Thứ sáu, 29/03/2024 18:58 (GMT+7)

Quản lý và cấp nước Việt Nam theo hướng phát triển bền vững

MTĐT -  Thứ năm, 18/04/2019 09:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chủ trương xã hội hóa ngành nước của Chính phủ đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng và vận công trình cấp nước tại hầu hết các tỉnh.

I. Hiện trạng quản lý và phát triển cấp nước:

Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã tổ chức quản lý, đầu tư phát triển cấp nước, từng bước đáp ứng nhu cầu dùng nước sạch của người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với khu vực đô thị, doanh nghiệp cấp nước hoạt động theo mô hình công ty cổ phần chiếm gần 100% (còn khoảng dưới 10 doanh nghiệp hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV trong tổ số hơn 200 doanh nghiệp cấp nước đô thị). So với năm 2000, tổng công suất các nhà máy nước đã tăng từ 2,4 triệu m3/ngđ lên khoảng 9 triệu m3/ngđ (gần gấp 3,5 lần), tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch tăng khoảng 2,1 lần từ 40% (với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 23%) lên 86% (với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 37%); tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm 13% xuống còn khoảng 21,5%.

Chủ trương xã hội hóa ngành nước của Chính phủ đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng và vận công trình cấp nước tại hầu hết các tỉnh. Các doanh nghiệp cấp nước đang từng bước xây dựng và triển khai thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn; sắp xếp, cải tạo tổ chức quản lý cấp nước. Việc quan tâm đầu tư phát triển cấp nước trong những năm vừa qua đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, bảo vệ sức khỏe người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với khu vực nông thôn: Bình quân cả nước khoảng 91,5% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó gần 49% sử dụng nước đạt Quy chuẩn 02:2009/BYT, với khoảng 43,5% dân số nông thôn được cấp nước từ công trình cấp nước tập trung, 56,5% dân số nông thôn còn lại hiện nay vẫn chỉ được cấp nước từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Tổng số công trình cấp nước tập trung đã xây dựng khoảng 18.135 công trình; trong đó, tỉ lệ công trình hoạt động bền vững 33,3%, trung bình 37,9%, kém hiệu quả 16,7% và không hoạt động 11,9%. Mô hình quản lý cấp nước đa dạng bao gồm: Ủy ban nhân dân xã chiếm 84,60%; đơn vị sự nghiệp công lập chiếm 12,47%; doanh nghiệp quản lý chiếm 2,93%.

II. Những khó khăn, thách thức trong hoạt động cấp nước:

2.1. Về quản lý cấp nước:

Chính phủ giao Bộ Xây dựng quản lý nhà nước về hoạt động cấp nước tại các đô thị và khu công nghiệp; giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước về hoạt động cấp nước tại các khu vực nông thôn. Từ việc giao 02 Bộ Ngành quản lý cấp nước đã hình thành sự tách biệt giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn từ xây dựng định hướng, chiến lược và quy hoạch cấp nước đến các quy định về quản lý chất lượng dịch vụ cấp nước và chất lượng đầu tư công trình. Thực tế hiện nay, việc quản lý, đầu tư phát triển cấp nước giữa đô thị và nông thôn còn nhiều khác biệt; đầu tư còn chồng chéo, công trình thiếu bền vững; với quá trình đô thị hóa nhanh, ranh giới đô thị và nông thôn luôn biến động đang tác động đến hiệu quả đầu tư và khả năng kế thừa, cải tạo công trình cấp nước nông thôn hiện hữu.

Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp cấp nước được đẩy mạnh, nhưng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa có Luật cấp nước, đang thiếu quy định cao nhất về quản lý hoạt động cấp nước, thiếu ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phát triển cấp nước và bảo đảm cấp nước an toàn; vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động cấp nước đang giảm dần và chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Mô hình quản lý cấp nước cộng đồng, hợp tác xã tại khu vực nông thôn và ban quản lý hay chủ đầu tư chung cư (kết hợp quản lý vận hành công trình cấp nước tại các khu đô thị mới, khu chung cư) còn nhiều bất cập; việc thực hiện Hợp đồng cung cấp dịch vụ cấp nước giữa doanh nghiệp cấp nước bán buôn và doanh nghiệp cấp nước bán lẻ (các khu đô thị, khu chung cư, khu dân cư nông thôn ...), việc mua bán chuyển nhượng cổ phần, tài sản công trình cấp nước chưa được cơ quan, chính quyền địa phương kiểm soát; khi sảy ra sự cố cấp nước, chưa rõ người chịu trách nhiệm, đã ảnh hưởng đến chất lượng nước và duy trì cấp nước liên tục cho người dân.

2.2. Về đầu tư phát triển cấp nước:

Do ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, chất lượng xây dựng công trình và sử dụng vật liệu thiếu bền vững, giá nước thấp không đủ chi phí tái đầu tư và vận hành bảo dưỡng hoặc mô hình quản lý cấp nước chưa phù hợp nên nhiều công trình cấp nước nông thôn nhỏ lẻ đã xuống cấp, hư hỏng.

Đối với khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu vực dân cư có điều kiện kinh tế phát triển sẽ được các doanh nghiệp quan tâm lựa chọn đầu tư cấp nước, nhưng đa số đối với các khu vực dân cư nông thôn nghèo, khó khăn về nguồn nước chưa được đầu tư cấp nước hoặc chất lượng công trình, chất lượng nước không đáp ứng yêu cầu.

Trong điều kiện nguồn nước bị ô nhiễm, khô hạn hay xâm nhập mặn, giải pháp đầu tư công trình cấp nước quy mô vùng liên đô thị, vùng liên huyện hoặc liên xã đáp ứng yêu cầu bền vững nhưng ít được quan tâm, ưu tiên đầu tư đúng mức; đối với công trình cấp nước quy mô vùng liên tỉnh đang gặp khó khăn về cơ chế chính sách và sự phối hợp của UBND các tỉnh.

2.3. Về quản lý rủi ro cấp nước:

Các địa phương chưa thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả quản lý rủi ro cấp nước. Quản lý rủi ro cấp nước bao gồm kiểm soát ô nhiễm, bảo đảm an ninh, an toàn cấp nước, giảm thất thoát nước, bảo vệ công trình cấp nước, nâng cao chất lượng nước và việc sử dụng thiết bị vật tư ngành nước. Do tác động biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và ô nhiễm nguồn nước, chất lượng nước tại nhiều hệ thống cấp nước chưa đạt quy định; công tác quản lý cải tạo mạng đường ống chưa đáp ứng yêu cầu, thường xảy ra các sự cố về rò rỉ, vỡ đường ống, dẫn đến cấp nước không liên tục, áp lực nước yếu, chất lượng nước không đảm bảo.

2.4. Về giá nước sạch:

Hiện nay, cung cấp nước sạch được quy định là dịch vụ công ích đồng thời lại được quy định là hoạt động sản xuất kinh doanh chịu sự kiểm soát của Nhà nước; việc quy định đồng thời cấp nước là dịch vụ công ích và sản xuất kinh doanh gây khó khăn trong quản lý phát triển cấp nước. Đối với cấp nước đô thị là quy định dịch vụ công ích không còn phù hợp do cơ chế thị trường đã đảm bảo bù đắp chi phí. Đối với cấp nước nông thôn, các khu vực dân cư nghèo chưa đảm bảo bù đắp chi phí đầu tư cần có hỗ trợ đầu tư của Nhà nước và có chính sách quản lý phù hợp.

Giá nước được xác định theo điều kiện dịch vụ, chất lượng đầu tư theo từng vùng phục vụ cấp nước; khi xã hội hóa cấp nước, mỗi tỉnh, thành phố sẽ có nhiều giá nước sạch theo các vùng phục vụ; UBND các tỉnh sẽ gặp khó khăn để kiểm soát và ban hành giá bán nước, đặc biệt khi giá nước sạch không thống nhất ở khu vực dân cư.

