Thứ sáu, 29/03/2024 04:21 (GMT+7)

Ô nhiễm môi trường làng nghề cần được xử lý nghiêm khắc và kịp thời

MTĐT -  Thứ hai, 28/09/2020 10:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chất lượng môi trường tại hầu hết các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn khiến người lao động phải tiếp xúc với các nguy cơ gây hại cho sức khỏe

I. MÔI TRƯỜNG LÀNG NGHỀ

Trong thời gian qua với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của các làng nghề đã góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội hiện nay ở Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó vấn đề ô nhiễm môi trường ở các làng nghề đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sức khỏe của người dân. Việc thực thi pháp luật bảo vệ môi trường tại các làng nghề ở Việt Nam còn rất nhiều bất cập, yếu kém cần được quan tâm kịp thời để đảm bảo đời sống, sản xuất, sinh hoạt và sức khỏe của người dân.

Chất lượng môi trường tại hầu hết các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn khiến người lao động phải tiếp xúc với các nguy cơ gây hại cho sức khỏe, trong đó 95% là từ bụi; 85,9% từ nhiệt và 59,6% từ hóa chất. Kết quả khảo sát 52 làng nghề cho thấy: “46% làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng ở cả 3 dạng; 27% ô nhiễm vừa và 27% ô nhiễm nhẹ”. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề xảy ra ở các dạng phổ biến sau đây:
Ô nhiễm nước: ở Việt Nam, các làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, nước thải được đổ trực tiếp ra hệ thống kênh rạch chung hoặc ra sông. Nguyên nhân gây ô nhiễm nước chủ yếu là quá trình xử lý công nghiệp như: chế biến lương thực, thực phẩm, mây tre, dệt, in, nung nấu kim loại, tẩy giấy và nhuộm… Thường thì nước thải bị nhiễm màu nặng và gây ra hiện tượng đổi màu đối với dòng sông nhận nước thải, có mùi rất khó chịu. Hơn nữa là sự vượt quá tiêu chuẩn cho phép đối với các hàm lượng BOD, COD, SS và coliform, các kim loại nặng… ở các nước mặt và nước ngầm, làm chết các sinh vật thủy sinh và chứa các mầm bệnh nguy hại cho con người.

Ô nhiễm không khí gây bụi, mùi, tiếng ồn và nóng do sử dụng than và củi chủ yếu trong sản xuất vật liệu xây dựng và sản xuất gốm sứ.

Ô nhiễm chất thải rắn do tái chế nguyên liệu (giấy, nhựa, kim loại…) hoặc do bã thải của các loại thực phẩm (sắn, dong), các loại rác thải thông thường: nhựa, túi ni-lon, giấy, hộp, vỏ lon, kim loại và các loại rác thải khác thường được đổ ra bất kỳ dòng nước hoặc khu đất trống nào. Làm cho nước ngầm và đất bị ô nhiễm các chất hóa học độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Hầu như mẫu nước thải ở các làng nghề được khảo sát có thông số vượt tiêu chuẩn cho phép.

Hiện nay, phần lớn lượng nước thải từ các làng nghề này được xả thẳng ra sông Nhuệ, sông Đáy mà chưa qua xử lý khiến các con sông này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chưa kể đến một lượng rác thải, bã thải lớn từ các làng nghề không thể thu gom và xử lý kịp, nhiều làng nghề rác thải đổ bừa bãi ven đường đi và các khu đất trống. Tình trạng ô nhiễm môi trường như trên đã ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng, nhất là những người tham gia sản xuất, sinh sống tại các làng nghề và các vùng lân cận.

