Thứ năm, 28/03/2024 20:31 (GMT+7)

Mỗi xã một sản phẩm - sứ giả văn hoá vùng miền

MTĐT -  Thứ tư, 12/08/2020 14:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bưởi Phúc Thọ, gà Mía, kẹo lạc, kẹo dồi Đường Lâm, gạo Khu Cháy, rau quả sạch Chúc Sơn... là những sản vật đặc trưng của mỗi địa phương đang được khai thác trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Bưởi Phúc Thọ, gà Mía, kẹo lạc, kẹo dồi xã Đường Lâm (Sơn Tây), gạo Khu Cháy (Ứng Hòa), rau quả sạch Chúc Sơn, dầu đậu nành Otran (Thụy Khê, Tây Hồ) là những sản vật đặc trưng của mỗi địa phương đang được khai thác trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Qua đó, vừa giúp sản phẩm tăng giá trị kinh tế, vừa giúp quảng bá nét văn hóa địa phương …

Là một trong những thương hiệu bưởi đầu tiên của Hà Nội, đến nay, bưởi Phúc Thọ không chỉ là sản phẩm mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho người dân Phúc Thọ mà còn là sản phẩm nông sản sạch chủ lực của Hà Nội. Ảnh TL

Thị xã Sơn Tây có nhiều đặc sản có lợi thế khi tham gia Chương trình OCOP. Năm 2019, thị xã có 5 sản phẩm được công nhận OCOP hạng 3 sao, trong đó có nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ông Kiều Văn Quý, chủ cơ sở sản xuất kẹo dồi, kẹo lạc Quý Thảo (xã Đường Lâm) cho biết: “Kẹo dồi, kẹo lạc là đặc sản của người Đường Lâm. Ở quê tôi, hầu như gia đình nào cũng biết làm, một số gia đình sản xuất lượng lớn bán ra thị trường. Tham gia Chương trình OCOP đã được cơ quan chức năng tư vấn, hỗ trợ thay đổi bao bì, nhãn mác, đặc biệt được tham dự nhiều hội chợ xúc tiến thương mại… Nhờ đó, sản phẩm kẹo lạc, kẹo dồi Sơn Tây được nhiều người tiêu dùng biết đến, sản xuất phát triển hơn và cũng tăng thu nhập so với trước khi tham gia OCOP”.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng Việt cổ Đường Lâm vẫn giữ nét đẹp đặc trưng xưa với cây đa, giếng nước, sân đình, ao sen… Đến nơi đây một trong những món quà quê để lại ấn tượng cho mọi du khách đó chính là đặc sản kẹo dồi, kẹo lạc, kẹo vừng, sản phẩm truyền thống của xứ Đoài-Sơn Tây. Ảnh TL

Tương tự, anh Dương Đình Khôi, chủ cơ sở sản xuất miến dong Dương Kiên ở xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) cho biết: “Tham gia Chương Trình OCOP, miến So – đặc sản của địa phương đã trở tành thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng. Sản phẩm của cơ sở sản xuất miến dong Dương Kiên đang được tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài thành phố”.

Theo Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, trong 6 nhóm sản phẩm của Chương trình OCOP (thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí, vải và may mặc, dịch vụ du lịch nông thôn), Hà Nội có nhiều nông sản thực phẩm có giá trị cao về kinh tế, văn hóa… Thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công, đặc biệt là Chương trình OCOP, nhiều đặc sản của Hà Nội ngày càng nâng tầm giá trị. Đến nay, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và cấp cho 301 sản phẩm OCOP, trong đó, rất nhiều sản phẩm là đặc sản địa phương.

Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) đang sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2019, hợp tác xã có 6 sản phẩm (hành lá, rau muống, rau cải canh, rau mùng tơi, cà chua, rau mùi) được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Theo Giám đốc Hợp tác xã Rau, quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Khảm, hiện nay, hợp tác xã có 15ha trồng rau, đã đầu tư hơn 5.000m2 hệ thống nhà màng, nhà lưới và áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm của Israel. Hợp tác xã cũng là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Chương Mỹ được tiếp cận công nghệ viễn thám, có trạm quan trắc thời tiết thông minh I.Mentos 3.3 A-G dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa, độ ẩm của đất… giúp chủ động sản xuất. Hợp tác xã cũng lắp đặt camera trên đồng ruộng, truyền hình ảnh về khu nhà điều hành để giám sát khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch rau, củ, quả…

Ngoài ra, Hợp tác xã Rau, quả sạch Chúc Sơn còn có đội ngũ kĩ sư được đào tạo bài bản. Hằng năm, hợp tác xã đều cử kĩ sư sang Nhật Bản thăm quan mô hình nông nghiệp của nước bạn và học hỏi kĩ thuật, công nghệ khoa học mới để đưa vào sản xuất…

Hiện nay, Hợp tác xã Rau, quả sạch Chúc Sơn sản xuất đa dạng rau, quả theo mùa, như: Rau muống, ngót, cải; bí, bầu, mướp, cà chua, đậu… Mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng ra thị trường 3 tấn rau, chủ yếu đưa vào các siêu thị, bếp ăn một số trường học, bệnh viện… Được công nhận sản phẩm OCOP của thành phố, hợp tác xã tiếp tục mở rộng vùng sản xuất, phấn đấu đến cuối năm 2020 cung ứng ra thị trường 5 tấn rau/ngày và phát triển thương hiệu rau, quả sạch Chúc Sơn.

Dầu đậu nành Otran do Công ty TNHH Đầu tư BTG (địa chỉ số 278 Thụy Khê, quận Tây Hồ, Hà Nội) sản xuất đã đạt tốp 3 “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2019.

Dầu đậu nành Otran là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được ép tươi từ đậu nành, 100% nguyên chất với Omega 3-6-9 và giàu vitamin E tự nhiên. Đây là thực phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe tim mạch, giúp ngăn ngừa lão hóa và bổ sung các acid thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được. Sản phẩm không chứa Cholesterol, chất bảo quản, chất tạo màu và không chứa chất béo cấu hình trans (còn gọi là acid béo xấu). Sản phẩm giàu dinh dưỡng này thích hợp để rán, xào hay trộn salad. Đây là kết quả hoạt động nghiên cứu và cải tiến sản phẩm không ngừng của Công ty TNHH Đầu tư BTG nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về sản phẩm giàu dinh dưỡng và bảo đảm chất lượng của người tiêu dùng.

Từ năm 2012, Otran trở thành thương hiệu dầu ăn đầu tiên của Việt Nam vươn ra thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Myanmar, Bangladesh, Campuchia… Hiện nay, dầu đậu nành Otran đã trở nên quen thuộc với các gia đình Việt và trở thành một trong những thương hiệu dầu đậu nành hàng đầu được nhiều người tiêu dùng lựa chọn sử dụng. Sản phẩm dầu đậu nành Otran được bán rộng rãi trên thị trường.

Theo Đài tiếng nói Việt Nam, ngày 9-8-2020 Hà Nội có khoảng 300 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 4 sản pẩm đạt 5 sao và 77 sản phẩm đạt 3 sao.

Tuy nhiên, hiện nhiều sản phẩm đặc sản còn một số hạn chế cần khắc phục. Bà Vương Thị Thành, chủ cơ sở bánh rau sắng hiệu Chú Béo (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) cho biết: “Sản phẩm đặc sản dù được đánh giá tốt về chất lượng, song khâu làm thương hiệu còn nhiều bất cập; bao bì nhãn mác chưa bắt mắt, thậm chí trên nhãn thiếu thông tin theo quy định… Những vấn đề này rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong quy trình hoàn thiện sản phẩm”.

Tháo gỡ khó khăn, nhiều huyện, thị xã đã và đang xây dựng Đề án phát triển Chương trình OCOP kết hợp hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh hoàn thiện sản phẩm. Trưởng phòng Kinh tế xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho biết: Thị xã thực hiện các chính sách hỗ trợ để sản phẩm OCOP trở thành hàng hóa chất lượng cao, trong đó, tập trung khai thác lợi thế của đặc sản địa phương…

Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết thêm, tham gia Chương trình OCOP, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất được thành phố hỗ trợ đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã… nhằm đáp ứng các tiêu chí Chương trình OCOP. Hà Nội phần đấu đến hết năm 2020, có 1.000 sản phẩm OCOP, qua đó, tăng giá trị kinh tế và quảng bá sản phẩm OCOP theo hướng trở thành “sứ giả” văn hóa của mỗi địa phương…

Nhà nước cần phải tạo thị trường cho sản phẩm, vì có thị trường, sản phẩm mới sống được. Tạo điều kiện cho mỗi sản phẩm của các xã phải có thị trường như được đưa vào siêu thị, được mở các của hàng bán lẻ.

