Thứ sáu, 19/04/2024 14:57 (GMT+7)

Đánh giá tiêu chuẩn quốc gia về thoát nước

MTĐT -  Thứ hai, 22/04/2019 12:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Báo cáo này chỉ tập trung đánh giá một số nội dung chính của Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 7957:2008) về Thoát nước - Mạng lưới và công trình bên ngoài -Tiêu chuẩn thiết kế và Quy chuẩn xây dựng Việt Nam

1. Giới thiệu chung

Trong những năm qua, công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị nói chung, thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng nói riêng, được thực hiện dựa trên các quy định pháp luật có liên quan như Luật Quy hoạch đô thị,[1] Luật Xây dựng,[2]Nghị quyết về phân loại đô thị,[3]; Luật Quy hoạch; Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật,[4]các Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam luôn gắn liền với ngành xây dựng và đã đáp ứng cơ bản các yêu cầu phát triển của ngành.[5]Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh những bất cập như mức bao phủ còn mỏng, chưa phù hợp, chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ xây dựng được du nhập và đang áp dụng tại Việt Nam hiện nay,[6] chưa đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển và tình hình mới, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát quy chuẩn, tiêu chuẩn về thoát nước của các đô thị, khu dân cư trong điều kiện tác động của BĐKH, chỉ đạo các địa phương rà soát quy hoạch hệ thống tiêu thoát nước tại các đô thị và triển khai các phương án, giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng khi mưa.[7]Tiếp đến, ngày 09/02/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện từ nay đến năm 2021 và năm 2030.[8]

Do đó, việc đánh giá các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, đánh giá các vấn đề còn tồn tại là cơ sở đề xuất các nội dung cần điều chỉnh là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong phạm vi liên quan đến thoát nước đô thị, Báo cáo này chỉ tập trung đánh giá một số nội dung chính của Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 7957:2008) về Thoát nước - Mạng lưới và công trình bên ngoài -Tiêu chuẩn thiết kế và Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (QCVN: 01/2008/BXD) về Quy hoạch Xây dựng.

2. Giới thiệu khái quát hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật

2.1. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam:[9]

Hệ thống QCVN, TCVN đã được hành thành từ những năm 60 trên cơ sở các tiêu chuẩn của Liên Xô và hệ thống các nước XHCN và chính thức được luật hóa vào Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006.[10]Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã có sự phân biệt rõ về quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật. Theo quy định của Luật này:

- Hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam gồm: Tiêu chuẩn quốc gia (ký hiệu là TCVN) và Tiêu chuẩn cơ sở (ký hiệu là TCCS).[11]Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức xây dựng dự thảo TCVN và đề nghị Bộ trưởng Bộ KHCN thẩm định và công bố TCVN, các tổ chức xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở.

- Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật gồm: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (ký hiệu là QCVN) và Quy chuẩn kỹ thuật địa phương (ký hiệu là QCĐP).[12]Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tổ chức xây dựng và ban hành QCVN, Bộ trưởng BKHCN tổ chức thẩm định dự thảo;  UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và ban hành QCĐP sau khi được sự đồng ý của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Như vậy, TCVN về xây dựng sẽ do BXD xây dựng còn Bộ KHCN thẩm định và công bố; QCVN về xây dựng sẽ do Bộ trưởng BXD xây dựng và ban hành sau khi được Bộ KHCN thẩm định.

2.2. Hệ thống Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng

1) Quy chuẩn xây dựng Việt Nam – QCVN: 01/2008/BXD

Hiện có khoảng 700 QCVN do 13 Bộ quản lý chuyên ngành xây dựng, ban hành. Các QCVN liên quan đến ngành xây dựng tính đến 12/2016 là 107 quy chuẩn, trong đó có 16 quy chuẩn do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành, trong đó có “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng – QCVN:01/2008/BXD.[13]

QCVN: 01/2008/BXD: được ban hành theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ngày 03/4/2008.

Quy chuẩn này là những quy định bắt buộc phải tuân thủ trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng; là cơ sở pháp lý để quản lý việc ban hành, áp dụng các tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng và các quy định về quản lý xây dựng theo quy hoạch. Quy chuẩn gồm 7 chương, gồm: các quy định chung; quy hoạch không gian; quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật; quy hoạch giao thông; quy hoạch cấp nước; quy hoạch thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang; quy hoạch cấp điện.

