Thứ năm, 28/03/2024 16:04 (GMT+7)

RTN 9: Chống rác thải nhựa theo cách của người Ninh Bình

Bùi Diệu -  Thứ ba, 08/10/2019 15:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều năm nay, nhằm hưởng phong trào "chống rác thải nhựa" trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền nhân dân loại bỏ dần đồ nhựa dùng một lần và các vật liệu khó phân hủy trong đời sống.

Giúp các bà nội trợ thói quen sử dụng làn nhựa đi chợ

Từ năm 2012, câu lạc bộ “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon” đầu tiên trong tỉnh được Hội Phụ nữ tỉnh xây dựng, đi vào hoạt động tại Hội Phụ nữ xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh.  Ban đầu, khi đưa ra sáng kiến này, nhiều chị em còn ngại ngần và cho rằng đây là việc khó thực hiện bởi thói quen đi chợ hàng ngày thường sử dụng túi nilon đã trở thành “cố hữu” vừa tiện dụng, lại chẳng mất tiền.

Nhưng khi đi vào phân tích cái lợi, cái hại của việc sử dụng túi nilon hàng ngày đã hủy hoại môi trường như thế nào, các bà nội trợ quanh năm gắn bó với lũy tre làng mới à, ồ đầy kinh ngạc vì sự tàn phá của nạn ô nhiễm rác thải nhựa đối với môi trường...

Hội viên phụ nữ Hoa Lư hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” bằng cách dùng làn nhựa và gói thực phẩm bằng lá chuối. Ảnh: Đức Lam

Hiểu và có ý thức bảo vệ môi trường sống cho bản thân, gia đình và cho thế hệ con cháu mình, câu lạc bộ “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon” xã Khánh Hải đã thành công khi đưa làn nhựa vào thói quen đi chợ hàng ngày của hội viên phụ nữ trong xã.

Kể từ đó đến nay, toàn tỉnh đã có 34 câu lạc bộ với hơn 400 thành viên tham gia. Đồng nghĩa với số hội viên là số làn nhựa được tặng và quan trọng là sự thay đổi về hành vi của mỗi người phụ nữ trong các gia đình.

Ra chợ thực phẩm ở nhiều địa phương trong tỉnh, chẳng khó gì để bắt gặp rất nhiều các bà, các cô tay xách làn nhựa, giỏ mây... đi mua sắm.

Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Ninh Bình: Không chỉ sử dụng làn nhựa đi chợ, sự vào cuộc của Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh trong việc hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” còn lan tỏa đến đông đảo hội viên phụ nữ trong tỉnh thông qua việc nhận thức, trách nhiệm của mỗi người có sự thay đổi tích cực: sử dụng cặp lồng, hộp đựng thức ăn chín khi đi chợ, sắm sọt rác có nắp đậy trong gia đình, tái chế đồ dùng bằng nhựa để làm bình, lọ trồng hoa, cây xanh, vận động chị em tiểu thương tại các chợ thực phẩm tận dụng lá chuối, giấy, các sản phẩm thân thiện với môi trường để gói hàng...

Vận động các cơ sở kinh doanh thực phẩm không sử dụng túi nilon

Tháng 7/2019 là “dấu mốc” quan trọng trong việc hưởng ứng phòng trào “Chống rác thải nhựa” của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình khi Hội tổ chức gắn biển “Điểm bán hàng không sử dụng túi nilon” tại cửa hàng nông sản an toàn sông Vân, thành phố Ninh Bình.

Ông Nguyễn Văn Tiên, đại diện cửa hàng chia sẻ: Không khí ô nhiễm như hiện nay, cộng với hàng loạt tác hại đối với sức khỏe và môi trường do rác thải nhựa đem lại đã khiến cửa hàng chúng tôi phải nhanh chóng thay đổi thói quen trong việc bọc, gói thực phẩm.

Khi triển khai việc thay thế túi nilon bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường, cửa hàng rất thuận lợi khi có sẵn nguồn lá chuối từ các trang trại cung cấp nguyên liệu.

