Thứ sáu, 19/04/2024 07:03 (GMT+7)

Phân loại và kiểm soát chất thải rắn tại nguồn ở Bình Dương

MTĐT -  Thứ tư, 13/11/2019 11:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (BIWASE) xuất phát từ doanh nghiệp nhà nước có hơn 15 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải.

  1. Tổng quan

Bình Dương là đô thị loại 1 nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, giáp các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh. Là tỉnh có diện tích đất không rộng, với 2.694 km2 và dân số trên 2,2 triệu người, trong đó có khoảng 1,6 triệu người sống ở đô thị, còn lại sống ở nông thôn. Bình Dương có 9 đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm 1 thành phố (Thủ Dầu Một), 4 thị xã (Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên) và 4 huyện (Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên). Năm 2017, tổng sản phẩm của Bình Dương (GRDP) tăng 9,15% (kế hoạch tăng 8,3%); GRDP bình quân đầu người đạt 120 triệu đồng (kế hoạch 115,4 triệu đồng); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, theo đó, công nghiệp chiếm tỷ lệ đa số lên đến 63,99%, dịch vụ là 23,68% và nông nghiệp chỉ còn chiếm 3,74%, thuế nhập khẩu tương ứng là 8,59%. Giai đoạn 5 năm qua, chỉ số sản xuất công nghiệp của Bình Dương đều tăng gần 11% mỗi năm.

Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (BIWASE) xuất phát từ doanh nghiệp nhà nước có hơn 15 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải. Ngay từ khi khởi nghiệp với ngành rác, Công ty đã đưa ra phương châm “Vì sức khỏe cộng đồng, vì môi trường bền vững”.

Thực hiện mục tiêu của chính phủ về phát triển công nghiệp bền vững, tập trung đảm bảo an toàn môi trường đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương, năm 2004 Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương đã đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương với diện tích ban đầu là 75ha, đến hiện nay đã được mở rộng hơn 100 ha. Khu liên hợp được quy hoạch bài bản, khoa học, đầy đủ các phân khu chức năng, nhiều công nghệ để xử lý hiệu quả tất cả các loại chất thải như: chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường, chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế,… Hiện nay, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương có khả năng tiếp nhận và xử lý chất thải sinh hoạt trên 2.500 tấn/ngày, chất thải công nghiệp với công suất xử lý trên 1.000 tấn/ngày và sản xuất các sản phẩm tái chế từ chất thải. Trong đó, chất thải sinh hoạt được tái chế thành phân bón hữu cơ, ủ sinh học thu khí methan phát điện. Chất thải công nghiệp, chất thải y tế được đốt tại các lò đốt hai cấp, tro thải, bùn thải được tái chế làm vật liệu xây dựng như bê tông, gạch tự chèn, … Quy hoạch đến năm 2030, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương có khả năng tiếp nhận và xử lý chất thải sinh hoạt 3.500 tấn/ngày, chất thải công nghiệp 2.000 tấn/ngày; năm 2035, tiếp nhận và xử lý chất thải sinh hoạt trên 4.000 tấn/ngày, chất thải công nghiệp trên 2.500 tấn/ngày.

Lễ động thổ Khu liên hợp Xử lý chất thải Nam Bình Dương năm 2004

Khu liên hợp Xử lý chất thải Nam Bình Dương

Với chính sách môi trường của Công ty “Xử lý hiệu quả, ngăn ngừa ô nhiễm”, Công ty đã tập trung nhiều nguồn lực vào Khu liên hợp Xử lý chất thải Nam Bình Dương, lựa chọn được các công nghệ xử lý chất thải hiệu quả nhất, tập trung tối đa tái chế chất thải nhằm tiết kiệm tài nguyên, năng lượng. Các công trình phụ trợ như khu nhà ăn, nhà ở công nhân, khu luyện tập thể thao và cảnh quan xung quanh Khu liên hợp cũng được Công ty chú trọng thiết kế hài hòa với các công trình công nghệ xử lý chất thải. Sự quy hoạch tỉ mỹ, khoa học, tiết kiệm, chúng tôi dự kiến Khu liên hợp có thể hoạt động 30 năm hoặc lâu hơn.

Hiện nay, theo phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương đang lên dự án xây dựng Khu dự phòng xử lý chất thải Tân Long ở xã Tân Long, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, cách Khu liệp hợp Xử lý chất thải 20km, tiến độ thực hiện cho đến nay là đã hoàn thành xong các thủ tục pháp lý, hiện đang đền bù giải phóng mặt bằng.

