Thứ sáu, 29/03/2024 09:03 (GMT+7)

Rác thải nông thôn - Thực trạng và định hướng quản lý

MTĐT -  Thứ hai, 07/12/2020 14:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo thống kê chỉ khoảng 50% khối lượng rác thải nông thôn được thu gom, xử lý, phần còn lại chủ yếu là chất thải rắn khó xử lý, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho môi trường và sức khỏe người dân.

Việt Nam hiện có trên 62,6 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm xấp xỉ 65% dân số trong cả nước. Mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m3 nước thải sinh hoạt, 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi và hơn 14 nghìn tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại… Tuy nhiên, theo thống kê chỉ khoảng 50% khối lượng rác thải trên được thu gom, xử lý, phần còn lại chủ yếu là chất thải rắn khó xử lý, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho môi trường và sức khỏe người dân.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Thực trạng rác thải vùng nông thôn

Ở nhiều vùng nông thôn trong cả nước, không khó để bắt gặp những bãi rác tự phát cạnh con đường liên thôn, liên xã. Thậm chí, rác thải sinh hoạt còn được người dân thiếu ý thức đóng thành bao ném xuống sông, trên các kênh, rạch, sông suối… Các loại rác này đang được thải ra môi trường nông thôn mỗi ngày mà phần lớn là chưa qua xử lý, hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường. Thực trạng đó đang gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều vùng nông thôn trong cả nước.

Tại Bắc Ninh, theo thống kê, mỗi ngày ở vùng nông thôn thải ra gần 400 tấn rác sinh hoạt các loại mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ có khoảng hơn 20% số rác thải này được thu gom, tập kết vào nơi quy định để xử lý. Ở các làng nghề thuộc thị xã Từ Sơn và các huyện Yên Phong, Gia Bình… lượng rác thải từ các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được người dân tự do thải ra đường, cống rãnh, bờ đê, sông lạch… Cả tỉnh có 125 xã, phường, thị trấn nhưng mới chỉ có ba địa phương là thị trấn Hồ (huyện Thuận Thành), thị trấn Phố Mới (huyện Quế Võ), thị trấn Chờ (huyện Yên Phong) thành lập được hợp tác xã dịch vụ - môi trường. Còn lại một số thôn, cụm công nghiệp làng nghề tuy có tổ vệ sinh môi trường nhưng hiệu quả hoạt động rất thấp.

Tại Tuyên Quang, Sở Tài nguyên và môi trường cho biết, khối lượng chất thải rắn, chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn phát sinh trên địa bàn mỗi ngày khoảng 202 tấn. Theo dự báo đến năm 2025, khi dân số tỉnh Tuyên Quang tăng trên 713 nghìn người, khi đó khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát thải sẽ tăng lên 285 tấn/ngày. Trong khi tỷ lệ thu gom rác thải tại khu vực đô thị của Tuyên Quang đạt trên 96% thì tại khu vực nông thôn, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 30%, tương đương 60,6 tấn/ngày. Tuyên Quang hiện chỉ có 11 đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn, chất thải sinh hoạt khu vực nông thôn. Tuy nhiên những đơn vị này chưa có đủ năng lực về phương tiện cũng như nhân lực để thu gom, vận chuyển rác thải của cả khu vực nông thôn. Hầu hết ở các thôn phải từ 2 đến 3 ngày, thậm chí có nơi 5 ngày mới thu gom một lần. Do vậy, đã dẫn đến tình trạng chất thải rắn, chất thải sinh hoạt vẫn tồn đọng trong khu dân cư. Cùng với đó, điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt được bố trí ở đầu thôn, xóm, mặt đường giao thông chính của xã, không được che đậy kín dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và làm xấu cảnh quan xóm, làng...