Ngoài lá chuối, cửa hàng còn tận dụng lá khoai, lá sen để bao gói sản phẩm, dùng bẹ chuối khô hoặc rơm, lạt để bó rau. Cửa hàng cũng đầu tư thêm sản phẩm túi nilon thân thiện và phân hủy được để sử dụng gói, bọc thực phẩm.

Đặc biệt, tại cửa hàng còn cung cấp các hộp nhựa sử dụng lâu dài để đựng thực phẩm qua chế biến. Sau khi dùng, nếu khách hàng đem trả lại thì được cửa hàng trả tiền hộp.

Các cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã thay thế túi ni lon bằng lá chuối để gói rau. Ảnh:Phan Hiếu

Theo ông Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Việc sử dụng các loại lá cây có sẵn như lá chuối, lá sen, túi giấy...là ý tưởng hay, dễ áp dụng để bảo vệ môi trường nên khi Hội Nông dân tỉnh phát động, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, các cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng ngay.

Đã có sông Vân (thành phố Ninh Bình), Trang Quyết (gia Viễn), Quang Anh (Tam Điệp)... áp dụng việc gói rau bằng lá chuối. Nhẩm tính số lượng 15 cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động, đồng chí cán bộ Hội Nông dân tỉnh chắc chắn: chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, túi nilon sẽ dần biến mất...Khi đó, số lượng người tiêu dùng đã thay đổi thói quen, hành vi khi đi chợ hàng ngày cũng sẽ tăng lên...

Thưởng cho học sinh... ống hút bằng tre

Tại tỉnh Ninh Bình, chống rác thải nhựa là nội dung công việc được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Từ năm 2016, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành chỉ thị, UBND tỉnh có kế hoạch số 61 về thực hiện phong trào chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh.

Trong nhiều nội dung công việc được triển khai, tỉnh Ninh Bình chú trọng nhất giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức, đoàn thể; các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về tác hại của rác thải nhựa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nhằm kêu gọi, khuyến khích cộng đồng cùng thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa.

Hội Phụ nữ thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn tái chế các chai nhựa để làm thành lọ, bình trồng hoa, cây cảnh. Ảnh: Trường Giang

Tại các trường học, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các em học sinh về rác thải nhựa được lồng ghép khá hữu ích, hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Hằng (phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình) có con gái học lớp 9 đi học về khoe được cô thưởng cho thành tích đạt điểm cao nhất trong tuần là...một chiếc ống hút bằng tre.

Nhận quà của cô, con gái rất vui vì cô giáo đã tặng quà “trúng tủ” vì “qua nghe thầy cô tuyên truyền về rác thải nhựa, con và các bạn trong lớp đang định rủ nhau tìm mua ống hút bằng tre để dùng thay thế cho ống hút nhựa trong mỗi lần đi trà sữa, trà chanh...”.

Theo chị Hằng: ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nếu tuyên truyền tốt sẽ có tác động lớn đến nhận thức, hành vi của các cháu trong việc loại bỏ dần đồ dùng bằng nhựa trong sinh hoạt hàng ngày. Bà mẹ có hai con đang lứa tuổi học sinh chia sẻ thêm: Về hoạt động bảo vệ sức khỏe và môi trường ở trường học của các con, tôi vui lắm vì trường cháu nào cũng có thùng phân loại rác thải. Khi người lớn đi trước, làm gương, không gì mà học sinh không theo...

Với dân số hơn 1 triệu người, mỗi gia đình trung bình có 2 con, hy vọng rằng với cách làm hiệu quả như hiện nay, Ninh Bình sẽ có ngày 100% dân số “nói không với đồ nhựa dùng một lần”.

Tác giả dự thi: Phan Thị Hiếu.
Đơn vị công tác: Báo Ninh Bình.
Bạn đang đọc bài viết RTN 9: Chống rác thải nhựa theo cách của người Ninh Bình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới