Thứ sáu, 29/03/2024 19:59 (GMT+7)

Quản lý tài nguyên nước mặt cho sự phát triển Khu kinh tế Phú Quốc

MTĐT -  Thứ sáu, 13/03/2020 09:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam và một số đảo xung quanh, hình thành nên một khu kinh tế có tiềm năng phát triển, đặc biệt là du lịch và các hoạt động kinh tế biển khác.

1. Một số định hướng phát triển kinh tế xã hội huyện đảo Phú Quốc

Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, là hòn đảo lớn nhất Việt Nam (593km2), một thành phố biển đảo, với định hướng: Phát triển du lịch ở đẳng cấp cao, trở thành trung tâm kinh tế mạnh, tầm cỡ của khu vực dựa vào khai thác dịch vụ tài chính, ngân hàng, giải trí, thương mại… [1]. Như vậy, Phú Quốc sẽ trở thành một khu kinh tế - hành chính đặc biệt, trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng dịch vụ cao cấp và là trung tâm khoa học công nghệ chuyên ngành của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

Định hướng phát triển không gian của đảo: Hướng tây phát triển các khu du lịch gắn với bãi biển, các đô thị, khu đô thị mới và các trung tâm thương mại, dịch vụ. Hướng Đông phát triển các điểm du lịch biển, các khu dân cư nông thôn và cụm công nghiệp. Hướng Bắc là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng và phát triển một số điểm du lịch bãi biển sinh thái chất lượng cao. Hướng Nam phát triển đô thị và cảng. Khu quần đảo Nam An Thới phát triển du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao. Đến năm 2020 dân số đảo Phú Quốc khoảng 340.000 - 380.000 người, trong đó khách du lịch quy đổi là 65.000 lượt người. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030, tới năm 2030 dân số trên đảo là 500.000 - 550.000 người, khách du lịch là 85.000 người. Trên cơ sở các định hướng phát triển kinh tế - xã hội Khu Kinh tế Phú Quốc[2], dự tính nhu cầu dùng nước sinh hoạt năm 2030 là 120.000 m3/ngày, năm 2040 là 160.000 m3/ngày và năm 2050 là 220.000 m3/ngày. Đây là thách thức đối với việc quản lý tài nguyên nước (TNN) cho đảo Phú Quốc.

2. Đặc điểm nguồn TNN mặt huyện đảo Phú Quốc

Lượng mưa trên đảo Phú Quốc hàng năm từ 1.717 đến 2.366 mm/năm, tạo nên lượng nước mưa khoảng 1,6 tỷ m3, trong đó tập trung vào sông suối khoảng 900 triệu m3. Phần còn lại tích trữ ngay trong các hệ thống sông rạch và thấm vào đất trong các tầng chứa nước ngầm trên đảo [1, 2, 3]. Đây là đảo có hệ thống sông ngòi dồi dào, phân bố khá đồng đều trên diện tích, mật độ đạt 0,42km/km2 với nhiều rạch lớn. Các sông, rạch phần lớn đều bắt nguồn từ các suối nhỏ thuộc dẫy Hàm Ninh, có tổng diện tích lưu vực khoảng 456 km2, chiếm 78% diện tích toàn đảo, chảy theo hướng Đông - Tây đổ ra bờ Tây của đảo. Các rạch lớn trên đảo gồm: Cửa Cạn dài 28,7 km nằm ở phía Tây đảo, Dương Đông dài 18,5 km nằm ở phía Tây, Đầm dài 14,8km thông ra vịnh Đầm phía bờ Đông của đảo, .... Đảo còn có rạch khác như: rạch Tràm, rạch Vũng Bầu, rạch Cá, rạch Cửa Lấp, rạch Gốc…

Do địa hình dốc, đồi núi quanh co và chiếm 78% diện tích đảo nên hệ thống rạch, suối có vận tốc dòng chảy khá lớn, đặc biệt về mùa mưa. Nhưng về mùa khô, đa phần các suối đều cạn, hoặc có lưu lượng nhỏ từ các mạch nước ngầm trong núi. Phần lớn các sông suối trên đảo đều ngắn dốc, không tích được nước mưa, thường gây xói mòn vào mùa lũ, lưu vực nhỏ và hẹp và có lượng nước chênh lệch rất lớn theo mùa. Mùa mưa, nước tập trung vào các sông suối, đổ ra biển nên lượng nước tích luỹ lại trong các đầm, sông không đáng kể. Mùa khô trùng với mùa kiệt, trên các sông suối hầu hết mực nước đều hạ rất thấp, lưu lượng rất nhỏ hoặc cạn, trừ một số rạch lớn.

