Thứ bảy, 20/04/2024 19:20 (GMT+7)

Giải pháp cho công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt

MTĐT -  Thứ năm, 24/12/2020 11:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đẩy mạnh xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn. Tăng dần nguồn thu phí vệ sinh, giảm dần hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt.

Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh khoảng hơn 64.000 tấn/ngày (đô thị: 35.600 tấn/ngày, nông thôn: 28.400 tấn/ngày). Việc phân loại tại nguồn mới chỉ được thực hiện tại một số địa phương và còn mang tính khuyến khích, chưa có tính cưỡng chế cao.

Công tác vận chuyển hiện còn gặp nhiều khó khăn, các bãi chôn lấp chất thải thường ở xa khu dân cư làm tăng chi phí vận chuyển. Năng lực vận chuyển của một số địa phương còn hạn chế, phương tiện vận chuyển còn gây rò rỉ, rơi vãi chất thải trong quá trình vận chuyển.

Nhà máy xử lý rác thải đốt điện tại Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội

Về xử lý, hơn 70% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Một số địa phương đầu tư các lò đốt cấp xã để xử lý chất thải rắn, việc này đã góp phần giải quyết vấn đề CTRSH tại nông thôn.

Tuy nhiên, một số lò đốt có công suất nhỏ không đáp ứng yêu cầu về công suất tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 61:2016/BTNMT về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.

Hiện nay, trên cả nước còn để xảy ra một số vụ khiếu kiện phức tạp liên quan đến việc xây dựng và triển khai các dự án xử lý CTRSH, trong đó có vụ việc người dân tại xã Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội cản trở, phản đối hoạt động của Nhà máy xử lý CTRSH Nam Sơn như Đại biểu đã nêu.

Rác thải bủa vây Hà Nội khi người dân chặn đường vào bãi rác Nam Sơn. Ảnh: Lê Phú.

Theo quy hoạch của thành phố Hà Nội, hơn 2.000 hộ dân quanh bán kính 500 m bị ảnh hưởng từ bãi rác Nam Sơn sẽ được di dời đến các khu tái định cư, cách bãi rác từ 01 đến 07 km. Tuy nhiên, người dân cho rằng thành phố Hà Nội và huyện Sóc Sơn chậm thực hiện các chính sách phục vụ công tác di dời nên nhiều lần chặn xe vào khu xử lý rác.

Bên cạnh đó, bãi rác Nam Sơn đã hoạt động trong tình trạng quá tải, bãi rác đã đi vào vận hành hơn 20 năm (thời hạn vận hành bãi rác là 20 năm) song việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các kết luận, văn bản chỉ đạo của thành phố tại cấp cơ sở còn chậm và bị động, không giải quyết căn cơ các vấn đề phát sinh.

Sau khi Chính phủ có Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/2/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã rà soát các quy định pháp luật và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đề xuất phương án sửa đổi làm cơ sở thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn (CTR); tổ chức đoàn công tác làm việc với 63 tỉnh về công tác quản lý CTR tại các địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CTR. Tổ chức nhiều hội thảo để rà soát, đánh giá, đề xuất lựa chọn công nghệ xử lý CTR phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam theo hướng giảm tỷ lệ chất thải phải chôn lấp, tăng tỷ lệ chất thải được tái chế, tái sử dụng.

Bộ TN&MT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn, trong đó có nhiều giải pháp nhằm quản lý hiệu quả CTRSH. Hiện nay, Bộ đang triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung quy hoạch về CTR.

Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có nhiều quy định mới nhằm tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải, phân loại rác tại nguồn... Các quy định khi được ban hành sẽ góp phần giải quyết những khó khăn trong công tác quản lý rác thải tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khuyến khích tái chế, tái sử dụng rác thải, giảm thiểu lượng chất thải phải xử lý tập trung.

Duy trì hiệu quả hoạt động của Đường dây nóng về môi trường từ Trung ương đến địa phương để kịp thời nắm bắt thông tin phản ánh từ người dân; qua đó trực tiếp tổ chức xác minh hoặc yêu cầu Sở TN&MT địa phương kiểm tra, xác minh và có báo cáo về Bộ TN&MT để trả lời, giải quyết kịp thời phản ánh của người dân.

