Thứ tư, 17/04/2024 03:03 (GMT+7)

Những điều ít ai biết về công việc tái chế máy bay dân dụng

MTĐT -  Thứ tư, 08/07/2020 15:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khi các máy bay dân dụng đã qua thời gian sung sức của chúng, trung bình khoảng 26 năm từ khi đưa vào sử dụng, chúng có thể kết thúc vòng đời tại các “nghĩa địa máy bay” cũ.

Đối với những máy bay dân dụng như Boeing và Airbus không còn an toàn để bay tiếp nhưng “quá uổng để bỏ đi”, chúng được đưa vào các nơi lưu giữ khổng lồ như các kho chứa của công ty Marana Aerospace Solutions tại bang Arizona hay của công ty Mohave Air and Space Port ở California, Mỹ.

Công ty Aerocircular.

Tuy nhiên, giải bài toán cho số đông máy bay “về hưu” là điều không đơn giản. Trong khi một số linh kiện, thiết bị; đặc biệt là một số thành phần động cơ có thể bán lại và dùng tốt cho các máy bay khác thì nhiều thành phần phải chật vật chuyển sang “thế hệ thứ 2”.

Xác máy bay, lợi nhuận sẽ đến với những ai có sáng kiến đúng

Khi các máy bay dân dụng đã qua thời gian sung sức của chúng, trung bình khoảng 26 năm từ khi đưa vào sử dụng, chúng có thể kết thúc vòng đời tại các vùng hoang mạc ở California, Arizona hay New Mexico, nơi có các “nghĩa địa máy bay” cũ.

Số phận mỗi chiếc sẽ được an bài sau đó.

Chiếc ghế ngồi phi công thường có chỗ trang trọng trong phòng làm việc của những kẻ có tiền nhưng nhiều món khác sẽ được các công ty chuyên biệt mua lại và biến nó thành những vật hữu dụng hay độc đáo. Khi động cơ, bộ phận đáp và nhiều linh kiện đã được tiêu thụ, hàng ngàn chiếc máy bay cũ với những thứ ít được quan tâm còn lại sẽ trở thành “phế liệu” bị bỏ rơi trong những nghĩa địa ít ai đặt chân tới. 

Máy bay vận tải.

“Hiện có trên dưới 700 máy bay về hưu mỗi năm và con số này tiếp tục tăng. Theo ước tính, trong hai thập niên tới sẽ có thêm 15.000 máy bay nữa “về hưu” – ông Hans Craen, giám đốc điều hành của Hội tái chế máy bay Aircraft Fleet Recycling Association, một tổ chức toàn cầu về sự phát triển và an toàn trong hoạt động mổ xẻ và tái chế máy bay nói – Trong mỗi máy bay về hưu, có từ 85-90% thành phần có thể dùng lại hay tái chế.

Hoạt động tái chế đã được các chính phủ quan tâm hơn trong những năm gần đây”. Quy mô của các nghĩa địa máy bay ngày càng lớn khi các hãng hàng không đua nhau nâng cấp đội ngũ máy bay bằng các sản phẩm mới nhất, hiện đại nhất và tiết kiệm nhiên liệu nhất và thân thiện với môi trường nhất.

Theo nghiên cứu mới của hãng Airbus, đến năm 2038 mỗi năm sẽ có bình quân 1.100 máy bay phải “về hưu”.

Chiếc VLM Fokker được cải tạo thành trung tâm huấn luyện chó cảnh sát.

Trong 20 năm tới, hoạt động kinh doanh trên xác máy bay sẽ trị giá hơn 2 tỉ USD. “Số công ty tìm mua máy bay cũ, lọc ra những món còn tốt để bán kiếm tiền đang tăng. Nhưng phần rác thải họ để lại đang là vấn đề lớn cho môi trường.

Nhiều công ty xem nhẹ việc giải quyết các tán dư này” – Koen Staut, giám đốc diều hành công ty Aerocircular N.V, chuyên về tái chế xác máy bay của Bỉ nói.

Buồng lái Airbus A320 biến thành hệ thống huấn luyện phi công.

