Thứ sáu, 19/04/2024 21:48 (GMT+7)

Hiện trạng và giải pháp về công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt tại VN

Ngọc Việt -  Thứ sáu, 05/01/2018 09:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ở Việt Nam trong những năm gần đây có nhiều nhà máy xử lý rác thải ra đời, nhằm giảm áp lực cho việc vệ sinh môi trường đô thị

I. NHỮNG KHÓ KHĂN KHI XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT
Ở Việt Nam trong những năm gần đây có nhiều nhà máy xử lý rác thải ra đời, nhằm giảm áp lực cho việc vệ sinh môi trường đô thị - Đây là một bước tiến bộ quan trọng trong tiến trình làm xanh - sạch đẹp thủ đô và các đô thị khác.
Cách đây khoảng 10 năm, việc xử lý rác thải sinh hoạt mới được bó gọn trong việc thu gom, vận chuyển và chôn lấp. Nhưng từ 10 năm trở lại đây quỹ đất giành cho việc chôn lấp bị thu hẹp và hơn nữa các chất thải thứ cấp phát sinh từ việc chôn lấp rác thải: khí thải (CO2, CH4, SO2,….); nước rỉ rác làm cho việc chôn lấp có nguy cơ bị thu hẹp và không còn vị trí độc tôn trong việc xử lý chất thải sinh hoạt. Từ thực tế này phải có các giải pháp hữu hiệu khác để thay thế việc chôn lấp rác thải; Vào thời điểm này, các công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bắt đầu được du nhập từ Bỉ, Tây Ban Nha, Ý, Đức, Hàn quốc, Trung quốc…. vào Việt Nam; nhưng qua 10 năm hoạt động đã chứng tỏ việc không hiệu quả của nó. Song song với việc nhập công nghệ nước ngoài, các nhà đầu tư Việt Nam, căn cứ vào các dây chuyền xử lý rác thải nhập ngoại và thực tế xử lý rác thải tại Việt Nam đã đưa ra các giải pháp tổng hợp khác để xử lý: Công nghệ Sarephin, công nghệ Tâm sinh nghĩa và các công nghệ khác,… nhưng qua thời gian hoạt động, các công nghệ này dần dần cũng đã chứng tỏ sự không hiệu quả của mình. Mặc dù vậy, phải đánh giá đây là những bước đột phá dũng cảm của các nhà đầu tư tư nhân. Trong lĩnh vực này, các công nghệ xử lý rác thải được tóm tắt như sau:

Sơ đồ 1: Sơ đồ tóm tắt xử lý rác thải sinh hoạt tổng hợp tại Việt Nam hiện nay


Về nguyên lý, đây là phương pháp xử lý rất hiệu quả do việc tái chế lại các chất thải để tái sử dụng vì vậy đã được sự ủng hộ của các cơ quan chức năng và rộng rãi trong nhân dân
Nhưng thực tế lại ngược lại: hiệu quả hoạt động thấp, có nhà máy đã phải đóng cửa , một số nhà máy hoạt động cầm chừng và các nhà đầu tư tư nhân tiếp tục con đường tìm hiểu theo các công nghệ khác trong xử lý rác thải sinh hoạt. Nguyên nhân chính của vấn đề này, sau 1 thời gian nghiên cứu có thể đưa ra như sau:

1. Rác thải sinh hoạt ở Việt Nam nói chung chưa được phân loại từ đầu nguồn nên rất phức tạp do các vấn đề sau:
- Độ ẩm cao 60% ÷ 65% thậm chí 70% ÷ 80%
- Rác thải có lẫn nhiều thành phần khác nhau: đất, cát, bê tông, gạch vỡ, sắt thép, chất hữu cơ khó phân hủy (ni lon, nhựa, vải, gỗ; chất hữu cơ, thủy tinh, cao su,…(bảng 1)

