Thứ sáu, 29/03/2024 22:37 (GMT+7)

Nghiên cứu chế độ dùng nước hệ thống cấp nước liên xã ở Hải Dương

MTĐT -  Thứ sáu, 05/10/2018 14:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hệ thống cấp nước (HTCN) liên xã là mô hình phù hợp cho khu vực nông thôn đồng bằng sông Hồng (ĐBSH).

Tóm tắt: Hệ thống cấp nước (HTCN) liên xã là mô hình phù hợp cho khu vực nông thôn đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Tuy nhiên do đặc điểm kinh tế xã hội khu vực nông thôn nên tiêu chuẩn và chế độ dùng nước dùng nước của HTCN liên xã không phù hợp với các quy định của TCXDVN 33:2006. Khảo sát tình hình dùng nước sạch tại 3 xã của HTCN liên xã Thái Tân, Minh Tân và Hồng Phong (tỉnh Hải Dương) thấy rằng chế độ dùng nước phụ thuộc rõ rệt vào điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương cũng như đặc điểm hoạt động của HTCN liên xã. Từ các số liệu khảo sát thấy rằng nhu cầu dùng nước của từng hộ gia đình và các địa phương trong HTCN liên xã thay đổi theo từng  giờ, từng ngày và từng tháng trong năm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy đối với HTCN liên xã Thái Tân, Minh Tân và Hồng Phong, hệ số Kh.max  là 1,62, lớn hơn và Kng.max là 1,29 tương tự như khu đô thị có dân số tương đương (20.000 người). Hệ số dùng nước không điều hòa chung (Kch) cho HTCN của 3 xã nghiên cứu là 2,1. Các đại lượng này có thể ứng dụng để vận hành HTCN liên xã nghiên cứu cũng như  làm cơ sở để xây dựng các tiêu chuẩn thiết kế và vận hành HTCN nông thôn.

  1. GIỚI THIỆU CHUNG

Một trong những công trình hạ tầng quan trọng ở nông thôn là  hệ thống cấp nước (HTCN) nhằm cung cấp nước sinh hoạt, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe người dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. HTCN nông thôn liên xã được xem là phù hợp cho khu vực đồng bằng có mật độ dân cư cao. Đây là mô hình cấp nước phù hợp và đang phát triển mạnh ở khu vực Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) [1, 2]. Đó là hệ thống có công trình đầu mối ở một xã, nhưng phục vụ cấp nước cho xã đó và các xã lân cận với quy mô công suất từ > 500 m3 /ngày đêm [1, 2].  

Mô hình cấp nước sạch liên xã đã và đang phát huy được nhiều lợi thế như: khai thác hiệu quả nguồn nước mặt tại các sông lớn để xử lý thành nguồn nước sạch cung cấp cho nhân dân; hiệu quả cao do giảm (từ 20 đến 30% chi phí đầu tư) các chi phí về đất, điện, máy móc, đường ống dẫn nước; có điều kiện áp dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến; tập trung quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động của các nhà máy nước [3]. Phạm vi cấp nước cho liên xã áp dụng phù hợp cho vùng dân cư tập trung.

Mặc dù có những ưu điểm đã nêu, hiệu quả cung cấp nước đến từng hộ gia đình theo mô hình này vẫn chưa cao, còn nhiều bất cập liên quan đến vấn đề thiết kế công trình và mạng lưới đường ống phân phối nước. Đặc biệt là sự hoạt động của các công trình cấp nước và thiết bị kèm theo không phù hợp với chế độ dùng nước ở khu vực nông thôn.

Việc xác định chế độ tiêu thụ nước sát với nhu cầu sử dụng thực tế sẽ có ý nghĩa kinh tế rất lớn đối với việc thiết kế hệ thống cấp nước (HTCN). Để đặc trưng cho chế độ dùng nước từ HTCN, người ta đưa ra khái niệm hệ số dùng nước không điều hòa là lượng nước sử dụng theo các thời điểm khác nhau, vì muốn thiết kế một hệ thống cấp nước thoả mãn các nhu cầu dùng nước và đạt hiệu quả kinh tế cao, cần phải xác định chính xác chế độ tiêu thụ nước.

Khi thiết kế hệ thống cấp nước tâp trung, cần thiết phải nghiên cứu các chế độ dùng nước cho: ăn uống, sinh hoạt trong các khu dân cư, cụm công nghiệp địa phương, các công trình công cộng và các loại tưới cây, rửa đường, dự phòng rò rỉ và phát triển trong tương lai và thiết lập biểu đồ tiêu thụ nước.

Để  biểu thị sự dùng nước không đều giữa các ngày trong năm người ta đưa ra khái niệm hệ số không điều hòa ngày Kng.max, là tỉ số giữa ngày dùng nước lớn nhất so với ngày dùng nước trung bình trong năm. Đặc trưng cho chế độ tiêu thụ nước ăn uống sinh hoạt cho từng giờ trong ngày đêm là  hệ số không điều hoà giờ Kh.max, biểu thị bằng tỉ số giữa lượng nước tiêu thụ của giờ dùng nước lớn nhất so với giờ dùng nước trung bình trong ngày đêm. Tỉ số giữa lượng nước tiêu thụ của giờ dùng nước lớn nhất so với giờ dùng nước trung bình được gọi là hệ số không điều hòa chung Kc (Kc=Kng.maxxKh.max)[4].

Chế độ dùng nước cho đô thị  và các khu dân cư tập trung  đều thay đổi theo mùa, tháng, ngày, giờ và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Chế độ dùng nước trong các khu dân cư rất phức tạp, nó phụ thuộc vào chế độ làm việc, nghỉ ngơi của con người, vào các điều kiện khí hậu, mức độ trang thiết bị vệ sinh, phong tục tập quán của từng địa phương. Mỗi loại đô thị và khu dân cư tập trung  khác nhau sẽ có chế độ tiêu thụ nước khác nhau. Đặc biệt đối với khu vực nông thôn, người dân sử dụng còn khá nhiều các  phương tiện dự trữ nước sạch như: bể chứa, chum, vại….ngoài ra còn  kết hợp sử dụng các nguồn nước khác với chi phí rẻ hơn như  nước mưa, nước giếng….

Để tính toán thiết kế HTCN nông thôn, hiện nay chưa có được tiêu chuẩn riêng với các chỉ tiêu và thông số phù hợp. Thiết kế và vận hành các công trình cấp nước nông thôn chủ yếu dựa vào TCXDVN 33:2006- Cấp nước: mạng lưới bên ngoài và công trình – Tiêu chuẩn thiết kế [5] mà trong đó còn có nhiều nội dung bất cập, không phù hợp với điều kiện cấp nước tập trung nông thôn với chế độ dùng nước hoàn toàn không giống như đô thị. Mặt khác, nhu cầu dùng nước thực tế tính trung bình cho nhiều khu vực nông thôn khác nhau là khác nhau và rất thấp. Do đặc điểm cấp nước nông thôn nên hệ số dùng nước không điều hòa khác với vùng đô thị. Hiện nay các hệ số dùng nước không điều hòa chưa được nghiên cứu cho các HTCN khu vực dân cư nông thôn có cấp nước tập trung.

Vì vậy trong nghiên cứu này tập trung xác định chế độ dùng nước sinh hoạt của một HTCN liên xã điển hình ở vùng nông thôn ĐBSH, làm cơ sở để tính toán thiết kế và vận hành các công trình của HTCN liên xã, một mô hình ngày càng phổ biến ở khu vực này [1, 2].

  1. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Hải Dương là một tỉnh nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với khu vực nông thôn phát triển có dân số mật độ cao. Mô hình cấp nước nông thôn liên xã là mô hình đặc trưng của nhiều huyện trong tỉnh. Hiện nay trên toàn tỉnh có 26 HTCN nông thôn liên xã  với công suất cấp nước từ 600 đến 3000 m3/ngày do Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Hải Dương quản lý [6].  

HTCN liên xã Thái Tân, Minh Tân và Hồng Phong (TMH), huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương là đối tượng  đặc trưng cho nghiên cứu. HTCN liên xã TMH có nhà máy nước (NMN) công suất 1500 m3/ngày được đặt tại thôn Tân Thắng xã Thái Tân với nguồn nước thô lấy từ sông Kinh Thầy. Số lượng người dân sống trên địa bàn 3 xã này khoảng 20.000 người với 95% sử dụng nước sạch.  HTCN đươc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh từ các công trình đầu mối (công trình thu, NMN), mạng lưới phân phối nước đến đồng hồ đo nước tại các hộ sử dụng nhờ Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Chương trình Nước sạch và Vệ sinh nông thôn phương thức dựa trên kết quả tại 8 tỉnh vùng ĐBSH” do Ngân hàng Thế giới tài trợ [1, 7]. HTCN liên xã TMH được nêu trên Hình 1.

