhiên đã được phát triển để hỗ trợ cho các hoạt động bảo tồn.

          Các cơ quan tài trợ quốc tế và các ngân hàng phát triển kể cả Ngân hàng Thế giới đã tài trợ cho rất nhiều các dự án và các dự án này đã gây ra những tổn thất và hủy hoại lớn đối với môi trường. Các cơ quan tài trợ này hiện nay đang cố gắng để có trách nhiệm nhiều hơn về khía cạnh môi trường trong chính sách cho vay tiền của họ.

          Các nhà sinh học bảo tồn phải chứng minh được sự đúng đắn trong các học thuyết cũng như trong cách áp dụng các nguyên tắc mới của họ và phải tích cực hlàm việc với các thành viên trong xã hội để bảo vệ ĐDSH và phục hồi các thành phần suy thoái của môi trường.

          * Duy trì ĐDSH và tính bền vững

          Các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trên hành tinh của chúng ta phụ thuộc và sự đa dạng và biến động của các nguồn gen, số lượng các loài và các HST. Tuy nhiên, sự suy giảm ĐDSH đang diễn ra nhanh chóng, chủ yếu là do sự phá hủy môi trường sống, khai thác quá mức, ô nhiễm và việc đưa vào môi trường các động thực vật ngoại lai không thích hợp. Cần phải có hành động khẩn cấp và mang tính quyết định để bảo vệ và duy trì các nguồn gen, các loài và HST (khung 1).

- Tạo các phương tiện kiểm soát nguy cơ do các loài sinh vật bị biến đổi bởi công nghệ sinh học.

- Sử dụng công cụ ĐTM có sự tham gia của công chúng - với các dự án có khả năng đe dọa đến ĐDSH, nhằm tránh hoặc giảm thiểu những mất mát có thể xảy ra.

- Ngăn chặn việc đưa vào, kiểm soát hoặc loại bỏ các giống loài ngoại lai có khả năng đe dọa HST và môi trường sống của các loài bản địa.

(Nguồn: Hội nghị Thượng đỉnh TĐ - Công ước về Đa dạng sinh học, 1992)

          Nhiều cộng đồng địa phương bị ràng buộc chặt chẽ vào các nguồn tài nguyên sinh học. Các quốc gia phải có các khuyến khích về lợi ích đối với các cộng đồng này, cũng như việc huy động các kiến thức bản ddiajd vào bảo vệ ĐDSH.

          * Phương thức tiêu thụ trong phát triển bền vững

          Nguyên nhân chính dẫn đến sự suy thoái ngày càng tăng của môi trường toàn cầu là do các nhu cầu quá lớn và các lối sống thiếu tính bền vững trong tầng lớp những người giàu hơn. Trong khi đó, tầng lớn nghèo hơn thì không được thỏa mãn các nhu cầu về lương thực thực phẩm, chăm sóc y tế, nhà ở và giáo dục.

          Để giải quyết mâu thuẫn trầm trọng này, điều cốt yếu là phải có được các mẫu hình tiêu thụ mang tính bền vững. Điều này có thể phải đưa ra các chỉ số mới gắn với phúc lợi của mỗi quốc gia một cách thường xuyên và lâu dài.

          Tất cả các nước đều phải phấn đấu để tăng cường các mẫu hình tiêu thụ bền vững, mà các nước phát triển phải đóng vai trò tiên phong. Còn các nước đang phát triển phải cố gắng thiết lập cho được các mẫu hình tiêu thụ bền vững. Họ cần đảm bảo thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của người nghèo, trong khi vẫn tránh được các mẫu hình tiêu thụ không bền vững, không hiệu suất và lãng phí. Sự phát triển như vậy đòi hỏi phải có sự trợ giúp từ các nước công nghiệp hóa (khung 2).

- Đánh giá lại hiện trạng ĐDSH trên quy mô toàn câu.