Phải xây dựng tiêu chuẩn “OCOP” trong lòng người tiêu dùng, chúng ta có 6 ngành hàng, 5000 sản phẩm cần phải đầu tư, có sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp cho dân bán được sản phẩm. Nếu các công ty du lịch giúp giới thiệu để khách du lịch biết đến và tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp phát triển sản phẩm “OCOP”, giúp cho người sản xuất định hướng được sản phẩm, nâng cao chất lượng của sản phẩm “OCOP” để có thể đứng vững trên thị trường.

 Trên các hệ thống phân phối hiện nay, hàng hóa do doanh nghiệp Hà Nội sản xuất chiếm khoảng 50% thị phần, tập trung vào các ngành hàng chủ lực, ngành hàng nông nghiệp công nghệ cao… Hà Nội luôn thu hút nguồn lực đầu tư lớn của xã hội, do đó chất lượng, uy tín sản phẩm do doanh nghiệp Hà Nội sản xuất ngày càng tăng. Cùng với đó, Hà Nội có 1.350 làng nghề cũng là nơi đào tạo, khởi nguồn các hoạt động khởi nghiệp, bởi vậy nguồn hàng hóa Hà Nội sản xuất, cung ứng cho thị trường ngày càng phong phú, chất lượng. Trong đó phải kể đến các sản phẩm, thương hiệu tiêu biểu như: May 10, M2, thuốc tân dược Traphaco, Tâm Bình; hàng gia dụng Sunhouse…

Điểm mạnh của hàng hóa do doanh nghiệp Hà Nội áp dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu vào sản xuất. Còn điểm yếu là doanh nghiệp chưa mạnh dạn đổi mới hình thức mẫu mã sản phẩm, chưa chủ động kết nối tới nhiều kênh phân phối khác nhau. Chưa nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh phân phối hàng hóa trên nền tảng số, thương mại điện tử, do đó đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

“Uy tín và chất lượng là hai yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định năng lực cạnh tranh nên các doanh nghiệp cần tập trung làm tốt. Đây là vấn đề “muôn thuở” nhưng là vấn đề cốt lõi vì hàng hóa Việt Nam tuy đã có nhiều cải tiến nhưng cần đột phá hơn nữa để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Thực tế những lô hàng đầu tiên bảo đảm khá tốt chất lượng. Cần có sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… Phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội triển khai các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, chương trình hội nhập kinh tế quốc tế, sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, chương trình khuyến công, chương trình Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích với các doanh nghiệp trên địa bàn, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hiện nay, để xây dựng các chuỗi giá trị mới thay thế các chuỗi giá trị cũ, Hiệp hội và cơ quan chức năng đang hỗ trợ, tập trung kêu gọi những doanh nghiệp lớn trên địa bàn trở thành  những doanh nghiệp dẫn dắt để kết nối và tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp làng nghề, khởi nghiệp…

Doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhiều mặt, trong đó quan trọng nhất là hỗ trợ về thể chế, chính sách. Cụ thể, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, tạo cơ chế thông suốt, thuận tiện, mọi thủ tục hành chính giải quyết nhanh chóng, giảm bỏ thủ tục rườm rà, các chi phí không chính thức… Sự minh bạch về thông tin, thủ tục là cơ sở tạo sự cạnh tranh sòng phẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội tham gia thị trường và từng bước lớn mạnh.

Diễn đàn “Nhịp cầu nhà nông” do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức tại các huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội từ năm 2014 đã góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật, thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, từ đó gia tăng hiệu quả canh tách cũng như thu nhập của người nông dân.

Khởi đầu từ năm 2014, đến nay, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức hàng trăm diễn đàn “Nhịp cầu nhà nông”. Trong năm 2020 này, Trung tâm đã đề xuất với Sở NN và PTNT Hà Nội và được phép tiếp tục tổ chức diễn đàn luân phiên tại các huyện, thị xã. Đến nay, trung tâm đã triển khai được 10 diễn đàn thu hút hàng nghìn chủ trang trại, giám đốc các hợp tác xã và nông dân tham gia.