Quy hoạch thoát nước thải được quy định tại Chương 6 gồm quy định về: Quy hoạch tiêu thoát nước; lựa chọn loại hệ thống thoát nước; quy định xả nước thải; quy hoạch thu gom nước thải; quy định về xử lý nước thải; quy định khoảng cách an toàn về môi trường của trạm bơm, trạm xử lý nước thải; quy định bố trí hệ thống thoát nước thải; bố trí trạm xử lý nước thải.

2) Tiêu chuẩn quốc gia – TCVN 7957:2008

Hệ Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam được sử dụng rộng rãi trong các ngành xây dựng, giao thông vận tải, thủy lợi…với tổng số trên 1.200 tiêu chuẩn.[14]

TCVN 7957:2008 về Thoát nước – Mạng lưới và công trình bên ngoài - Tiêu chuẩn thiết kế do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành theo Quyết định số 2934/QĐ-BKHCN ngày 30/12/2008.[15]Theo quy định của QCVN: 01/2008/BXD, hệ thống thoát nước là một trong những hệ thống thuộc hạ tầng kỹ thuật đô thị.[16]

TCVN 7957:2008 áp dụng để thiết kế xây dựng mới hoặc cải tạo, mở rộng và nâng cấp các hệ thống thoát nước (mạng lưới thoát nước và công trình bên ngoài) của các đô thị, khu dân cư và khu công nghiệp.

Tiêu chuẩn này quy định về tiêu chuẩn thải nước và tính toán thủy lực mạng lưới thoát nước; sơ đồ và hệ thống thoát nước; mạng lưới thoát nước và các công trình trên mạng lưới; trạm bơm nước thải và trạm bơm không khí; cac công trình xử lý nước thải; hệ thống thoát nước và khu vực nhỏ; đặc điểm thiết các công trình xử lý của hệ thống thoát nước chung và hệ thống thoát nước nửa riêng; trang bị điện, kiểm soát công nghệ, tự động hóa và điều khiển; những yêu cầu cần bổ sung đối với hệ thống thoát nước xây dựng ở những khu vực đặc biệt.

Ngoài ra, khi thiết kế các hệ thống thoát nước còn phải tuân theo các quy chuẩn và tiêu chuẩn liên quan khác đã được Nhà nước ban hành.

3. Các vấn đề

3.1. Các vấn đề chung

1) Quy định không thống nhất về thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn:

Theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền công bố tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức công bố tiêu chuẩn cơ sở[17]; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCVN:01/2008 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành, TCVN 7957:2008 do Bộ trưởng BXD ban hành).

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Thủ đô năm 2012[18]: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc đối với khu vực cải tạo, tái thiết đô thị phù hợp với điều kiện thực tế để lập quy hoạch, thiết kế đô thị tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.[19]Như vậy, thẩm quyền ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn trong các địa bàn này là Thủ tướng Chính phủ mà không theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.[20]

2) Quy định về  trách nhiệm của các cơ quan xây dựng và công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa phù hợp:

Theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Bộ KH&CN chịu trách nhiệm trước Chính phủ về hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật; công bố tiêu chuẩn quốc gia; thẩm định quy chuẩn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng là cơ quan chịu trách nhiệm từ việc đề xuất quy hoạch, kế hoạch và tổ chức xây dựng, ban hành hoặc trình Bộ KH&CN ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng;[21]chịu trách nhiệm về nội dung tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do mình xây dựng.[22]Như vậy, TCVN 7957/2008 sẽ do Bộ Xây dựng xây dựng, Bộ KHCN thẩm định và công bố nhưng BXD lại là cơ quan chịu trách nhiệm về nội dung của Tiêu chuẩn này; còn QCVN: 01/2008 sẽ do Bộ Xây dựng xây dựng và ban hành nhưng lại do Bộ KHCN thẩm định. Quy định một cơ quan thẩm định và công bố nhưng không phải chịu trách nhiệm về nội dung và một cơ quan xây dựng và ban hành nhưng lại do một cơ quan khác thẩm định, sự phân định trách nhiệm này chưa hoàn toàn phù hợp.

