Thứ sáu, 29/03/2024 21:14 (GMT+7)

Giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa

Minh Phan -  Thứ năm, 11/06/2020 08:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tái sử dụng là biện pháp đang được rất nhiều cơ quan môi trường khuyến khích và khuyên người dân nên làm. Việc này sẽ hạn chế phần nào rác thải nhựa bị thải ra môi trường.

Bước vào giai đoạn đầu của thế kỷ 21, thế kỷ của sự phát triển như vũ bão khoa học kỹ thuật, của những dấu ấn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhưng chúng ta đang phải giải quyết những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, trong đó, một vấn đề nhức nhối đang được nhiều quốc gia quan tâm đó là rác thải nhựa. Năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông” và tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019, Nguyên thủ các nước, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã có các cam kết mạnh mẽ về chống rác thải nhựa.  

Theo ước tính và số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rác thải nhựa chiếm tỷ trọng khoảng 5 - 10% trong rác thải sinh hoạt (tương đương với các nước trên thế giới); cả nước phát sinh khoảng 23 - 25 triệu tấn rác thải sinh hoạt/năm, tương ứng từ 1,15 - 2 triệu tấn rác thải nhựa/năm.

Việc loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm nhựa ra khỏi cuộc sống là điều không thể thực hiện được. Vì thế, để giảm lượng rác thải nhựa và bảo vệ môi trường, hãy hạn chế sử dụng đồ nhựa và nâng cao khả năng xử lý, tái chế rác thải nhựa.
5 nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương

Tái sử dụng là biện pháp đang được rất nhiều cơ quan môi trường khuyến khích và khuyên người dân nên làm. Việc này sẽ hạn chế phần nào rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Thay vì dùng một lần và vất đi, người dân có thể sử dụng sản phẩm đó cho những mục đích khác, vừa tiết kiệm vừa giúp bạn thỏa sức sáng tạo. Ví dụ như, chai nhựa sau khi sử dụng xong có thể tái sử dụng để đựng nước, bột giặt, nước rửa bát,...; hoặc tái sử dụng đồ nhựa, chai nhựa làm đồ trang trí như: ống cắm bút, chậu hoa,… Việc tái chế này hoàn toàn đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà.

Phân loại rác thải từ đầu nguồn để tái chế. Nhiều người hiện vẫn có một thói quen đó là để chung các loại rác thải với nhau thay vì phân loại rác thải. Việc để chung này gây khó khăn cho nhân viên môi trường khi thu gom rác thải nhựa, gây tốn kém thêm thời gian cho việc phân loại rác trước khi xử lý, mặt khác nó còn làm cho rác thải nhựa bị lẫn, bị bẩn và có thể phải chôn hoặc đốt gây nên những tác động xấu đến môi trường. Vì thế, việc phân loại rác thải là rất cần thiết để tái chế, xử lý hiệu quả nhất.

Các đại sứ của cuộc thi "Nói không với rác thải nhựa" do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức, trong đó có sự đồng hành của 6 Đại sứ: Nghệ sĩ hài Thúy Nga; Hoa hậu Hà Kiều Anh; Diễn viên điện ảnh Thùy Trang; MC Quỳnh Hoa; MC Vũ Mạnh Cường và Đại sứ Áo dài Việt Nam Vũ Trần Bảo Nguyên, cùng đông đảo nghệ sĩ tham gia.

Hạn chế việc đốt rác thải nhựa tại nhà. Bởi việc đốt rác thải nhựa mang đến rất nhiều nguy hại. Trong chất thải nhựa có một hàm lượng lớn carbon và hidro, khi đốt sẽ tạo ra những chất độc nguy hiểm cho con người, có thể gây ra bệnh: giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và thậm chí là ung thư. Ngoài ra, những hợp chất hữu cơ bay hơi như VOCs, dioxin, furan có trong quá trình đốt rác thải nhựa cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng không khí. Về lâu dài sẽ có khả năng gây ảnh hưởng tới tầng ozone.

Việc đốt rác thải nhựa không đúng quy trình tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Do vậy, việc đốt rác thải tại nhà là không nên, các hộ gia đình nên hạn chế đốt rác thải hay chôn lấp mà hãy phân loại và thu gom và chuyển cho đơn vị xử lý.  

Theo TS. Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa cần có sự chung tay, góp sức của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, phải tiếp tục coi công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa, những biện pháp tiết kiệm, tái sử dụng rác thải nhựa là hoạt động trọng tâm, xuyên suốt.

Bên cạnh đó, đối với các cán bộ, công chức, viên chức, nhất là thủ trưởng của đơn vị, cần phổ biến, quán triệt, yêu cầu mỗi cá nhân phải nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong việc nói không với rác thải nhựa sử dụng một lần, túi ni lông khó phân hủy; đồng thời tăng cường tuyên tuyền vận động người thân, gia đình và bà con khu phố về hạn chế sử dụng rác thải nhựa.

Đối với cộng đồng, doanh nghiệp, tiếp tục xây dựng, thực hiện các Chương trình tuyên truyền về phòng chống rác thải nhựa, túi ni lông sử dụng một lần, với các hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền, tạo sự lan tỏa sâu rộng, hiệu quả. Thông qua việc thực hiện các Chương trình tuyên truyền này sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư chuyển biến từ nhận thức sang hành động cụ thể nhằm sử dụng rác thải nhựa, túi ni lông thân thiện môi trường một cách tiết kiệm, hiệu quả.

Đại diện lãnh đạo Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, cùng đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM ký kết cam kết chung tay chống lại rác thải nhựa.

 
Tổ chức bình chọn và công bố các sản phẩm, cửa hàng, siêu thị thân thiện với môi trường; phát hiện và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, các sáng kiến thiết thực, hiệu quả nhằm khuyến khích, động viên, tôn vinh kịp thời các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có đóng góp trong việc giải quyết vấn đề rác thải, rác thải nhựa. Đồng thời, rà soát, xây dựng, đưa nội dung chống rác thải nhựa vào chương trình giáo dục ở các cấp học để giáo dục ý thức của học sinh, sinh viên, giáo viên trong các trường học.

Bàn về giải pháp này, bà Trần Thị Minh Hằng, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chia sẻ, để nâng cao nhận thức về rác thải nhựa của người dân, chính quyền có thể tính đến những biện pháp như: Nghiên cứu ban hành chính sách để hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy; khuyến khích và hỗ trợ phân loại rác thải tại nguồn đối với các cơ sở kinh doanh, hộ gia đình...; thành lập các cơ sở thu gom ve chai, nhựa có thể tái chế, tăng cường quản lý các cơ sở thu gom, tái chế, không gây ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả công tác thu gom tái chế nhựa; đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về việc phân loại rác và thực hiện phương thức 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế); lồng ghép các chiến dịch truyền thông với hoạt động dọn dẹp bờ biển để nâng cao nhận thức của người dân một cách hiệu quả…

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể, hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Nguyên đã xử lý, chế biến để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.

Tin mới