Kinh nghiệm của Aerocircular N.V

Khi Staut thành lập công ty vào năm 2016 ông không muốn bị xem là “công ty thứ 106 chuyên mua xác máy bay rồi bán những món có thể làm vật lưu niệm trên eBay”. Thay vào đó ông tự hỏi: “Chúng ta phải giải quyết thế nào đối với những thứ không bán được để lại, ví dụ các panel trong khoang máy bay và vỏ ngoài máy bay? Đây là những thứ không ai muốn mua ngoại trừ ép chúng ta lại rồi mang đến các nhà máy chế tạo lon nhôm nước ngọt”.

Staut cho biết thêm, mục đích của ông là tăng tỉ trọng tái chế và phục hồi máy bay lên đến 100% thay vì 85-90% như hiện nay dù ông hiểu là giải pháp cho 10-15% còn lại không hề là việc đơn giản. Staut muốn sản phẩm tái chế có chất lượng tương đương về cả thời gian sử dụng lẫn độ bền và độ chính xác.

“Thế hệ thứ 2 của một thành phần dùng trên máy bay phải không thua kém thế hệ thứ nhất – ông nói – Các hợp kim nhôm của vỏ máy bay được xem là rất bền; vì vậy, phải tận dụng chúng cho các mục đích khác. Nếu không sẽ phí phạm.

Máy bay “về hưu” không có nghĩa là đã chết.

Đó là lý do chính để tôi thành lập công ty chứ không đơn thuần là bán linh kiện kiếm lời”. Hiện có một số máy bay phế thải được chuyển thành nơi huấn luyện chó, phim trường. Aerocircular (tự gọi là công ty khởi nghiệp Aircraft Dismantling 2.0) đặt trụ sở tại phi cảng quốc tế Ostend-Bruges gần Bruges còn có các cơ sở phụ đang được xây dựng tại Phoenix, Arizona và Abu Dhabi, những nơi chuyên mổ xẻ xác máy bay dân dụng thân rộng.

Công ty cũng đang vận động cho bản qui tắc về mổ xẻ máy bay sao cho không ảnh hưởng xấu đến môi trường với đối tác cùng tham gia là 50 công ty nằm trong vòng bán kính 200km từ ba nghĩa trang của nó. Các đối tác này ký hợp đồng mua lại những thành phần chuyên biệt của máy bay để tái chế hay phục hồi, tức là chịu trách nhiệm về Thế hệ thứ 2 của mỗi sản phẩm. “Khi số thành phần và linh kiện máy bay đươc tái chế hay phục hồi càng nhiều, tỉ lệ rác thải càng giảm.

Mục tiêu của chúng tôi là kéo xuống mức 0% – Staut nói – Nói rõ hơn là 100% linh kiện và các thành phần khác của máy bay đều phải có điểm đến. Một số linh kiện trong máy bay “về hưu” vẫn có thể tháo ra dùng cho máy bay khác mà vẫn an toàn 100%”. Aerocircular đã hợp tác với công ty Lufthansa Technik Brussels chuyên bảo trì, sửa chữa và duy tu máy bay để nhờ kiểm định và xác nhận chất lượng cho các linh kiện dùng lại được mà không cần có động tác nào thêm vào.

Vấn đề môi trường

Aerocircular được nhiều hãng máy bay đánh giá cao trong công việc này. Mới đây, công ty đã chuyển một thân máy bay dài 20m của chiếc máy bay VLM Fokker 50 hành khách thành trung tâm huấn luyện chó Dog Support Service cho cảnh sát liên bang Bỉ. Những con chó cảnh sát được huấn luyện dò tìm chất nổ trên máy bay giống như trong thực tế.

Aerocircular còn cung cấp những cánh và bánh máy bay cũ cho công trình điêu khắc De Straalvogel (the bird jet) đặt tại công viên của khu nghỉ dưỡng ven biển Middelkerke.

Khách sạn Hotel Costa Verde.

De Straalvogel chính là chiếc máy bay chế tạo hoàn toàn bằng các vật liệu bỏ đi trong loạt truyện tranh phổ thông Jommeke trên nhật báo của Bỉ. “Một hoạ sĩ đã đến gặp chúng tôi để nhờ giúp đỡ và chúng tôi đã đáp ứng hết trong khả năng của mình. Công trình điêu khắc này đã giúp làm tăng ý thức của độc giả về hoạt động tái chế máy bay thân thiện với môi trường” – Staut nói.