Tại Nghệ An, vùng nông thôn hàng ngày phát sinh ra môi trường gần 900 tấn rác thải. Hầu hết các chất thải này vẫn ở tình trạng lẫn lộn, bao gồm chất thải có khả năng phân hủy và khó phân hủy (nilon, thủy tinh, cành cây, xác động vật…). Riêng tại khu vực vùng sâu, vùng xa, những địa phương còn khó khăn của tỉnh vẫn còn phổ biến tình trạng xả rác thải sinh hoạt ngay tại vườn hoặc những địa điểm công cộng như chợ, đường giao thông và điểm giáp ranh giữa các thôn, xóm…

Còn tại Vĩnh Phúc, Sở Tài Nguyên và Môi trường, cho biết: Mỗi ngày khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh thải ra môi trường khoảng 590 tấn rác thải nhưng khả năng thu gom, xử lý rác ở khu vực này mới đạt khoảng 69% và chủ yếu theo phương thức chôn lấp. Nhiều địa phương như: Xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo; xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường; xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên; xã Ngọc Thanh, Tiền Châu, Nam Viêm, thị xã Phúc Yên... chưa có bãi rác thải tạm thời nên phải tập kết về điểm trung chuyển, sau đó thuê các công ty môi trường đô thị vận chuyển đến bãi rác ở thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên để xử lý… Mặc dù, thời gian qua tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị bàn bạc, đưa ra giải pháp thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt như quy hoạch xây dựng bãi rác rộng hơn, đầu tư lò đốt rác, nhà máy xử lý rác có quy mô, công suất lớn để giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải tại địa phương... song đến nay tỉnh vẫn chưa có dự án nào chính thức được đầu tư xây dựng vào lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải nông thôn...

Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện mỗi ngày phát sinh khoảng 650 tấn chất thải, trong đó ở khu vực nông thôn có khoảng 250 tấn. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỷ lệ thu gom rác tại khu vực nông thôn ở Sóc Trăng mới chỉ đạt khoảng gần 50%. Cùng với đó, công tác phân loại chất thải tại nguồn chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, có nhiều nơi chất thải nhựa, nilon lẫn lộn với rác thải sinh hoạt, tình trạng ứ đọng rác thải tại các hố lưu chứa gây ô nhiễm môi trường đang xảy ra ở nhiều nơi. Đặc biệt, rác thải từ các chợ ở cả khu đô thị lẫn nông thôn cũng khiến cho ngành môi trường của Sóc Trăng khó khăn trong xử lý. Theo báo cáo, khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn Sóc Trăng có hơn 130 khu chợ, mỗi ngày hoạt động tại các chợ phát sinh khoảng 100 tấn chất thải rắn và gần 1.000m3 nước thải. Qua kiểm tra các đơn vị chức năng cho biết, nước thải ở các chợ nông thôn và chợ tự phát đang bị ô nhiễm hữu cơ, vi sinh; chất thải rắn không ngừng gia tăng về khối lượng, đa dạng về thành phần đang tác động xấu đến môi trường nước tại các sông, kênh, rạch ở địa phương.

Và những bất cập trong thu gom, xử lý…

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, lượng chất thải sinh hoạt nông thôn trong cả nước khoảng 32.000 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom còn thấp, trung bình đạt khoảng 40 - 50% so với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng nông thôn ven đô hoặc các thị trấn, thị tứ cao hơn tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng sâu, vùng xa. Hiện có khoảng 71% chất thải rắn sinh hoạt vẫn chủ yếu được xử lý theo hình thức chôn lấp, chỉ 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost và 13% được xử lý bằng phương pháp đốt.

Mặc dù đến nay, đã có khoảng 50% các xã trong toàn quốc thành lập tổ thu gom chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt một số ít do công ty dịch vụ môi trường thực hiện, còn lại phần lớn là do các hợp tác xã, tổ, đội tự quản thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận với người dân với mức thu thấp, khoảng 10.000 - 20.000 đồng/hộ/tháng. Với số tiền này chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì cho hoạt động vận chuyển.