III. Kinh nghiệm quốc tế về quản lý cấp nước:

Hiện nay, đa số các nước phát triển và đang phát triển trên thế giới đều có Luật cấp nước riêng hoặc kết hợp với một số lĩnh vực khác như thoát nước, tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng v.v.. Tùy theo điều kiện kinh tế- chính trị - xã hội của mỗi nước, Luật quy định việc quản lý đầu tư công trình cấp nước do Chính phủ trực tiếp tổ chức quản lý hoặc chiếm cổ phần chi phối như Nhật, Hàn Quốc, Úc, Malaysia v.v..; một số nước giao cho khối tư nhân thực như Anh, Estonia v.v... và quy định các chính sách để kiểm soát hoạt động cấp nước của doanh nghiệp tư nhân đáp ứng yêu cầu sử dụng nước của người dân. Nhìn chung, Chính phủ các nước quan tâm đến việc cung cấp nước cho sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quyền được sử dụng nước sạch hay quyền được tiếp cận nước sạch của người dân. Một số thông tin, kinh nghiệm quản lý cấp nước trên thế giới trên cơ sở rà soát khoảng 20 Luật Cấp nước:

1. Về mô hình quản lý cấp nước:

- Nhiều mô hình quản lý cấp nước tại các quốc gia trên thế giới, song tập trung chủ yếu có các hình thức chủ yếu như sau:

+ Mô hình sở hữu công (được áp dụng phổ biến trên thế giới đảm bảo nhu cầu sử dụng nước sạch là quyền của con người): việc cấp nước thuộc trách nhiệm hoàn toàn của chính quyền, (xây dựng thể chế, xây dựng hệ thống, mạng lưới, cung cấp nước sạch,..). Chính phủ giao trách nhiệm quản lý ngành cấp nước cho các Bộ, tại mỗi địa phương sẽ có các doanh nghiệp cấp nước thuộc chính quyền địa phương phụ trách việc cấp nước cho người dân trong khu vực thuộc địa phương quản lý như Indonesia, Philipines, Nhật Bản,…

Ngoài ra, hình thức Chính phủ giao trách nhiệm cấp nước cho một hoặc một số cơ quan đầu mối và cơ quan này sẽ thiết lập các hệ thống, mạng lưới, chịu trách nhiệm cấp nước cho toàn bộ người dân trong vùng lãnh thổ của quốc gia đó (như Singapore giao trách nhiệm quản lý cấp nước trên toàn bộ lãnh thổ cho tổ chức PUB, Thái Lan có 02 doanh nghiệp nhà nước lớn Cơ quan công trình cấp nước đô thị (MWA) cung cấp cho Bangkok và Nonthaburi và Samut Prakan và Cơ quan công trình cấp nước tỉnh (PWA) cho tất cả các thị xã và thành phố…), Malaysia (Ủy ban các dịch vụ nước sạch quốc gia),... Hiện nay, phát triển mô hình kết hợp giữa sở hữu công và sự tham gia của khối tư nhân: chính quyền địa phương là chủ sở hữu các công trình cấp nước và cho tư nhân thuê quản lý vận hành hoặc khu vực tư nhân cũng có thể đầu tư vào các công trình cấp nước sau đó được vận hành để thu hồi chi phí đầu tư trước khi bàn giao cho chính quyền địa phương, song không sở hữu toàn bộ tài sản hay được phép độc quyền quyết định việc cung cấp nước.

+ Mô hình sở hữu tư nhân: Các tài sản công trình cấp nước thuộc sở hữu tư nhân. Chile và Liên hiệp vương quốc Anh là một trong những mô hình tư nhân hóa hiện đại đầu tiên trong ngành nước; Chính phủ bán lại mười công ty nước thuộc sở hữu công cho tư nhân và quản lý cấp nước thông qua cấp giấy phép hoạt động, thành lập một đơn vị độc lập để quản lý ngành nước.

