Thứ sáu, 29/03/2024 16:22 (GMT+7)

Hà Nội làm gì để thoát khỏi “đội sổ” ô nhiễm không khí

MTĐT -  Thứ hai, 16/12/2019 09:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thủ đô Hà Nội những ngày qua liên tục ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại, dẫn đầu danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Đứng đầu danh sách ô nhiễm

Thủ đô Hà Nội những ngày qua liên tục ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại, dẫn đầu danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Liên tục gần 1 tuần qua, chỉ số không khí (chỉ số AQI) mà ứng dụng Air Visual đo được tại 2 thành phố lớn nhất cả nước luôn ở ngưỡng từ xấu đến cực kì nguy hại, đặc biệt là thủ đô Hà Nội.

Đúng 6 giờ ngày 12-12-2019 ứng dụng Air Visual ghi nhận mức chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội lên ngưỡng 246 - mức màu tím (mức nguy hại cho sức khỏe con người). Với mức tăng cao kỷ lục này, Hà Nội đứng thứ 3 trong danh sách top 10 thành phố có chỉ số ô nhiễm cao nhất toàn cầu.

Đáng nói “kỷ lục” mới xác lập được 1 ngày thì vào 6 giờ 15 phút hôm qua (13-12), chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội đã chuyển sang khung màu nâu – cực kì nguy hại. Với AQI = 361, Hà Nội đã vượt qua Dhaka (Bangladesh) và Sarajevo (Bosnia Herzegovina), trở thành thành phố có mức độ ô nhiễm cao nhất toàn cầu, theo bảng xếp hạng của Air Visual. Lúc này, chỉ số AQI tại TP.HCM cũng khá cao - 166 - ở mức màu đỏ, có hại cho sức khỏe.

Hơn 7 giờ, khi mặt trời bắt đầu lên cao, xua tan mây mù, chất lượng không khí tại cả 2 thành phố có phần cải thiện. TP.HCM đã chuyển về AQI nhóm màu cam – không tốt cho nhóm người nhạy cảm. Hà Nội có dấu hiệu giảm, nhưng AQI vẫn ghi nhận là 322, chưa “thoát” được nhóm màu nâu. Phải tới gần 7 giờ 30, chỉ số này mới hạ xuống 290 – màu tím. Hà Nội nhường ngôi cho Dhaka, chuyển xuống vị trí thứ 2 trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất toàn cầu.

Trên cổng giao tiếp điện tử (UBND TP. Hà Nội) lúc này, chỉ số chất lượng không khí vẫn thể hiện màu tím ở hầu hết điểm quan trắc. Chỉ số chất lượng không khí trung bình lên tới mức 256, trong đó ku vực Tây Tựu cao nhất – 261, Phạm Văn Đồng – 251, các điểm còn lại đề ở mức xấu.

Hà Nội và các tỉnh miền Bắc bước vào ngày thứ 6 của đợt ô nhiễm không khí cực kỳ nghiêm trọng. Ảnh minh họa

Cần chỉ đích danh “thủ phạm” chính

Theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tác nhân gấy ô nhiễm không khí ở TP.Hà Nội chủ yếu đến từ nguồn thải nhân tạo từ hoạt động giao thông, dân sinh, xây dựng, công nghiệp… diễn ra thường xuyên nên lực lượng phát thải mang tính liên tục. Trong đó, hoạt động giao thông, xây dựng là những tác nhân tạo ra lượng bụi mịn lớn. Chưa kể, tình trạng người dân ở miền Bắc có thói quen đốt phế phẩm nông nhiệp sau thu hoạch, góp phần gia tăng lượng bụi mịn PM2.5 trong không khí.

Lý giải rõ hơn, lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết chất lượng không khí ở Hà Nội và các tỉnh phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và khí hậu, vì trong khi lượng phát thải bụi gây ô nhiễm từ các nguồn kể trên vẫn duy trì đều nếu thời tiết có phần nắng, gió thì bụi mịn được phát tán trên phạm vi rộng.

Tuy nhiên, vào thời điểm giao mùa, đầu đông, không khí khô hơn, cùng với hiện tượng nghịch nhiệt làm tụ gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Đặc biệt vào thời gian sáng sớm, là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp. Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi mịn PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn.

“Xem xét lượng mưa ở thời điểm giao mùa cuối thu đâu đông từ năm 2013-2019 ở khu vực Hà Nội cho thấy năm này có lượng mưa thấp nhất. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí của Hà Nội cao đột biến”, vị này nói.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội, theo ghi nhận của PAMAir. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, lý giải của cơ quan quản lý chưa chỉ rõ “thủ phạm” chính gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là gì, chiếm bao nhiêu phần trăm lượng phát thải… Không xác định được cụ thể mức độ đóng góp gây ô nhiễm của từng nguồn phát thải, sẽ không thể có giải pháp triệt để xử lý.

Hàng loạt vỉa hè tuyến phố trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Đống Đa (Hà Nội) được lật lên để lát lại vào dịp cuối năm. Lý giải của cơ quan chức năng do thủ tục đầu tư kéo dài, làm thận trọng sau những lùm xùm trước đó nên bây giờ mới triển khai, nhưng hệ lụy người dân lãnh đủ.

Mấy ngày gần đây, vỉa hè phố Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngổn ngang gạch đá. Đơn vị thi công lật vỉa hè lên để lát đá. Nhân viên cơ quan nhà nước, tập đoàn Hòa Phát phải “lội” giữa đống đất, đá để ra phố. Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, một tiểu thương kinh doanh giáp mặt phố Nguyễn Đình Chiểu cho biết, chắc phải vài ngày mới làm xong vỉa hè trước nhà. “Lật vỉa hè lên thì tất nhiên có ảnh hưởng, khách cũng ít vào hơn trước. Nhưng mấy ngày sau làm xong thì sẽ đẹp hơn” chị này nói. Quanh nhà chị, dù đã đóng kín cửa nhưng nhiều bụi đất vẫn bám vào đồ đạc. Trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, theo tìm hiểu hiện có khoảng 7 tuyến phố đang lật lên để lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên. Tại ngã ba Thi Sách, Trần Xuân Soạn gần chục công nhân hì hục lật vỉa hè lên lát lại. Nhiều người dân cho biết, từ ngày thi công lát lại vỉa hè, đường bụi bẩn hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Trong khi đó, tại phố Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) công nhân tấp nập lát đá vỉa hè. Nhiều nhà dân và hộ kinh doanh đóng cửa vì bụi.

Theo đại diện quận Hai Bà Trưng, quận đang thực hiện lát đá vỉa hè các tuyến phố nằm trong danh sách đã được phê duyệt của UBND thành phố Hà Nội. “Chúng tôi tuyệt đối thực hiện theo thiết kế quy chuẩn đã được ban hành của UBND thành phố”, vị này nói. Được biết, quận có kế hoạch triển khai chỉnh trang 11 tuyến phố từ cuối năm 2017, tuy nhiên, sau khi thành phố ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quận mới tiếp tục thực hiện. Sau khi các tuyến phố đảm bảo hạ ngầm viễn thông, điện lực, quận mới triển khai lát đá. “Trong quá trình thực hiện, chúng tôi có văn bản trao đổi với các đơn vị liên quan, đảm bảo hạ ngầm xong để sau này không phải lật lên nữa. Chúng tôi cũng tiến hành phối kết hợp để chỉnh trang đô thị, cùng Công ty cây xanh trồng bổ sung cây xanh theo quy định”, vị đại diện quận nói.

Liên quan đến câu hỏi vì sao lại đào vỉa hè để lát đá cuối năm? Nguồn tin từ Ban quản lý dự án quận Hai Bà Trưng cho biết, việc này liên quan đến các quy định về đầu tư. Khi có vốn thì triển khai ngay. “Khoảng gần giữa năm 2019, thành phố ra quyết định về thiết kế mẫu hè đường, sau đó ra thêm một văn bản nữa để chỉ đạo thực hiện, yêu cầu phải báo cáo cấp ủy để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo. Chúng tôi cũng phải rà soát, đánh giá từng tuyến phố, lên kế hoạch gửi cho lãnh đạo quận ủy xem xét, có thông báo đồng ý về mặt chủ trương. Sau đó phải làm công tác phê duyệt thiết kế, đấu thầu mất 2-3 tháng”, vị này nói. Sau những lùm xùm của các dự án lát đá vỉa hè thời gian trước trên địa bàn thành phố, quận cũng xin rút kinh nghiệm, làm cẩn. các tuyến phố không đủ điều kiện thì chưa cho làm. Vật tư cũng phải chuẩn bị mới triển khai.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí cực kỳ tại ghiêm trọng tại Hà Nội và các tỉnh đồng bằng bắc bộ, Tổng cục Môi trường cho biết, đang xem xét cấm hoạt động đốt ngoài trời.
Lúc 5h ngày 13/12, chỉ số AQI giờ tại hai điểm đo của Đại sứ quán Mỹ là Phú Thượng (Tây Hồ) và Láng Hạ (Ba Đình) lần lượt là 420 và 390 – thuộc ngưỡng nâu, ngưỡng nguy hiểm nhất trong ô nhiễm không khí với khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà. Hai ngày qua, nhiều thời điểm, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc lên đến ngưỡng nâu, đặc biệt là vào ban đêm và sáng sớm, theo ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí PAMAir và đại sứ quán Mỹ. Các điểm còn lại phổ biến ở ngưỡng tím (rất có hại cho sức khỏe mọi người) và ngưỡng đỏ (có hại cho sức khỏe mọi người). Ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng trong những ngày qua.

Với tình hình ô nhiễm như vậy, nhóm nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp được khuyến cáo nên ở trong nhà, đóng cửa sổ. Những người khác hạn chế ra ngoài, không tập thể dục buổi sáng ngoài trời, đeo khẩu trang chống bụi mịn khi ra đường. Đây là đợt ô nhiễm không khí tiếp theo, sau hàng loạt đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội và miền Bắc từ cuối tháng 8.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội do nhiều nguyên nhân như hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp, dân sinh, trong đó có hoạt động đốt ngoài trời. Các nghiên cứu cũng chỉ ra, việc đốt rơm rạ, đốt rác, đốt than không chỉ phát sinh một lượng lớn bụi mịn PM2.5 mà còn nhiều chất độc hại khác như CO, SO2, thậm chí cả những chất cực độc như dioxin, furan, làm tăng nguy cơ ô nhiễm không khí.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, cấm hoạt động đốt ngoài trời được coi là một trong những giải pháp cấp bách giảm thiểu ô nhiễm không khí nghiêm trọng kéo dài gần một tháng. Thủ đô Bangkok đã cấm người dân nấu nướng, đốt ngoài trời.

Nên lập đường dây nóng, đội phản ứng nhanh

Theo chuyên gia ô nhiễm không khí Nguyễn Thái Thạch, cần tập trung giải quyết vấn đề đốt ngoài trời, trong đó có việc lập đường dây nóng để người dân phản ánh sự việc đến cơ quan chức năng và lập một đội phản ứng đủ chức năng để có chế tài với các trường hợp đốt ngoài trời gây ô nhiễm.

Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang được chính phủ giao xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Quá trình xây dựng, nhiều chuyên gia đề xuất cấm hoạt động đốt ngoài trời như một số nước trên thế giới. “Đây là nội dung đã được Tổng cục Môi trường nghiên cứu đánh giá thời gian qua và chắc chắn sẽ có thay đổi trong thời gian tới. Việc cấm đốt ngoài trời có thể được đưa vào quy định trong quá trình sửa đổi luật, cũng có thể quy định bằng một văn bản dưới luật như nghị định”, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nói.

Tử vong chỉ vì… hít thở.

“Bên cạnh việc dẫn đến các bệnh liên quan đến hô hấp như ho, hen suyễn… thì bụi mịn có thể xâm nhập vào máu gây ra một số bệnh tim mạch, xâm nhập qua nhau thai, gây ảnh hưởng đến thai nhi. Đặc biệt, một vài nhà nghiên cứu trên thế giới còn tìm ra mối liên hệ giữa bụi mịn và bệnh ung thư. Theo thống kê của WHO ở Việt Nam, năm 2016 hơn 60.000 người chết do bệnh tim, phổi và các chứng bệnh khác liên quan tới ô nhiễm không khí. Như vậy trung bình mỗi ngày có 164 người tử vong chỉ vì… hít thở”. TS Trần Ngọc Đăng (Trường Đại học Y Dược TP HCM).

Sau gần 15 năm áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải ở mức thấp nhất, tới tháng 1/2020, ô tô tham gia giao thông và ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu mới phải áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải mới. Theo đó, xe mới nhập khẩu phải đủ tiêu chuẩn EURO 4. Tất cả ô tô sản xuất từ năm 2009 – 2017 sẽ phải đáp ứng mức tiêu chuẩn khí thải ở mức 2, các loại xe cũ hơn, sản xuất từ năm 1999 đến 2008 sẽ bắt đầu áp dụng sau đó 1 năm, vào năm 1.1.2021.

Đối với các xe quá cũ có “tuổi thọ” trên 20 năm, sản xuất, nhập khẩu từ năm 1999 trở về trước, do đưa vào sử dụng khi chưa có kiểm soát khí thải và khó có thể sửa chữa, bảo dưỡng để đạt tiêu chuẩn khí thải mức 2 nên sẽ vẫn được tiếp tục lưu hành theo quy định đáp ứng mức khí thải hiện hành (mức 1). Trong khi đó, các nước đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải tới EURO 5. Chưa kể, 9 năm kể từ khi Chính phủ phê duyệt kiểm soát khí thải xe máy.

Bên cạnh đó, tại TP HCM và Hà Nội, hiện nay có vài chục khu công nghiệp, mỗi khu công nghiệp có vài chục nhà máy, mỗi nhà máy có hàng trăm phân xưởng. Hầu hết hơi dầu, hơi hóa chất, phát thải từ những khu vực này không được thu gom mà đẩy hết ra ngoài. Đáng nói, Chính phủ cũng đã ban hành đầy đủ các bộ quy chuẩn về bảo vệ môi trường, nhưng khi kiểm tra đơn lẻ từng doanh nghiệp, về cơ bản vẫn tuân thủ quy định đầy đủ. Điều này cho thấy dường như còn rất nhiều bất cập, có thể luật còn lỏng lẻo, doanh nghiệp không tuân thủ…

Ông Nguyễn Thế Đồng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nhận định có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó một phần rất lớn là do những bất cập về cơ chế, chính sách quản lý. Ông Đồng đặc biệt nhấn mạnh cần chuẩn hóa các quy chuẩn về bảo vệ môi trường hiện nay tiệm cận hơn với các quy chuẩn quốc tế. Hiện nay các tiêu chuẩn đối với vấn đề quản lý không khí của Việt Nam còn thiếu nghiêm ngặt. Có những tiêu chuẩn như về nồng độ bụi PM2.5, PM10 hay một số quy chuẩn theo QCVN 05 còn vênh 2-3 lần so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Quy chuẩn về xả thải cũng chưa được cụ thể hóa, chưa có khác biệt về yêu cầu chất lượng, thải lượng xả thải theo từng loại hình công nghiệp và theo vị trí vùng địa lý, chưa tương thích với quy chuẩn theo IFC.

Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết: Theo kết quả khảo sát, đo đạc các nguồn phát thải do Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí thực hiện, ô nhiễm không khí tại TP HCM đến từ 3 nguồn chính: Nguồn giao thông chiếm khoảng 50%, nguồn diện (hoạt động từ các hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn, nông nghiệp, công trình xây dựng…) chiếm khoảng 30%, còn lại là nguồn điểm (hoạt động công nghiệp, bệnh viện, khách sạn). Đáng chú ý, trong nguồn giao thông, xe máy được coi là “thủ phạm” chính. Với tốc độ gia tăng chóng mặt về số lượng, xe máy đang chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO, 65,4% NMVOC và chiếm tới 37,7% nguồn phát thải bụi. Với nguồn phát thải bụi siêu mịn, xe gắn máy cũng chiếm khoảng 31%.

“Trước mắt, để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại TP HCM và Hà Nội cần nhanh chóng triển khai đề án kiểm soát khí thải xe gắn máy. Riêng tại TP HCM, kiểm soát được nguồn phát thải từ xe máy có thể giúp giảm tới 30% tình trạng ô nhiễm không khí”, PGS.TS Hồ Quốc Bằng đề xuất.

Ông Hoàng Dũng, Tổng giám đốc Công ty D&L – đơn vị vận hành, quản lý hệ thống quan trắc không khí PAM Air, cho rằng: giải pháp đồng bộ mang tính chiến lược để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí không chỉ ở Hà Nội, TP HCM và nhiều nơi khác đều phải chú trọng đến việc tìm nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí, từ đó vận động ý thức xã hội và hành động.

“Cần có nghiên cứu tổng thể để xác định rõ tỷ lệ gây ô nhiễm từ các nguồn phát thải. Phải định lượng nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí từ giao thông là bao nhiêu phần trăm? Từ xây dựng bao nhiêu phần trăm? Hoạt động công nghiệp bao nhiêu phần trăm?... Đánh giá được chính xác thì sẽ có giải pháp giảm thiểu nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí. Mà muốn đánh giá được chính xác hơn thì cần gia tăng điểm quan trắc chất lượng không khí. Ở Hà Nội, hiện mới có khoảng gần 100 điểm quan trắc nhưng đáng lẽ phải cần 200 - 300 điểm cả nội thành và ngoại thành mới cơ bản đáp ứng được”, ông Dũng đề xuất.

Cần học tập các nước áp dụng nhiều biện pháp giảm ô nhiễm không khí.

Năm 2013, tình trạng ô nhiễm bụi PM2.5 ở mức nghiêm trọng xuất hiện tại nhiều khu vực của Trung Quốc, trong đó nồng độ PM2.5 tại thủ đô Bắc Kinh tăng lên tới gần 1000µg/m3, gấp 40 lần mức chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Vì thế, chính phủ nước này tiến hành hàng loạt biện pháp cải thiện tình hình ô nhiễm không khí trong giai đoạn 2013 – 2017. Cụ thể như thắt chặt tiêu chuẩn khí thải công nghiệp, ban hành tiêu chuẩn mới về khí thải đối với ô tô, thay thế các nhà máy cũ, xúc tiến nhiên liệu sạch trong các khu dân cư. Ngoài ra, trong năm 2015, Bắc Kinh áp dụng luật bảo vệ môi trường được cho là nghiêm khắc nhất trong lịch sử Trung Quốc. Trong nghiên cứu mới được đăng trên chuyên san PNAS thuộc Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ, nồng độ PM2.5 đã giảm đáng kể ở khắp Trung Quốc trong giai đoạn 2013 – 2017 và Bắc Kinh đã ra khỏi danh sách 100 thành phố ô nhiễm nhất châu Á trong những năm gần đây.

Cùng với Trung Quốc, nhiều quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… cũng đang quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế ô nhiễm không khí. Hồi tháng 3, quốc hội Hàn Quốc đã thông qua 8 dự luật liên quan để giải quyết vấn nạn bụi mịn. Đến tháng 9, chính phủ nước này tiếp tục đề xuất một loạt biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị thân thiện hơn với môi trường. Tháng 11 năm nay, bất chấp nhu cầu năng lượng tăng cao, Hàn Quốc quyết định tạm ngưng 1/4 nhà máy nhiệt điện.

Còn tại Ấn Độ, chính quyền thành phố New Delhi cấm xe hơi tư nhân lưu thông vào một số ngày, cấm nông dân đốt rơm, đồng thời cung cấp máy móc và vốn vay ưu đãi để hiện đại hóa nền nông nghiệp… Từng nằm trong danh sách quốc gia có thủ đô ô nhiễm không khí hàng đầu thế giới, Thái Lan đã thoát khỏi bảng xếp hạng này bằng một loạt biện pháp đáng ghi nhận như hạn chế xe tải lớn vào thủ đô trong giờ cao điểm, lắp vòi phun nước để giảm khói bụi trong thành phố. Hồi tháng 10, nước này còn khiến thế giới “trầm trồ” khi quyết định lắp một máy lọc không khí khổng lồ ngay trung tâm Bangkok, với khả năng lọc khoảng 17.000m3 không khí mỗi giờ./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội làm gì để thoát khỏi “đội sổ” ô nhiễm không khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể, hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Nguyên đã xử lý, chế biến để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.