Thứ bảy, 20/04/2024 00:00 (GMT+7)

Chặn xe chở rác: câu chuyện bao giờ mới có hồi kết?

MTĐT -  Thứ sáu, 30/10/2020 14:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 26.10, Bãi rác Nam Sơn đã hoạt động trở lại sau ba ngày ngưng trệ do một số người dân ngăn chặn xe vào bãi rác. Đây là lần thứ hai trong năm 2020, câu hỏi đặt ra là tình trạng này còn diễn ra?

Quy hoạch bãi chôn lấp rác và "rác" quy hoạch

Nhiều người giờ đây có thể không còn nhớ 15 năm trước các nhà quản lý đã bàn thảo lý do mở rộng Hà Nội vì lẽ gì, nhưng GS Nguyễn Lân, nguyên Kiến trúc sư trưởng đầu tiên và duy nhất thành phố Hà Nội, đã từng cho biết (một trong những lý do) đó là thiếu đất chôn rác và nghĩa trang. Nhưng mở rộng rồi lại không phát triển thêm được chỗ nào vì những nơi mở rộng lại đô thị hóa nhanh hơn. Trước đây là nông thôn thì tự chuyển hóa, còn nay lại thành nơi phát thải mới… Chuyện rác bế tắc trong phố lẫn ngoài làng và cả vùng nửa phố nửa làng.

Năm 2010, Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050 (Gọi tắt là Quy hoạch Hà Nội 2030) đã từng trình bày phương án, tăng tái chế… Trong 10 năm qua, trong khi vấn đề bố trí nghĩa trang đã dần được cải thiện khi "điện táng" đã dần đang thay thế "địa táng"… thì vấn đề rác thải sinh hoạt Hà Nội không thay đổi gì, có chăng là mua ô tô chở mới/xe thùng thu gom thay đổi vài kiểu.

Bản quy hoạch rác không dùng được thì có phải lài “rác" quy hoạch.

Năm 2016,  Hà Nội cũng đã đưa nhà máy đốt rác nhập khẩu công suất 75 tấn/ngày, trị giá 700 tỷ đồng nhưng tin tức về hiệu quả hoạt động của nhà máy này chưa thấy công bố, không rõ còn chạy hay không?! Hà Nội "chơi lớn" với dự án nhà máy đốt rác ngay cạnh bãi rác trị giá gấp 10 lần (7.000 tỷ đồng), công suất dự kiến 4.000 tấn ngày (50-60% tổng lượng rác Hà Nội). Tuy vậy nhà máy vẫn đang xây dựng và nhiều băn khoăn: chi phí đầu tư và vận hành có phù hợp với nền kinh tế Hà Nội? Đốt không phân loại thì có trộn chất đốt vào rác để đốt không? Đốt sinh tra lượng  tro bay kèm theo khí thải độc hại khối lượng lớn không - tức là chuyển từ ô nhiễm rác thải sang ô nhiễm khí thải độc hại/nguy hiểm hơn? 

Rồi sau khi tốn cả đống tiền đốt rác vẫn để lại 1/3- 1/4 tro xỉ (cả ngàn tấn/ngày) sẽ chôn lấp vào đâu? Câu hỏi này có thể khó vì nhà máy Hà Nội chưa xong, nhưng có thể căn cứ vào hoạt động của  nhà máy đốt rác Cần Thơ thì các cơ quan môi trường đã sẵn có thông tin nay cần công bố rộng rãi... Trong khi cả núi câu hỏi còn bỏ ngỏ thì mỗi ngày Hà Nội phát sinh xấp xỉ 7.000 tấn rác và bãi rác Nam Sơn đã sắp hết chỗ. Ngay cả sau này bà con không chặn xe nữa thì rác sẽ đổ vào đâu?

Câu hỏi lớn hơn là trong 10 năm qua ngành Tài nguyên và môi trường đã làm gì khi công kỹ nghệ toàn cầu tiến hóa hàng ngày thì ngành này vẫn loay hoay tại chỗ?

Thành phần rác Hà Nội và quy trình tuần hoàn của tài nguyên rác.

Biến rác thành tài nguyên, đừng biến tài nguyên thành rác!

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) thành phần rác Hà Nội có 98% có thể tái dụng được, ngay cả 38% chất trơ (phế thải xây dựng) thì cũng có thể dùng để san lấp, chỉ có 2% có thể độc hại phải xử lý đặc biệt… Như vậy phần lớn rác thải Hà Nội có thể phân loại tái sử dụng vào các công việc khác – về cơ bản rác là tài nguyên của nền kinh tế tái dụng rác thải.