  1. Một số công nghệ chính tại Khu liên hợp Xử lý Chất thải Bình Dương

Chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Bình Dương được Công ty và các Xí nghiệp công trình công cộng của các huyện thị thu gom và vận chuyển đến Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương để xử lý. Công ty cũng có một đội xe chuyên dụng để thu gom và vận chuyển chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp tại các doanh nghiệp trong và ngoài các khu công nghiệp. Ngoài ra một số doanh nghiệp cũng tự vận chuyển chất thải đến Khu liên hợp để xử lý.

Chất thải sinh hoạt sau khi đưa về Khu liên hợp sẽ được tập kết tại khu vực có mái che để ngăn nước mưa lẫn vào thành nước rỉ rác đồng thời kiểm soát mùi hôi và côn trùng. Sau đó rác được đưa vào dây chuyền phân loại để phân thành nhiều loại sẵn sàng cho việc tái chế, bao gồm:

  • Thành phần hữu cơ khoảng 60% sẽ được chế biến thành các loại phân bón khác nhau phục vụ nông nghiệp;
  • Chất thải nhựa như túi nilon, nhựa PE, chai PET, … được phân ra thành từng loại để cung cấp cho các nhà máy tái chế;
  • Kim loại cũng được tách ra từ thiết bị tuyển từ để tái chế;
  • Các chất dễ cháy được đưa đến lò đốt để tiêu hủy, tro thải được tái chế thành gạch không nung các loại;
  • Các thành phần còn lại được đưa đến bể ủ để sản xuất biogas, phát điện.

Tại Khu liên hợp Xử lý chất thải Nam Bình Dương, Chất thải sinh hoạt được xử lý tái chế hoàn toàn bằng các công nghệ chính như ủ chất thải sinh hoạt thu khí methan sản xuất điện, sản xuất phân bón và đốt. Phương pháp ủ được tính toán quy hoạch xoay vòng tái chế chất thải, tái sử dụng đất: chất thải sinh hoạt sau khi ủ để thu khí methan sản xuất điện sẽ được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân bón, các loại chất thải trơ không phân hủy được sẽ đem đi đốt, tro được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất gạch, nước rỉ rác phát sinh trong quá trình sản xuất phân bón và ủ sẽ được thu gom, xử lý.

  • Công nghệ sản xuất phân compost

Hiện nay, Công ty có 2 nhà máy sản xuất phân bón từ chất thải sinh hoạt theo công nghệ Phần Lan với tổng công suất là 840 tấn/ngày. Chất thải sinh hoạt sau khi tiếp nhận được đưa vào dây chuyền phân loại tự động: sàng thùng quay, thiết bị tách nylon và thiết bị tách từ để thu hồi kim loại, thành phần chất thải chủ yếu là chất hữu cơ dễ phân hủy được băng chuyền đưa đến các bể ủ lên men.Thành phần chất thải hữu cơ dễ phân hủy được bổ sung thêm vi sinh, độ ẩm phù hợp và cấp khí để tạo điều kiện tối ưu cho quá trình phân hủy của vi sinh vật. Sau thời gian ủ lên men khoảng 21 ngày thì dỡ bể để đưa ra khu vực ủ chín, tạo luống ủ và đảo trộn bằng xe chuyên dụng. Sau thời gian ủ chín khoảng 18 ngày thì vận chuyển đến dây chuyền tinh chế để tách các thành phần chưa bị phân hủy trong quá trình ủ phân. Mùn hữu cơ được sử dụng trực tiếp làm phân cải tạo đất hoặc làm nguyên liệu sản xuất phân bón.

Công ty hiện đang đầu tư thêm nhà máy sản xuất phân compost với công suất 840 tấn/ngày để nâng cao tỷ lệ tái chế rác sinh hoạt, giảm tỷ lệ chôn lấp theo định hướng của Chính phủ.