Công ty của ông đã lắp ráp xong một máy cắt dùng lưỡi kim cương rộng 8 mét có thể cắt máy bay Airbus 320 thành 8 khoang để dùng quay những cảnh phim hành động bên trong xác máy bay.

Các khoang này được đưa từ phi cảng Berlin Schônefeld đến phim trường. Một số máy bay A320 về hưu được Aerocircular hợp tác với Lufthansa Technik Brussels (một công ty chuyên về chế tạo và cung cấp các thiết bị giả lập bay huấn luyện phi công) để biến thành mô hình giả lập bay phục vụ giải trí.

Khoang lái được tách khỏi thân rồi chở bằng đường bộ đến cơ sở của trung tâm huấn luyện bay thuộc tập đoàn Euramec Group cách đó 100 km, được sơn lại và cải tạo bên trong sao cho đúng với các tiêu chuẩn huấn luyện bay. Cái gì cần thay, cái gì có thể phục hồi hay giữ nguyên đều được kiểm tra kỹ. Khoảng 80% được giữ lại. 20% kia được lấy ra để tái chế.

Cửa khẩn cấp máy bay Boeing 727 biến thành nơi vui chơi cho khỉ.

“Trong tương lai chúng tôi sẽ tự sản xuất những khoang huấn luyện bay tương tự. Ưu điểm của buồng lái máy bay bỏ đi là nó giống với thực tế phi công sẽ gặp khi lái máy bay thật. Dĩ nhiên, tất cả đều phải được kiểm tra và chứng nhận của các cơ quan có thẩm quyền. Hiện chúng tôi đang dùng A320 cho hai khoá huấn luyện Multi-Crew Coordination Course và Jet Orientation Courses” – Bert Buyle, giám đốc điều hành của Euramec Group trụ sở ở Hamme (Bỉ), nói.

Theo Buyle thì ngày cả thân máy bay về hưu cũng có thể dùng để huấn luyện đội ngũ tiếp viên vì nó giúp họ không bỡ ngỡ khi làm việc với máy bay thật. Trở lại nghĩa địa máy bay của Aerocircular ở Ostend, Staut và các cộng sự đang tìm cách nâng cấp hay phục hồi các vật liệu composite quý. “Chúng là thách thức lớn cho mục tiêu tận dụng tối đa máy bay cũ nhưng chúng tôi tin là sẽ làm được nếu nhìn lại những nghi ngờ đối với những gì chúng tôi đã dự tính cách nay 5 năm.

Tuy nhiên, vì hợp kim nhôm trên máy bay được làm để đáp ứng được mọi yêu cầu an toàn bay nên việc tái chế không hề dễ. Hiện đang có trên thị trường loại vật liệu xây dựng Bio-Luminum do công ty Coverings ETC sản xuất làm hoàn toàn từ nhôm máy bay tái chế. “Năng lượng dùng để tái chế nhôm chỉ bằng 5% năng lượng tái chế nhôm thế hệ đầu – Jennifer Ryan, giám đốc phát triển của Coverings ETC nói – Một lợi thế nữa của Bio-Luminum là nó có thể tự tái chết để dùng lại”.

Những sáng kiến khác

Công ty MotoArt ở California nổi tiếng về hoạt động thiết kế bàn ghế và những món gia dụng khác lấy ra từ máy bay cũ trong hơn 10 năm qua. “Chúng tôi có hơn 100 mẫu thiết kế và hàng ngàn sản phẩm có nguồn gốc máy bay được sử dụng tại các công trình kiến trúc tầm cỡ thế giới, từ Dubai Burj đến Sears Tower, thậm chí cả ở Bắc cực!” – giám đốc điều hành Dave Hall nói.

Thuyền bay làm từ thân máy bay Boeing 307 Stratoliner, A9. Dave Drimmer.

Trong số khách hàng của nó có các công ty lớn AOL, Microsoft, GoDaddy, NetJets, Alitalia, Boeing, Northrup Grumman and Royal Jordanian. Thuyền bay (Planeboat) là sản phẩm hiếm được hải quân Đế quốc Nhật chế tạo trong Thế chiến thứ hai. Năm 1939, một chiếc Boeing 307 Stratoliner đã được chuyển thành thuyền bay có tốc độ 13 knots. Con tàu nhỏ này thuộc quyền sở hữu của nhà tiên phong hàng không Howard Hughes do phi công Jimmy Buffett cầm lái đầu tiên và được những đời chủ sau cải tạo lại.