Nguyên nhân của thực trạng ô nhiễm làng nghề hiện nay là thiếu mặt bằng sản xuất và sản xuất hỗn hợp nhiều loại hình khác nhau. Làng nghề thường tập trung chủ yếu ở các nơi dân cư đông đúc, gần các đô thị, dọc theo bờ sông hay gần đường giao thông nên thiếu mặt bằng sản xuất. Các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư gây khó khăn cho việc bố trí xử lý chất thải. Mặt khác, làng nghề phát triển với nhiều loại hình đa dạng như:
- Chế biến thực phẩm, tái chế, dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ, đan lát… làm đa dạng nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường.
- Công nghệ sản xuất lạc hậu, chất thải chưa qua xử lý đã thải vào môi trường. Đây là điểm dễ nhận thấy ở phần lớn các làng nghề.
- Máy móc thiết bị cũ kỹ (sản xuất từ những năm 1950 - 1960), chắp vá dẫn đến tình trạng tiêu hao năng lượng và thừa nguyên vật liệu sản xuất gây ô nhiễm.
- Ý thức môi trường của người dân tại khu vực làng nghề còn thấp. Vì lợi ích kinh tế họ sẵn sàng “lờ đi” tình trạng ô nhiễm hiện tại.
- Trình độ học vấn và chuyên môn thấp: tại các làng nghề chỉ có khoảng 7% thợ giỏi, trên 55% lao động không được đào tạo.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm kể trên còn là do các cơ sở sản xuất kinh doanh ở các làng nghề còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, phát triển tự phát, không đủ vốn và không có công nghệ xử lý chất thải. Bên cạnh đó, ý thức của chính người dân làm nghề cũng chưa tự giác thực hiện các quy định của pháp luật trong các khâu thu gom, xử lý, quản lý chất thải, bảo vệ môi trường tại các làng nghề… Nếu không có các giải pháp ngăn chặn kịp thời thì tổn thất đối với toàn xã hội sẽ ngày càng lớn, vượt xa giá trị kinh tế mà các làng nghề đem lại như hiện nay.

Nhiều làng nghề bị ô nhiễm

Xã Vân Từ (Phú Xuyên) hiện có gần 1.000 hộ sản xuất quần áo, hằng ngày thải ra môi trường 700-800kg rác thải công nghiệp (vải vụn). Theo quy định, chất thải này phải được thu gom riêng, nhưng do phí thu gom cao (khoảng 2.000 đồng/kg) nên nhiều hộ dân tự xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp. Ông Đào Văn Túy ở xã Vân Từ cho biết: “Chúng tôi kiến nghị nhiều lần, chính quyền địa phương cũng vào cuộc vận động các hộ sản xuất ký cam kết bảo vệ môi trường nhưng tình trạng đốt vải vụn vẫn xảy ra”.

Một "điểm nóng" khác về ô nhiễm môi trường là tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế (Hoài Đức). Tại đây, mỗi ngày sản xuất 80-100 tấn củ sắn và dong riềng, xả ra môi trường 50-70 tấn bã thải và hàng trăm mét khối nước thải chưa qua xử lý. Dù đã có Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà công suất 20.000m3/ngày đêm đi vào hoạt động nhưng mới chỉ xử lý được một phần nước thải của 3 làng nghề này.

Trong số hơn 1.300 làng nghề và làng có nghề ở Thủ đô hầu hết đều phát sinh nước thải, tiếng ồn, khói bụi tác động xấu đến môi trường. Theo kết quả phân tích mẫu nước, không khí, đất tại 228 làng nghề vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố cho thấy: Về môi trường nước có 99 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 78 làng nghề ô nhiễm; môi trường không khí có 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm; môi trường đất có 6 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng...

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường -Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái nhìn nhận, nguyên nhân chính của tình trạng kể trên là do các hộ sản xuất nằm trong khu dân cư, sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, không có hệ thống thu gom xử lý chất thải. Ngoài ra, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư cho hoạt động môi trường còn thiếu nên chưa hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; công tác quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém.


II. CẦN XỬ LÝ NGHIÊM KHẮC, KỊP THỜI

Thực tế cho thấy, các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề nếu không được triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt thì nguy cơ ô nhiễm ngày càng cao và khó xử lý. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, chất thải làng nghề đang trở thành tác nhân của ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí... Tình trạng này sẽ gây ra những hệ lụy lâu dài cho môi trường và sức khỏe của người dân, các cấp, ngành chức năng cần sớm có giải pháp hữu hiệu. Đối với huyện Phú Xuyên, trước mắt huyện yêu cầu các xã có làng nghề thống kê số lượng chất thải phát sinh trong ngày để ký hợp đồng với đơn vị thu gom xử lý ngay. Về lâu dài, huyện kiến nghị cần sớm di chuyển cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, bởi khi người dân đã ổn định sản xuất sẽ rất khó xử lý và tốn nhiều kinh phí.