Bên cạnh đó, Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia là tổ chức tư vấn kỹ thuật do Bộ KHCN thành lập cho từng lĩnh vực tiêu chuẩn có nhiệm vụ đề xuất quy hoạch, kế hoạch, phương án, giải pháp xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; tham gia thẩm định dự thảo tiêu chuẩn quốc gia do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng,[23]nhưng không kiểm soát được nội dung các tiêu chuẩn thuộc các Bộ đệ trình danh mục thực hiện tiêu chuẩn hàng năm.[24]

3) Quy định về quy chuẩn về môi trường giữa các luật còn mâu thuẫn:

Theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Bộ TNMT xây dựng và ban hành quy chuẩn về môi trường sau khi được Bộ KHCN thẩm định; UBND thành phố Hà Nội ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương sau khi được Bộ TNMT thẩm định.[25]

Tuy nhiên, Luật Thủ đô 2012 quy định: Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành một số quy chuẩn môi trường về nước thải, khí thải và tiếng ồn trên địa bàn Thủ đô nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn môi trường quốc gia theo đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.[26]Quy định này không nói rõ là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hay quy chuẩn địa phương và dù là loại quy chuẩn nào thì cũng không phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Hơn nữa, nếu coi đây là quy chuẩn môi trường địa phương thì quy chuẩn này có thể nghiêm ngặt hơn quy chuẩn môi trường quốc gia và như vậy thì thẩm quyền ban hành phải là UBND mà không phải là Bộ TNMT.

4) Mạng lưới, nguồn nhân lực các cơ quan làm công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn ở cơ sở còn mỏng, mang nặng tính chất quản lý hành chính; công việc thực hiện xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn chủ yếu vẫn do Nhà nước chi phối và thực hiện bằng nguồn kinh phí nhà nước.[27]Do đó, một trong hai nhiệm vụ thuộc Danh mục nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ đặt hàng thuộc dự án “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” tuyển chọn thực hiện từ năm 2019 có nhiệm vụ “Đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế cho các thành viên Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và các cán bộ làm công tác tiêu chuẩn hóa các bộ, ngành năm 2019.[28]

3.2. Một số vấn đề cụ thể

3.2.1. Đối với QCVN: 01/2008/BXD về Quy hoạch xây dựng

1)  Những quy định còn thiếu/trống:[29]

(i) Quy định về chuẩn bị kỹ thuật (cao độ nền và thoát nước mặt): Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị bao gồm việc xác định khu vực thuận lợi cho việc xây dựng trong từng khu vực và đô thị; xác định lưu vực thoát nước chính, khu vực hạn chế và cấm xây dựng, cốt xây dựng, mạng lưới thoát nước mặt và công trình đầu mối, giải pháp phòng tránh và giảm nhẹ do thiên tai.[30]

QCVN: 01/2008 đã chỉ ra quy hoạch cao độ nền (quy hoạch chiều cao hay còn gọi san đắp nền đô thị) là một trong những biện pháp chuẩn bị kỹ thuật bắt buộc đối với các khu đất xây dựng trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị. Các biện pháp chuẩn bị kỹ thuật bắt buộc đối với khu đất xây dựng gồm: san đắp nền đô thị (quy hoạch chiều cao); quy hoạch hệ thống nước mưa; những biện pháp chuẩn bị kỹ thuật khác như hạ mặt nước ngầm, tránh trượt lở đất; phương án giảm thiểu thiệt hại do tác động của thiên tai (lũ, lũ quét, triều cường…).[31]

Với các quy định pháp luật hiện hành có liên quan, công tác quản lý cao độ nền trong quy hoạch đô thị về cơ bản đã được quan tâm đầy đủ, tuy nhiên việc xác định cao độ nền xây dựng khống chế cho toàn đô thị, cho một khu vực là chưa đầy đủ và lại làm hạn chế việc linh hoạt trong quản lý cao độ nền trong quá trình quy hoạch, tạo ra các xu hướng san lấp các khu vực trũng để đảm bảo cao độ nền khống chế mà không xét đến lợi ích về lưu chứa nước, chống ngập úng của các khu vực thấp trũng, hay tạo ra các khu đất, công trình chủ động lưu chứa nước, phòng chống ngập úng với các cao độ xây dựng đương nhiên phải thấp hơn cao độ xây dựng khống chế đã được xác định dựa trên việc lập các tính toán nhằm đảm bảo việc vượt qua mức nước ngập tính toán với tần suất thiết kế kèm theo một hệ số dự phòng từ 0,3-0,5.[32]