Ca sĩ Jimmy Buffett đặt tên cho nó là “Cosmic Muffin” và người chủ hiện nay Dave Drimmer dùng nó làm nhà nổi từ 1981. Hiện nay Cosmic Muffin vẫn hoạt động chở du khách tại cảng Fort Lauderdale, bang Florida. Kiến trúc sư David Hertz kể cách ông xây dựng lâu đài có cánh “Wing House” tại Malibu từ một chiếc Boeing 747 về hưu theo phong cách sống của người da đỏ Mỹ. Cánh máy bay là mái ngôi nhà. Một doanh nhân nhỏ ở bang Oregon có tên Bruce Campbell cũng chuyển máy bay Boeing 727-200 thành ngôi nhà “Airplane Home”, độc đáo với chi phí khiêm tốn.

Rồi công trình “Project Freedom” của Joe Axline lắp ghép từ 2 máy bay bỏ đi MD-80 và DC-9-41. Ngoài ra, còn một số máy bay được chuyển thành khách sạn nhỏ như khách sạn xa xí “Hotel Costa Verde” 2 phòng ngủ nằm trong khu rừng mưa Costa Rican làm từ xác máy bay Boeing 727. Nó trông giống một máy bay đang chuẩn bị cất cánh ra Thái Bình Dương với giá phòng 250 USD/đêm, cao điểm là 500 USD. Phi cảng Arlanda Airport ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển cũng có khách sạn “Jumbo Stay” cao cấp làm từ máy bay Boeing 747.

“Dù tốn ít kinh phí để xây dựng nhưng khách sạn của tôi đáp ứng được nhiều mục đích của khách” – chủ nhân Oscar Diôs nói. Nhiều đám cưới đã được tổ chức ở đây và phí qua đêm 465 USD. Công ty Bordbar của Đức là công ty đầu tiên nghĩ đến việc cải tạo những xe đẩy phục vụ trên máy bay thành những chiếc tủ hoặc quầy ba trang trí đẹp có kệ, kính mặt trước và đèn LED giá 1.300 USD. “Chúng tôi bán các sản phẩm này cho hơn 220 nhà bán lẻ trên toàn cầu.

Công ty MotoArt.

Thị trường cho loại xe đẩy cải tiến là rất lớn” – Valentin Hartmann, đồng sáng lập công ty nói. Công ty Đức Skypak thì chuyên về quầy bar cải tiến cao cấp “Pure Gold” trang trí những lá vàng 24-carat, quầy ba “Luxury Crystal” nạm 82.000 viên pha lê Swarovski với 3 loại giá 1.833 USD, 5.180 USD và 37.000 USD. Ngay cả các dây an toàn trên máy bay cũng được chuyển thành túi đựng laptop. Công ty Artificial Reef Society of British Columbia (ARSBC) có sáng kiến lý thú chuyển một chiếc Boeing 737 thành rặng san hô nhân tạo.

“Hiện đã có hơn 100 loài sinh vật biển chọn rặng san hô của chúng tôi làm nơi lưu trú” – Deidre Forbes McCracken, giám đốc quảng bá của ARSBC nói. Công ty kiến trúc châu Âu LOT-EK có kế hoạch tham vọng: biến hơn 200 thân máy bay Boeing bỏ đi thành siêu xe lửa tương lai “Sky Tram” cao vài tầng. Tuy nhiên, xét về mặt kỹ thuật, kế hoạch này khó trở thành hiện thực. Hãy chờ xem!

Theo Lê Tây Sơn/nguoidothi.net.vn

Bạn đang đọc bài viết Những điều ít ai biết về công việc tái chế máy bay dân dụng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hiệu ứng nhà kính và các giải pháp từ tiêu chuẩn
Thật dễ dàng để có những ý kiến khác nhau về carbon. Nó là tốt hay xấu? Một mặt, nó là nền tảng cho sự sống trên Trái đất. Mặt khác, nó liên quan đến biến đổi khí hậu. Đây là loại khí nhà kính được sản xuất phổ biến nhất và giữ nhiệt trong khí quyển.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.