Bảng 1: Thành phần rác thải sinh hoạt ở Hà Nội


STT Thành phần rác TP. Hà Nội (Nội đô) Quận Hà Đông
1 Hữu cơ 49.1 59
2 Nhựa, ni lon 15.5 4
3 Giấy, bìa 1.9 4
4 Kim loại (sắt, thép, nhôm,…) 6.0 2.7
5 Thủy tinh 7.2 2.3
6 Cao su, vải, da 0.6 4
7 Khác (đất, đá, bê tông, xác súc vật,...) 19.7 24
(Báo cáo 2007 – TP. Hà Nội)
- Sự không đồng đều về thành phần và kích thước rác thải sinh hoạt, xảy ra ngay trong 01 ngày thu gom thậm chí ngay trong 01 ô tô vận chuyển rác.
- Rác nội độ và ngoại thành có sự khác biệt lớn về thành phần.
2. Các nhà đầu tư Việt Nam chưa đầu tư công tác nghiên cứu một cách bài bản, mạnh ai người làm cho nên dẫn đến trong 1 công nghệ xử lý đã có nhiều cách thực hiện khác nhau - mặc dù về nguyên lý là như nhau, có thể nói vào thời điểm hiện tại, chưa có phương án công nghệ nào đạt được hiệu quả xử lý như mong muốn.

3. Đầu tư chiều sâu về thiết bị và công nghệ chưa đủ lớn và đồng bộ nên còn tình trạng khi đưa ra giải pháp xử lý rất hiệu quả trên dự án, nhưng khi thực hiện vẫn còn tồn tại một khoảng cách khá lớn giữa ý tưởng và hiện thực dẫn đến các dự án mất tính hiệu quả, thậm chí có nguy cơ thất bại.

4. Hiểu biết về rác thải sinh hoạt chưa sâu nên khi thực hiện còn vướng mắc nhiều vấn đề về kỹ thuật công nghệ và tổ chức thực hiện 01 dự án xử lý rác thải sinh hoạt.
Ví dụ:
- Về công nghệ thiêu đốt rác: Để đốt được rác thải tối thiểu về nguyên lý cần hiểu rằng phải có rác khô, độ ẩm nhỏ (khoảng 50% thủy phần) nhưng khi thực hiện dự án, không ai nghĩ điều này nghiêm túc nên khi đốt thì gặp quá nhiều khó khăn - do rác thải nhiều thành phần khó cháy và độ ẩm quá cao, lúc này bắt đầu tập trung xử lý việc phân loại và làm khô rác nên các lò đốt rác thải sinh hoạt thường thường hiệu quả thấp.
- Về công nghệ phân loại: Đây là khâu quan trọng của công nghệ xử lý, nhưng rác thải ẩm quá, gây khó khăn rất lớn cho việc phân loại - mặt khác trong rác lại có quá nhiều thành phần khác nhau nên việc phân loại theo kích thước nói chung gặp khó khăn - hơn nữa rác ẩm ướt và lẫn nhiều tạp chất sẽ làm cho thiết bị dễ bị hư hại và việc phân loại rác thải không triệt để.

5. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà thiết kế, chế tạo thiết bị xử lý phân loại rác thải cũng như lò đốt thiêu huỷ và các nhà công nghệ xử lý rác nên việc thiết kế chế tạo đi theo một modul cố định do chủ đầu tư đưa ra sẵn, việc cải tiến, rút kinh nghiệm trong quá trình thiết kế, chế tạo lại bị hạn chế nên thiết bị ra đời hư hại nhanh chóng, dẫn đến các thiết bị xử lý chế tạo trong nước chưa đạt yêu cầu theo ý định của nhà đầu tư.
Trên đây là một số khó khăn trong công tác xử lý rác thải tại Hà Nội và các tỉnh lân cận Nguyên nhân gây ra sự thất bại của một số nhà đầu tư về việc xử lý rác thải sinh hoạt có thể kết luận như sau:
 Xử lý rác thải sinh hoạt ở Việt Nam rất khó khăn vì thành phần rác thải sinh hoạt rất phức tạp và độ ẩm quá cao.
 Hiểu biết của các nhà đầu tư về rác thải của các đô thị Việt Nam về mặt khoa học còn nhiều hạn chế, không giúp cho các nhà thiết kế chế tạo thiết bị hình dung để có thể cải tiến, rút kinh nghiệm về các thiết bị mình thiết kế, chế tạo đưa ra cho các dây chuyền xử lý rác thải.
 Sự phối hợp giữa các nhà đầu tư, nhà công nghệ xử lý và nhà thiết kế, chế tạo thiết bị còn ở mức thấp nên việc xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay gặp nhiều khó khăn về cả phương hướng lẫn kết quả thu được.

II. MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ RÁC THẢI TRÊN THẾ GIỚI ĐẠT HIỆU QUẢ CAO.
1. Xử lý rác thải sinh hoạt theo tiêu chuẩn 3RVE
Hiện nay nhiều nước phát triển trên thế giới đang thực hiện chiến lược 3RVE trong quản lý và xử lý CTR. Đó là: giảm thiểu (Reduce); tái chế (Recycle); sử dụng lại (Rense); nâng cao giá trị (Validate); xử lý những phần không thể sử dụng (Eliminate). Đây là một công nghệ tổng hợp được xử dụng rộng rãi vì nó tích hợp của nhiều khâu trong quá trình thực hiện: phân loại, thiêu đốt, tái chế, xử dụng lại và cuối cùng là chôn lấp phần không thể xử lý được, lượng chôn lấp thông thường theo quy định<10%.

2. Xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp ủ sinh học .
Trên thế giới người ta đã xử lý rác thải theo phương pháp ủ hiếu khí nhằm làm cho rác thải hữu cơ thành phân compot đó là ở Đức (Công nghệ Lemna) ở Mĩ (Công nghệ xử lý hào chôn lấp California) … đã đạt hiệu quả kinh tế cao - các công nghệ này có thể tóm tắt như sau:
Rác thải hữu cơ được thu gom và đưa vào hầm kín để ủ, sau 90 ÷ 100 ngày rác đã “hoai” đủ độ “chín” được đưa ra để xử lý và phân loại thành các hợp phần tái chế khác nhau trên các thiết bị cơ khí như: Thiết bị phân loại, thiết bị thiêu hủy, thiết bị tái chế - công nghệ này đã được đăng ký bản quyền phát minh sáng chế năm 2002 tại Mĩ. Paten này được áp dụng ở Nam Florida đã chứng tỏ sự hiệu quả của nó.

3. Xử lý rác thải sinh hoạt bằng cách ứng dụng các công nghệ sinh hoá tiên tiến
Để thực hiện chiến lược 3RVE trong xử lý rác thải rắn cần phải có rác thải đầu vào ổn định về thành phần, độ ẩm, ….Vì vậy trước khi xử lý tách lọc, tái chế, sử dụng lại, tiêu hủy và chôn lấp người ta xử dụng biện pháp ủ sinh hoá để ổn định chất lượng rác. Việc ủ sinh hoá có thể hiếm khí, hiếu khí hoặc kị khí ở nhiệt độ cao. Thông thường ủ hiếu khí các chủng vi sinh chịu nhiệt được sử dụng nhiều hơn do các ưu điểm sau:
- Hạn chế mùi hôi, hạn chế nước rỉ rác, và nhiễm khuẩn có hại
- Cơ chế thực hiện hệ thống ủ liên hoàn
- Thời gian ủ nhanh 90 ÷ 100 (ngày), nên vòng đời 1 hố ủ nhanh kết thúc
- Hiệu quả kinh tế cao.
Sau khi ủ xong, lấy rác này đem phân loại trên các thiết bị cơ khí theo mục tiêu 3RVE sẽ mang lại hiệu quả rất cao do:
- Rác đã “hoai, chín” nên phân loại dễ dàng, thiết bị có độ bền cao
- Mùn hữu cơ đủ điều kiện làm nguyên liệu phân bón.
- Các chất có thể tái chế: Niton, sắt, thép có thể lấy dễ dàng
- Hiệu quả phân loại cao
- Rác khô có thể thiêu hủy đốt mà tiết kiệm được nhiên liệu bổ xung

