Thứ sáu, 29/03/2024 09:25 (GMT+7)

Thu phí xử lý rác thải theo khối lượng: Xin đừng bàn ngang

MTĐT -  Thứ hai, 15/06/2020 10:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cộng đồng nên chung tay để cùng phối hợp thực hiện, cùng góp ý để đưa chính sách gắn và phát huy vào cuộc sống hơn là bàn ngang, đẩy lùi.

Mấy hôm nay, tôi thấy trên mạng xã hội và một số tờ báo nói nhiều đến việc thu phí xử lý rác thải theo khối lượng. Người ta nói nhiều đến việc cần một “cái cân” để tính trọng lượng rác khi thu gom, người ta quan ngại một cách hóm hỉnh cho đề xuất này. Riêng tôi, đây là một đề xuất phù hợp, đảm bảo sự bình đẳng trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền; giảm thiểu sự thâm hụt về ngân sách nhà nước, lâu nay đang bù lỗ cho “dịch vụ công” này; tạo ý thức phân loại rác đầu nguồn, một tiền đề giúp rác trở thành tài nguyên. Như thế, cộng đồng nên chung tay để cùng phối hợp thực hiện, cùng góp ý để đưa chính sách gắn và phát huy vào cuộc sống hơn là bàn ngang, đẩy lùi.

Nhìn vào thực tế

Theo Đánh giá công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải công nghiệp nguy hại năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, mức thu phí rác thải tại Việt Nam mới chiếm khoảng 0,5% thu nhập trung bình của hộ gia đình, trong khi đó, các định mức quốc tế đề xuất mức phí chi trả chiếm từ 1-1,5% thu nhập trung bình của các hộ gia đình. Bên cạnh đó, tỷ lệ thu phí xử lý rác hằng năm tại các địa phương đạt tỷ lệ thấp, một ví dụ tại Thủ đô Hà Nội được thống kê như sau: mức thu tối đa hàng năm từ thu phí ở 4 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng) do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO)  phụ trách là 103.350 triệu VNĐ/năm, tuy nhiên, doanh thu thực tế của URENCO ở 4 quận nội thành được báo cáo là 65.817 triệu VNĐ/năm tương đương ở mức thu đạt 64%.

Từ số liệu trên chúng ta thấy, công tác quản lý rác thải sinh hoạt ở Việt Nam đang thiếu đi nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, khi các hộ gia đình và các cơ sở phát thải khác chỉ phải trả mức phí thấp và ít nhất 80% chi phí được Chính phủ tài trợ. Các khoản đầu tư lớn hoặc dài hạn vào các cơ sở và hệ thống quản lý chất thải rắn cũng gặp khó khăn do thiếu các cơ chế tài chính thích hợp, chẳng hạn như lập kế hoạch tài chính dài hạn, tiết kiệm cho các khoản đầu tư và tái đầu tư trong tương lai, lợi nhuận trên vốn đầu tư, ...

Thu Phí xử lý chất thải theo khối lượng, các nước phát triển đã làm từ lâu

Tại Hàn Quốc, việc thu Phí xử lý chất thải theo khối lượng đã được áp dụng từ những năm thuộc thập niên 90 của thế kỷ XX. Trước khi áp dụng thu Phí xử lý chất thải theo khối lượng vào năm 1995, Hàn Quốc đã có giai đoạn chuẩn bị, nghiên cứu khả thi rất kỹ lưỡng từ các cơ quan chức năng và tổ chức các cuộc họp để thông báo cho người dân về chính sách mới này. Hoạt động thí điểm đã được thực hiện vào năm 1994, một số quận ở Seoul đã thử nghiệm áp dụng việc thu Phí xử lý chất thải theo khối lượng để xem liệu hệ thống này có hoạt động tốt hay không. 

Việc thu Phí xử lý chất thải theo khối lượng được xác định là công cụ để phát triển thị trường thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Để việc thu Phí xử lý chất thải theo khối lượng được thực hiện, đòi hỏi người dân phải mua một túi nhựa đặc biệt để đựng chất thải, nếu chất thải nhiều, bạn phải mua một túi nhựa lớn hơn với chi phí cao hơn, về cơ bản, nó cung cấp một động lực cho người dân để giảm phát sinh chất thải và thúc đẩy tái chế nhiều hơn. 

Việc tính giá của túi nhựa đặc biệt để đựng chất thải sinh hoạt được xác định theo quy định của địa phương, giá giữa các thành phố khác nhau nhưng không có nhiều sự khác biệt. Giá cơ bản được xác định khi xem xét các chi phí xử lý chất thải và tình trạng tài chính của chính quyền địa phương và mức sống của người dân. 