Quy hoạch Hà Nội 2030  đưa ra mục tiêu xây dựng “Hành lang Xanh" Hà Nội, bản vẽ khu biệt rõ vùng xanh trong đô thị, ngoài đô thị, xanh tự nhiên, xanh cảnh quan, trồng hoa, lúa cao sản, rau an toàn và sân golf. Sau 10 năm thì đô thị "vết dầu loang" vươn các vòi bạch tuộc bám theo các trục đường  khác hẳn  viễn cảnh xanh như kỳ vọng của bản vẽ. Ngoài rác thải sinh hoạt đô thị, Hà Nội giờ đây có thêm "rác" dự án bất động sản, "rác" phế thải máy móc bên đô thị vệ tinh hoang phế… Phải chăng tài nguyên đất đai quý giá sử dụng hoang phí đã từng bước trở thành rác thải đè thêm gánh nặng hủy hoại môi trường sinh thái, môi trường phát triển bền vững Thủ đô?

“Hành lang Xanh" trong Quy hoạch Hà Nộ 2030  và thực tế sau 10 năm (2020).

Hà Nội đang bước vào giai đoạn phát triển mới khi tài nguyên đất đai, thảm xanh mặt nước ngày một cạn kiệt. Trong khi thách thức về cạnh tranh toàn cầu  ngày càng gay gắt, dịch bệnh lan tràn, thiên tai, khí hậu biến đổi tiêu cực… Hà Nội không thể dựa vào thế mạnh nhân công giá rẻ, phung phí tài nguyên mà cần một lộ trình phát triển kinh tế xã hội sáng tạo. Bởi chỉ có sáng tạo mới khai thác tối ưu nguồn lực hiện có và phát hiện ra nguồn lực mới – nên chăng hãy lấy mục tiêu phát triển Hà Nội thành một thành phố không rác thải. Một nền kinh tế tuần hoàn mà rác của chu trình này thì lại là nguyên liệu của chu trình tiếp theo.

Tất nhiên đây không phải là phép màu sau một đêm xuất hiện mà cần lộ trình ba bước. Trước mắt, trong ngắn hạn là cần đền bù cho người dân ổn định chỗ ở an toàn chung quanh bãi rác. Người đổ rác đô thị cần phải chia sẻ trách nhiệm tiền bạc xứng đáng cho bà con nhận rác thiệt thòi đủ đường.

Rác thành tài nguyên hay tài nguyên thành... "rác". Ảnh tư liệu

Kế hoạch trung hạn là cần tìm thêm những nơi đổ rác nhỏ lẻ thay vì tập trung vào một chỗ. Muốn vậy cần phải phân loại rác tại nguồn thì mới tìm được địa phương vui vẻ nhận rác. Thực tế có vùng trồng chè trong Hà Nội đã mua rác hữu cơ về làm giàu đất, vùng làng nghề đã nhận rác kim loại, giấy, nhựa để tái chế, nay cần hướng dẫn bà con quy trình tái chế an toàn hợp vệ sinh. Hà Nội cần bắt tay xây dựng mô hình liên kết đơn vị tự chủ sinh thái giữa một phường nội đô và một xã nông nghiệp để từng bước đánh giá, nhân rộng.

Kế hoạch dài hạn là xây dựng kế hoạch hành động/lộ trình cụ thể thực hiện Mô hình kinh tế tuần hoàn không rác thải cho Hà Nội.  Hà Nội có thể làm được nếu mở rộng nhiều bên tham gia, với sự đóng góp đa ngành từ các nhà khoa học đô thị, nông nghiệp, kinh tế thay vì để vài tổ chức cá nhân chuyên trách nhưng  xoay sở suốt  20 năm rồi mà vẫn bế tắc.

Theo KTS Trần Huy Ánh/Người đô thị

Bạn đang đọc bài viết Chặn xe chở rác: câu chuyện bao giờ mới có hồi kết?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Chuyên gia hiến kế giảm ô nhiễm không khí Hà Nội
Tình trạng ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề cấp bách của Hà Nội. Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau “hiến kế” nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí cho Thủ đô.
Truyền thông trong dự án xây dựng sử dụng công nghệ BIM
Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, công nghệ BIM đóng vai trò quan trọng như một công cụ có giá trị để tăng cường sự hợp tác và truyền thông giữa các bên liên quan nhờ vào sự tham gia chặt chẽ của họ trong các giai đoạn từ thiết kế đến xây dựng.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...