Còn Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức Bùi Thế Công cho biết, từ thực tế trên địa bàn nhiều năm qua cho thấy, việc các làng nghề xả chất thải trực tiếp ra kênh, mương đã gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội của địa phương. Huyện xác định, nếu để tình trạng ô nhiễm làng nghề càng lâu, sẽ càng khó xử lý. Vì vậy, các giải pháp trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường làng nghề bền vững đang được huyện tập trung triển khai. Theo đó, cùng với nâng cao nhận thức của người dân làng nghề, huyện đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng Cụm công nghiệp Dương Liễu - giai đoạn 2 với quy mô khoảng 17ha để di chuyển các cơ sở sản xuất tại 3 xã: Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế vào khu tập trung; đồng thời trình thành phố 2 dự án xử lý nước thải tại xã Cát Quế và Yên Sở.

Trao đổi về việc này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định cho rằng, thực tế hiện nay cho thấy, nếu không giải quyết sớm và triệt để, việc khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề sẽ càng khó khăn và tốn kém. Hiện thành phố yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng (8.000m3/ngày đêm), phấn đấu đưa vào vận hành cuối năm 2020; đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xử lý nước thải làng nghề tại các xã: Vân Canh (Hoài Đức), Thanh Thùy (Thanh Oai), Phùng Xá (Mỹ Đức)... Ngoài ra, trong giai đoạn 2020-2025, thành phố sẽ đầu tư khoảng 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng và mục tiêu đến năm 2025, chất thải của các làng nghề đều được xử lý...
Cùng với giải pháp của chính quyền, rất cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của người dân sở tại thì tình trạng ô nhiễm làng nghề mới sớm được khắc phục triệt để.


III. CƠ SỞ PHÁP LÝ

Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường làng nghề, đòi hỏi hệ thống cơ sở dữ liệu phải được cập nhật chính xác về thực trạng công tác quản lý, bảo vệ môi trường làng nghề trên quy mô quốc gia, từ đó có các định hướng và biện pháp phù hợp để bảo vệ môi trường làn nghề một cách hiệu quả, bền vững.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về bảo vệ môi trường làng nghề:
1. Làng nghề phải đáp ứng điều kiện về bảo vệ môi trường sau:
+ Có kết cấu hạ tầng bảo đảm thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
+ Có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường;
2 Cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề do Chính phủ quy định phải đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Xây dựng và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
+ Thực hiện các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.
Vấn đề môi trường mà các làng nghề đang phải đối mặt không chỉ giới hạn ở trong phạm vi các làng nghề mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư ở các vùng lân cận.
Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ môi trường đối với các làng nghề. Tăng cường tổ chức thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó chú trọng việc tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề, tăng cường xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đối với vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề. Cụ thể là xây dựng các quy định về vệ sinh môi trường tại các làng nghề, các quy chuẩn quốc gia về khí thải, nước thải phù hợp với các cơ sở sản xuất kinh doanh ở các làng nghề. Xây dựng và ban hành hướng dẫn về kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường song song với việc đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường tại các làng nghề, áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ.
Nhà nước cần tiến hành quy hoạch, tổ chức, phân bố lại sản xuất tại các làng nghề cho phù hợp với tính chất đặc thù của từng loại hình làng nghề. Quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường theo hai loại hình chính là tập trung theo cụm công nghiệp nhỏ và quy hoạch phân tán tại chỗ, tuy nhiên với mỗi loại hình làng nghề cần có những mô hình quy hoạch cụ thể phù hợp với tính chất làng nghề và đặc điểm địa phương. Hình thành tổ chức quản lý môi trường tại các làng nghề, tạo nên sự liên kết chặt ch ẽ gi ữa các nhà quản lý, nhà môi trường, nhà lập kế hoạch với cộng đồng làng nghề.