Bên cạnh đó, đối với các đô thị loại đặc biệt, loại I (hoặc các đô thị tỉnh lỵ từ loại III nếu cần thiết), đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật được lập riêng sau khi đồ án quy hoạch chung đô thị được phê duyệt. Tuy nhiên, thực tế, các đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh chỉ lập đồ án quy hoạch thoát nước, quy hoạch thoát nước, chống ngập…mà hầu như chưa có đô thị nào đã lập, phê duyệt quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt.[33]

(ii) Còn thiếu một số quy định về thoát nước thải trong hệ thống QCVN, TCVN: chưa có quy định quy mô diện tích tối thiểu của trạm bơm, trạm xử lý theo công nghệ. Hiện nay có rất nhiều công nghệ mới trong việc xây dựng trạm xử lý nước thải, tuy nhiên Quy chuẩn chưa cập nhật dẫn đến khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường từ trạm xử lý đến khu vực xung quanh còn chậm.[34]

(iii) Thiếu các quy định cụ thể về quy hoạch xây dựng vùng: Quy chuẩn đã đưa ra khung các nội dung cần làm rõ trong đồ án quy hoạch vùng. Tuy nhiên, về nội dung không gian vùng, Quy chuẩn hiện còn sơ sài, chưa đi vào vấn đề của quy hoạch vùng để đề ra các yêu cầu, chỉ tiêu khống chế. Về nội dung không gian vùng: Quy chuẩn hiện còn sơ sài, chưa đi vào các vấn đề của quy hoạch vùng để đề ra các yêu cầu, chỉ tiêu khống chế như vị trí, quy mô, mật độ và khoảng cách tối đa/tối thiểu của mạng lưới đô thị trong không gian vùng, các khống chế về khoảng cách của các vùng chức năng đặc biệt; các chỉ tiêu về công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội của vùng.[35]

(iv) Chưa có chủ trương xây dựng hệ thống quy chuẩn địa phương.[36]Mặc dù Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn địa phương đã quy định hệ thống quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam ngoài QCVN còn có QCĐP phù hợp với đặc thù và yêu cầu cụ thể phù hợp với địa lý, khí hậu, thủy văn, trình độ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương[37]nhưng trên thực tế đến nay chưa có địa phương nào ban hành quy chuẩn của địa phương mình.

(v) Quy chuẩn thiếu các chỉ tiêu tính toán phần hạ tầng kỹ thuật (cấp nước, thoát nước thải).[38]

3.2.2. Đối với TCVN 7957:2008

1) Một số quy định chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ xây dựng được du nhập vào và đang áp dụng ở Việt Nam hiện nay.[39]

Một số công nghệ thoát nước và xử lý nước thải mới đã và sẽ được ứng dụng tại các đô thị trên Thế giới cũng như ở Việt Nam nhưng chưa được đề cập đến trong TCVN 7957:2008 như: giải pháp thoát nước bền vững (SUDS), xử lý nước thải phi tập trung, giải pháp thiết kế hợp khối và tích hợp, các công trình XLNT bậc 3 và xử lý triệt để, các công trình theo công nghệ nước ngoài đã chuyển giao vào Việt Nam qua các dự án ODA như: SBR cải tiến, kênh oxy hóa cải tiến, aeroten hệ AO, hồ sinh học cấp khí cưỡng bức, bể lọc sinh học giá thể dính bám dạng tấm và dạng khối, bể MBBR, bể MBR,.....[40]

2) Hệ thống các tiêu chuẩn nên các tiêu chuẩn liên quan đến quy hoạch đến quy hoạch, phát triển đô thị, trong đó có TCVN 7957/2008, phần lớn dựa trên nền tảng các nước XHCN như Liên xô (trước đây), Liên bang Nga ngày nay, Trung quốc hay một số nước Đông Âu như Bungari.[41]Bên cạnh đó, những thay đổi trong cơ chế, chính sách quản lý quy hoạch, đất đai đã làm cho nội dung của một số tiêu chuẩn có liên quan không còn phù hợp, cần phải soát xét, bổ sung hoặc thay thế.