Tuy nhiên sông suối Phú Quốc cho phép tạo được các hồ nước nhân tạo vừa cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, đô thị và dân cư vừa có thêm thắng cảnh mới cho các hoạt động nghỉ ngơi - du lịch. Hồ chứa lớn nhất hiện nay là hồ Dương Đông, diện tích lưu vực 16 km2, dung tích hữu ích là 3,3 triệu m3.

Nước ngầm trên đảo tập trung ở các tầng chứa nước nông, lưu lượng tương đối khá. Nước ngầm tại khu vực trung tâm đảo gồm thị trấn Dương Đông, xã Hàm Ninh và Cửa Dương có khả năng khai thác cả nước khe nứt và nước lỗ hổng, với trữ lượng khoảng 30.000 m3/ngày. Khu vực phía tây bắc đảo gồm xã Cửa Cạn, Gành Dầu là vùng có nhiều điểm giao nhau của các đứt gãy, có khả năng tìm kiếm được các nguồn nước nóng, nước khoáng trong các đứt gãy sâu. Trữ lượng khai thác có thể đạt 25.000 m3/ngày.

Trữ lượng nước trên đảo giảm mạnh vào mùa khô, xuống thấp chỉ bằng 1/4 trữ lượng nước vào mùa mưa. Chất lượng nước ngầm tầng nông thuộc loại nước mềm, có thể dùng tốt cho sinh hoạt và hiện là nguồn cung cấp nước chính cho sinh hoạt trong các tháng mùa khô. Tuy nhiên về lâu dài, trong bối cảnh Biến đổi khí hậu (BĐKH) nguồn nước này không thể đáp ứng đủ nhu cầu phát triển, nên cần thiết phải có các phương án xây dựng hệ thống hồ chứa, tạo nguồn trữ nước mặt trên đảo và cần có biện pháp trữ nước vào mùa khô, hạn chế khai thác nước ngầm quá mức để tránh hiện tượng nhiễm mặn nguồn nước ngầm.

3. Hiện trạng quản lý tài nguồn nước để cấp nước tại huyện đảo Phú Quốc

a. Cấp nước sinh hoạt tập trung:
Hiện nay, hai nhà máy nước (NMN) tập trung lớn nhất trên đảo Phú Quốc là Nhà máy nước Dương Đông và nhà máy nước Vinpeal. NMN Dương Đông công suất 23.000 m3/ngày nguồn từ hồ Dương Đông dung tích 3,3 triệu m3, cung cấp nước cho 100% dân số ở thị trấn Dương Đông, một phần thị trấn An Thới và một phần khu vực Bãi Trường. NMN khu du lịch Vinpeal Phú Quốc công suất 10.500 m3/ngày, cấp riêng cho chính khu du lịch Vinpearl, nguồn từ hồ công ty tự xây trong dự án.

b. Cấp nước sinh hoạt quy mô nhỏ
Các điểm cấp nước chủ yếu dựa vào nước ngầm với trên 720 giếng, khoan sâu từ 10-50 m, cho hơn 75.000 người. Trạm cấp nước xã Cửa Cạn công suất 360 m3/ngày, cấp cho khoảng 1100 người tại khu vực trung tâm xã. Các khách sạn cũng sử dụng nước ngầm làm nguồn cấp nước chính với các giếng khoan sâu khoảng 50 - 70 m. Có rất nhiều hộ gia đình sử dụng giếng khoan, giếng đào để khai thác nước ngầm. Các giếng này thường sâu từ 15 - 30 m, về mùa mưa lượng nước khá dồi dào, nhưng mùa khô mực nước ngầm hạ đi nhanh chóng. Ở các đảo, người dân địa phương hầu hết phụ thuộc vào thiết bị bơm tay.

                                      a                                                                         b

 Hiện trạng cấp nước (a) và XLNT (b) tập trung trên đảo Phú Quốc [3]

