Thứ sáu, 29/03/2024 01:04 (GMT+7)

Quy định quan trắc môi trường: Vai trò ‘mờ nhạt’ của địa phương

Nhóm PV -  Thứ sáu, 23/10/2020 15:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hoạt động quan trắc môi trường dù diễn ra tại địa phương nhưng hành lang pháp lý khiến chức năng quản lý năng lực, kiểm tra hoạt động của Sở TNMT lại gần như bằng không.

Cơ quan chuyên môn địa phương ngoài cuộc

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường. Trong đó, đáng chú ý là một số điểm liên quan đến chức năng, nhiệm vụ về kiểm tra, xử lý hoạt động quan trắc được cho là còn thiếu và chưa thể hiện đúng vai trò của các Sở Tài nguyên và Môi trường ( TNMT).

Điều 6 Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 quy định về thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong việc thẩm định điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; cấp; gia hạn, điều chỉnh nội dung, cấp lại, tạm thời đình chỉ hiệu lực, thu hồi và hủy bỏ Giấy chứng nhật (GCN) đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) có thẩm quyền về những nội dung nêu trên. Đồng thời quy định chi tiết thẩm định điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.

Sự phát triển công nghiệp bền vững ở mỗi quốc gia phải đảm bảo vấn đề về môi trường. Lập báo cáo Quan trắc Môi trường định kỳ là công việc phải thực hiện theo đúng nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động Môi trường hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt của Doanh nghiệp. Ảnh TL

Điều kiện cấp GCN đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trong lĩnh vực quan trắc tại hiện trường phải có quyết định thành lập hoặc GCN hoạt động khoa học và công nghệ, GCN kinh doanh hoặc GCN đầu tư trong đó có hoạt động quan trắc môi trường. Bên cạnh dó là các điều kiện về nhân lực, máy móc, trụ sở làm việc… nêu tại Điều 8; Điều 9 của Nghị định 127.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân có nhu cầu xin cấp, gia hạn, điều chỉnh...đều được thực hiện qua đường bưu điện hoặc trực tiếp qua Bộ TNMT mà không cần qua Sở TNMT. Bộ TNMT có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện.

Những điểm nêu trên cho thấy vai trò giám sát, quản lý doanh nghiệp liên quan đến hoạt động môi trường của các Sở TNMT địa phương gần như bằng con số 0. Ngay cả trong Dự thảo thông tư mới được Bộ TNMT lấy ý kiến về Quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường, Sở TNMT cũng chỉ là đơn vị giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý số liệu của địa phương. Báo cáo Bộ TNMT tổng hợp kết quả định kỳ hàng năm và báo cáo tổng hợp cả năm đối với kết quả quan trắc môi trường.

Trong khi đó, công tác báo cáo cũng bị “dẫm chân” khi đã được các đơn vị trực thuộc Bộ TNMT, đơn vị thuộc mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia (được giao kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước) thực hiện, gửi Tổng cục Môi trường báo cáo tổng hợp kết quả quan trắc môi trường định kỳ hàng năm.

Điều này càng chứng tỏ chức năng mờ nhạt của các Sở TNMT thuộc tỉnh khi chỉ có trách nhiệm quản lý dữ liệu, cung cấp, lưu trữ thông tin do đơn vị quan trắc cung cấp chứ không được giám sát, quản lý thực lực chuyên môn của các đơn vị.

Theo danh sách công bố các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực quan trắc môi trường do Tổng cục Môi trường niêm yết, có khoảng 250 đơn vị được cấp phép trên cả nước. Các đơn vị này không bị giới hạn phạm vi hoạt động, dẫn đến việc khi một tổ chức ở tỉnh này sang tỉnh khác thực hiện quan trắc môi trường thì ai giám sát, quản lý và xử lý nếu có sai phạm?

Vô tình tạo “khoảng trống trách nhiệm”

Việc quan trắc môi trường ở các cơ sở, doanh nghiệp, thực địa dù cơ quan có thẩm quyền tại địa phương giám sát nhưng không triệt để, không có quy định nào cho phép Sở TNMT kiểm soát các tổ chức thực hiện không đúng mục đích; không thực hiện đúng các quy định về chứng nhận hay thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định kỹ thuật về quy trình, phương pháp quan trắc.. do Bộ TNMT quy định.

Quan trắc môi trường là nhiệm vụ bắt buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ và chấp hành thực hiện, bởi việc quan trắc nhằm mục đích bảo vệ môi trường trước các tác nhân gây ô nhiễm và chung tay bảo vệ môi trường. Ảnh PL

Hầu hết, sau khi Bộ TNMT cấp phép, các tổ chức được buông lỏng, thiếu kiểm tra giám sát hoạt động quan trắc môi trường của cơ quan chức năng đối với các tổ chức này. Tương tự là khi tái cấp phép, Sở TNMT thường không có hồ sơ năng lực, quá trình hoạt động..

Từ đó dẫn tới tình trạng một số tổ chức, doanh nghiệp không đủ năng lực trong suốt quá trình hoạt động nhưng vẫn được Bộ TNMT cấp phép, tái cấp phép mà không có ý kiến của các Sở TNMT. Do hoạt động các tổ chức quan trắc môi trường nằm ngoài sự quản lý của Sở TNMT, rất nhiều các phiếu quan trắc môi trường định kỳ hàng tháng, hàng quý ở các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ các bên chỉ ký hợp đồng hợp thức hóa, không thực hiện thực tế mà chỉ in phiếu kết quả dù không quan trắc.

Theo khảo sát của PV từ kinh nghiệm triển khai dự án của một vài doanh nghiệp đầu tư cho thấy, quá trình đầu tư, triển khai dự án, doanh nghiệp đầu tư sẽ được Sở TNMT hỗ trợ giới thiệu tổ chức thực hiện quan trắc. Những đơn vị thực hiện quan trắc này thông thường có mối quan hệ “khăng khít” với địa phương, được sự hậu thuẫn nên các thủ tục pháp lý cũng vì thế mà trở nên “trơn” hơn.

Từ đó, những cái “bắt tay ngầm”, “đi đêm” giữa tổ chức quan trắc và Sở TNMT địa phương hoàn toàn có thể diễn ra. Nhưng nếu xảy ra sai phạm về quy trình, hồ sơ quan trắc, Sở TNMT hoàn toàn có thể “rút êm” với lý do không có chức năng, nhiệm vụ rồi đẩy toàn bộ trách nhiệm về Bộ TNMT hoặc các đơn vị trực thuộc Bộ.

Trong khi đó, các hoạt động báo cáo định kỳ vẫn phải thường xuyên thực hiện mà số liệu thiếu cơ sở tin cậy. Doanh nghiệp đầu tư dù được giới thiệu nhưng vẫn phải chịu lãng phí kinh phí, thời gian cho những công việc chỉ mang tính thủ tục. Đặc biệt là đối với những dự án, cơ sở đã và đang hoạt động ổn định chưa có dấu hiệu ô nhiễm.

Với những bất cập nêu trên, liệu đã đến lúc Bộ TNMT; các đơn vị xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi sẽ trình Quốc hội sắp tới cần phải tổ chức nghiên cứu bổ sung thêm quyền hạn, trách nhiệm của Sở TNMT đối với hoạt động quan trắc môi trường? Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục thông tin về ý kiến của các Đại biểu Quốc hội ở kỳ tiếp theo./.

Bạn đang đọc bài viết Quy định quan trắc môi trường: Vai trò ‘mờ nhạt’ của địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.