4. Một số đề xuất

Việc thực hiện QCVN: 01/2008 và TCVN 7957:2008 bên cạnh việc thực hiện các quy định của bản thân hai QCVN, TCVN này còn phải thực hiện theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng khác có liên quan. Nên bên cạnh việc phải sửa đổi các quy định của các TCVN và QCVN này còn cần phải rà soát, sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng khác trong hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành xây dựng, cụ thể là:

1) Tổ chức thực hiện một cách hiệu quả và đúng kế hoạch “Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng”. Kết quả của Đề án sẽ góp phần giải quyết một cách đầy đủ các bất cập hiện nay về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn nói chung, đối với TCVN 7957/2008 và QCVN: 01/2008 nói riêng. Vì:

- Phạm vi của Đề án liên quan đến toàn bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đang áp dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam bao gồm: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP), tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), tiêu chuẩn nước ngoài (TCNN), tiêu chuẩn quốc tế (TCQT), tiêu chuẩn khu vực (TCKV).

- Mục tiêu tổng quát của Đề án là xây dựng đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và các hoạt động trong xây dựng; đảm bảo an toàn trong xây dựng, khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, chống thất thoát, lãng phí; hướng tới các tiêu chí xanh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ an ninh quốc gia.

- Đến trước ngày 31/12/2018, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ KHCN, các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành lập quy hoạch và phê duyệt danh mục “Bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành xây dựng”.

- Đến năm 2021, hoàn thành quy hoạch, biên soạn và công bố “Bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành xây dựng”, bao gồm 15-20 QCVN, để phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn xây dựng; lợi ích, an ninh quốc gia; bảo vệ tài nguyên, môi trường; tiết kiệm năng lượng; phù hợp với công nghệ tiên tiến trong nước và quốc tế; hoàn thành quy hoạch và định hướng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành xây dựng. Xác định danh mục, biên soạn và công bố “Bộ tiêu chuẩn cốt lõi ngành xây dựng” (khoảng 15-20% số lượng tiêu chuẩn quốc gia lĩnh vực xây dựng).

Các địa phương xét thấy có các điều kiện đặc thù thì rà soát, đề xuất quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP) về xây dựng, thống nhất với Bộ Xây dựng, bộ quản lý công trình xây

- Đến năm 2030, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, thường xuyên soát xét, cập nhật nội dung các quy định trong Bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành xây dựng; hoàn thành biên soạn và ban hành 100% tiêu chuẩn quốc gia ngành xây dựng.

dựng chuyên ngành có liên quan để đưa vào quy hoạch quy chuẩn kỹ thuật địa phương, thời hạn trước ngày 31/12/2018.

2) Thay đổi quy trình xây dựng và ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phù hợp hơn theo hướng:

- Các ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia nên là một tổ chức cố định, thực hiện việc chiến lược phát triển hệ thống tiêu chuẩn, trực tiếp tham gia, biên soạn, soát xét các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng..[42]Theo quy định của Quyết định số 22/2007/QĐ-BKHCN ngày 28/9/2009 của Bộ trưởng Bộ KHCN, thành viên Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia gồm: các chuyên gia đại diện cho các cơ quan nhà nước, tổ chức khoa học và công nghệ, hội, hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức có liên quan khác và các chuyên gia độc lập.

- Các TCVN, trong đó có TCVN 7957, nên để Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện.[43]Đối với các QCVN, trong đó có QCVN: 01/2008 sẽ do Bộ Xây dựng soạn thảo, tổ chức thẩm định và ban hành.

- Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan ban hành trong việc giải quyết khiếu nại về các TCVN và QCVN.