Lợi nhuận từ việc thu Phí xử lý chất thải theo khối lượng được sử dụng để chi trả cho việc xử lý chất thải. Trên thực tế, việc lợi nhuận. từ thu Phí xử lý chất thải theo khối lượng chiếm khoảng 30 đến 40 phần trăm chi phí xử lý chất thải, vì vậy nó vẫn đòi hỏi sự trợ cấp từ Chính phủ Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc thu Phí xử lý chất thải theo khối lượng thực sự đã thay đổi nhận thức của công chúng về chất thải, mọi người cố gắng giảm chất thải và họ thích sản phẩm thân thiện với môi trường hơn và cũng dẫn đến những thay đổi trong hành vi của người dân với chất thải.

Sự ra đời của việc thu Phí xử lý chất thải theo khối lượng đã tạo ra ba tác động rất quan trọng đối với việc quản lý chất thải: (1) Nó thực sự thúc đẩy phân loại chất thải tại nguồn để giảm khối lượng chất thải trong túi rác, người dân phải phân loại rác thải, nếu chất thải là rác tái chế, họ sẽ bỏ vào thùng rác tái chế miễn phí; (2) Sau khi rác thải được phân loại đầu nguồn, lượng chất thải được gửi đến bãi rác đã giảm đáng kể và quan trọng nhất là nó thực sự làm tăng tỷ lệ tái chế; (3) Để thúc đẩy tái chế, các chất thải có thể tái chế không yêu cầu sử dụng túi nhựa trả trước, người dân có thể loại bỏ các vật liệu tái chế miễn phí.

Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Việc thí điểm và tiếp thu các bài học kinh nghiệm từ các nước trên thế giới đã áp dụng thành công mô hình thu Phí xử lý chất thải theo khối lượng là hết sức cần thiết và phải có những đột phá để thay đổi từ tư duy các nhà quản lý, doanh nghiệp đến ý thức chấp hành của người dân, theo đó, tôi đề xuất một số kiến nghị như sau:

1. Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục để các thế hệ trong cộng đồng dân cư cùng nâng cao ý thức, hành vi bảo vệ môi trường trên nguyên tắc mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và người gây ô nhiễm cùng người hưởng lợi phải trả tiền;

2. Cần có các quy định chi tiết hơn về quản lý chất thải rắn, theo đó, việc xác định nghĩa vụ và trách nhiệm của hai bên gồm các cơ quan chịu trách nhiệm (các bộ, tỉnh, thành phố) và các chủ phát thải (cư dân/hộ gia đình, cơ quan, công ty tư nhân, ...) cần được cụ thể ở từng hạng mục công việc khi xử lý chất thải tại nguồn, trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý hoặc chôn lấp cuối cùng;

3. Để đảm bảo các quy định có liên quan phải được thực thi, các cơ quan có thẩm quyền phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc quản lý chất thải ở các giai đoạn khác nhau từ thời điểm phát sinh chất thải cho tới bước chôn lấp cuối cùng và phạt nặng những đối tượng không tôn trọng các quy định của luật pháp;

4. Phải có cơ sở hợp đồng phù hợp để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân ở các giai đoạn khác nhau trong quản lý chất thải rắn. Ví dụ, các dịch vụ thu gom và vận chuyển phải được đấu thầu theo hợp đồng tối thiểu 5 năm để cho phép các nhà khai thác tư nhân thu hồi các khoản đầu tư vào trang thiết bị thu gom và vận chuyển. Đối với các khoản đầu tư tư nhân lớn vào trang thiết bị xử lý, cần thiết lập các hợp đồng nhượng quyền trong khoảng thời gian dài hơn, ví dụ: 15-20 năm. Giá cố định và điều kiện hợp đồng phải được đảm bảo trong toàn bộ thời hạn hợp đồng/nhượng quyền;

5. Nâng cao năng lực của các cơ quan chịu trách nhiệm.  Ví dụ, các tỉnh/thành phố phải có năng lực và kỹ năng thể chế (tổ chức) cần thiết để kiểm soát việc thành lập và quản lý thích hợp mọi thỏa thuận về sự tham gia của khu vực tư nhân. Điều này bao gồm việc có đội ngũ nhân viên có trình độ và kinh nghiệm liên quan;

6. Có lộ trình thực hiện việc thu Phí xử lý chất thải theo khối lượng, đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương, khu vực. Theo đó, việc xác định giá thu phí cần được tiến hành công khai, khoa học, đảm bảo hiệu quả của việc thu phí được sử dụng đúng mục đích.

Quyền được sống trong môi trường trong lành đã chính thức trở thành nguyên tắc của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế, xã hội là vấn đề ô nhiễm môi trường ít được kiểm soát kịp thời, điều này dẫn đến quyền được sống trong môi trường trong lành của con người luôn có thể bị đe dọa bởi chính những hành vi gây hại cho môi trường của chúng ta. Cùng lắng nghe, cùng thực hiện, cùng góp ý là chung tay, góp sức, đồng hành với các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong việc quản lý, xử lý chất thải nói chung và chất thải sinh hoạt nói riêng.

Theo Công nghiệp môi trường

Bạn đang đọc bài viết Thu phí xử lý rác thải theo khối lượng: Xin đừng bàn ngang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể, hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Nguyên đã xử lý, chế biến để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.