Thứ năm, 28/03/2024 15:57 (GMT+7)

Chính sách phát triển ngành nước cơ hội và thách thức

MTĐT -  Thứ ba, 12/03/2019 17:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phát triển ngành Nước bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Phát triển ngành Nước bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước mà Đảng và Chính phủ đặt ra cho ngành nhằm đảm bảo nhu cầu cơ bản thiết yếu cho người dân, cũng như cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng để nâng cao chất lượng đời sống và phát triển kinh tế xã hội đất nước. Đây cũng là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến 2030 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Trong những năm qua, cơ bản khung thể chế về phát triển cấp, thoát nước đã từng bước được hoàn thiện góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực cấp, thoát nước  đặc biệt các chính sách  liên quan đến xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn vốn và khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế. Từ năm 2012 và đặc biệt là từ 01/7/2014, nhiều đạo luật mới có liên quan đến quản lý và phát triển cấp, thoát nước như: Luật Giá, Luật Phí và lệ phí, Luật Tài nguyên nước, Luật Doanh nghiệp,  Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ Môi trường... đã được ban hành với những đổi mới cơ bản; nhiều định hướng, chiến lược, chương trình, quy hoạch như Điều chỉnh định hướng về cấp và thoát nước; Chương trình quốc gia về cấp nước an toàn; Quy hoạch cấp, thoát nước mang tính vùng cũng như quy hoạch cấp thoát nước các đô thị lớn…. đã được phê duyệt và nhiều chính sách về ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, huy động các nguồn lực cũng đã được ban hành nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế đất nước nói chung, của lĩnh vực cấp thoát nước nói riêng.

Song song với việc ban hành các cơ chế chính sách, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước cũng được dần dần hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương với các chức năng và nhiệm vụ khá rõ ràng. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp, thoát nước sau một thời gian chịu sự quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hoạt động như các doanh nghiệp công ích đã chuyển sang hoạt động theo hướng sản xuất kinh doanh có tính tự chủ cao và đang tiến hành cổ phần hóa theo lộ trình của Chính phủ. Nhiều doanh nghiệp ngành nước sau cổ phần hóa đã có những kết quả nhất định trong đó hoạt động sản xuất kinh doanh, phần lớn các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sach, thu nhập đầu người... đều tăng. 

Theo số liệu thống kê, 10 năm qua nhiều chỉ tiêu của ngành đều tăng với các chỉ tiêu: tổng công suất các nhà máy nước đạt khoảng 9 triệu m3; tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 86%; tỷ lệ thất thoát thất thu giảm từ 30% (2010) đến nay chỉ còn 21.5%; tổng lượng nước thải được xử lý gần 1 triệu m3/ngày tương ứng với tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đạt khoảng 15-16%; 37/63 địa phương có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, 5 địa phương đang xây dựng; 193/223 khu công nghiệp tập trung đang hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung.

1. Mặc dù cơ chế chính sách đang được hoàn thiện, bộ máy quản lý khá đầy đủ và có những thành tựu trong hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương và nâng cao chất lượng sống của người dân, song cũng còn khá nhiều thách thức khó khăn:

2. Chưa thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc các quy định trong các văn bản pháp luật chưa được cập nhật, bổ sung, sửa đổi gây khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

- Về quy định điều kiện đối với các đơn vị tham gia thực hiện dịch vụ cấp nước, dịch vụ thoát nước: Phụ lục 4 Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2016, có hiệu lực từ 01/01/2017 thì dịch vụ khai thác, xử lý và cung cấp nước; dịch vụ thoát nước không còn là dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên dịch vụ cấp, thoát nước đô thị là dịch vụ công ích và được thực hiện theo hình thức đấu thầu hoặc đặt hàng theo quy định tại Nghị định 130/2013/NĐ-CP và Nghị định 117/2007 và QĐ số 2502 ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2025 tầm nhìn đến 2015 lại quy định “...hoạt động cấp nước là hoạt động sản xuất kinh doanh có điều kiện...” - như vậy các quy định trên chưa có sự thống nhất.

- Về giá nước: Theo quy định tại Nghị định 117/2007/NĐ-CP “ Giá nước sạch phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý trong quá trình sản xuất, phân phối nước sạch bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước” Tuy nhiên giá nước hiện nay chưa tính đủ các chi phí hoặc chưa cập nhật, bổ sung kịp thời các chi phí phát sinh để thực hiện các hoạt động như: thực hiện cấp nước an toàn, đấu nối và duy trì đấu nối, quản lý rủi ro, lợi nhuận... và lộ trình điều chỉnh giá .

- Về giá dịch vụ xử lý nước thải và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Nghị định 80/2014/NĐ-CP quy định về giá dịch vụ thoát nước được xác định trên nguyên tắc  tính đúng tính đủ. Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 (có hiệu lực từ 01/01/2017) về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đã quy định “ Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương” Hiện nay phần lớn giá nước sạch ở các đô thị giao động ở mức 6.000 đồng – 8.000 đồng/m3và thực tế các đô thị chỉ thu mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải  khoảng 600 - 800 đồng/m3, thậm chí ở một số tỉnh, phí môi trường chỉ khoảng 300 đồng/m3 như vậy mức thu này quá thấp không khuyến khích người dân đấu nối vào hệ thống thoát nước và cũng không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống thoát nước.

- Quy định việc xây dựng các công trình đường ống cấp, thoát nước trong phạm vi đất dành cho đường bộ theo Luật GTĐB 2008 và các nghị định hướng dẫn có các quy định liên quan đến “… Cam kết di chuyển hoặc cải tạo công trình đúng tiến độ theo yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền; Không được yêu cầu bồi thường và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, kinh phí liên quan…." quy định này gây khó khăn cho các doanh nghiệp ngành nước khi hệ thống này đang hoạt động ổn định phải di dời theo yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ..

3. Hiệu lực các văn bản pháp lý chưa cao, nhiều quy định về ưu đãi hỗ trợ chưa được thực hiện; các quy định về CPH và quản lý các doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn thiếu hoặc chưa hợp lý.

Tại điều 31của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 có quy định UBND hoặc cơ quan được ủy quyền với doanh nghiệp thực hiện dịch vụ cấp nước ký kết Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước. Tuy nhiên hình thức Thỏa thuận thể hiện tính pháp lý không cao, đồng thời không có chế tài đi kèm cho đến nay mới chỉ có số ít  địa phương thực hiện ký kết Thỏa thuận này. Nhiệm vụ đảm bảo cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và đời sống của nhân dân là trách nhiệm của chính quyền địa phương,  việc không ký kết này có thể tiềm ẩn rủi ro về an toàn trong cấp nước.

Tại điều 46 của Nghị định 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 quy định UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn ; ban hành quy định quản lý thoát nước địa phương và phê duyệt giá dịch vụ thoát nước. tuy nhiên cho đến nay nhiều địa phương chưa ban hành các quy định này đồng thời cũng chưa đẩy nhanh việc tổ chức triển khai thực hiện giá dịch vụ thoát nước.

Nhiều cơ chế ưu đãi hỗ trợ được quy định trong các văn bản NĐ 19/2015 liên quan đến ưu tiên bố trí quỹ đất, thuê đất, vai lãi suất; NĐ 59/2014 có liên quan đến chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động liến quan đến…. Môi trường như thuế suất thu nhập doanh nghiệp… chưa được áp dụng rộng rãi.

Các quy định về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, chính sách liên quan đến nhà đầu tư chiến lược trong NĐ 126/2017 chưa hợp lý, thể hiện : Tiêu chí cùng ngành nghề với doanh nghiệp cổ phần hóa không được quan tâm, nặng về tiêu chí “có năng lực tài chính”; không rõ trách nhiệm cụ thể của nhà đầu tư chiến lược (bao gồm cả nhà đầu tư chiến lược là doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp trong nước có liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài) đối với chiến lược phát triển doanh nghiệp sau cổ phần hóa; thiếu chế tài xử lý khi nhà đầu tư chiến lược không thực hiện hoặc vi phạm các cam kết của mình… dẫn đến tình trạng một số nhà đầu tư chiến lược thường chỉ quan tâm nhiều đến lợi nhuận mà ít quan tâm đến việc mở rộng mạng lưới đặc biệt đến các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa không có lợi nhuận hoặc cấp nước phải ổn định, phải bảo đảm an toàn và đảm bảo chất lượng theo quy định.

Về tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất  03 năm kể từ thời điểm chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược theo Nghị định 126/2017 là quá ngắn so với tính đặc thù của các doanh nghiệp ngành nước

Về mức, tỷ lệ bán cổ phần và cổ phần với giá ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên và người lao động: Quy định mức, tỷ lệ bán cổ phần và cổ phần với giá ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên và người lao động tại điều 42 của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 vẫn còn thấp dẫn đến khó động viên khuyến khích sự gắn bó của người lao động với doanh nghiệp nhất là đối với lao động có tay nghề bậc cao, cán bộ quản lý có năng lực và các chuyên gia giỏi.

Quá trình cổ phần hóa đang tiến hành theo lộ trình quy định. Tuy nhiên thiếu các văn bản quản lý các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đặc biệt các công cụ để ràng buộc trách nhiệm giữa các bên ( đơn vị cung cấp nước và chính quyền địa phương) trong việc bảo đảm cấp nước cho người dân. Mô hình quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa được nghiên cứu, ban hành.

Hệ thống các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến ngành CTN chưa đầy đủ, chưa sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế hoặc ban hành mới để phù hợp với yêu cầu và tình hình mới đó là các tiêu chuẩn thiết kế cấp nước, thoát nước ngoài nhà theo hướng cấp nước thông minh, thoát nước bền vững, quy chuẩn xả nước thải vào hệ thống thoát nước, quy hoạch xây dựng cấp nước, thoát nước chậm đổi mới thiếu nội dung liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro. Tiêu chuẩn vật tư thiết bị ngành nước vừa thiếu vừa lạc hậu, thiếu công cụ kiểm tra, giám sát theo hướng thông minh hiện đại.

4. Cơ sở dữ liệu ngành nước thiếu, các tiêu chí và chỉ tiêu chưa đông bộ và còn có cách hiểu chưa thống nhất. Thiếu cơ sở pháp lý trong việc cung cấp, công bố thông tin về ngành nước.

5. Quản lý hoạt động cấp thoát nước:

Quản lý hoạt động cấp nước: Hiện nay theo NĐ 117/2007, quản lý cấp nước được giao cho nhiều Bộ ngành theo chức năng nhiệm vụ. Tuy nhiên cấp nước sạch cho người dân (đô thị, nông thôn) giao cho 2 Bộ (XD và NNPTNT) là chính, việc giao này là thiếu đồng bộ và thống nhất thể hiện từ quy hoạch cấp nước, kế hoạch và chương trình đầu tư, đầu tư xây dựng, giá nước và cả quy chuẩn, tiêu chuẩn ..Mặt khác mô hình quản lý cấp nước ở nhiều địa phương cũng không thống nhất…Vấn đề quản lý nước theo lưu vực sông chưa được nghiên cứu trong điều kiện chúng ta đang quản lý theo ranh giới hành chính là chủ yếu.

Quản lý hoạt động thoát nước cũng có những điểm tương tự ví dụ như quản lý thoát nước, thoát nước chống ngập, thoát nước với phòng chống thiên tai và xử lý nước thải; các tiêu chuẩn quy chuẩn xả thải vào nguồn tiếp nhận, vào hệ thống thoát nước, hệ thống thủy lợi... Hoạt động về thoát nước và xử lý nước thải tại các địa phương, trừ 5 thành phố trực thuộc Trung ương có đơn vị thoát nước riêng còn lại chỉ là một bộ phận trong các công ty môi trường, công trình đô thị…. và chưa được quan tâm thỏa đáng.

Những kiến nghị

Thứ nhất: Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ (Luật Giá, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ….và các Nghị định hướng dẫn thực hiện). Tiếp tục bổ sung và  hoàn thiện các quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư đối với lĩnh vực cấp thoát nước để thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này.

Thứ hai: Nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật Cấp nước, Luật Thoát nước và xử lý nước thải. Trước mắt chưa xây dựng Luật Cấp nước cần nghiên cứu sửa đổi Nghị định 117/2007 cho phù hợp với thực tiễn quản lý và phát triển đặc biệt lưu ý đến quy định về  Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước và đề nghị chuyển sang hình thức Hợp đồng sản xuất và cung cấp nước sạch được ký kết giữa Chính quyền địa phương và đơn vị cung cấp dịch vụ cấp nước; các quy định liên quan đến quy hoạch cấp nước; giá nước; quản lý rủi ro, an ninh và an toàn trong hoạt động cấp nước.