Về phía các địa phương, hầu hết các địa phương đã lập quy hoạch quản lý CTR. Bên cạnh đó còn có các quy hoạch vùng về quản lý CTR như: quy hoạch quản lý CTR vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2030, quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý CTR lưu vực sông Cầu đến năm 2020, quy hoạch quản lý CTR sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030, quy hoạch quản lý CTR lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030.

Với định hướng xử lý CTR tập trung quy mô lớn, nhiều địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý bài bản, hiệu quả, quy mô cấp huyện, liên huyện, như: Nghĩa Đàn (Nghệ An), Cẩm Xuyên, Can Lộc (Hà Tĩnh), Hưng Yên, Uông Bí (Quảng Ninh), Tam Điệp (Ninh Bình), Thanh Liêm (Hà Nam), Quảng Bình, Cần Thơ... Điển hình là tại tỉnh Đồng Nai, tỷ lệ chôn lấp CTR sinh hoạt chỉ còn 43% (thấp nhất trong cả nước).

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nói trên, tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở cả đô thị và nông thôn tăng dần theo từng năm. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 92% (tăng 7% so với năm 2016, tăng 6% so với năm 2018), tại khu vực ngoại thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 66% (tăng 15% so với năm 2016, tăng 6% so với năm 2018).

Giải pháp chung

Thực hiện phân định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, các cơ quan của địa phương trong quản lý chất thải rắn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 09/NQ-CP bảo đảm phương án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn với mục tiêu giao Bộ TN&MT là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt ở cấp Trung ương và Sở TN&MT là cơ quan chuyên môn giúp việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở địa phương;

Quyết liệt yêu cầu các địa phương khi thực hiện tiêu chí về môi trường trong khuôn khổ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới không đầu tư các lò đốt cỡ nhỏ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

Tập trung phân loại rác tại nguồn trên địa bàn, tăng thêm chất thải có khả năng tái chế, hạn chế chôn lấp trong thời gian tới; giải tỏa đền bù, di dời người dân ra khỏi khu vực xung quanh các bãi chôn lấp.

Duy trì các tổ giám sát, thanh tra, kiểm tra thường xuyên, định kỳ. Duy trì hiệu quả hoạt động của Đường dây nóng để tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của người dân;

Đẩy mạnh xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý Chất thải rắn. Tăng dần nguồn thu phí vệ sinh, giảm dần hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt.

Nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý CTRSH hiện đại, thân thiện môi trường, theo hướng giảm thiểu lượng CTRSH chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải.

Giải pháp đối với vụ việc tại bãi rác Nam Sơn (Hà Nội)

Để giải quyết tình trạng rác thải sinh hoạt hiện nay nói chung và tình trạng rác thải xử lý bãi rác Nam Sơn nói riêng, trước mắt, Bộ TN&MT sẽ đôn đốc UBND thành phố Hà Nội rà soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải; tuyên truyền, ổn định tư tưởng cho người dân; không để rác tồn đọng trong khu vực nội đô.  

Về lâu dài, Bộ TN&MT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Dự án xử lý rác thải bằng công nghệ đốt phát điện với công suất thiết kế 4.000 tấn/ngày đêm tại Sóc Sơn, bảo đảm hoàn thành trong năm 2021; Dự án xử lý rác thải bằng công nghệ đốt phát điện với công suất thiết kế từ 1.500 tấn/ngày đêm đến 2.000 tấn/ngày đêm tại Sơn Tây./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp cho công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chuyên gia hiến kế giảm ô nhiễm không khí Hà Nội
Tình trạng ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề cấp bách của Hà Nội. Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau “hiến kế” nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí cho Thủ đô.
Truyền thông trong dự án xây dựng sử dụng công nghệ BIM
Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, công nghệ BIM đóng vai trò quan trọng như một công cụ có giá trị để tăng cường sự hợp tác và truyền thông giữa các bên liên quan nhờ vào sự tham gia chặt chẽ của họ trong các giai đoạn từ thiết kế đến xây dựng.

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất