Thứ năm, 25/04/2024 13:12 (GMT+7)

Hiện trạng chất lượng nước các sông suối một số tỉnh phía Bắc

MTĐT -  Thứ hai, 12/02/2018 09:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bài báo trình bày kết quả khảo sát và lấy mẫu phân tích 8 điểm chìa khóa đại diện cho các sông suối chính của 4 tỉnh biên giới phía Bắc là: Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai và Lai Châu.

Hiện trạng chất lượng nước tại các điểm: Cửa khẩu Thanh Thủy (sông Lô); Mẫu nước Sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn); Mẫu nước sông Hồng (Tp. Lào Cai) và mẫu nước sông Đà (hồ Hòa Bình) là hầu như chưa bị ô nhiễm hoặc ô nhiễm nhẹ.

So với QCVN 08-MT:2015/BTNMT (cột A1), chất lượng nước bị ô nhiễm khá nặng  tại các sông, suối như sau: Sông Nậm Thi phát hiện ô nhiễm KLN, nước suối Ngòi Phát (H. Bát Xát – Lào Cai) phát hiện ô nhiễm  Mn và TSS. Nước sông Nậm Na (H.Phong Thổ - Lai Châu) phát hiện ô nhiễm hữu cơ; TSS  và  KLN và cuối cùng là trong  nước suối Nậm Ban (H.Sìn Hồ - Lai Châu) phát hiện  chỉ tiêu TSS bị ô nhiễm và  KLN.

Nguyên nhân chủ yếu khiến nước sông, suối tại 4 điểm nêu trên là do nước thải của hoạt  động khai thác mỏ chưa qua xư lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu xả vào.

ĐẶT VẤN ĐỀ: Để thực hiện đề tài cấp nhà nước Nghiên cứu ứng dụng công nghệ màng lọc kết hợp với vật liệu lọc đa năng để xử lý nước suối vùng biên giới Tây Bắc cấp nước cho sinh hoạt mã số: KHCN-TB.15C/13-18 (thuộc chuơng trình Khoa Học và Công Nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2013 - 2018 "Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" ), chúng tôi đã tiến hành thực địa khảo sát, lấy và phân tích mẫu nước sông, suối (mùa khô và mùa mưa) một số tỉnh vùng biên giới phía Bắc trong thời gian vừa qua.

Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi chỉ xin phép được trình bày hiện trạng chất lượng nước tại một số điểm chìa khóa như: mẫu nước sông Lô từ Trung Quốc chảy vào nước ta (cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang), mẫu nước sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn), mẫu sông Nậm Thi, mẫu nước sông Hồng ở thành phố Lào Cai, mẫu nước Ngòi Phát (huyện Bát Xát – Lào Cai), mẫu nước suối Nậm Na chảy từ Trung Quốc về (H. Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), mẫu suối Nậm Ban (Huyện Sìn Hồ, Lai Châu) và mẫu nước sông Đà chảy từ Trung Quốc về).

Mục tiêu nghiên cứu: Bài báo này nhằm tới hai mục tiêu sau:

  • Nghiên cứu, đánh giá chất lượng nước sông, suối hiện nay tại một số tỉnh biên giới phía Bắc, đối chiếu với QCVN 08 – MT:2015/BTNMT (cột A1).
  • Lý giải nguyên nhân về ô nhiễm một số chỉ tiêu tại những điểm chìa khóa này.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ KẾT QUẢ

Tất cả số lượng mẫu nước sông suối vùng nghiên cứu được lấy theo 2 mùa và phân tích tại Phòng thí nghiệm của Viện Kỹ thuật và Công nghệ Môi trường (được cấp chứng nhận VILAS 995 của Bộ KH và CN, chứng nhận  VIMCERTS 112 của Bộ TN và MT), cho kết quả (đối chiếu QCVN 08-MT:2015/BTNMT [đối với cột A1 - Sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt], như sau:

  • Khảo sát, lấy và phân tích mẫu nước sông Lô tại Cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang): Mẫu được lấy ở bờ phải sông Lô, cách cửa khẩu chừng 800 m về phía hạ lưu.Tọa độ điểm lấy mẫu là: vĩ độ: 22,9360440, kinh độ: 104,8515130. Nước sông Lô hơi đục, chảy khá nhanh. Chiều rộng sông Lô khoảng 70 m.

Nhận xét: mẫu nước sông Lô đối chiếu QCVN 08-MT:2015/BTNMT (cột A1) có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ nhẹ (COD lớn hơn ngưỡng cho phép 4 lần), chỉ tiêu Cr(VI) gấp 3,5 lần, NO2-  gấp 1,5 lần, Mn gấp 1,6 lần cho phép và chỉ tiêu vi sinh Coliforms vượt gần 1,7 lần cho phép. Nước sông Lô tại đây ô nhiễm nhẹ.

Lưu ý: 1)Các chỉ tiêu đánh dấu (a) là chỉ tiêu được công nhận Vilas (ISO 17025:2005; 2)Các chỉ tiêu đánh dấu (b) là chỉ tiêu được công nhận Vimcert 112

  • Khảo sát, lấy và phân tích mẫu nước sông Hồng (Tp. Lào Cai) gần biên giới Việt - Trung: Mẫu được lấy bên bờ phải sông Hồng, nước có màu đỏ phù sa, chảy nhanh. Đoạn này sông Hồng rộng hơn 100 m. Tọa độ điểm lấy mẫu: vĩ độ: 22,504700; Kinh độ: 103,964600. Địa điểm lấy mẫu thuộc tổ 1, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai (Đồn Biên phòng Quốc tế Lào Cai).

Kết quả phân tích chất lượng mẫu nước được biểu diễn trong hình dưới đây:

Nhận xét: Đối chiếu với QCVN 08-MT:2015/BTNMT đối với cột A1, nước sông Hồng có dấu hiệu ô nhiễm nhẹ về chất hữu cơ, chỉ tiêu Cr (VI) vượt ngưỡng cho phép 3 lần, TSS vượt 8,5 lần. Những chỉ tiêu khác đều dưới ngưỡng cho phép. Nước sông Hồng tại đây ô nhiễm nhẹ.

  • Khảo sát, lấy và phân tích mẫu nước sông Nậm Thi (Tp. Lào Cai) - biên giới Việt - Trung: Điểm lấy mẫu bên bờ trái sông Nậm Thi, cách cầu Hồ Kiều khoảng 500 – 700 m về phía thượng nguồn, có địa chỉ là tổ 7, đường Phan Bội Châu, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai. Sông Nậm Thi rộng chừng 50 – 60 m, nước màu đỏ phù sa, chảy khá nhanh. Tọa độ điểm lấy mẫu: Vĩ độ: 22, 510180; Kinh độ: 103,966990.

Kết quả phân tích được thể hiện trong hình dưới đây:       

Nhận xét: Đối chiếu với QCVN 08-MT:2015/BTNMT đối với cột A1, nước sông Nậm Thi có dấu hiệu ô nhiễm nhẹ về chất hữu cơ, cũng như Nitrat và Nitrit. Riêng kim loại nặng (KLN) trong mẫu nước sông Nậm Thi bị ô nhiễm rất nặng, cụ thể: chỉ tiêu Cr (VI) vượt 36 lần, Mn vượt 99 lần và Fe vượt 6 lần ngưỡng cho phép. Điều này cảnh báo ô nhiễm KLN trong nước sông Nậm Thi là rất nặng nề so với cột A1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Chỉ tiêu vi sinh Coliforms vượt ngưỡng chừng 4 lần.

  • Khảo sát, lấy và phân tích mẫu nước Ngòi Phát (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai): Điểm lấy mẫu ở bên bờ trái Ngòi Phát, rộng từ 100 – 120 m, sâu 0,5 – 0,7 m. Ngòi Phát nằm trên địa bàn thôn Minh Trang, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát (Lào Cai). Nước Ngòi Phát có màu đục do nước thải mỏ đồng Sin Quyền ở cả hai bên bờ của Ngòi. Nước chảy nhanh và đổ ra sông Hồng. Tọa độ điểm lấy mẫu: Vĩ độ: 22, 631120; Kinh độ: 103,815710. Kết quả phân tích được thể hiện trong hình dưới đây.

Nhận xét: Đối chiếu với QCVN 08-MT:2015/BTNMT đối với cột A1, nước Ngòi Phát có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ: BOD vượt ngưỡng 3,5 lần; COD hơn 2 lần, tổng chất rắn lơ lửng hơn 4 lần, KLN gồm: Cr(VI) vượt 3,5 lần, Mn vượt 29 lần và sắt vượt 1,4 lần. Chỉ tiêu vi sinh Coliforms vượt ngưỡng hơn 3 lần. Nói chung trong nước suối Ngòi Phát đã ghi nhận có dấu hiệu ô nhiễm KLN, đặc biệt Mn cao hơn 29 lần ngưỡng cho phép.    

  • Khảo sát, lấy và phân tích mẫu nước suối Nậm Na (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu): Điểm lấy mẫu ở bên bờ trái sông Nậm Na, nằm trên địa bàn huyện Phong Thổ (T. Lai Châu). Nước rất đục, chảy chậm. Phía hạ nguồn có nhà máy thủy điện Nậm Na 2. Khi nhà máy này hoạt động, thì mực nước đoạn sông Nậm Na này rút đi 1,5 – 1,7 m. Tọa độ điểm lấy mẫu: Vĩ độ: 22, 513990; Kinh độ: 103,270540.

Kết quả phân tích mẫu nước sông Nậm Na được thể hiện trong  hình dưới đây

Nhận xét: Đối chiếu với QCVN 08-MT:2015/BTNMT đối với cột A1, nước sông Nậm Na có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ: BOD vượt ngưỡng hơn 11 lần; COD vượt ngưỡng 8 lần, tổng chất rắn lơ lửng xấp xỉ 12,5 lần, KLN gồm: Cr(VI) vượt 6 lần, Mn vượt 34 lần và sắt vượt hơn 4 lần. Chỉ tiêu vi sinh Coliforms vượt ngưỡng hơn 4 lần, E.Coli vượt hơn 2 lần và amoni hơn 3 lần. Nói chung trong nước sông Nậm Na đã ghi nhận có dấu hiệu ô nhiễm KLN, đặc biệt Mn cao hơn 34 lần ngưỡng cho phép.

  • Khảo sát, lấy và phân tích mẫu nước suối Nậm Ban (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu):

Suối Nậm Ban chảy từ Trung Quốc vào nước ta rồi đổ vào sông Nậm Na. Suối Nậm Ban thuộc huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Điểm lấy mẫu nước ở bên bờ trái suối Nậm Ban. Ở phía hạ nguồn của điểm lấy mẫu này là điểm hợp lưu của 2 con suối nhỏ hơn là suối Nậm Ô (nước rất trong, lượng nước ít, chảy róc rách) và suối Không Tên (nước trong, lượng nước nhiều hơn, chảy khá nhanh). Nước suối Nậm Ban đục, chảy yếu. Tọa độ điểm lấy mẫu: Vĩ độ: 22, 404570; Kinh độ: 103,118280.

Kết quả phân tích mẫu nước sông Nậm Ban được thể hiện trong hình dưới đây:

Nhận xét: Đối chiếu với QCVN 08-MT:2015/BTNMT đối với cột A1, nước suối Nậm Ban có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ: BOD vượt ngưỡng 5 lần. COD vượt ngưỡng 3,5 lần, chất rắn lơ lửng vượt hơn 5 lần, KLN gồm: Cr(VI) vượt 3,5 lần. Đặc biệt Mn vượt 85 lần.

Nói chung, trong nước suối Nậm Ban đã ghi nhận có dấu hiệu ô nhiễm KLN, đặc biệt Mn cao hơn 85 lần ngưỡng cho phép.

  • Khảo sát, lấy và phân tích mẫu nước sông Đà (lấy tại hồ chứa Hòa Bình tại cảng Bích Hạ - phía thượng lưu đập thủy điện Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình):

Sông Đà chảy từ Trung Quốc vào nước ta, qua các tỉnh Lai Châu, Sơn La,  rồi về đến hồ chứa Hòa Bình và được lấy mẫu để phân tích chất lượng nước. Trên đoạn đường rất dài chừng hơn 250 km, sông Đà chảy từ biên giới về tới hồ Hòa Bình,

dù phải tiếp nhận chủ yếu là chất thải đô thị,... nhưng chất lượng nước không bị ảnh hưởng đáng kể. Cảm quan ban đầu nước trong, không mùi, vị ngọt. Điểm lấy mẫu nước ở phía thượng lưu đập tràn. Tọa độ điểm lấy mẫu: Vĩ độ: 20,8013410; Kinh độ: 105,311910.

Kết quả phân tích mẫu nước sông Đà được thể hiện trong hình dưới đây:

Nhận xét: Đối chiếu với QCVN 08-MT:2015/BTNMT đối với cột A1, nước sông Đà với phần lớn các chỉ tiêu dưới ngưỡng cho phép (xem bảng 1).

Bảng 1  Bảng tổng hợp kết quả phân tích chất lượng mẫu nước tại cảng Bích Hạ (thượng lưu đập Hòa Bình)

Thông số

Đơn vị

Kết quả phân tích

QCVN 08-MT:2015/BTNMT

(cột A1)

pH(b)

-

7,24

6-8,5

Amoni (NH4+ tính theo N)(b)

mg/l

<0,03

0,3

Clorua (Cl-)(a,b)

mg/l

< 5,0

250

Nitrat (NO 3-tính theo N)(b)

mg/l

<0,02

2

Nitrit (NO2 tính theo N)(a,b)

mg/l

<0,01

0,05

Phosphat (PO43- tính theo P)(a,b)

mg/l

<0,02

0,1

Cr (VI)(b)

mg/l

<0,003

0,01

Mn(a,b)

mg/l

<0,03

0,1

Fe(a,b)

mg/l

<0,03

0,5

Coliforms(b)

MPN/100 ml

2400

2500

E.Coli(b)

MPN/100 ml

20

20

Có thể nói chất lượng nước sông Đà đáp ứng điều kiện là nguồn cấp cho sinh hoạt và ăn uống (QCVN 01/2009/BYT và QCVN 02/2009/BYT), sau khi áp dụng phương pháp xử lý thông thường.

  1. KẾT LUẬN:

 Kết luận về hiện trạng chất lượng nước sông, suối vùng nghiên cứu: Đối chiếu với QCVN 08-MT:2015/BTNMT đối với cột A1 – (Sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt), chúng tôi nhận định cụ thể cho các điểm lấy và phân tích như sau:

  • Chất lượng nước tại các điểm: Cửa khẩu Thanh Thủy (sông Lô); Mẫu nước Sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn); Mẫu nước sông Hồng (Tp. Lào Cai) và mẫu nước sông Đà (hồ Hòa Bình) là hầu như chưa bị ô nhiễm hoặc ô nhiễm nhẹ.
  • Chất lượng nước tại sông Nậm Thi ghi nhận ô nhiễm KLN: Cr (VI) vượt 36 lần ngưỡng; Mn vượt 99 lần ngưỡng và Fe vượt 6 lần.
  • Chất lượng nước tại Ngòi Phát (H. Bát Xát – Lào Cai) phát hiện ô nhiễm Mn vượt 29 lần ngưỡng và TSS vượt 4 lần.
  • Chất lượng nước tại sông Nậm Na (H.Phong Thổ - Lai Châu) phát hiện ô nhiễm hữu cơ (BOD: vượt 11 lần và COD: vượt 8 lần ngưỡng); TSS vượt 12,5 lần ngưỡng và KLN: Cr (VI) vượt 6 lần ngưỡng; Mn vượt 34 lần ngưỡng và Fe vượt 4 lần ngưỡng.
  • Chất lượng nước tại suối Nậm Ban (H.Sìn Hồ - Lai Châu) phát hiện chỉ tiêu TSS vượt 5 lần ngưỡng và  KLN: Cr (VI) vượt 3 lần ngưỡng và Mn vượt 85 lần ngưỡng cho phép..

Kết luận vềnguyên nhân gây ô nhiễm nước sông, suối vùng nghiên cứu:

  • Mẫu nước bị ô nhiễm cao bởi KLN của sông Nậm Thi (Lào Cai), sông Nậm Na (H. Phong Thổ - Lai châu) và Nậm Ban (H. Sìn Hồ -Lai Châu) đều có diện tích lưu vực rộng lớn trên lãnh thổ Trung Quốc (riêng lưu vực suối Nậm Ban nhỏ hơn), có liên quan đến hoạt động xả nước thải từ việc khai thác các mỏ khoáng sản ở phần thượng nguồn.
  • Chất lượng nước Ngòi Phát (H. Bát Xát – Lào Cai) bị ô nhiễm cao bởi Mn (vượt 29 lần ngưỡng) và TSS (vượt 4 lần ngưỡng) có nguyên nhân là do nước thải từ hoạt đông khai thác đồng của mỏ đồng Sin Quyền.

LỜI CẢM ƠN

(Bài báo này được hoàn thành với sự tài trợ kinh phí của  Đề tài thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2013 – 2018 “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”. Mã số KHCN – TB /13-18). (Ths. Đặng Xuân Thường - CN đề tài, Ths. Lưu Thị Anh Thơ - Thư ký KH và tổ thư ký: Ths. Lê Văn Thạch,Ths. Lương Thị Hoa, Ks. Dương Văn Đang).

ThS. NCS. Đặng Xuân Thường, TS. Nguyễn Phú Duyên

Viện Kỹ thuật và Công nghệ Môi trường

Nguyễn Thanh Hải – Đại học Nông lâm Thái Nguyên

Bạn đang đọc bài viết Hiện trạng chất lượng nước các sông suối một số tỉnh phía Bắc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.
Ngành chiếu sáng Việt Nam trên lộ trình chuyển đổi số
Khai thác, sử dụng những thành tựu, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của ngành kỹ thuật số vào ngành chiếu sáng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng tại các đô thị và tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, ...

Tin mới