Bên cạnh đó, những bất cập trong vấn đề quy hoạch các địa điểm xử lý rác còn chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng mỗi xã có một lò đốt chất thải, hay những bãi chôn lấp chất thải không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật vẫn phát sinh. Các nghiên cứu cho thấy, việc xử lý chất thải rắn tại các địa phương hiện chưa được áp dụng các phương pháp và công nghệ đảm bảo, xảy ra tình trạng ở một số địa phương, mỗi xã có một lò đốt, các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt này hầu hết là các lò đốt quy mô nhỏ với công suất dưới 300kg/h. Với những lò đốt công suất nhỏ cấp xã này, hệ thống xử lý khí thải không có hoặc có nhưng không đạt yêu cầu.

Mặt khác, các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, công nhân tham gia vận hành không đủ kiến thức chuyên môn để vận hành lò đốt, trình độ vận hành của công nhân còn hạn chế, không tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật nên chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Công tác quản lý chất thải nói chung, trong đó có chất thải sinh hoạt nông thôn hiện chưa được quan tâm đúng mức; Việc lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội mỗi địa phương, từng vùng, miền còn chưa phù hợp.

Ngoài ra, hiện chưa có chính sách hỗ trợ cho các hoạt động quản lý chất thải nông thôn. Công tác xã hội hóa các hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của cộng đồng còn hạn chế. Cùng với đó, ý thức người dân về thu gom, phân loại rác thải chưa tốt cũng làm khó khăn thêm cho vấn đề về rác thải nông thôn hiện nay…

Định hướng và giải pháp trong quản lý, xử lý rác thải nông thôn

Trước thực trạng về vấn đề rác thải sinh hoạt nói chung, trong đó có vấn đề xử lý rác thải nông thôn, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có yêu cầu rõ việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn phải đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%. Các địa phương phải áp dụng các công nghệ tốt, hiện đại, thân thiện với môi trường để xử lý chất thải nông thôn. Theo đó, thời gian tới để quản lý tốt rác thải ở khu vực nông thôn, một số giải pháp được đề xuất, bao gồm:

Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn, trong đó, tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện và lồng ghép các quy hoạch quản lý chất thải rắn vào quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch mỗi địa phương; Xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, định mức kinh tế, kỹ thuật trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.

Thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đối với công tác quản lý chất thải rắn; Tăng cường xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông, đào tạo, nâng cao năng lực và nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải rắn; Xây dựng và dự kiến ban hành danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khuyến cáo áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của các địa phương, trong đó chú trọng đến các công nghệ xử lý chất thải đi kèm với các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp.

Về phía các địa phương: Cần rà soát lại các điểm lưu giữ chất thải sinh hoạt nông thôn để đáp ứng yêu cầu về vấn đề xử lý. Trên cơ sở rà soát lại các quy hoạch quản lý chất thải hiện có, các địa phương cần có kế hoạch, lộ trình để chấm dứt việc đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô cấp xã, khuyến khích việc đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô liên xã, liên huyện phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh.

Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nghiên cứu công nghệ, xây dựng các khu xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường, lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, trình độ quản lý và tập quán của từng vùng, miền của mỗi địa phương để phổ biến áp dụng.

Đặc biệt, để giải quyết tốt bài toán rác thải nông thôn, các địa phương đẩy mạnh các phương pháp thu gom, phân loại chất thải tại nguồn. Nói không với chất thải nhựa, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tạo thói quen cho người dân ý thức gom rác bỏ vào nơi quy định, không vứt bừa bãi các sông, kênh rạch… Phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong xử lý chất thải rắn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực nhận thức cho tổ chức, cá nhân trong việc quản lý tổng hợp chất thải rắn.

Xây dựng và thực hiện các chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hướng dẫn tổ chức dịch vụ, kỹ năng giám sát cộng đồng dân cư trong quản lý chất thải nông thôn… Theo đó, khi có được sự đồng lòng, thống nhất giữa người dân, cơ quan quản lý, cùng những định hướng chính sách phù hợp, triển khai đồng bộ các giải pháp thì bài toán rác thải nông thôn sẽ sớm được giải quyết./.

Theo Thu Hòa/ CSSK

Bạn đang đọc bài viết Rác thải nông thôn - Thực trạng và định hướng quản lý. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.