Hình 1. Sơ đồ HTCN liên xã TMH.

HTCN liên xã TMH hoạt động 24/24h trong ngày với mạng lưới đường ống gồm 99km đường ống phân phối và đường ống dịch vụ từ ống HDPE D20 đến ống D225. Đường ống phân phối là đường ống D90, D110, D160 và D225. Đường ống dịch vụ là đường ống có đường kính D32, D40 và D63. Đường ống cấp từ ống dịch vụ đến đồng hồ từng hộ dân là ống D20 và D25.

Hình 2. Các hợp phần HTCN liên xã TMH.

Số lượng đồng hồ dịch vụ đã lắp trên địa bàn 3 xã là: 4147 đồng hồ  cấp B với các chủng loại chủ yếu là: Thai Achi,  Blue metter, Zenner comman, Taitung,….

Hình 3. Các loại đồng hồ đo nước trên HTCN liên xã TMH (Trong ảnh: Đồng hồ đo nước hộ gia đình).

Cụm đồng hồ đo nước đầu thôn. 

Để xác định hệ số dùng nước không điều hòa sử dụng, trong nghiên cứu này sử dụng số liệu tiêu thụ nước sạch từng giờ được ghi chép tại NMN Thái Tân. Nghiên cứu về những yếu tố ảnh hưởng đến hệ số dùng nước không điều hòa theo hướng dẫn của các tài liệu hiện hành[8, 9]. Phương pháp khảo sát là đến tận hộ gia đình hỏi trực tiếp những nhóm câu hỏi về: Số lượng người trong gia đình, số lượng người thường xuyên có mặt ở nhà (≥15h/ngày), thu nhập bình quân,  nhu cầu sử dụng tính theo đồng hồ đo nước,  mục đích sử dụng nước sạch,  loại nhà ở, trang thiết bị vệ sinh trong nhà, các loại bể chứa nước sạch và nguồn nước khác.

Bằng cách phỏng vấn trực tiếp sẽ thu thập được những thông tin như là: số lượng người trong gia đình và số lượng người ở nhà thường xuyên, thu nhập trung bình,  mục đích sử dụng nước sạch (sinh hoạt hay kinh doanh sản xuất), các loại thiết bị sử dụng nước sạch (vòi rửa, bình nóng lạnh, máy giặt,…), đánh giá về chất lượng dịch vụ (chất lượng và áp lực nước, giá nước,..), các phương tiện chứa và dự trữ nước,  các nguồn nước khác được sử dụng,… Của hộ gia đình khảo sát.

Chọn 55 hộ gia đình đại diện cho 4147 đấu nối trên địa bàn 3 xã (xã Thái Tân: 19 hộ, xã Minh Tân: 18 hộ và xã Hồng Phong: 18 hộ) để tìm hiểu các thông tin. Ngoài ra, các số liệu khác được thu thập là: số liệu về chế độ vận hành, bảo dưỡng do NMN cung cấp; số liệu về mức tiêu thụ nước từng hộ gia đình do phòng kinh doanh và quản lý khách hàng công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Hải Dương cung cấp;  và số liệu về dân số trong từng hộ được cấp nước thu thập từ UBND các xã Thái Tân, Minh Tân và  Hồng Phong.

Thời gian tiến hành khảo sát vào tháng 04 năm 2018. Các số liệu tiêu thụ nước của 3 xã và các hộ gia đình được thu thập từ tháng 1/2017 đến tháng 4/2018.  Kết quả khảo sát được phân tích và tách theo các nhóm đối tượng để làm rõ nhu cầu và chế độ dùng nước của họ.

  1. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Điều kiện kinh tế xã hội là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu và chế độ dùng nước của người dân trên địa bàn cấp nước. Điều kiện kinh tế quyết định mức sinh hoạt, mức tiện nghi của thiết bị dùng nước cũng như khả năng sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung. Số lượng thiết bị  dùng nước tăng lên thì nhu cầu dùng nước lại lớn dần lên và chế độ dùng nước sẽ thay đổi. Các xã Thái Tân, Minh Tân và Hồng Phong thuộc vùng nông thôn mang nhiều tính chất đặc trưng của khu vực nông thôn ĐBSH và nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía Bắc với điều kiện kinh tế xã hội nêu trang Bảng 1.

Bảng 1. Điều kiện  kinh tế xã hội của các xã Thái Tân, Minh Tân và Hồng Phong

Đặc điểm xã hội

Kinh tế

Nguồn nước khác

Thái Tân

Chủ yếu làm nghề nông, kinh doanh vận tải.

Thu nhập trung bình xấp xỉ 1500 USD/người/năm

Nước mưa; nước giếng không dùng được.

Minh Tân

Làm nghề nông và làm các khu công nghiệp

Thu nhập trung bình xấp xỉ 1000 USD/người.năm

Nước mưa; nước giếng khơi.

Hồng Phong

Làm nghề nông và làm các khu công nghiệp thời vụ

Thu nhập trung bình xấp xỉ 1200 USD/người.năm

Nước mưa; nước giếng khơi

Khảo sát trên 55 hộ trong địa bàn 3 xã về các vấn đề ảnh hưởng đến nhu cầu dùng nước: tỉ lệ thường xuyên ở nhà,thu nhập gia đình, loại nhà đang ở, mức độ tiện nghi dùng nước, thói quen dùng nước,.... thu được các số liệu nêu trong Bảng 2.

Bảng 2. Thống kê số lượng người ở nhà,  người không ở nhà, thu nhập  và loại nhà ở

 Xã

 Sinh hoạt thường xuyên

Thu nhập, đồng

Loại nhà

Không ở nhà

Ở nhà

< 1 triệu

1÷2 triệu

> 2 triệu

1 tầng

2 tầng

Cao tầng

Thái Tân

28

57

2

9

8

3

10

6

32,94%

67,06%

10,53%

47,37%

42,11%

15,79%

52,63%

31,58%

Minh Tân

43

34

10

4

4

8

7

3

55,84%

44,16%

55,56%

22,22%

22,22%

44,44%

38,89%

16,67%

Hồng Phong

41

39

7

4

7

6

8

4

51,25%

48,75%

38,89%

22,22%

38,89%

33,33%

44,44%

22,22%

Qua Bảng 2 trên đây thấy rằng tỷ lệ người dân ở nhà thường xuyên của xã Thái tân là 67,06%, xã Minh Tân và Hồng Phong là 55,84% đến 51,25%. Những người ở nhà thường là người cao tuổi có nhiệm vụ trông những đứa trẻ nhỏ và làm công việc phụ. Đây là những đối tượng dùng nước đều đặn từng giờ ban ngày. Tỷ lệ người ở nhà thường xuyên cao thì lượng nước dùng trong ngày của hộ gia đình cũng cao.

Điều kiện kinh tế  ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu dùng nước cũng như giờ dùng nước. Bên cạnh đó thu nhập trung bình của từng người trong nhà và loại nhà cũng tỷ lệ thuận với nhu cầu sử dụng nước sạch. Xã Thái Tân có thu nhập trung bình lớn hơn xã Minh Tân và Hồng Phong. Khi kinh tế không cho phép thì mọi người đều phải tiết kiệm tối đa chi phí. Từ chi phí đi lại, chi phí ăn mặc đến chi phí sinh hoạt. Trong đó nguồn nước khác như nước mưa, nước giếng được triệt để sử dụng.

Tỉ lệ sử dụng các loại thiết bị vệ sinh trong các hộ gia đình khảo sát của các xã như sau: xã Thái Tân có 100 vòi rửa,  63% vòi hoa sen, 74%  xí tự hoại, 42% máy giặt và 47% bình nóng lạnh; xã Minh Tân có 100 vòi rửa, 83% vòi hoa sen, 61% tự hoại, 17% có máy giặt và  33% bình nóng lạnh; xã Hồng Phong có 100 vòi rửa, 11% vòi hoa sen, 89% tự hoại, 44% có máy giặt và 33% bình nóng lạnh.

Đời sống xã hội ngày càng được nâng cao nên các thiết bị vệ sinh trong nhà cũng được trang bị đầy đủ hơn. Nhu cầu sử dụng nước sạch vì thế mà nâng cao hơn nhiều. Đây là một trong những yếu tố quyết định nhu cầu và chế dùng nước của người dân.

Đặc điểm sử dụng nước ở khu vực nông thôn là ngoài sử dụng nước từ HTCN tập trung các hộ gia đình còn sử dụng các nguồn nước khác như: nước giếng khơi, ao hồ, nước mưa,… cho sinh hoạt hoặc ăn uống. Tỉ lệ sử dụng các nguồn nước khác của các hộ gia đình khảo sát được nêu trong Bảng 3.

Bảng 3. Tỉ lệ có sử dụng nguồn nước khác

Nguồn nước sử dụng khác

Có/ không

Số lượng

Tỉ lệ

Thái Tân

10

52,63%

Không

9

47,37%

Minh Tân

15

83,33%

Không

3

16,67%

Hồng Phong

15

83,33%

Không

3

16,67%

Các số liệu trong Bảng 3 cho thấy tỉ lệ dùng  nước sạch  từ HTCN tập trung ở xã Thái Tân cao hơn các xã khác. Ở Thái Tân 47,37% số hộ dùng nước HTCN tập trung, ở Minh Tân và Hồng Phong là 16,67%. Điều đó cho thấy nhờ có điều kiện kinh tế cao hơn nên  nhu cầu và nhận thức dùng nước sạch của xã Thái Tân cao hơn Minh Tân và Hồng Phong. Tuy nhiên  cũng thấy rằng tỉ lệ sử dụng nguồn nước khác vẫn còn lớn. Xã Thái Tân  có 52,63%, xã Minh Tân và Hồng Phong  có 83,33% số hộ dùng nguồn nước khác. Trong các tính toán thiết kế cấp nước nông thôn hiện nay, tiêu chuẩn dùng nước chưa sáng tỏ được việc sử dụng nguồn khác. Vì vậy cần phải có nghiên cứu cụ thể hơn nữa để làm rõ các vấn đề này.

Các yếu tố được phân tích ở trên ảnh hưởng đến tiêu chuẩn và chế độ dùng nước của các hộ gia đình. Song song với việc thu thập số liệu để tìm hiểu chế độ dùng nước và xác định các hệ số dùng nước không điều hòa, nghiên cứu này còn triển khai nghiên cứu để tính toán xác định nhu cầu dùng nước của 3 xã Thái Tân, Minh Tân và Hồng Phong. Tính trung bình nhu cầu dùng nước trên địa bàn 3 xã trung bình là: 64,35 L/người/ngày với khoảng giao động là từ 50 ÷ 85 L/người/ngày [8].

Theo biểu đồ sử dụng nước hàng tháng của năm 2017 từ các hộ gia đình các xã  nêu trên Hình 4 cũng thấy rằng nhu cầu dùng nước trong tháng 2 là cao nhất khi có nhiều người đi xa về tết sử dụng nước, đồng thời trong tháng 10 nhu cầu dùng nước cấp từ NMN tập trung thấp do điều kiện khí hậu mùa thu mát mẻ và các hộ gia đình sử dụng nguồn nước mưa tích trữ.

Kết quả ghi chép lại số liệu đồng hồ tổng tại NMN Thái Tân vào ngày 20/4/2018 được nêu trên Hình 5.

Từ biểu đồ Hình 5 thấy rằng, nhu cầu dùng nước của người dân trên địa bàn nghiên cứu khá đồng đều theo từng giờ và không có quá nhiều sự thay đổi theo giờ trong khoảng từ 5h đến 22h (dao động từ 93÷117m3/h).  Người dân trên địa bàn ở nhà thường xuyên  và có thói quen sử dụng nước sạch dàn trải trong ngày. Vào những giờ từ 22h đến 5h sáng hôm sau thì lưu lượng nước dùng giảm dần. Ở những nơi xa nhất của mạng lưới cấp nước, trong đường ống áp lực lớn hơn  thường vào ban ngày và các hộ gia đình bắt đầu tích nước vào các phương tiện chứa nước.