Dây chuyền phân loại

Nhà ủ lên men

Nhà ủ chín

Dây chuyền tinh chế

Dây chuyền phối trộn, nén viên, đóng bao

Sản phẩm phân bón Con Voi Bình Dương

  • Công nghệ ủ chất thải sinh hoạt thu khí methan sản xuất điện

 Chất thải sinh hoạt được đưa vào các hố ủ bằng đất được lót tấm HDPE chắc chắn, có hệ thống thu nước rỉ rác và các giếng thu khí được bố trí khoa học. Trong quá trình ủ, rác được phun bổ sung các loại chế phẩm sinh học dùng khử mùi hôi, tăng tốc độ phân hủy rác để sinh khí methane và các loại hóa chất diệt côn trùng. Khi hố ủ đầy sẽ hoàn thiện các giếng thu khí, lắp thêm các ống truyền dẫn khí gas đến khu vực lọc khí và phát điện, sau đó phủ đất và phủ bạt HDPE. Chất thải sinh hoạt sau khi xử lý, được phủ bạt lên bề mặt chất thải, nhằm hạn chế mùi hôi, côn trùng phát sinh và phát tán ra môi trường xung quanh. Tầng chất thải sinh hoạt sau cùng của các bể ủ sẽ được phủ bạt HDPE để tách nước mưa và lắp đặt hệ thống thu khí biogas. Khí methan thu hồi được lọc bỏ tạp chất và sử dụng làm nhiên liệu phát điện hoặc làm chất đốt thay thế nguồn nhiên liệu sử dụng cho các lò đốt chất thải, nung sấy gạch. Hiện nay, Công ty có trạm phát điện từ khí biogas công suất 1.640 kW. Từ khi đưa vào hoạt động từ tháng 01 năm 2018 đến nay, trạm phát điện từ khí biogas đã sản xuất được 1,4 triệu kWh điện, phục vụ hoạt động sản xuất tại Khu liên hợp.

Bể ủ chất thải sinh hoạt

Hệ thống thu khí gas phát điện

Trạm phát điện bằng khí biogas công suất 2.320 kW

  • Công nghệ xử lý nước rỉ rác

Nước rỉ rác phát sinh từ quá trình sản xuất phân bón và ủ chất thải sinh hoạt sẽ được thu gom, xử lý. Hiện nay, Khu liên hợp có 2 Nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất xử lý 960 m3/ngày, xử lý các loại nước thải công nghiệp và nước rỉ rác đáp ứng quy chuẩn quy định (đạt loại A QCVN 25:2009/BTNMT, QCVN 40-2011/BTNMT) và giám sát của hệ thống quan trắc nước thải tự động của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương.

Nước rỉ rác phát sinh sẽ được tự chảy hoặc được bơm tập trung về các hồ chứa nước rác có hệ thống sục khí. Sau đó được đưa qua hệ thống xử lý gồm các công đoạn như xử lý tiền hóa lý (khử amonia bằng tháp stripping 2 bậc), xử lý sinh học bằng hệ thống SBR, xử lý keo tụ tạo bông, oxy hóa – fenton 2 bậc, loc cát, khử trùng và được lưu ở hồ ổn định trước khi tái sử dụng và thải ra sông Bến Tượng. Nước sau xử lý được tái sử dụng phục vụ các hoạt động trong Khu liên hợp như tưới cây, rửa đường, giải nhiệt lò đốt,...

Công trình xử lý nước thải

Mẫu nước thải xử lý qua từng giai đoạn

  • Công nghệ xử lý chất thải công nghiệp

Với công suất tiếp nhận 500 tấn/ngày, chất thải công nghiệp được xử lý bằng các phương pháp: chưng cất dung môi, hóa rắn, thiêu đốt. Các lò đốt chất thải đạt công suất khoảng 250 tấn/ngày, xử lý các loại chất thải y tế, chất thải công nghiệp thông thường, chất thải công nghiệp nguy hại và chất thải sinh hoạt sau khi phân loại của dây chuyền sản xuất phân bón. Hiện nay, Khu liên hợp đang đầu tư lò đốt chất thải công nghiệp công suất 200 tấn/ngày và hệ thống thu hồi nhiệt phát điện công suất 4 mW. Tro xỉ qua quá trình đốt chất thải công nghiệp được sử dụng tái chế thành nguyên liệu sản xuất gạch bê tông tự chèn dùng để lát vỉa hè, sân vườn,…

Lò đốt chất thải công nghiệp Công suất 4200 kg/giờ

Lò đốt chất thải công nghiệp Công suất 5000 kg/giờ

  • Các công nghệ xử lý khác

Ngoài các công nghệ xử lý trên, Khu liên hợp xử lý chất thải còn có các công nghệ xử lý chất thải công nghiệp, công nghiệp nguy hại như: hệ thống chưng cất thu hồi dung môi; hệ thống tẩy rửa bao bì, thùng phuy; hệ thống xử lý nghiền bóng đèn, hệ thống xử lý sơ bộ bình ắc quy,…nhằm xử lý triệt để các loại chất thải phát sinh, đảm bảo an toàn môi trường.

