Thứ sáu, 29/03/2024 05:37 (GMT+7)

Lời giải nào cho bài toán xử lý rác ở Hà Nội?

MTĐT -  Thứ hai, 03/08/2020 15:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn một lần nữa đặt ra câu hỏi, bao giờ thì Hà Nội mới tìm ra lời giải cho bài toán xử lý rác thải?

Việc người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn một lần nữa đặt ra câu hỏi, bao giờ thì Hà Nội mới tìm ra lời giải cho bài toán xử lý rác thải để chấm dứt câu chuyện éo le khi người dân biết không đúng, nhưng vẫn phải làm vì “quá khổ”.

Xe chở rác bắt đầu trở lại bãi Nam Sơn từ chiều 17/7 sau khi lãnh đạo Thành phố Hà Nội đối thoại với người dân các xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ.


Nguyện vọng của người dân Nam Sơn và Hồng Kỳ là gì?

Để giải quyết vấn đề người dân chặn xe vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, lãnh đạo Thành phố Hà Nội và huyện Sóc Sơn đã tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân các xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ vào ngày 17/7. Trong cuộc đối thoại này, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã tháo gỡ tất cả những vướng mắc của người dân.

Một trong những lý do khiến người dân bức xúc trong thời gian qua là phương án đền bù giải phóng mặt bằng không hợp lý và chậm trễ. Cụ thể, trong hơn 2.000 hộ dân đang sống trong khu vực chỉ giới 0 – 500m từ bãi rác Nam Sơn có rất nhiều hộ gia đình có diện tích đất ở hơn 1.000m2 được cấp sổ đỏ đầy đủ.

Tuy nhiên, các văn bản pháp luật hiện hành và Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội đã quy định, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở đối với trường hợp đất ở có vườn, ao tại các xã trung du trên địa bàn thành phố sẽ không vượt quá 400m2. Phần diện tích còn lại không được tính là đất ở nên tài sản và công trình trên đất sẽ không được bồi thường 100% như đất ở.

Đối với vấn đề này, người dân Nam Sơn và Hồng Kỳ đề nghị thành phố công nhận diện tích đất ở theo đúng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp. Như vậy, tất cả tài sản và công trình trên đất sẽ hợp pháp và được bồi thường 100%.

Người dân Nam Sơn và Hồng Kỳ mong muốn được công nhận diện tích đất ở trên giấy chứng nhận sử dụng đất, được bồi thường tài sản và công trình trên đất là 100%.


Tháo gỡ vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, thành phố sẽ đền bù đúng với diện tích đất ở được ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đối với những hộ có diện tích đất ở vượt quá hạn mức 400m2 theo quy định của pháp luật thì cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, người dân cũng phải chủ động phối hợp với chính quyền để được bồi thường đủ 400m2 đất ở. Phần diện tích còn lại sẽ được bồi thường 500.000 đồng/m2, cao hơn nhiều so với giá đền bù thu hồi đất nông nghiệp hiện hành. Ngoài ra, thành phố sẽ hỗ trợ để tất cả các công trình và tài sản trên diện tích đất đều được bồi thường 100%.

Đối với vấn đề tái định cư, người dân xã Hồng Kỳ đã phản đối phương án ban đầu của huyện và xã vì nơi ở mới chỉ cách bãi rác khoảng 1km, nhưng lại nằm trên hướng gió từ bãi rác thổi ra. Thay vào đó, bà con muốn được tái định cư ở một chỗ khác trong xã, cách bãi rác khoảng 3 - 4km.

Lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã đồng ý với đề nghị này của người dân và yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn, UBND các xã Hồng Kỳ, Nam Sơn khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ này vì đây là một dự án đặc thù, không được phép chậm trễ.

Theo kế hoạch, các bên sẽ phải hoàn thành thủ tục vào cuối năm nay để bắt đầu xây dựng từ đầu năm sau, nhanh chóng di chuyển người dân khỏi khu vực ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn.