  
c. Cấp nước nông nghiệp
Nước ngầm và nước suối là nguồn nước chính cấp nước cho sản xuất tại Phú. Một số nơi cũng đã lắp đặt các hệ thống tưới cơ giới để giảm bớt sức lao động cũng như tiết kiệm nước tưới. Bên cạnh đó, nước mưa vừa là nguồn bổ cập nước cho nước ngầm, vừa là nguồn nước tưới tự nhiên cho sản xuất nông nghiệp.
d. Đánh giá hiện trạng các nguồn cung cấp nước sinh hoạt
- Hồ chứa nước Dương Đông hiện đã khai thác hết công suất thiết kế để phục vụ nhu cầu dùng nước của khu vực thị trấn Dương Đông, thị trấn An Thới và khu vực Bãi Trường. Theo Công ty TNHH 1 thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang, hiện nay NMN đã khai thác tối đa khả năng của hồ Dương Đông. Nhu cầu dùng nước ngày càng tăng, đòi hỏi phải nâng cấp hồ chứa Dương Đông và bổ sung các dự án hồ thủy lợi khác để đảm bảo nhu cầu ngày càng tăng trong tương lai.
- Chất lượng nước ngầm khá tốt cho sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, việc khai thác nước ngầm quá mức và không có kế hoạch sẽ dẫn đến mực nước ngầm bị hạ thấp, chất lượng nước ngầm khu vực trũng hoặc ven biển sẽ bị nhiễm mặn. Các giếng khoan khi không còn sử dụng do chất lượng nước kém không được đóng lại đúng kỹ thuật sẽ là cửa tiếp nhận nước thải hoặc nước ngầm mạch nông gây ô nhiễm nguồn nước ngầm mạch sâu. Do đó cần sớm bổ sung các dự án hồ cấp nước để hạn chế việc khai thác nước ngầm không kiểm soát.
-Sự khai thác quá mức và không hợp lý nguồn nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, du lịch, và sản xuất trên đảo là nguy cơ dẫn đến cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, chính những hoạt động này còn làm ảnh hưởng đến dòng chảy và phát sinh những chất gây ô nhiễm đối với nguồn nước của đảo.

4. Hiện trạng môi trường nước tại huyện đảo Phú Quốc

a. Chất lượng nước mặt sông hồ và biển ven bờ
Nước thải từ dịch vụ du lịch là một trong những nguồn gây ô nhiễm quan trọng đối với nguồn nước mặt trên đảo vì dịch vụ du lịch thường kéo theo mức phát thải nước và rác rất cao. Lượng khách tăng tạo lượng lớn chất thải gây sức ép cho môi trường nước mặt và nước ngầm. Hiện nay phần lớn các khu nghỉ nhỏ ven biển đều sử dụng nguồn nước ngầm cho nhu cầu cấp nước sinh hoạt và xả thẳng nước thải sau bể tự hoại ra các bãi biển.

Dầu từ các động cơ tàu thuyền và từ các trạm xăng thải trực tiếp ra môi trường. Váng dầu tập trung tại nguồn thải, sau đó theo dòng chảy, thủy triều đưa ra các bãi tắm, khu du lịch, khu dân cư gây ô nhiễm môi trường nước.

Rác thải các khu dân cư, du lịch, chợ ven biển, cơ sở sản xuất như: chế biến hải sản, nước mắm, … xả trực tiếp và gây ô nhiễm môi trường nước các hệ thống kênh sông, cảng biển, bãi biển, như: cảng An Thới, cửa sông Dương Đông, dọc hai bờ sông Dương Đông, Cửa Cạn, Gành Dầu, rạch Vẹm, rạch Tràm, mũi Đá, bãi Bổn, bến Hàm Ninh, vụng bãi Vòng, Cây Sao, mũi Chùa và một số khu vực biển ven bờ: bãi Đất Đỏ, núi Bộ Đội (Dương Tơ), Dương Đông, …

Việc nạo vét, san lấp đất để giải phóng mặt bằng trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng dẫn đến các hiện tượng sụt lở, bồi đắp tại lưu vực các nguồn nước
Ô nhiễm nguồn nước mặt ảnh hưởng tiêu cực đến sông Dương Đông và sông Cửa Cạn, nguồn cung cấp nước cho hồ chứa nước Dương Đông. Sông Cửa Cạn dài 15 km bị ô nhiễm nặng. Ô nhiễm dầu rõ rệt tại các vùng biển cảng An Thới, bến Hàm Ninh,… tại các cửa sông Dương Đông và Gánh Dầu,…[3]

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang, chất lượng nước mặt sông Dương Đông: và nước biển ven bờ khu vực cảng An Thới đang có dấu hiệu ô nhiễm nặng, phần lớn các chỉ tiêu đều vượt quá quy chuẩn cho phép. Hàm lượng COD từ 53 ÷ 69mg/L, hàm lượng BOD từ 16 ÷ 27 mg/L, giá trị N-NH4+ dao động từ 0,66 ÷ 1,42 mg/L. Hàm lượng dầu dao động từ 0,31 mg/L ÷ 0,42 mg/l, cao hơn giới hạn cho phép 15,5 – 21 lần [3, 4]. Ngoài ra chất lượng nước sông còn bị ảnh hưởng do sinh hoạt của người dân ở hai khu vực tập trung đông người là thị trấn Dương Đông và An Thới.
b. Tình trạng úng ngập đô thị
Căn cứ theo bản đồ địa hình của đảo Phú Quốc phần lớn đất xây dựng đảo Phú Quốc có cao độ > 3,0m do đó không bị ảnh hưởng ngập lụt do thủy triều kể cả các vùng ven biển. Chỉ có một vài khu vực nhỏ thuộc lưu vực sông Dương Đông, sông Cửa Cạn là có cao độ địa hình < 3,0m bị ảnh hưởng của thủy triều cần san đắp nền khi xây dựng.
Hệ thống thoát nước (HTTN) mưa trên đảo hiện mới được xây dựng tại khu vực trung tâm của thị trấn Dương Đông và An Thới. Các tuyến thoát nước mưa thoát chung với nước thải sinh hoạt bằng cống tròn và mương nắp đan, mương hở thoát trực tiếp ra sông suối và ra biển. Các khu vực khác chưa có hệ thống thoát nước, nước mưa thoát theo địa hình tự nhiên.
Tuy nhiên HTTN đô thị của Phú Quốc cũng lộ rõ một số điểm bất cập gây nên hiện tượng ngập lụt dài ngày trong tháng 8 năm 2019. Tổng lượng mưa trên đảo từ ngày 1-9/8/2019 đạt 1.170mm đã gây ngập nặng một số khu vực như thị trấn Dương Đông, khu vực Bến Tràm, Cây Thông Trong, đường dọc Bãi Trường… Cống thoát nước nội đô thị trấn Dương Đông xây dựng từ năm 2003 không đủ tải, quy hoạch xây dựng các công trình ven biển không hợp lý, một số điểm bị san lấp, tôn nền, xây dựng kè làm hẹp dòng chảy một số đoạn, HTTN quá tải và sự thay đổi diện tích ao, hồ để điều hòa mưa, tuyến đường giao thông quanh đảo Phú Quốc mới được nâng cấp như một tuyến đê bao cản đường tiêu nước tự nhiên, gió mùa Tây Nam thổi mạnh khác thường, sóng biển cao cản trở lưu lượng nước thoát … là những nguyên nhân làm giảm lưu lượng thoát nước về các nhánh sông ra biển.

5. Nguyên tắc quản lý TNN mặt đảm bảo cho sự phát triển bền vững Khu kinh tế Phú Quốc
a. Nguyên tắc chung quản lý tổng hợp TNN
Theo Luật Tài nguyên nước, TNN phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng nước; giữa nước mặt và nước dưới đất; nước trên đất liền và nước vùng cửa sông, nội thủy, lãnh hải; giữa thượng lưu và hạ lưu, kết hợp với quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác [5]. Quản lý tổng hợp TNN chính là sự khai thác và sử dụng nguồn nước nước như thế nào để đảm bảo cho hệ thống kinh tế nước phát triển bền vững. Đây là sự tổng hợp của hệ thống tự nhiên và hệ thống con người. Giữa khai thác sử dụng nước với bảo vệ nguồn nước có quan hệ thống nhất với nhau trên cơ sở nhu cầu sử dụng nước trong hệ thống kinh tế nước và tiềm năng của nguồn nước. Quản lý tổng hợp TNN được thực hiện theo các tiêu chí bao hàm các điều kiện xã hội, kinh tế và tự nhiên như sau [6]:
- Hiệu quả kinh tế trong sử dụng nước. Do nước ngày càng khan hiếm và nguồn tài chính có thể khó khăn, tính hữu hạn và dễ bị phương hại của TNN, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, nước phải được sử dụng với hiệu quả cao nhất.
- Công bằng. Quyền cơ bản của mọi người là được tiếp cận nguồn nước với số lượng và chất lượng hợp lý để duy trì sức khoẻ.
- Bền vững môi trường và sinh thái. Cần quản lý việc sử dụng tài nguyên để không làm suy giảm nguồn sống, phương hại đến việc sử dụng tài nguyên của những thế hệ sau này.
Nước là tài nguyên có thể tái tạo và tái sử dụng. Khi nước sử dụng không tiêu thụ và được hoàn lại, cần có cơ chế đảm bảo dòng xả là lượng bổ sung có ích đối với dòng chảy hoặc đối với việc cung cấp nước. Nếu không phối hợp quản lý, nước thải sẽ làm giảm chất lượng nước và suy thoái nguồn nước sạch đồng thời gia tăng chi phí xử lý nước cấp trong tương lai. Ý thức tái sử dụng nước của từng cá nhân hoặc toàn bộ hệ thống kinh tế xã hội và chính trị có thể được nâng cao tuy nhiên cần thiết phải tạo ra những điều kiện thích ứng cho nó.
b. Các định hướng quản lý bền vững TNN mặt cho đảo Phú Quốc
Nhu cầu nguồn nước cho sinh hoạt, phát triển kinh tế xã hội và phát triển du lịch trên đảo Phú Quốc là rất lớn, sẽ gây áp lực hơn nữa đến môi trường, tình trạng ô nhiễm sẽ nghiêm trọng hơn. Do vậy, cần phải đưa ra các biện pháp, giải pháp cấp bách để giảm thiểu ô nhiễm, khôi phục nguồn nước từ đó duy trì đảm bảo sự phát triển bền vững của các lưu vực sông trên đảo. Một số định hướng quản lý bền vững TNN mặt cho đảo Phú Quốc như sau:
- Sử dụng tổng hợp và hiệu quả TNN theo hướng phát triển bền vững; Kết hợp việc phòng ngừa, giảm thiểu với việc phục hồi cải thiện môi trường nước lưu vực sông; kết hợp các mục tiêu trước mắt với lâu dài trong việc bảo vệ môi trường nước lưu vực sông.
- Áp dụng đồng bộ các giải pháp và công cụ về công nghệ, kinh tế, tài chính, luật pháp và tổ chức trong việc thực hiện bảo vệ môi trường nước trên đảo
- Phát huy sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh xã hội hoá và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan trên đảo, trong toàn tỉnh Kiên giang cũng như hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường nước trên đảo.
c. Nguyên tắc sử dụng tổng hợp, hiệu quả TNN theo hướng phát triển bền vững.
- Quy hoạch, khai thác sử dụng TNN kết hợp với bảo vệ môi trường nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, bảo vệ tài nguyên rừng nhằm tăng nguồn nước trong mùa cạn, kéo dài tuổi thọ hồ chứa nước, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đảo một cách bền vững.
- Sử dụng nước đa mục đích đảm bảo hiệu quả kinh tế tổng hợp cao. Quản lý cung cấp nước theo nhu cầu sử dụng, không theo khả năng của công trình. Nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thoát, tiết kiệm nước, phòng chống ô nhiễm nước.
- Các dự án phát triển TNN phải tính đến việc bảo đảm cung cấp dòng chảy môi trường, tối thiểu phải bảo đảm cho sông, rạch có dòng chảy thường xuyên, thông thoát.