Thứ ba: Nghiên cứu hoàn thiện để ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế hệ thống các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến ngành CTN (trong đó kể cả tiêu chuẩn kỹ thuật về vật tư thiết bị ngành nước ) để phù hợp với yêu cầu, trình độ phát triển và công nghệ mới;  Bổ sung các nội dung liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro, thoát nước bền vững, quản lý nước thông minh… vào các đồ án quy hoạch xây dựng cấp nước, thoát nước.

Thứ tư: Nước là sản phẩm hàng hóa đặc biệt có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của con người, thoát nước là dịch vụ công ích, vì vầy đề nghị lựa chọn đơn vị cung cấp các dịch vụ này (thông qua đấu thầu hay đặt hàng) cần phải đáp ứng những điều kiện cụ thể nhằm đảm bảo cho dịch vụ được thực hiện một cách an toàn, bền vững, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của cuộc sống người dân.

Thứ năm: Về quá trình cổ phần hóa hiện nay:

Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và thực hiện bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược cần được áp dụng cho tất các doanh nghiệp mà nhà nước vẫn còn có cổ phần vốn của mình tại doanh nghiệp, không nên quy định chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% cổ phần trong tổng số cổ phần (quy định tại Điều 6, khoản b, Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017). Tiêu chí hàng đầu khi lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phải là nhà đầu tư có cùng ngành nghề với doanh nghiệp, có kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực cấp nước (về thời gian, quản lý, vận hành…), sau đó mới đến các tiêu chí về năng lực tài chính và các tiêu chí khác. Đồng thời phải quy định cụ thể các nội dung cam kết của nhà đầu tư về phát triển doanh nghiệp sau cổ phần hóa đồng thời cũng phải quy định rõ các chế tài xử lý khi các nhà đầu tư chiến lược vi phạm các cam kết của mình đặc biệt là các cam kết liên quan đến đảm bảo an ninh, an toàn trong cấp nước và chất lượng nước....

b) Về tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất đề nghị là 5 năm kể từ thời điểm chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược như trong Nghị định 59/2011 ( Nghị định 126/2017 giảm xuống còn 3 năm)

c) Đề nghị nghiên cứu điều chỉnh tăng mức bán cổ phần, cổ phần với giá ưu đãi cho người lao động .

d) Đề nghị nghiên cứu lộ trình cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành nước cho phù hợp với các địa phương đặc biệt các đô thị lớn trong khi các cơ chế, chính sách quản lý chưa đồng bộ hoặc còn thiếu đồng thời nghiên cứu ban hành các quy định về quản lý các doanh nghiệp sau cổ phần hóa trong đó xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các đơn vị cung cấp nước, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm cấp nước cho người dân.

Thứ sáu: Giá nước và giá dịch vụ thoát nước:

- Giá nước sạch phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý trong quá trình sản xuất, phân phối nước sạch bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước đề nghị nghiên cứu đổi mới các quy định có liên quan đến giá nước trước mắt cần cập nhật, bổ sung kịp thời các chi phí phát sinh để thực hiện các hoạt động như: thực hiện cấp nước an toàn, duy trì đấu nối, quản lý rủi ro, lợi nhuận …và có lộ trình điều chỉnh giá cho phù hợp.

- Giá dịch vụ thoát nước: Để thực hiện đúng nguyên tắc, người xả nước thải phải trả tiền xử lý nước thải cần có sự hài hòa và đồng bộ giữa Nghị định 154/2016/NĐ-CP và Nghị định 80/2014/NĐ-CP . Đề nghị sửa đổi Nghị định 154/2016/NĐ-CP theo hướng: Nguồn thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải phải được sử dụng hoàn toàn cho hoạt động xử lý nước thải;  cần quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tỷ lệ % thu phí qua nước sạch từ 10% trở lên và giao cho địa phương xây dựng và phê duyệt lộ trình điều chỉnh này cho phù hợp với tình hình quản lý và đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước trên địa bàn. Bổ sung các chế tài qui định cụ thể đối với các địa phương hiện nay không thực hiện giá dịch vụ thoát nước theo quy định tại Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 của Chính phủ về Thoát nước và xử lý nước thải.

Thứ bảy: Đề nghị nghiên cứu đổi mới mô hình quản lý thống nhất theo hướng một Bộ quản lý chuyên ngành về Cấp nước sinh hoạt, thoát nước và xử lý nước thải đô thị và khu dân cư nông thôn.

Cao Lại Quang

Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng

Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Chính sách phát triển ngành nước cơ hội và thách thức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.