Hiện nay, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương đang đầu tư xây dựng nhà máy  xử lý nước thải công nghiệp, công nghiệp nguy hại với công suất 250 m3/ngày đêm.

Hệ thống xử lý sơ bộ bình ắc quy

Hệ thống chưng cất thu hồi dung môi

Hệ thống xử lý nghiền bóng đèn

Hệ thống xúc rửa thùng phuy

  • Các sản phẩm tái chế từ các quá trình xử lý chất thải

Phân bón Con Voi Bình Dương

 Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương sản xuất được sản phẩm phân bón từ chất thải sinh hoạt với các chủng loại đa dạng: phân cải tạo đất hữu cơ, phân hữu cơ, các loại phân hữu có khoáng, phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ sinh học. Các thành phần, hàm lượng hữu cơ, dinh dưỡng đều đạt chất lượng theo đúng tiêu chuẩn quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đã được Cục Bảo vệ thực vật – Bộ NN&PTNT cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón và Giấy công nhận phân bón lưu hành. Các loại phân bón tái chế từ chất thải sinh hoạt mang thương hiệu Con voi Bình Dương của Công ty đang được nông dân ưa chuộng, sử dụng hiệu quả trên nhiều loại cây trồng như cây công nghiệp (cao su, cà phê, tiêu,…), cây ăn quả (chuối, thanh long, cây có múi, …), rau màu ngắn ngày. Do có chất lượng tốt và giá cả hợp lý nên được người nông dân ưa chuộng, sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết, không bị tồn đọng. Việc kinh doanh phân bón hữu cơ Con Voi Bình Dương ổn định đầu ra giúp Công ty không bị tồn đọng khi xử lý chất thải sinh hoạt đồng thời góp phần mang lại cho nền nông nghiệp một sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường.

Sản phảm phân bón Con Voi Bình Dương


Gạch Con Voi Bình Dương

Theo công nghệ hóa rắn, tro xỉ từ quá trình đốt chất thải công nghiệp được xử lý bằng các phụ gia đã được Công ty nghiên cứu thành công dùng để khử và ổn định các chất nguy hại, sau đó phối trộn với xi măng, cát, đá dăm để tạo thành sản phẩm gạch tự chèn. Để tăng thêm vẻ mỹ quan của sản phẩm, Công ty đã thêm phụ gia tạo bóng trên mặt men màu giúp mặt men thêm bóng đẹp, bền chắc theo thời gian và ít bị ảnh hưởng bởi tác động của môi trường. Sản phẩm gạch bê tông tự chèn thương hiệu BIWASE - Con Voi Bình Dương đều đạt các tiêu chuẩn chất lượng và đã được Viện Vật liệu Xây dựng – Bộ Xây dựng chứng nhận hợp chuẩn theo TCVN 6474:1999 Gạch bê tông tự chèn. Đây chính là dây chuyền tái chế gạch có công suất lớn nhất phía Nam với công suất 1.500m2/ngày.

Các sản phẩm phân bón, bê tông, gạch tái chế từ chất thải do Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương sản xuất mang nhãn hiệu Con Voi Bình Dương được kiểm soát chất lượng theo Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 và Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015.

Gạch nung

Gạch tự chèn

Gạch lát nền

  1. Công tác an toàn, vệ sinh môi trường

Với chính sách môi trường “xử lý hiệu quả, ngăn ngừa ô nhiễm và tái ô nhiễm, chung sức bảo vệ môi trường và phát triển bền vững” đã thể hiện sự quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường trong công tác xử lý chất thải thải của Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương. Quá trình xử lý chất thải không để mùi hôi, côn trùng phát tán ra môi trường xung quanh, luôn có nhân viên khảo sát thông tin và đánh giá hiệu quả xử lý chất thải để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Khu liên hợp có hệ thống camera giám sát xe vận chuyển chất thải, tránh tình trạng rò rỉ nước thải, chất thải dọc đường, kiên quyết không tiếp nhận chất thải của các phương tiên vi phạm và buộc các chủ sở hữu phương tiện vận chuyển phải sửa chữa, đảm bảo xe vận chuyển luôn đạt yêu cầu. Các xe vận chuyển chất thải phải bắt buộc phải rửa sạch và khử trùng trước khi rời khỏi Khu liên hợp. Bên cạnh đó, công tác phủ xanh tạo môi trường xanh – sạch – đẹp cũng rất được chú trọng để tạo mỹ quan cho Khu liên hợp, môi trường làm việc tốt cho nhân viên.