3) Đối với các quy định của TCVN 7957/2008 và QCVN: 01/2008: Sửa đổi, bổ sung các quy định còn thiếu, chưa phù hợp của các tiêu chuẩn và quy chuẩn này như đã nêu ở phần trên, cụ thể là:

- Đối với QCVN:01/2008: cần bổ sung các quy định về cao độ nền và thoát nước mặt; thoát nước thải; quy hoạch xây dựng vùng; chỉ tiêu tính toán phần hạ tầng kỹ thuật.

- Đối với TCVN 7957/2008: quy định các tiêu chuẩn về công nghệ thoát nước và xử lý nước thải; áp dụng tiêu chuẩn của các nước tiên tiến khác ngoài tiêu chuẩn của các nước xã hội chủ nghĩa cũ.

4) Cần sớm có hướng dẫn về xây dựng hệ thống quy chuẩn địa phương, nhất là những địa phương có các đặc thù như vùng Hà Nội và vùng thành phố Hồ Chí Minh.

5) Nguồn lực xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn: Về tài chính, cần đa dạng hóa các nguồn tài chính trong hoạt động tiêu chuẩn hóa, cụ thể là ngoài nguồn vốn ngân sách từ Nhà nước, cần khuyến khích nguồn tài chính từ các tổ chức trong và ngoài nước bằng việc tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính. Về con người, cần xây dựng các ban kỹ thuật trực tiếp xây dựng chiến lược phát triển hệ thống tiêu chuẩn hóa cũng như trực tiếp tham gia biên soạn, soát xét các quy chuẩn, tiêu chuẩn.[44]

Kết luận:

Trong thời gian qua, việc đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng đã và đang được quan tâm của Chính phủ và Bộ Xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý hiệu quả công tác quy hoạch và xây dựng ở Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay còn “treo” 107 tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng chưa được ban hành theo kế hoạch. Điểm “nghẽn” này nằm ở cả khâu thẩm định và quá trình xây dựng các tiêu chuẩn này.[45]

Do đó, để thực hiện được các kiến nghị về hoàn thiện QCVN: 01/2008 và TCVN 7957/2008 nói riêng, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành xây dựng nói chung cần phải xây dựng một kế hoạch thực hiện và dành sự quan tâm thích đáng để thực hiện kế hoạch.

[1] Só 30/2009/QH12 và số 01/VBHN-VPQH.

[2] Số 50/2014/QH13.

[3] Số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/05/2016.

[4] Số 68/2006/QH11.

[5] Ths. Trương Thị Hồng Thúy, Viện KHCN Xây dựng, “Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn quốc gia trong ngành xây dựng”, 10/8/2017.

[6] Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 8/9/2018 tại Hà Nội.

[7] Văn bản số 215/TB-VPCP ngày 08/5/2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017.

[8] Quyết định số 198/QĐ-TTg.

[9] Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn số 68/2006/QH11ngày 29/06/2006.

[10] Báo cáo tổng hợp – Dự án “Điều tra, khảo sát, đánh giá việc thực hiện quy chuẩn Việt Nam về quy hoạch xây dựng (QCVN 01:2008) để đề xuất điều chỉnh.

[11] Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế-xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này.

[12] Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế-xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.

[13] Ths. Trương Thị Hồng Thúy, Viện KHCN Xây dựng, “Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn quốc gia trong ngành xây dựng”, 10/8/2017.

[14] Ths. Trương Thị Hồng Thúy, Viện KHCN Xây dựng, “Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn quốc gia trong ngành xây dựng”, 10/8/2017.

[15] Quyết định này công bố 27 tiêu chuẩn quốc gia trong đó có TCVN 7957:2008.

[16] Khoản 11 mục 1.2.

[17] Các tổ chức xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở gồm: Tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp.

[18] Luật số 25/2012/QH13. Luật Thủ đô không có điều khoản nào quy định tính ưu tiên cao hơn của Luật Thủ đô so với các luật khác có liên quan.

[19] Khoản 3 Điều 14.

[20] Theo thông tin được biết thì đến nay, các quy định này của Luật Thủ đô vẫn chưa được thực hiện và như vậy vẫn đang áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn chung.

[21] Điều 59, 60 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

[22] Khoản 4 Điều 22 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/08/2007 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

[23] Khoản 1 Điều 16 Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

[24] Ths. Trương Thị Hồng Thúy, Viện KHCN Xây dựng, “Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn  quốc gia trong ngành xây dựng”, 10/8/2017.