- Theo đánh giá việc tư hữu hóa cấp nước ở Anh, các công ty nước sạch tư nhân lớn nhất đã tham gia vào thị trường cấp nước ở các nước đang phát triển vào những năm 1990. Việc tham gia này dẫn đến một số rủi ro đối với cả khối tư nhân và khối nhà nước. Hai rủi ro chính mà chính phủ phải đối mặt là: các dịch vụ do khối tư nhân cung cấp sẽ không đảm bảo được các tiêu chuẩn cần thiết và chi phí các dịch vụ do khối tư nhân cung cấp sẽ cao hơn chi phí nhà nước đưa ra. Qua bài học này, việc tư hữu hóa ở các nền kinh tế đang phát triển thường không đồng nghĩa với việc chuyển đổi toàn bộ quyền sở hữu từ phía Chính phủ sang cho khối tư nhân. Thay vào đó, nhiều Chính phủ lựa chọn kết hợp giữa sở hữu công và sự tham gia của khối tư nhân như đầu tư BOT, BTO, đồng sở hữu các công ty nước sạch hoặc thuê quản lý vận hành. Một số nước trên thế giới sau khi tư hữu hóa (như Hungari, Malaysia,…), Chính phủ đã mua lại cổ phần để kiểm soát tài sản công trình cấp nước. 

- Việc tham gia của khối tư nhân vào lĩnh vực cấp nước ở các nước đang phát triển thường có nguy cơ rủi ro cao đối với an sinh xã hội. Sự tham gia này sẽ hiệu quả khi:

+ Giao trách nhiệm quản lý cấp nước cho một cơ quan đầu mối, cơ quan này có vai trò điều tiết toàn bộ lĩnh vực cấp nước.

+ Đảm bảo có sẵn các chính sách và thể chế; tăng cường trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp

+ Các cách tiếp cận ưu việt được áp dụng để tạo ra sự cạnh tranh; Các cơ chế điều hành hiệu quả và việc áp dụng hợp đồng mang tính khả thi, phù hợp với các điều kiện địa phương

+ Quy trình kiểm soát có sự tham gia của người dân và minh bạch trước khi tiến hành tư hữu hóa.

Sự chung tay giữa khối nhà nước (trong việc thiết lập khung pháp lý, các biện pháp thực hiện hợp đồng hiệu quả và cơ chế điều hành hiệu quả) và khối tư nhân (các biện pháp ưu việt nhằm giảm thiểu chi phí và gia tăng hiệu suất, quy tắc đạo đức doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội doanh nghiệp) sẽ mang lại các thành quả tối ưu về mặt xã hội của việc khối tư nhân tham gia vào hoạt động ngành.

2. Quy định về quản lý rủi ro và bảo đảm cấp nước an toàn

Quản lý rủi ro cấp nước là một nội dung quan trọng đối với việc thực hiện xã hội hóa dịch vụ cấp nước. Các đơn vị vận hành tư nhân phải có khả năng trang trải các chi phí dịch vụ cấp nước như cải tạo, mở rộng mạng lưới, quản lý rủi ro và liên quan đến giá nước, trong khi Chính phủ thường giảm rủi ro của khu vực tư nhân bằng cách đưa ra những khoản trợ cấp và bảo lãnh chính phủ liên quan đến những sự cố ngoài mong đợi, các khoản trợ cấp này có thể làm giảm động lực thu nhận hiệu quả của việc xã hội hóa của các đơn vị vận hành tư nhân.

Tại một số quốc gia tiên tiến như Phần Lan, nước sạch có thể sử dụng trực tiếp tại vòi nước sinh hoạt căn hộ, việc ngừng cấp nước mà không có thông báo về thời gian bảo trì hay sửa chữa đường ống của công ty cấp nước tới người sử dụng được coi là sự cố về nước và việc quản lý về rủi ro được xác định bằng cách tính tổng số thời gian ngưng cấp nước trong 1 năm, nếu số thời gian này vượt quá 12 giờ, người sử dụng có thể yêu cầu đền bù chi phí cấp nước tối thiểu 2%. Do vậy, việc đảm bảo cung cấp nước đủ 24/24 và công tác bảo đảm chất lượng nước tại Phần Lan được xem như vấn đề sống còn của các đơn vị cấp nước.