Hiện tại, phương án quy hoạch đã được trình lên Sở Xây dựng thẩm định. Các Sở, ban, ngành khác của thành phố cũng sẽ phối hợp để hoàn thành công tác này sớm nhất có thể.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cũng chỉ đạo, huyện Sóc Sơn cần phải hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp cho người dân trong tháng 7/2020 và đối với đất ở là hoàn thành trong năm 2020.

Lời giải nào cho bài toán rác thải ở Nam Sơn?

Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn được xây dựng từ năm 1999 trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) với diện tích ban đầu chỉ là 83,5ha. Nhưng sau đó, lượng rác thải ở Hà Nội tăng nhanh buộc thành phố phải mở rộng diện tích bãi rác, nhưng cũng chưa thể giải quyết được tình trạng quá tải.

Công nghệ xử lý rác thải ở Việt Nam chủ yếu vẫn là chôn lấp, chỉ có phần nhỏ rác được đốt nhưng không sinh ra điện.


Báo cáo của URENCO Hà Nội cho biết, cả thành phố phát sinh khoảng 6.500 tấn rác/ngày vào năm 2019. Trong đó, bãi rác Nam Sơn tiếp nhận khoảng 5.000 tấn/ngày và bãi rác Xuân Sơn (Sơn Tây) tiếp nhận khoảng 1.500 tấn/ngày. Nhưng URENCO cũng dự báo lượng rác thải phát sinh của Hà Nội sẽ còn tăng mạnh trong năm 2020. Đây sẽ là một thử thách thực sự đối với Thủ đô khi các bãi chôn lấp ở Nam Sơn và Xuân Sơn đang phải vận hành gần như hết công suất và có thể phải đóng cửa vào cuối năm nay, nếu không có giải pháp thay thế.

Thực tế, từ năm 2017, UBND Thành phố Hà Nội đã kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ mới vì rác thải ngày càng tăng, quỹ đất ngày càng eo hẹp và phương pháp chôn lấp cũng gây ô nhiễm môi trường. Sau đó, lãnh đạo thành phố cũng phê duyệt 4 dự án xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại để sản xuất điện, nhưng tiến độ triển khai đến nay vẫn rất chậm.

Trong đó, nhà máy điện rác Sóc Sơn có công suất lớn nhất là 4.000 tấn/ngày đêm. Nhưng ngay cả khi dự án này được hoàn thành và đi vào hoạt động đúng công suất thì vẫn còn hơn 20% rác thải chuyển về khu vực này phải xử lý bằng phương pháp chôn lấp.

Trong thời gian chờ các nhà máy xử lý rác theo công nghệ hiện đại đi vào hoạt động thì 89% rác thải ở Hà Nội vẫn phải xử lý bằng cách chôn lấp và chỉ có khoảng 11% rác thải được xử lý bằng phương pháp đốt không sinh ra điện.

Hà Nội cần cải tiến công nghệ xử lý rác thải và tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn và tái chế rác để giải quyết triệt để bài toán xử lý rác.


Chia sẻ về lời giải cho bài toán xử lý rác thải ở Thủ đô, một chuyên gia đô thị cho rằng, Hà Nội cần thực hiện cả những giải pháp tạm thời và lâu dài để giải quyết triệt để vấn đề rác thải của thành phố. Song song với việc giải quyết vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng và di dời người dân khỏi vùng ảnh hưởng, thành phố cũng phải tăng cường kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải hiện đại.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng phải có biện pháp tuyên tuyền để hướng dẫn người dân nghiêm túc thực hiện việc phân loại rác tại nguồn và tái sử dụng rác. Đây là những hành động nhỏ, nhưng rất thiết thực để giảm thiểu lượng rác thải đổ về các nhà máy, tận dụng phế liệu có thể tái chế, thu về lợi ích kinh tế, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, qua đó tăng cường hiệu quả của hoạt động quản lý và xử lý rác.

Theo Hữu Mạnh/ Báo Xây Dựng

Bạn đang đọc bài viết Lời giải nào cho bài toán xử lý rác ở Hà Nội?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.