6. Một số giải pháp khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn nước mặt tại đảo Phú Quốc.

a. Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu
Cần lập bản đồ quy hoạch nguồn nước có thể sử dụng và bản đồ khai thác nước. Từ đó có thể xây dựng các công trình khai thác nước hợp lý, tránh tình trạng khai thác nước bừa bãi, đồng thời hạn chế việc khoan giếng gần sát biển để làm giảm nguy cơ nhiễm mặn nguồn nước ngầm. Công tác quan trắc mực nước và chất lượng nước ngầm, nước mặt cũng cần phải thực hiện nhằm theo dõi động thái của nước dưới đất và nguồn nước mặt.
b. Mở rộng mạng lưới cấp nước
Mở rộng mạng lưới cấp nước đến các khu vực chưa có hệ thống cấp nước nhằm khuyến khích người dân sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung thay vì sử dụng nước giếng khoan. Xây dựng trạm cấp nước quy mô nhỏ tại các khu vực có nguồn cấp nước duy nhất từ nước ngầm sẽ giúp kiểm soát tốt hơn nguồn nước ngầm và hạn chế việc khai thác bừa bãi.
c. Xây dựng hồ chứa nước
Do khó khăn đối với việc phát triển hồ thủy lợi trong phạm vi diện tích đất rừng quốc gia, đề xuất hình thành một hồ nước lớn ngay cạnh khu đô thị nhằm tạo lập một yếu tố cảnh quan đặc sắc, một yếu tố tiện nghi phục vụ cư dân và du khách, đồng thời sẽ là nguồn cung cấp nước ngọt lâu dài. Hồ chứa nước này sẽ được bổ sung nước từ một số sông suối hiện hữu, vốn có vai trò là các vùng đệm tự nhiên và là các hệ thống không gian mở bên trong khu đô thị, đảm bảo cung cấp nước liên tục cho hồ thủy lợi.
Theo kết quả khảo sát của Phân Viện Quy hoạch Thủy Lợi Nam Bộ, trên đảo hiện có ít nhất 4 vị trí thuận lợi có khả năng xây dựng hồ chứa nước, trong đó có hồ trên sông Cửa Cạn có dung tích lớn nhất. Theo Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, xác định khu vực Phú Quốc sẽ xây dựng 5 hồ chứa nước cấp sinh hoạt là: hồ Dương Đông dung tích 10 triệu m3, khả năng cấp nước tối đa khoảng 69.000 m3/ngày; hồ Cửa Cạn 15 triệu m3, khả năng cấp nước tối đa khoảng 100.000 m3/ngày; hồ Rạch Cá: 2 triệu m3, khả năng cấp nước tối đa khoảng 12.000 m3/ngày; hồ Rạch Tràm 3 triệu m3, khả năng cấp nước tối đa khoảng 20.000 m3/ngày; và hồ Suối Lớn 4 triệu m3, khả năng cấp nước tối đa khoảng 27.000 m3/ngày. Ngoài ra, cần khuyến khích các hộ xây dựng các bể chứa nước mưa quy mô lớn ngay tại các hộ, đảm bảo đủ cung cấp nước cho mùa khô.
Như vậy, khả năng cấp nước tối đa cho sinh hoạt với việc nâng cấp hồ Dương Đông và xây mới 4 hồ theo như Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 đã được phê duyệt thì khả năng cung cấp tối đa cho mục đích cấp nước sinh hoạt là khoảng 228.000 m3/ngày. Theo Điều chỉnh quy hoạch xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, dự báo nhu cầu dùng nước cho các mục đích sinh hoạt, công cộng dịch vụ, du lịch, công nghiệp toàn huyện đến 2030 là 120.000 m3/ngày. Đến 2030 nếu các hồ nước được thực hiện đúng theo Quy hoạch đã được phê duyệt thì sẽ đảm bảo nhu cầu và còn khoảng 108.000 m3/ngày có thể sử dụng cho mục đích khác như tưới nông nghiệp [2].
d. Kiểm soát các nguồn thải
- Kiểm soát chất lượng môi trường nước; khuyến khích áp dụng hệ thống tiêu chuẩn môi trường ISO 14000; áp dụng sản xuất sạch hơn trong các xí nghiệp, và cụm công nghiệp; tái sử dụng nước thải tại các khách sạn, nhà nghỉ ven bờ biển.
- Kiểm soát tất cả các nguồn thải xả ra môi trường xung quanh; thực hiện nghiêm việc cấp giấy phép xả nước thải; bảo đảm nước thải trước khi đổ vào sông, rạch đều phải xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép; phát triển, mở rộng hệ thống các nhà vệ sinh công cộng tại các chợ, bến cảng và xây dựng mô hình quản lý điển hình.