Quản lý rủi ro cấp nước hiện đã và đang được quan tâm tại các quốc gia phát triển, tuy nhiên, việc quản lý rủi ro đã được các nước tiên tiến đi đầu trong lĩnh vực cấp nước như bang Victoria của Úc đã phát triển thành Luật từ năm 2003 với tên gọi đạo Luật về nước uống an toàn (Safe Drinking Water act 2003), đến năm 2005, để nâng cao chất lượng về nước uống nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và an sinh xã hội, Quy định về nước uống an toàn được ban hành (Safe Drinking Water regulations 2005) và Quy định này được sửa đổi năm 2015 và giữ nguyên tên gọi. Trong đó, quy định cụ thể các yêu cầu bắt buộc về việc lập kế hoạch quản lý rủi ro đối với mỗi công ty cấp nước và kế hoạch này sẽ được cơ quan thuộc Bộ quản lý cấp nước cấp giấy chứng nhận. 

3. Quy định về giá nước:

- Nguyên tắc bảo đảm khôi phục chi phí cần thiết đối với các dịch vụ cấp nước được áp dụng ở hầu hết các quốc gia. Lợi nhuận của các công ty nước tại các nước tiên tiến được chính quyền chấp thuận ở mức độ vừa phải.

- Việc xác định các khoản chi phí cấu thành giá nước thường dựa trên khung quy định của nhà nước và các khoản này được công khai, minh bạch (có một số quốc gia buộc phải đưa các thông tin chi tiết lên website) và phải bảo đảm được khả năng chi trả của người sử dụng và mức lợi nhuận của công ty cấp nước ở mức vừa phải.

- Đối với các công ty cấp nước thuộc chính quyền địa phương, nhà nước có thể cung cấp nguồn vốn đầu tư xây dựng mở rộng hoặc cải tạo, nâng cấp công trình bằng cách cân đối khả năng tự chi trả của chính quyền địa phương liên quan.

4. Quy định về phép hoạt động trong lĩnh vực cấp nước:

Tại nhiều quốc gia như Estonia, Malaysia, Hàn Quốc..., cấp phép hoặc quyết định ủy quyền đối với dịch vụ cấp nước là cơ sở để ràng buộc về điều kiện được phép kinh doanh nước sạch của chính quyền khi giao cho tư nhân thực hiện. Các hình thức cấp phép có thể thể hiện bằng việc ủy quyền hoặc giấy phép hoạt động (Estonia: hợp đồng, Malaysia: giấy phép, Hàn Quốc: Ủy quyền). Nội dung của việc cấp phép cơ bản bao gồm quyền quản lý công trình cấp nước, quyền kinh doanh dịch vụ cấp nước, khu vực cung cấp dịch vụ cấp nước, các điều khoản về chuyển nhượng, gia hạn, thu hồi, cấp lại, yêu cầu chất lượng dịch vụ... Trong bối cảnh xã hội hóa ngành cấp nước, việc cấp phép cho hoạt động kinh doanh nước sạch là cần thiết đối với quản lý nhà nước trong việc ràng buộc trách nhiệm của khối tư nhân khi tham gia vào lĩnh vực cấp nước vốn được coi là lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến đời sống, an sinh xã hội.

Quá trình cổ phần hóa đã và đang được diễn ra tại nhiều công ty kinh doanh nước sạch tại Việt Nam, việc cấp phép cho các hoạt động có liên quan đến đầu tư, kinh doanh dịch vụ cấp nước là công cụ quan trọng cho các nhà quản lý nhằm ràng buộc điều kiện về năng lực, chất lượng dịch vụ khi khối tư nhân khi tham gia thực hiện đầu tư, quản lý vận hành dịch vụ cấp nước. Việc cấp phép có thể thể hiện bằng nhiều hình thức như hợp đồng ký kết giữa chính quyền địa phương và đơn vị cấp nước hoặc hình thức cấp giấy phép cho các loại hoạt động.

5. Xã hội hóa và cải cách ngành nước:

Có nhiều mô hình xã hội hóa dịch vụ cấp nước khác nhau. Việc xã hội hóa có thể bao gồm quyền sở hữu tư nhân; ví dụ như thông qua việc nhượng quyền của các công ty cấp nước hoặc sự tham gia của tư nhân trong việc đầu tư, phát triển cấp nước có thể được quản lý thông qua các hợp đồng xây dựng và quản lý bị hạn chế hơn. Ngoài ra còn có trường hợp hợp nhất toàn bộ các công ty cấp nước thành một số công ty cấp nước khu vực và sau đó xã hội hóa hoặc để chính quyền địa phương và các công ty cấp nước chủ động lựa chọn hình thức xã hội hóa.

Về việc xã hội hóa dịch vụ cấp nước để thu hút đầu tư tư nhân, giảm gánh nặng ngân sách của Chính phủ và nâng cao hiệu quả chất lượng dịch vụ; trong đó bao gồm các cơ chế ưu đãi cho các công ty tư nhân đầu tư, quản lý vận hành các công trình cấp nước để tối đa hóa hiệu suất với mức chi phí thấp hơn, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ và cho phép các công ty đầu tư nâng cấp, mở rộng phạm vi dịch vụ. Việc xã hội hóa cũng sẽ dẫn đến khả năng điều chỉnh giá để trang trải toàn bộ chi phí dịch vụ cấp nước, thu lợi nhuận và cung cấp tài chính cho các khoản vốn đầu tư. Để đạt được những hiệu quả của việc xã hội hóa cần phải có một khung pháp lý chặt chẽ; quy định về tư nhân hóa còn kém hiệu quả có thể gây ra tình trạng chỉ phát triển dịch vụ cấp nước có chọn lọc ở những khu vực có thu nhập cao và Chính phủ vẫn phải cấp vốn đầu tư từ ngân sách cho các khu vực có thu nhập thấp. Để xây đựng được các quy định chặt chẽ cần phải có một cơ quan pháp lý đủ năng lực, uy tín và đòi hỏi phải có các cam kết, ràng buộc đủ mạnh về pháp lý.

Nhìn chung, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia cơ bản sẽ làm tăng hiệu quả cung cấp các dịch vụ cấp nước. Tuy nhiên, do tính chất quan trọng về mặt an sinh, xã hội của ngành nước, Chính phủ cần có chế tài quản lý các thành phần kinh tế tham gia phù hợp. Công cụ quản lý của Chính phủ có thể bao gồm: Quy định về tỷ lệ tham gia của các thành phần kinh tế trong doanh nghiệp cấp nước cổ phần hoá; áp dụng quản lý theo hợp đồng để đảm bảo tính ổn định, chất lượng dịch vụ cao, giá thành dịch vụ hợp lý và thu hút được các nhà đầu tư. Đưa ra các điều kiện tham gia đối với các Nhà đầu tư, đơn vị quản lý vận hành để đảm bảo được việc lựa chọn các đơn vị có năng lực tốt. Đưa ra điều kiện đối với cổ đông chiến lược của các doanh nghiệp cổ phần hóa...

IV. Một số quan điểm quản lý và phát triển cấp nước Việt Nam:

1. Sự cần thiết xây dựng Luật Cấp nước: Các Luật hiện hành liên quan đến quản lý, đầu tư phát triển cấp nước như: Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Doanh nghiệp v.v.. nhưng chưa có các nội dung quy định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch bao gồm: mô hình tổ chức quản lý cấp nước; trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp nước; quản lý dịch vụ cấp nước; điều tiết các mối quan hệ trong hoạt động cấp nước; kiểm soát tài sản công trình cấp nước và bảo đảm an ninh, an toàn cấp nước. Nước sạch là một loại thực phẩm, hàng hóa đặc biệt, có tác động trực tiếp đến sức khỏe và mọi hoạt động thiết yếu khác của cuộc sống con người; nhưng hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động cấp nước là Nghị định đang chịu chi phối các tác động lĩnh vực khác có hiệu lực pháp lý cao hơn là Luật.

Từ yêu cầu thực tế về quản lý phát triển cấp nước Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế, việc sớm ban hành Luật Cấp nước là hết sức cần thiết làm công cụ pháp lý, quản lý nhà nước thống nhất có hiệu lực, hiệu quả cao, đồng bộ điều chỉnh toàn diện các hoạt động cấp nước liên quan đến sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.

2. Nước sạch là một loại thực phẩm, hàng hóa đặc biệt, có tác động trực tiếp đến sức khỏe và mọi hoạt động thiết yếu khác của cuộc sống con người. Quy định người dân có quyền được tiếp cận nước sạch nhằm thể hiện vai trò trách nhiệm của Nhà nước đối với nhu cầu sử dụng nước của người dân, đặc biệt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đồng thời sẽ nâng tầm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội.

3. Quy định bảo đảm an ninh cấp nước: Quản lý rủi ro trong hoạt động cấp nước là yêu cầu quan trọng và cần được Nhà nước, doanh nghiệp và người dân quan tâm thực hiện. Ngoài ra nâng tầm quản lý rủi ro lên tầm bảo đảm an ninh cấp nước; như vậy, Nhà nước mới đủ quyền lực kiểm soát tài sản công trình cấp nước (do tư nhân sử hữu) nhằm duy trì hoạt động ổn định của công trình cấp nước trong mọi trường hợp rủi ro có thể xảy ra.

4. Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa dịch vụ cung cấp nước sạch. Khi đó, dịch vụ cấp nước tiếp tục giao cho tư nhân thực hiện, vì vậy, cần có văn bản pháp luật cao nhất quy định định vai trò, tránh nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với hoạt động cấp nước (cấp giấy phép, ký hợp đồng cấp nước v.v..)

5. Hiện nay đang quy định cung cấp nước đô thị là dịch vụ công ích mâu thuẫn với quy định hoạt động cấp nước là hoạt động sản xuất kinh doanh. Quy định cấp nước đô thị là dịch vụ công ích không còn phù hợp do giá nước sạch đã đảm bảo bù đắp các chi phi. Riêng đối với cấp nước nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, giá nước sạch chưa đảm bảo bù đắp chi phí. Định hướng quy định thống nhất hoạt động cấp nước là hoạt động sản xuất kinh doanh; riêng đối với cấp nước nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cần có cơ chế chính sách và sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước;

6. Chính sách về giá nước sạch: Khi quy định cấp nước là dịch vụ công ích thì giá nước sạch do UBND cấp tỉnh quyết định. mỗi tỉnh sẽ có nhiều giá nước sạch theo các vùng phục vụ cấp nước của các doanh nghiệp cấp nước; việc kiểm soát và ban hành nhiều giá bán nước sẽ là khó khăn của các tỉnh. Quy định cấp nước là hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới giao cho doanh nghiệp quyết định giá nước sạch sau khi được UBND cấp tỉnh thẩm định phương án giá nước.

7. Thống nhất giao một Bộ thực hiện quản lý nhà nước về cấp nước cả đô thị và nông thôn; quản lý cấp nước không phụ thuộc vào địa giới hành chính (giữa các tỉnh, các khu vục đô thị, nông thôn) và thống nhất quản lý quy hoạch cấp nước. Xây dựng thống nhất hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết kế, sử dụng thiết bị vật tư và vận hành công trình cấp nước.

8. Hướng tới thành lập một cơ quan quản lý ngành cấp nước, giúp Bộ, Chính phủ về hướng dẫn xây dựng, thực hiện chính sách; hướng dẫn các tranh chấp, xung đột của doanh nghiệp, chính quyền địa phương; giúp tòa án xử lý kiện tụng về ngành nước;

KS. Nguyễn Minh Đức

Trưởng phòng Quản lý cấp nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Quản lý và cấp nước Việt Nam theo hướng phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể, hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Nguyên đã xử lý, chế biến để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.

Tin mới