4. Kết luận:
- Các công nghệ được áp dụng trên thế giới nhiều , đa dạng nhưng hiện nay tập trung theo mục tiêu 3RVE - tùy theo loại rác của mỗi nước mà đưa ra phương pháp thực hiện. Tuy nhiên xu thế chung trên thế giới là giảm chôn lấp. Đây là xu thế mà chúng ta đang cố gắng thực hiện (Qui định của BXD tỉ lệ chôn lấp sau xử lý <10 %);
- Với điều kiện rác của Việt Nam không phân loại đầu nguồn thì biện pháp phân loại rác thải sinh hoạt là vô cùng khó khăn do nó quá nhiều thành phần khác nhau và độ ẩm cao - nhưng nếu thực hiện theo phương án xử lý phối hợp tổng hợp giữa sinh hoá và cơ khí sẽ là phương án hợp lý tại thời điểm hiện tại.

III. MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ RÁC THẢI TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY
Ở nước ta hiện có nhiều công nghệ xử lý CTR: chôn lấp, chế biến phân vi sinh, thiêu đốt, tái sinh, sử dụng lại theo các công nghệ Seraphin, Tân Sinh Nghĩa (ASC) và MBT - CD - 08 . Trừ công nghệ chôn lấp trong bài này không đề cập đến còn các công nghệ tích hợp khác của: Seraphin, ASC, MTB - CD - 08 hiện đang gặp rất nhiều khó khăn nhất là vấn đề xử lý thành phần hợp phần tái chế, mà như ban đầu đã nói đó là phân loại rác đầu vào - nguyên nhân chủ yếu vẫn là thành phần rác phức tạp, có độ ẩm cao nên khó phân loại còn nếu đem phân loại sẽ không triệt để (có thể nói phân loại trên máy phải kèm phân loại bằng tay thủ công). Hiện nay trong các nhà máy trên đã lắp thêm một số lò đốt thiêu hủy, nhưng vấn đề rác có độ ẩm cao và lẫn nhiều thành phần không cháy được (đất, cát, bê tông, gạch,…) lại là những trở ngại vô cùng khó khăn để thực hiện nguyên công đốt thiêu hủy.

Tóm lại: Ở Việt Nam đang có phong trào xây dựng các nhà máy xử lý rác theo mục tiêu 3RVE, đây là mục tiêu tốt - đem lại hiệu quả cao nếu thực hiện hiệu quả các khâu trong mục tiêu đã đưa ra, nhưng phương pháp này gặp các khó khăn chính sau:
- Rác thải có độ ẩm quá cao khó phân loại và đốt thiêu hủy
- Rác thải có nhiều thành phần khác nhau nên phân loại triệt để là rất khó khăn
Để thực hiện tốt các khâu trong nhà máy xử lý theo mục tiêu 3REV điều kiện cần và đủ như sau:
- Rác thải đầu vào ổn định theo thành phần và độ ẩm - độ ẩm phải < 50 % thì việc xử lý mới ổn định cho cả quá trình phân loại và đốt thiêu hủy.
- Để có thể đốt thiêu huỷ thành phần hữu cơ và cháy được trong rác phải trên 70% vì vậy việc phân loại ban đầu là rất cần thiết

Nhưng ngược lại rác thải sinh hoạt ở Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng lại có độ ẩm (60%÷80%) và thành phần không cháy được khá cao (> 30%÷35%). Vì vậy điều kiện tiên quyết trong công nghệ là phải: làm giảm âm và tơi được rác, ổn định thành phần rác đầu vào bằng các biện pháp phụ trợ khác nhau, có như vậy việc xử lý mới thành công.