Cảnh quan trong Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương

  1. Kinh nghiệm phân loại và kiểm soát chất thải rắn tại nguồn
    • Quá trình thực hiện phân loại rác tại nguồn

Qua quá trình quản lý, xử lý các loại chất thải đa dạng, thành phần, tính chất phức tạp, BIWASE nhận thấy phân loại rác tại nguồn là việc hết sức cần thiết và cấp bách, làm nền tảng cho mọi hoạt động quản lý, tái chế, xử lý các loại rác một cách hiệu quả.

Rác chưa phân loại có thành phần phức tạp về lý tính như kích thước, khối lượng không đồng đều, thành phần hóa học phức tạp thậm chí có thể tự phản ứng với nhau tạo ra nguy cơ cháy nổ, mất an toàn. Rác chưa được phân loại còn gây khó khăn trong việc thu hồi và tái chế, ảnh hưởng đến tỷ lệ tái chế.

Từ năm 2016, BIWASE đã chủ động đề nghị các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tiến hành phân loại chất thải rắn tại nguồn. Đến nay, cơ bản việc phân loại rác tại nguồn trong các khu công nghiệp dần hoàn thiện. Riêng khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP 1, VSIP 2) đã thực hiện phân loại rác tại nguồn khá nghiêm túc.

Năm 2017, BIWASE là thành viên của ban thực hiện Đề án thí điểm phân loại rác tại nguồn ban hành kèm theo quyết định số 358/QĐ-UBND ngày 28/02/2017 của UBND tỉnh Bình Dương. Kế hoạch này thực hiện 02 quy mô:

  • Quy mô cấp tỉnh: Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chính được thực hiện trên tuyến đường Đại lộ Bình Dương từ Bệnh viện Quốc tế Becamex => Đại lộ Bình Dương => đường Phạm Ngọc Thạch => Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh, gồm các tổ chức sau: Bệnh viện Quốc tế Becamex, Siêu thị Lotte, Trung tâm thương mại Aeon, Siêu thị Mega Market(Metro), khách sạn Becamex, Trung tâm thương mại Becamex, Chung cư Horizon, siêu thị Co-op mart Bình Dương 2, khách sạn The Mira, siêu thị Big-C, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, Chung cư Sora Garden.
  • Quy mô cấp huyện: phòng Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chính thực hiện thí điểm một số khu phố/ấp trên địa bàn thị xã: Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và thành phố Thủ Dầu Một, cụ thể như sau:
  • Thị xã Thuận An: Khu phố Nguyễn Trãi, Phường Lái Thiêu gồm có 1650 hộ (hộ dân, cơ nhà nước, tổ chức, cơ sở kinh doanh, quán ăn …)
  • Thị xã Dĩ An: Khu phố Nhị đồng 2, Phường Dĩ An gồm có 1.264 hộ (hộ dân, tổ chức, cơ sở kinh doanh, quán ăn…)
  • Thị xã Bến Cát: 1.500 hộ dân tại ấp Bến Giảng, ấp Phú Thuận và ấp An Thuận thuộc xã Phú An.
  • Thành phố Thủ Dầu Một: phường Hiệp An gồm có 4.000 hộ (hộ dân, cơ sở kinh doanh, trường học, nhà hàng, khách sạn, chợ…).

Để thực hiện chương trình, BIWASE chủ động đầu tư 02 loại xe thu gom chuyên dụng được sơn màu khác nhau. Hai bên thùng xe được dán decal dòng chữ tùy theo chất thải thu gom với màu sắc như sau:

  • Xe thu gom chất thải thực phẩm, hữu cơ được sơn màu xanh, dán dòng chữ “CHƯƠNG TRÌNH PHÂN LOẠI RÁC TẠI NGUỒN – Vận chuyển chất thải hữu cơ”.
  • Xe thu gom chất thải còn lại được sơn màu cam, dán dòng chữ “CHƯƠNG TRÌNH PHÂN LOẠI RÁC TẠI NGUỒN – Vận chuyển chất thải còn lại”.