- Hoàn thiện từng bước HTTN trong các thị trấn Dương Đông, An Thới và trung tâm xã; thường xuyên thực hiện thu gom rác thải, thực vật trôi nổi trên dòng sông, kênh mương rạch và vùng biển.
- Xây dựng và bảo đảm hoạt động của mạng lưới quan trắc môi trường nước của đảo.
e. Xây dựng cải tạo HTTN và xử lý nước thải (XLNT)
Dự báo đến năm 2030 tổng lượng nước thải trên toàn đảo là 72.000 m3/ngày, trong đó nước thải công nghiệp là 3.500 – 4.800 m3/ngày. Theo Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, xây dựng 5 trạm XLNT tại 5 đô thị với tổng công suất là 66.000 m3/ngày: Thị trấn Dương Đông (Q= 30.000 m3/ngày), Khu du lịch Bãi Dài (Q= 4.000 m3/ngày), Khu đô thị Hàm Ninh, Bãi Vòng (Q= 3.000 m3/ngày), Khu đô thị An Thới, Bãi Trường (Q= 25.000 m3/ngày) và Khu du lịch Mũi Đất Đỏ (Q= 4.000 m3/ngày). Khu công nghiệp xử lý riêng Q = 4.800 m3/ngày và còn lại là nước thải của các khu du lịch phía Bắc Đảo xử lý cục bộ ngay tại dự án. Nước thải sau xử lý đáp ứng mức A của QCVN 14:2008/BTNMT hoặc QCVN 40:2011/BTNMT.
Xây dựng các trạm XLNT là cấp bách để bảo vệ môi trường, đồng thời với đó là việc tái sử dụng nước thải phải được xem là bắt buộc để giảm áp lực cấp nước. Đảo Phú Quốc cần đẩy mạnh việc XLNT dịch vụ, nhất là nước thải phát sinh do các hoạt động nhà hàng, khách sạn, khu lưu trú khách.
f. Tái sử dụng nước thải và nước mưa
Việc tuần hoàn và tái sử dụng nguồn nước thải mang lại nhiều lợi ích về mặt môi trường và xã hội. Tái sử dụng nước thải sẽ cho phép giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nước tự nhiên và có thể tận dụng các chất dinh dưỡng sẵn có trong nước thải cho hoạt động nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt là về mùa khô ở Phú Quốc thì khối lượng nước thải có tính ổn định khá cao so với các nguồn nước tự nhiên khác. Sử dụng nước thải trong ngành nông nghiệp còn góp phần làm giảm nguy cơ ô nhiễm do sử dụng các loại phân bón hóa học. Lợi ích nữa của việc tái sử dụng nước thải là giảm thiểu nguồn nước tiêu thụ và giảm khối lượng nước thải cần phải xử lý, dẫn đến tiết kiệm chi phí vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải. Khi các trạm XLNT trên đảo đi vào hoạt động và đảm bảo quy chuẩn môi trường có thể tái sử dụng cho mục đích khác như tưới cây, rửa đường… sẽ là lượng nước bổ sung đáng kể, giảm gánh nặng cung cấp nước cho Phú Quốc. Hiện tại khu du lịch Vinpearl có tái sử dụng nước sau xử lý cho tưới cây, rửa đường trong dự án. Nước thải sau trạm xử lý tại khu du lịch được tái sử dụng cho tưới cây, rửa đường, tưới cỏ sân gôn … của khu du lịch, làm giảm bớt gánh nặng cung cấp nước cho chính khu du lịch.
Để phục vụ nhu cầu cấp nước bền vững và lâu dài cần có các giải pháp khác như: xây bể tích trữ nước mưa trong từng công trình và nghiên cứu phương án tái sử dụng nước, làm sạch nước thải tới mức có thể sử dụng được cho việc dùng cho toilet, rửa sàn, tưới cây, sân golf….Nước sạch chỉ dùng cho mục đích ăn uống, tắm,… Như vậy ngay từ đầu, trong khu vực đô thị của Phú Quốc cần thiết kế ngay hai hệ thống cấp nước: một hệ thống cho ăn uống, tắm, hồ bơi.. và một hệ thống cho các mục đích khác lấy từ các trạm XLNT.
g. Kiểm soát ngập lụt bằng HTTN đô thị bền vững
HTTN đô thị bền vững là hệ thống hoạt động theo nguyên tắc:
- Duy trì những đặc thù tự nhiên của dòng chảy: lưu lượng, cường độ và chất lượng;
- Làm chậm thời gian tập trung dòng chảy bằng hồ điều hòa và bề mặt thấm nước kết hợp cảnh quan đô thị; đồng thời phân tán dòng chảy theo lưu vực nhỏ: kênh mương hở, nông, hồ chứa tạm và cho thấm xuống đất những khu vực thích hợp;
- Tận dụng nước mưa: bể chứa nước ngầm, hồ điều hòa kết hợp trữ nước, bổ cập nước mưa cho nước ngầm.