IV. QUY TRÌNH CÔNG NGHỆ XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT BẰNG CÁC ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TÁCH LỌC MƠÍ VÀ Ủ SINH HỌC TIÊN TIẾN

1. Cơ sở của việc đề xuất phương pháp xử lý mới
Để có thể thực hiện việc xử lý CTR theo mục tiêu 3RVE; Quy trình xử lý sẽ phải theo các nguyên công cơ bản sau:
 Nguyên công phân loại: Phân loại rác thải thành các hợp phần phù hợp, trong đó có 02 hợp phần quan trọng trong phương án mục tiêu này (chiếm tới trên 60 %)
- Mùn làm phân compot (25%)
- Chất hữu cơ và chất cháy được đem đốt thiêu hủy (40% ÷ 50%)
 Nguyên công tái chế: Nilon, gạch không nung, sắt, thép, giấy, qua công đoạn phân loại….
 Nguyên công đốt thiêu hủy: Các chất hữu cơ và rác không thể xử lý bằng phương pháp làm phân compot và tái chế sử dụng lại.
 Nguyên công xử lý mùn làm phân compot: Thành hợp phần làm nguyên liêụ hữu cơ và tách lọc các chất còn lại đem đốt thiêu huỷ.

2. Nguyên lý cơ bản của phương pháp.
Phương pháp xử lý rác thải sinh hoạt tại Việt Nam được đưa ra dựa trên cơ sở các phương pháp đã sử dụng tại Việt Nam và trên thế giới; nó là một giải pháp tổng thể được tích hợp từ 2 nguyên lý cơ bản:
- Sử dụng các phương pháp cơ khí để làm tơi, cắt nhỏ, tách lọc rác thải rồi qua khâu phân loại thành chất hữu cơ và chất cháy được đem đốt thiêu hủy và mùn hữu cơ đưa đi ủ làm phân compot.
- Ủ sinh học với các chủng vi khuẩn ưa nhiệt kết hợp với dinh dưỡng và chế phẩm kích hoạt Oxy trong đống ủ để tiết kiệm thời gian và làm giảm chi phí cũng như diện tích dành cho việc ủ rác; sau khi ủ ta có thể phân loại dễ dàng: tách ra phân hưũ cơ và đem đốt nhưng gì không phân hủy sau quá trình ủ.

2.1. Sử dụng các thiết bị cơ khí tách lọc
Với thực tế xử lý rác thải ở Việt Nam (đặc biệt là các tỉnh phía Bắc) do khí hậu nhiệt đới gió mùa, có độ ẩm rất cao, ẩm độ của rác quá lớn , vì thế chúng tôi đê xuât giải pháp giải quyết ẩm độ của rác bằng giải pháp căt nhỏ và làm tơi rác đê giảm âm, sau đó tách lọc thành hai phân: phân đôt đươc và phân đưa đi ủ.
Công nghệ này được đưa ra như sau:

--


Chế phẩm là các loại chủng vi sinh chịu nhiệt được đưa vào đống ủ cùng dinh dưỡng và hoạt chất kích hoạt Oxy theo tỷ lệ và liều lượng phù hợp, nhằm tạo điều kiện tối ưu cho hoạt động của vi sinh vật ưa nhiệt. Sau 2 ÷ 3 ngày ủ - vi sinh vật ưa nhiệt trong đống ủ hoạt động mạnh, nhiệt độ tăng tạo chênh lệch áp suất trong và ngoài đống ủ, quá trình này có tác dụng làm bay hơi nước của đống rác( - nhiệt độ lớn nhất đống ủ có thể đạt từ 75 ÷ 800C) . Sau 30 ngày rác thải sẽ giảm độ ẩm và có thể dễ dàng phân loại đê tách ra hưũ cơ làm nguyên liêụ phân bón và phân không phân hủy sẽ đưa đi đốt thiêu huỷ trong lò đốt.

2.2. Công nghệ và thiết bị tái chế
2.2.1. Tái chế nilon, nhựa, cao su
Nilon, nhựa và cao su phế liệu tái chế được có thể có 2 phương án tái chế sau:
- Phương pháp tạo ra bán thành phẩm nhựa hoặc cao su: phương pháp này hiện không được xã hội tán thành vì nilon, nhựa hoặc cao su đem tái chế, nhà sản xuất tái chế dễ dàng sản xuất ra các sản phẩm đựng thực phẩm hoặc các đồ dùng sinh hoạt khác vì vậy bị dư luận xã hội lên án, nên phương án này hiện nay ít được ủng hộ.
- Phương pháp nhiệt phân thiếu khí nhựa, cao su thành dầu đốt dạng FO, khí cháy (CH4, C2H6,…) và than hoạt tính - đây là 1 hướng giải thoát lớn cho bài toán năng lượng bù thêm cho quá trình đốt rác thải trong lò đốt.
Bài toán kinh tế sau có thể cho ta một bức tranh sáng sủa về vấn đề này trong giai đoạn thiếu năng lượng: nhiệt phân thiếu khí 1 tấn cao su, nhựa, nilon với hiệu suất 50% ÷ 60 %) cho ta:
- 300 lít nhiên liệu lỏng dạng FO mà nhiệt trị của loại nhiên liệu lỏng này từ 10.000 ÷ 10.500 Kcl/Kg - Đây có thể là nhiên liệu lý tưởng cho các loại lò đốt rác hiện nay - ngay tại trong nhà máy xử lý rác.
- 200 m3 khí cháy loại CH4; CH6 là chủ yếu - có thể sử dụng đưa vào lò đốt để tăng nhiệt trị
- Than hoạt tính: 300 ÷ 350 (kg) than hoạt tính dạng bột - đây cũng là một nguồn nguyên liệu phụ trợ cho quá trình tiêu hủy rác thải bằng phương pháp đốt.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng vấn đề tái chế này liên quan đến giá dầu thô trên thế giới : nếu giá dầu dưới 70 USD/thùng thì hoạt động tái chế có hiệu quả rất thấp.

2.2.2. Thu gom kim loại để tái chế.
Thông thường theo thống kê của các nhà đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt; lượng kim loại thu lại từ 0,03 ÷ 0,2%; có nơi nhiều hơn, thu gom kim loại có 2 phương pháp:
- Từ tính với kim loại sắt, thép vụn.
- Nhặt thủ công với các lon, vỏ đồ hộp bằng nhôm.

2.2.3. Hóa rắn các chất thải rắn trở thành gạch không nung
Gạch không nung từ hỗn hợp đất, đá, cát, tro đốt lò và xi măng đã được các nước trên thế giới kiểm chứng, hiện nay công nghệ này đã bắt đầu được phổ biến tại Việt Nam - Các nhà máy gạch không nung từ các phế thải xây dựng (tro, xỉ, phế thải xây dựng và xi măng,…) đang được khuyến khích để thay thế cho các lò nung gạch thủ công ngày một tạo sự ô nhiễm và bất cập về năng lượng.

2.4.4. Sản xuất phân compot từ mùn hữu cơ
Mùn hữu cơ từ rác được lọc hết các phẩm vật khó phân hủy bằng phương pháp tách lọc trọng lượng (đất, cát, nilon, nhựa, …) đem ủ lần 2, lần ủ này sẽ được điều chỉnh theo hướng diệt sạch mầm bệnh và tăng tỷ lệ mùn hữu cơ để làm nguyên liệu sản xuất phân bón theo đúng quy định về quản lý và sử dụng phân bón của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Mùn sau khi tách lọc được ủ xử lý từ 20 ÷ 25 ngày là đạt yêu cầu - mùn hữu cơ được sử dụng để làm nguyên liệu cho sản xuất phân bón ; ta có thể trộn thêm dinh dưỡng N, P, K , các nguyên tố trung lượng, vi lượng để đạt tiêu chuẩn phân theo yêu cầu của khách hàng.

2.3. Thiêu đốt rác thải đã tách lọc
Rác thải sau tách lọc trên sàng và một phần bằng thủ công có kích thước lớn không tái chế có thể đem đốt - nhiệt trị của rác này vào cỡ 1100 KCL/kg với độ ẩm tương ứng 50% - và nó có thể tự cháy trong lò. Nhiệt độ lò sơ cấp từ 800 ÷ 850 (0C), nhiệt độ lò thứ cấp từ 900 ÷ 1.050 (0C). Để thiêu hủy hết rác thải - lò đốt thiêu hủy là phương án dễ dàng nhất mà các nước tiên tiến đưa ra - Nhưng với rác thải Việt Nam lại là vấn đề lớn, do độ ẩm quá cao (60÷80%) vì vậy với rác chưa được làm tơi và giảm âm thì việc thiêu hủy bằng phương pháp nhiệt là vấn đề khó khăn. Nhờ có phương án làm tơi và xé nhỏ, tách ra phân hưũ cơ và đât cát đã nêu trên, mà rác đã được thiêu đốt dễ dàng hơn.

V. KẾT LUẬN
Để có thể xử lý rác thải sinh hoạt triệt để theo mục tiêu 3REV cần có các điều kiện cần và đủ sau:
- Rác thải phải đạt sự đồng đều về kích thước, thành phần và có độ ẩm thấp thì việc xử lý mới ổn định cho cả quá trình phân loại và thiêu đốt rác thải.
- Để có thể đốt được rác thải sinh hoạt trong các lò đốt thiêu hủy, rác thải để đốt phải có thành phần chất cháy >70% với độ ẩm <50%.
- Ngược lại rác thải sinh hoạt ở Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận lại có độ ẩm cao, thành phần không đồng đều cả về kích thước lẫn thành phần cho nên đây là những vấn đề về công nghệ phải xử lý trong quá trình xử lý rác thải sinh hoạt.
- Giải pháp tổng hợp trong xử lý rác thải sinh hoạt được trình bày trong báo cáo đáp ứng được 2 tiêu chí quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả xử lý rác thải sinh hoạt:
+ Làm tơi và đồng đều hoá rác thải đã thu gom, tách lọc thành các hợp phần có độ đồng đều tương đối về kích thước và thành phần.
+ Phân loại, đốt thiêu huỷ không sử dụng hoặc sử dụng ít năng lượng từ bên ngoài vào, cùng tái chế và tái sử dụng lại những phần có thể sử dụng lại.
- Nhưng để có thể thành công việc xây dựng một nhà máy xử lý rác thải ngoài công nghệ và thiết bị tốt, còn phụ thuộc vào một số vấn đề sau:
+ Phải xây dựng được cơ chế, chính sách phù hợp và có được sự đồng thuận cao từ Trung ương đến chính quyền địa phương các cấp trong việc quản lý chất thải sinh hoạt.
+ Phải xây dựng được định mức về Chi phí để xử lý 01 tấn rác thải sinh hoạt từ thu gom, vận chuyển và xử lý tại nhà máy phù hợp với qui mô và loại hình xử lý.
+ Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt phải đủ năng lực về nhân lực, tài chính, công nghệ và quản lý trong lĩnh vực này.
Trên đây là một số kết luận và kiến nghị để có thể xây dựng thành công một nhà xử lý rác thải sinh hoạt với công suất đến 200 tấn/ngày đêm của những đô thị điển hình của Việt Nam hiện nay.


--------------------------------------------------------------------------------------------------
Những nội dung cần trao đổi cụ thể xin vui lòng liên hệ:
Nguyễn Ngọc Việt – Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ
Điện thoại: 0913209201 – Email: [email protected]

Bạn đang đọc bài viết Hiện trạng và giải pháp về công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt tại VN. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chuyên gia hiến kế giảm ô nhiễm không khí Hà Nội
Tình trạng ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề cấp bách của Hà Nội. Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau “hiến kế” nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí cho Thủ đô.
Truyền thông trong dự án xây dựng sử dụng công nghệ BIM
Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, công nghệ BIM đóng vai trò quan trọng như một công cụ có giá trị để tăng cường sự hợp tác và truyền thông giữa các bên liên quan nhờ vào sự tham gia chặt chẽ của họ trong các giai đoạn từ thiết kế đến xây dựng.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...