Tại khu liên hợp xử lý chất thải, BIWASE bố trí hai khu vực tập kết chất thải sau phân loại tại nguồn cho 2 loại chất thải của chương trình Thí điểm PLRTN:

  • Chất thải thực phẩm, hữu cơ được tập kết vào vị trí có sơn màu xanh (tại CN XLCT), gắn bảng tên “KHU VỰC TẬP KẾT RÁC HỮU CƠ”, có mái che, có hệ thống phun chế phẩm khử mùi và diệt ruồi, có hệ thống thu gom nước rỉ.

Điểm tập kết rác thực phẩm hữu cơ sơn màu xanh tại Chi nhánh XLCT

  • Chất thải còn lại được tập kết vào vị trí ô có sơn màu cam (tại CN XLCT), gắn bảng tên “KHU VỰC TẬP KẾT RÁC VÔ CƠ (CÒN LẠI SAU PHÂN LOẠI)”, Có mái che, được phun chế phẩm khử mùi và diệt ruồi.

Sau thời gian thực hiện, một số kết quả đạt được khá khả quan. Thành phần rác trước và sau phân loại tuy chưa triệt để nhưng tỷ lệ hữu cơ tăng lên khá cao:

THÀNH PHẦN

Tỷ lệ trước khi PLRTN

    (%)

Tỷ lệ sau khi PLRTN

(Xe vận chuyển chất thải hữu cơ)

(%)

1. Chất thải hữu cơ

55,25

67,64

-       Rau củ, bã mía, lá cây, cơm thừa, lá cây

55,25

67,64

2. Chất thải có thể tái chế

32,09

21,00

-       Nylon

17,07

11,89

-       Nhựa tái chế

0,33

4,00

-       Bao cát

0,37

0,49

-       Kim loại

0,33

0,90

-       Giấy

1,63

1,27

-       Giày dép

1,39

0,13

-       Thành phần tơ sợi (Vỏ dừa, cành cây to, dây Nylon,…)