Cần có sự kết hợp sản xuất hàng hóa của các làng nghề với việc truyền bá văn hóa, phát triển du lịch. Như vậy vừa thúc đẩy được sự phát triển kinh tế của làng nghề, vừa nhân rộng danh tiếng làng nghề, đồng thời thúc đẩy các làng nghề cải thiện môi trường để phù hợp với nhu cầu thăm quan du lịch của du khách trong và ngoài nước.
Nhà nước cần tăng cường đầu tư, hỗ trợ về tài chính (thông qua nguồn vốn vay ưu đãi) để các làng nghề sản xuất đổi mới trang thiết bị phục vụ sản xuất thay thế dần công cụ thủ công lạc hậu. Khuyến khích, hỗ trợ cho các làng nghề nghiên cứu các công nghệ sản xuất thủ công mới, nâng cao hiệu quả và đảm bảo cho môi trường hơn. Hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ xử lý chất thải, về an toàn lao động…

Một nhân tố có tác động mạnh mẽ đến bảo vệ môi trường ở các làng nghề chính là người sản xuất và cộng đồng tại các làng nghề vì vậy các cơ quan nhà nước cần tăng cường công tác phổ biến, giáo dục, tuyên truyền vận động về việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường cũng như ý thức về bảo vệ an toàn lao động đến tận hộ sản xuất cá thể và tổ chức sản xuất. Nâng cao dân trí nhằm nâng cao ý thức của người dân tại các làng nghề để tự họ nhận thấy việc bảo vệ môi trường làng nghề chính là bảo vệ lợi ích thiết thực và sức khỏe lâu dài của cộng đồng cũng như sản phẩm của họ. Việc nâng cao nhận thức của người dân là không khó nhưng để họ thực hiện những hành động bảo vệ môi trường một cách tự giác lại là rất khó.
Tại nhiều làng nghề, hương ước, quy ước đóng vai trò rất tích cực trong việc đề cao các chuẩn mực đạo lý, truyền thống của làng nghề, đồng thời cũng là công cụ tích cực nhằm vận động, tuyên truyền phổ biến, giáo dục về kiểm soát ô nhiễm ở làng nghề. Ý thức tự giác của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiểm soát ô nhiễm cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường tại các làng nghề.
Trong giai đoạn đổi mới toàn diện của Việt Nam hiện nay, việc nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng góp phần to lớn trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các làng nghề nói riêng. Nó phù hợp với quan điểm chung của Đảng và Nhà nước là: Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân. Tức là nhiệm vụ đó không chỉ của riêng cơ quan ban ngành nào, của tổ chức hoặc cá nhân nào mà của toàn dân và tất cả phải cùng hướng đến mục đích phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai cho đất nước. Tuy nhiên, quan niệm và nhận thức của một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng về kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn được coi là vấn đề xa vời, là trách nhiệm của Nhà nước, của Chính phủ, của xã hội chứ không phải của cá nhân. Điều này vẫn còn đang tồn tại rất phổ biến. Do vậy, công cụ giáo dục về kiểm soát ô nhiễm, đặc biệt là tại các khu vực làng nghề. Pháp luật bảo vệ môi trường quy định công dân Việt Nam được giáo dục toàn diện về môi trường nhằm nâng cao hiểu biết về ý thức bảo vệ môi trường. Giáo dục về môi trường là nội dung của chương trình chính khóa của các cấp học phổ thông. Nhà nước ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo nguồn lực bảo vệ môi trường. Đồng thời, với tuyên truyền, giáo dục, chúng ta cần xử lý nghiêm những ai không chịu chấp hành pháp luật phải bị phạt nặng, bị đình chỉ sản xuất, thậm chí xử lý hình sự.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, “Môi trường làng nghề”, Tạp chí Môi trường và sức khỏe số 467 + 468 + 469.
2. Hoàng Sơn, “Ô nhiễm làng nghề để lâu khó xử lý”, Báo Hà Nội mới ngày 23/9/2020.
3. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm môi trường làng nghề cần được xử lý nghiêm khắc và kịp thời. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.