[25] Điều 27.

[26] Khoản 3 Điều 10.

[27] Đại diện Bộ GTVT đã phát biển như vậy. Và Thứ trưởng BXD Lê Quang Hình khẳng định, Nhà nước vẫn chi phối việc xây dựng và ban hành hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn và bỏ kinh phí ra thực hiện.

Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 08/9/2017.

[28] Quyết định số 1288/QĐ-BKHCN ngày 15/5/2018 của BKHCN về việc phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH&CN thuộc dự án “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cáo năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp đến năm 2020” để tuyển chọn thực hiện năm 2019.

[29] Báo cáo tổng hợp, Dự án “Điều tra, khảo sát, đánh giá việc thực hiện quy chuẩn Việt Nam về quy hoạch xây dựng (QCVN 01:2008/BXD) để đề xuất điều chỉnh”. 2016.

[30] Khoản 2 Điều 37 Luật Quy hoạch đô thị.

[31] Mục 3.1.1. Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật, QCVN 01:2008, ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03/4/2008.

[32] Quy hoạch và quản lý cao độ nền theo định hướng thoát nước bền vững. Website Bộ Xây dựng, ngày 9/11/2017.

[33] Cốt nền đô thị - Quy chuẩn hay sự “tùy tiện: (Kỳ 1), Báo Xây dựng ngày 25/09/2017. Http://www.baoxaydung.com.vn.

[34] Báo cáo tổng hợp, Dự án “Điều tra, khảo sát, đánh giá việc thực hiện quy chuẩn Việt Nam về quy hoạch xây dựng (QCVN 01:2008/BXD) để đề xuất điều chỉnh”. 2016.

[35] Nt.

[36] Ths. Trương Thị Hồng Thúy, Viện KHCN Xây dựng, “Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn quốc gia trong ngành xây dựng”, 10/8/2017.

[37] Khoản 2 Điều 27.

[38] Ths. Trương Thị Hồng Thúy, Viện KHCN Xây dựng, “Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn quốc gia trong ngành xây dựng”, 10/8/2017.

[39] Ý kiến phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 8/9/2018 tại Hà Nội

[40] Thuyết minh “Nghiên cứu xây dựng tài liệu tính toán thiết kế các công trình thoát nước và xử lý nước thải đô thị có tính đến yếu tố BĐKH và hoàn thiện dự thảo TCVN 7957”, thời gian thực hiên từ tháng 9/2018 đến tháng 12/2019.

[41] Quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực đô thị hiện nay. Viện Quy hoạch Xây dựng http://vqh.hanoi.gov.vn, thứ tư ngày 06/01/2016. .

[42] Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng: nhiều nước trên thế giới thành lập các Ban kỹ thuật thẩm định, soạn quy chuẩn, tiêu chuẩn. Ban này làm việc theo nhánh chuyên đề và chịu trách nhiệm sửa đổi đổi, trình ban hành. Với điều kiện Việt Nam thì Ban kỹ thuật thẩm định nên cố định, thay vì thành lập nhiều hội đồng riêng lẻ. Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 8/9/2018 tại Hà Nội.

[43] Nt.

[44] Ths. Trương Thị Hồng Thúy, Viện KHCN Xây dựng, “Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn quốc gia trong ngành xây dựng”, 10/8/2017.

[45] Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 8/9/2018 tại Hà Nội.

Thực hiện:Chương trình thoát nướcvà chống ngập đô thịứng phó với Biến đổi khí hậu (GIZ)

Bạn đang đọc bài viết Đánh giá tiêu chuẩn quốc gia về thoát nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chuyên gia hiến kế giảm ô nhiễm không khí Hà Nội
Tình trạng ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề cấp bách của Hà Nội. Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau “hiến kế” nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí cho Thủ đô.
Truyền thông trong dự án xây dựng sử dụng công nghệ BIM
Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, công nghệ BIM đóng vai trò quan trọng như một công cụ có giá trị để tăng cường sự hợp tác và truyền thông giữa các bên liên quan nhờ vào sự tham gia chặt chẽ của họ trong các giai đoạn từ thiết kế đến xây dựng.

Tin mới

Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.