10,97

2,32

-       Da cao su, nhựa chết

-

-

3. Khác

12,66

11,36

-       Vải

11,11

0,24

-       Tả, giấy vụn, mút xốp, hộp cơm,…

0,32

9,84

-       Thủy tinh, sành sứ, xà bần

1,23

0,90

-       Xác động vật

-

0,38

TỔNG

100

100

  • Một số kết quả đạt được như sau
  1. Về ưu điểm:
  • Các ngành và các địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện Kế hoạch thí điểm phân loại rác thải tại nguồn tại địa phương;
  • Việc phân loại rác thải tại nguồn đã được thực hiện tại một số khu phố, phường tại các đô thị phía nam của tỉnh; đã phân loại được một số lượng khá lớn chất thải sinh hoạt thành chất hữu cơ và chất vô cơ, góp phần làm giảm chi phí xử lý và giảm thiểu ô nhiễm môi trường;
  • Thông qua công tác tuyên truyền và tập huấn, đã giúp cho người dân và một số tổ chức trên địa bàn nhận thức được mục đính, ý nghĩa, quyền lợi và nghĩa vụ trong thực hiện phân loại rác thải tại nguồn;
  • Bước đầu đã tìm ra được một số mô hình tốt trong việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh; đồng thời rút ra được một số bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện phân loại chất thải tại nguồn (tăng cường công tác tuyên truyền vận động kết hợp với việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện tốt việc phân loại rác thải; huy động các hội, đoàn thể tham gia thực hiện phân loại chất thải; kiện toàn lại đội ngũ thu gon chất thải sinh hoạt nhất là các tổ rác dân lập nhằm đáp ứng việc thu gom, vận chuyển chất thải sau phân loại…
  1. Tồn tại và hạn chế:
  • Việc triển khai thực hiện kế hoạch phân loại chất thải tại các địa phương còn chậm so với kế hoạch đề ra;
  • Số lượng và tỉ lệ chất thải được phân loại chưa cao, thậm chí có một số tổ chức và hộ dân nằm trên một số tuyến đường trong phạm vi kế hoạch nhưng vẫn chưa thực hiện phân loại chất thải.
  • Kế hoạch thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng dân cư, cũng như trong các tổ chức.
  • Địa bàn thí điểm dàn trải ra 4 thị xã, thành phố và dọc tuyến quốc lộ 13 nên việc giám sát phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn không liên tục, thường xuyên, dẫn đến người dân và các tổ chức trong địa bàn thí điểm thực hiện việc phân loại rác chưa như kế hoạch đề ra.
  1. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế:
  • Kế hoạch phân loại rác sinh hoạt tại nguồn lần đầu thực hiện trên địa bàn tỉnh, chưa có văn bản hướng dẫn từ Trung ương, nhiều nội dung lần đầu được triển khai, do đó quá trình triển khai cũng gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
  • Lãnh đạo một số địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo thực hiện kế hoạch thí điểm phân loại chất thải tại nguồn dẫn đến việc triển khai kế hoạch còn chậm;
  • Mặc dù các hộ dân và một số tổ chức đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa, quyền lợi và nghĩa vụ trong việc thực hiện phân loại chất thải nhưng chưa tạo thành thói quen thường xuyên thực hiện phân loại chất thải;
  • Chưa bố trí được kinh phí cho tổ giám sát phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, nên việc giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt không liên tục, thường xuyên dẫn đến việc phân loại rác thải sinh hoạt không cao.
  • Chưa huy động được cả hệ thống chính trị, nhất là các hội, đoàn thể tham gia việc tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phân loại chất thải tại nguồn;
  • Đội ngũ thu gom, vận chuyển chất thải tại các phường, xã chưa được kiện toàn, thiếu nhân lực và trang thiết phục vụ cho việc thu gom, vận chuyển chất thải sau phân loại;
  • Đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với các tổ chức còn cao, chưa khuyến khích được các tổ chức tự nguyện tham gia chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
  • Mặc dù Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có xử phạt hành vi xử phạt hành chính không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay do đang thí điểm nên chưa xử phạt với hành vi này chỉ mới nhắc nhở, nên dẫn đến các cá nhân và tổ chức trong địa bàn thí điểm chưa thực hiện nghiêm việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
  • Lượng rác sinh hoạt phát sinh trung bình hàng ngày trên địa bản tỉnh Bình Dương khoảng 1.800 tấn/ngày, tuy nhiên lượng rác sinh hoạt trên địa bàn thí điểm chỉ trung bình khoảng 20 đến 30 tấn/ngày là quá nhỏ so với lượng rác sinh hoạt phát sinh. Dẫn đến chi phí cho các đơn vị thu gom tăng lên do tăng chuyến xe thu gom rác thải sinh hoạt sau phân loại và lượng rác không đủ trọng tại của xe. Dẫn đến các đơn vị dân lập tham gia trong chương trình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn không thực hiện việc thu gom rác theo đúng tần suất quy định, gây bức xúc cho nhân dân trong địa bàn thí điểm.
  1. Kiến nghị

Tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc phân loại rác tại nguồn đã được các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị chuyên môn về quản lý, tái chế, xử lý chất thải thật sự hiểu rõ và mong muốn được thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay công tác phân loại rác tại nguồn vẫn chưa được triển khai rộng rãi. Với kinh nghiệm của BIWASE và những khó khăn khi thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn, Công ty có những kiến nghị sau:

  • Chính phủ có chủ trương triển khai trên toàn quốc để thực hiện một cách đồng bộ ở tất cả các địa phương.
  • Các địa phương cần bố trí nguồn kinh phí ban đầu để hỗ trợ chương trình phân loại rác tại nguồn.
  • Các đơn vị thu gom, vận chuyển rác phải bố trí đủ chủng loại xe, không thu gom chung rác sau khi phân loại.
  • Tuyên truyền với tần suất cao trên các phương tiện thông tin đại chúng ở thời điểm “giờ vàng” để mọi người dân hiểu, ý thức và thực hiện phân loại rác tại nguồn.
  • Tiến tới xử phạt nghiêm các hành vi không phân loại rác tại nguồn.

Ông Nguyễn Văn Thiền

Chủ tịch Hội đồng Quản trị

Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương

Bạn đang đọc bài viết Phân loại và kiểm soát chất thải rắn tại nguồn ở Bình Dương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hiệu ứng nhà kính và các giải pháp từ tiêu chuẩn
Thật dễ dàng để có những ý kiến khác nhau về carbon. Nó là tốt hay xấu? Một mặt, nó là nền tảng cho sự sống trên Trái đất. Mặt khác, nó liên quan đến biến đổi khí hậu. Đây là loại khí nhà kính được sản xuất phổ biến nhất và giữ nhiệt trong khí quyển.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.