Từ các số liệu thu thập được tại NMN Thái Tân trong năm 2017 tính được các giá trị lưu lượng Qng.max, Qng.minQng.tb theo các ngày trong từng tháng của HTCN liên xã TMH và kết quả biểu diễn trong Bảng 4.  

Bảng 4.  Kết quả xác định chế độ dùng nước theo ngày trong năm 2017

Lưu lượng, m3/ngày

Tháng

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

Qng.max,

2560

2490

2350

2610

2580

2720

2450

2490

2370

2430

2580

2460

Qng.min,

1780

1910

1860

1930

1930

2040

2040

1860

1920

1650

2010

2000

Qtb

2119

2223

2128

2313

2328

2304

2251

2137

2164

2120

2288

2251

 Cũng theo số liệu khảo sát năm 2017, lưu lượng cấp nước trung bình  ngày (Qtb.ngày) trong năm 2017 của HTCN liên xã TMH là 2.218 m3/ngày. Lưu lượng trung bình Qtb.h tính được là 92,4 m3/h. Các giá trị Qmin.h là  30 m3/h và Qmax.h là 150 m3/h. Từ đây xác định được Kh.max là 1,62 và Kh.min là 0,32.

Theo TCXDVN 33:2006, đối với HTCN đô thị số dân 20.000 người, tương đương với 3 xã Thái Tân, Minh Tân và Hồng Phong, thì các giá trị Kh.max  sẽ là 1,44 ÷ 1,8 và  Kh.min  sẽ là  0,6 ÷ 0,75. Hệ số Kh.max phù hợp với TCXDVN 33:2006[5]. Tuy nhiên, hệ số Kh.min  thấp hơn nhiều so với TCXDVN 33:2006 do ở thành thị các khu dịch vụ như: nhà hàng, khách sạn, bến tàu xe...  hoạt động liên tục nên lượng nước sử dụng tương đối lớn, kể cả thời gian ban đêm. Đặc điểm sinh hoạt của người dân  là yếu tố chính tác động lên chế độ dùng nước theo từng giờ trong một ngày ở vùng  nông thôn.

Tổng hợp các số liệu ghi chép được tại các đồng hồ đo nước của NMN Thái Tân và của các xã trên địa bàn nghiên cứu, xác định được tổng lượng nước tiêu thụ của 3 xã năm 2017 là 809.550 m3. Lưu lượng trung bình một ngày trong năm Qtb.ngày là 2.218 m3/ngày,  lưu lượng  nước cấp trong ngày lớn nhất Qmax.ngay là 2.870 m3/ngày và trong ngày nhỏ nhất Qmin.ngay là 1.650 m3/ngày. Từ đây xác định được Kng.max là 1,29 và Kng.min là 0,74.

Theo TCXDVN 33: 2006đối với đô thị 20.000 dân thì   Kng. max là  1,2 ¸ 1,4 và Kng. min là  0,7 ¸ 0,9[5]. Như vậy hệ số dùng nước không điều hòa ngày lớn nhất và nhỏ nhất của khu vực dân cư nông thôn có cấp nước tập trung tỉnh Hải Dương phù hợp với tiêu chuẩn TCXDVN 33: 2006. Sự phát triển kinh tế xã hội của vùng nông thôn khu vực ĐBSH là yếu tố thúc đẩy sự dụng nước sạch cũng như đảm bảo sự ổn định dùng nước hàng ngày.

Từ các kết quả  nêu trên có thể xác định được hệ số dùng nước không điều hòa chung  (Kch) là tích số giữa hệ số dùng nước không điều hòa ngày  (Kng.max) và hệ số dùng nước không điều hòa ngày  giờ (Kh.max) như sau:

                      Kch = Kng.max Kh.max = 1,29 x 1,62 = 2,1

Như vậy, từ khảo sát nghiên cứu điển hình tại HTCN liên xã TMH thấy rằng đối với vùng nông thôn tỉnh Hải Dương thuộc khu vực ĐBSH, yêu cầu cấp nước  ở  đây không lớn (từ 50 ÷ 85 L/người/ngày) với chế độ dùng nước không ổn định.  Với  HTCN liên xã khoảng 20.000 dân, lượng  nước  sử dụng  theo từng giờ trong ngày  thay đổi rõ rệt với  hệ số Kh.max lớn hơn nhiều so với khu đô thị có dân số tương đương. Tuy nhiên theo các ngày trong năm, hệ số Kng.max của HTCN này không chênh lệch so với HTCN đô thị.  Các hệ số Kh.max,  Kng.max và Kch  trước hết có thể sử dụng để tính toán kiểm tra khả năng hoạt động của các công trình và thiết bị HTCN liên xã TMH cũng như xây dựng chế độ vận hành hợp lý để cấp nước cho người dân các xã Thái Tân, Minh Tân và Hồng Phong. Trên cơ sở này, phát triển các nghiên cứu khảo sát bổ sung với phương pháp nêu ở mục 2, có thể xác định được các hệ số dùng nước phù hợp cho các HTCN liên xã vùng nông thôn khu vực ĐBSH.

  1. KẾT LUẬN

Đối với  khu vực nông thôn ĐBSH, cấp nước tập trung liên xã là một trong những mô hình phù hợp với các ưu điểm về kĩ thuật cũng như quản lý vận hành của nó.  Tuy nhiên do đặc thù khu vực nông thôn, các thông số liên quan đến thiết kế và vận hành các công trình cấp nước theo quy định của TCXDVN 33:2006 không phù hợp với HTCN liên xã. Trên cơ sở khảo sát  hiện trạng dùng nước sạch HTCN liên xã Thái Tân, Minh Tân và Hồng Phong của các hộ gia đình  và tình hình quản lý vận hành các công trình cấp nước tập trung, thấy rằng chế độ dùng nước phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội của các xã mà HTCN phục vụ.

Nhu cầu dùng nước của từng hộ gia đình và các địa phương trong HTCN liên xã thay đổi theo từng tháng trong năm, trong đó tháng  dùng nước lớn nhất là tháng 2 và  thấp nhất là tháng 10. Kết quả nghiên cứu cho thấy đối với HTCN liên xã TMH hệ số Kh.max là 1,62, lớn hơn và Kng.max là 1,29 tương tự như khu đô thị có dân số tương đương. Hệ số dùng nước không điều hòa chung (Kch) cho HTCN của 3 xã nghiên cứu là 2,1.

Các kết quả nghiên cứu trước mắt sử dụng được để xây dựng chế độ vận hành hợp lý để cấp nước cho các xã Thái Tân, Minh Tân và Hồng Phong, đồng thời là cơ sở để tiến hành các khảo sát nghiên cứu tiếp theo nhằm xây dựng tiêu chuẩn cấp nước và xác định chế độ dùng nước phù hợp với các vùng nông thôn khu vực ĐBSH.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh nông thôn (2017). Báo cáo kết quả thực hiện “Chương trình Nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 08 tỉnh đồng bằng sông Hồng”.
  2. Công ty TNHH Thương mại và Tư vấn xây dựng Tây Hồ và Công ty Cổ phần phát triển thương mại và xây dựng Hà Nội (2014). Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Chương trình Nước sạch và Vệ sinh nông thôn phương thức dựa trên kết quả(PforR)tại 8 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng”.
  3. Hoàng Hùng (2009). Cấp nước sạch theo mô hình liên xã ở Nam Ðịnh, Cục Quản lý tài nguyên nước.
  4. Dương Thanh Lượng (2006). Giáo trình hệ thống cấp nước. Nhà xuất bản Xây dựng.
  5. TCXDVN 33:2006- Cấp nước: mạng lưới bên ngoài và công trình – Tiêu chuẩn thiết kế.
  6. Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Hải Dương (2018). Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018.
  7. . Trung tâm nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Hải Dương (2017). Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Thông tư 54/2013/TT-BTC Của Bộ Tài Chính quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.
  8. Trần Đức Hạ, Nguyễn Thanh Tuấn. Xác định tiêu chuẩn dùng nước của hệ thống cấp nước nông thôn liên xã khu vực đồng bằng sông Hồng. Tạp chí “Cấp thoát nước Việt Nam” ISSN 1859-3623, Số 5 (121) năm 2018, trang 47-50.

PGS.TS Trần Đức Hạ(1), KS. Nguyễn Thanh Tuấn(2)

(1). Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, (2). Nhà máy nước Thái Tân

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu chế độ dùng nước hệ thống cấp nước liên xã ở Hải Dương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể, hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Nguyên đã xử lý, chế biến để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.

Tin mới