- Xây dựng các chiến lược quốc gia nhằm bảo vệ sử dụng bền vững ĐDSH, và làm cho các chiến lược này phải trở thành một bộ phận của chiến lược tổng thể phát triển quốc gia.

- Tiến hành nghiên cứu dài hạn đánh giá tầm quan trọng của ĐSH đối với các HST tạo ra sản phẩm hàng hóa và các lợi ích MT.

          -Khuyến khích sử dụn các phương pháp truyền thống có thể làm tăng thêm DDSH trong nông nghiệp, lâm nghiệp, quản lý đồng cỏ và các động vật hoang dại. Thu hút cộng đồng, bao gồm cả phụ nữ vào việc quản lý các SHT.

          - Phân chia hợp lý công bằng các lợi ích thu được do sử dụng nguồng tài nguyên sinh vật và tài nghuyên gen. Cộng đồng bản địa phải được chia sẻ các lợi ích về kinh tế và thương mai.

          - Bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên.

          - Tăng cường bảo vệ SHT đã bị phá hủy, và các loại đang bị đe dọa.

          - Hình thành cách thức sử dụng công nghệ sinh học, chuyển giao công nghệ bền vững, đặc biệt là chuyển giao cho các nước đang phát triển.

          - Đánh giá tác động của cá dự án phát triển đến ĐDSH, tính toán được hết các chi phí/mất mát phải trả cho những tổn thất về ĐDSH. Đối với những dự án có khả năng gây các tác động lớn phải được ĐTM có sự tham gia rộng rãi của công chúng.             

Nguồn: Hội nghị thượng đỉnh TĐ - Chương trình vì sự thay đổi 1992.

 Các quốc gia đều có quyền đối với nguồn tài ngyên sinh học của mình, song cũng còn phải có trách nhiệm bảo vệ ĐDSH của mình và sử dụng các tài nguyên sinh học của mình một cách bền vững.

Khung 3. Công ước về DDSH - vì mục tiêu PTBV.

- Xác định các thành phần ĐDDSH có tầm quan trọng bảo vệ và sử dụng bền vững, giám sát hoạt động có khả năng gây ra các tác động xấu đến DDSH.

- Xây dựng các chiến lược, kế hoạch hoặc chương trình quốc gia về bảo vệ và sử dụng bền vững ĐDSH.

- Đưa bảo vệ ĐDSH trở thành một tiêu chí xem xét trong quá trình lập quy hoạch và ban hành các chính sách.

          - Sử dụng phương tiện truyền thông và giáo dục để nâng cao hiểu biết và tầm quan trọng của nó ĐDSH và sự cần thiết phải có các biện pháp bảo vệ cho cộng đồng.

          - Ban hành luật pháp/ chính sách bảo vệ ĐSH và các khu bảo tồn.

Khung 4. Thay đổi các mẫu hình tiêu thụ - vì mục tiêu PTBV.

- Tìm các con đường phát triển kinh tế, trong khi lại giảm được việc sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm việc tạo ra chất thải, tái sử dụng chất thải.

          - Xác định các mẫu hình tiêu thụ cân bằng và có thể duy trì được trên thế giới.

          - Đẩy mạnh sản xuất có hiệu quả, giảm tiêu thụ lãng phí.

          - Xây dựng các chính sách khuyến khích chuyển sang các mẫu hình bền vững trong sản xuất và tiêu thụ, kích thích gá cả và các tín hiệu thị trường, phát triển và mở rộng việc dán nhãn MT, giáo dục nâng cao nhận thức cho công chúng, quảng cáo lành mạnh.

          - Khuyến khích chuyển giao các công nghệ thân thiện MT cho các nước đang phát triển.

Nguồn: Hội nghị thượng đỉnh TĐ - Chương trình Vì sự thay đổi, 1992

Bạn đang đọc bài viết Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.
Ngành chiếu sáng Việt Nam trên lộ trình chuyển đổi số
Khai thác, sử dụng những thành tựu, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của ngành kỹ thuật số vào ngành chiếu sáng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng tại các đô thị và tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, ...

Tin mới