Kiểm soát nước mưa


Việc đô thị hóa sẽ làm thay đổi kết cấu bề mặt đất hiện hữu, giải pháp tăng cường khả năng thấm nhằm duy trì lượng nước bổ cập cho tầng chứa nước ngầm và giảm khả năng gây úng lụt cục bộ. Giải pháp này có thể bao gồm quy hoạch mật độ xây dựng, thấm nước mưa trong các hộ gia đình và công trình công cộng, bãi thấm tại các khu vực ven biển, giải pháp hồ khô (vừa chứa vừa thấm nước) áp dụng cho các khu vực khai thác cát, bảo vệ và trồng thêm rừng đầu nguồn.
h. Hoàn thiện HTTN mưa, chống úng ngập và ứng phó với Biến đổi khí hậu
Đối với khu đô thị hiện hữu: xây dựng mới và cải tạo hệ thống thoát nước mưa theo yêu cầu phát triển của đô thị. Từng bước tách nước mưa và nước thải đối với các khu vực cải tạo, đưa nước thải về xử lý trước khi xả ra môi trường.
Đối với các khu đô thị mới: xây dựng HTTN mưa tách riêng với nước thải sinh hoạt. Hệ thống thoát nước mưa bằng hệ thống kín tự chảy theo địa hình (cống tròn, mương nắp đan) bố trí dọc các trục đường và xả trực tiếp ra sông suối, ra biển theo hướng ngắn nhất.
Lập bản đồ ngập trên đảo và cùng với lựa chọn kịch bản BĐKH thích hợp nhất để có những phương án, xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp ứng phó đưa vào trong quy hoạch phát triển đảo Phú Quốc. Quản lý chặt chẽ quy hoạch thoát nước (quy hoạch 1:500), trước mắt khơi thông lại các con sông, suối tự nhiên theo hiện trạng ban đầu, tạo dòng chảy thông thoáng tại các cửa sông ra biển.
i. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng các phương pháp tưới tiêu tiên tiến
Lượng nước cho nhu cầu tưới tiêu trong nông nghiệp là rất lớn, cần thiết có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây cần nhiều nước sang các loại cây có nhu cầu dùng nước ít hơn, đồng thời áp dụng trồng trọt trên quy mô công nghiệp với các phương thức tưới tiêu hiệu quả và tiết kiệm. Việc áp dụng các hệ thống tưới nông nghiệp hiện đại vừa tiết kiệm nhân công, vừa tiết kiệm nguồn nước tưới, tuy nhiên giá thành đầu tư ban đầu lớn, nên đòi hỏi phải quy hoạch và có cơ chế khuyến khích phát triển.
j. Nâng cao nhận thức và tăng cường sự tham gia của cộng đồng
Thiết lập các chương trình kết hợp với các hội, đoàn thể để tuyên truyền, vận động và chứng minh cho cộng đồng nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, và môi trường nước nói riêng. Một số hoạt động thực hiện nhiệm vụ này là: lồng ghép chương trình giáo dục bảo vệ môi trường nước vào tất cả các trường học; tập huấn nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường nước cho cán bộ chính quyền các cấp từ huyện, xã, tới thôn, ấp; truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường nước cho dân cư sống hai bên bờ sông, rạch, cho ngư dân sống trên sông - biển; xây dựng quy chế cộng đồng tham gia giám sát việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường nước trên đảo; tổ chức các đội tự quản bảo vệ môi trường,...

7. Kết luận

Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam và một số đảo xung quanh, hình thành nên một khu kinh tế có tiềm năng phát triển, đặc biệt là du lịch và các hoạt động kinh tế biển khác. Với tầm nhìn dài hạn 100 năm, Phú Quốc phải phát triển du lịch ở đẳng cấp cao, trở thành trung tâm kinh tế mạnh, tầm cỡ của khu vực dựa vào khai thác dịch vụ tài chính, ngân hàng, giải trí, thương mại…[1]. Tuy nhiên sự phát triển này sẽ đặt ra những thách thức cho nguồn tài nguyên và môi trường trong bối cảnh BĐKH. Với sự khó khăn và hạn chế về TNN, nguồn nước mặt phải được quản lý tổng hợp, trong đó có những ưu tiên cho từng giai đoạn, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của khu kinh tế. Trong nghiên cứu này đề xuất ra 10 giải pháp trước mắt từ nay đến năm 2030 nhằm quản lý có hiệu quả nguồn TNN mặt trong giai đoạn này và đảm bảo an ninh nguồn nước để phát triển bền vững lâu dài.
Lời cảm ơn: Chân thành cảm ơn Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia đã cung cấp một số thông tin và số liệu, tạo điều kiện cho tác giả trình bày một số đề xuất trong bài báo này.

GS.TS Trần Đức Hạ
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và môi trường,

Giảng viên cao cấp Trường Đại học Xây dựng.
E.mail: [email protected]

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quyết định số 01/2007/QĐ-TTg ngày 08/1/2007 của Thủ Tướng Chính Phủ v/v phê duyệt Quy hoạch tổng thể Phát triển du lịch đảo Phú Quốc.
2. Quyết định Số: 633/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc.
3. VIUP- WATG. Current State of Environment in Phu Quoc, 2019.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang. Các báo cáo về hiện trạng môi trường nước tỉnh Kiên Giang, 2015-2016.
5. Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13.
6. Trần Đức Hạ. Bảo vệ và quản lý tài nguyên nước. Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2016.

Bạn đang đọc bài viết Quản lý tài nguyên nước mặt cho sự phát triển Khu kinh tế Phú Quốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể, hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Nguyên đã xử lý, chế biến để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.

Tin mới