Tại diễn đàn, Ban cố vấn “Nhịp cầu nhà nông” là những nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp chia sẻ cùng bà con nông dân nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cũng như các cơ chế chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh những câu hỏi cụ thể về xử lý sâu bệnh, kỹ thuật trên cây trồng, vật nuôi, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi… không ít vấn đề liên quan đến định hướng sản xuất của nông dân được bà con trực tiếp chuyển đến các chuyên gia như: nuôi con gì, trồng cây gì để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất? Tóm lại, tất cả băn khoăn, thắc mắc của bà con đều được các chuyên gia, các nhà quản lý giải đáp đầy đủ, cặn kẽ, dễ hiểu.

Có thể nói diễn đàn “Nhịp cầu nhà nông” là nơi nông dân gặp gỡ, giao lưu với các nhà khoa học, nhà quản lý; là nơi giải đáp trực tiếp và nhanh nhất các vấn đề đặt ra với người nông dân. Từ đó, giúp họ có thêm kiến thức, thay đổi tư duy, phương thức sản xuất thích ứng với điều kiện mới. Việc đưa diễn đàn “Nhịp cầu nhà nông” đến với các địa phương không chỉ là mong muốn của người nông dân mà còn là mong muốn của người làm khoa học và chính quyền địa phương.

Đẩy mạnh thị trường nội địa là cơ hội để các doanh nghiệp của Hà Nội tái cơ cấu, tăng năng lực cạnh tranh, trong đó cốt lõi là nâng cao chất lượng và uy tín.

Thị trường nội địa - “điểm tựa vững chắc”: Khác với mọi năm, chương trình khuyến mại tập trug chỉ tổ chức vào tháng 11, năm nay thành phố Hà Nội quyết định tổ chức trong 3 tháng 6, 7 và 11 trên toàn địa bàn thành phố, với mức khuyến mại lên tới 100%. Theo bà Trần Thị Phương Lan, tất cả các sản phẩm tham gia chương trình đều phải đăng ký với Sở Công Thương để kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc.

“Thành phố hiện có hơn 284.000 doanh nghiệp và mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại. Với dân số 10,3 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn, có thể nói Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, có khả năng tập trung, đưa luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu. Vì thế, chương trình khuyến mại được kỳ vọng là đòn bẩy kích cầu mua sắm từ đó kích thích sản xuất, góp phần hoàn thành chỉ tiêu tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố năm 2020”, bà Trần Thị Phương Lan chia sẻ.

Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, sau sự kiện tháng khuyến mại năm 2019, tổng doanh thu từ các doanh nghiệp tham gia đạt gần 1.000 tỷ đồng; lượng khách đến các điểm bán hàng tăng trung bình 30% đến 50%. Lượng khách đến các hội chợ, sự kiện khuyến mại tập trung đạt 10.000 lượt người mỗi ngày cho thấy sức thu hút lớn của sự kiện; đồng thời khẳng định thị trường nội địa là giải pháp giúp doanh nghiệp đứng vững trong khó khăn. Bên cạnh chương trình khuyến mại tập trung, từ nay đến hết năm 2020, thành phố Hà Nội cũng giao Sở Công Thương và các đơn vị liên quan tổ chức hàng loạt sự kiện kích cầu tiêu dùng, kết nối cung - cầu, như: Tuần hàng trái cây nông sản; Hội chợ giao thương hàng hóa…

Cùng với những chương trình khuyến mại, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại còn nỗ lực tổ chức tốt hoạt động bán hàng, bảo đảm văn minh thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tất cả cùng hướng tới mục tiêu đưa thị trường nội địa thành đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH & CN Hà Nội

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bản tin lúc 9h Đài Tiếng nói Việt Nam 9/8/2020, “Phát triển sản phẩm OCOP”.
  2. Báo Hà Nội Mới, ngày 7/8/2020, “Diễn đàn Nhịp cầu nhà nông”.
  3. Báo Hà Nội Mới, ngày 14/6/2020, “Hà Nội đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa”.      
Bạn đang đọc bài viết Mỗi xã một sản phẩm - sứ giả văn hoá vùng miền. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.