Thứ tư, 17/04/2024 02:33 (GMT+7)

Thực trạng và giải pháp nhà vệ sinh công cộng

TS. Đồng Xuân Thụ -  Thứ ba, 21/04/2020 09:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) từ lâu được cộng đồng thế giới quan tâm. Mỗi nước có những quan niệm và cách làm riêng đối với NVSCC...

Mỗi ngày mỗi người đi đại, tiểu tiện từ 6-8 lần. Nếu đường đi, nơi làm việc, bến tàu, xe, nơi vui chơi giải trí... không có NVSCC thì thật bức bối. NVSCC là vấn đề dân sinh, song cũng là vấn đề kinh tế - xã hội. Bắc Kinh, Trung Quốc nêu khẩu hiệu “xây dựng NVSCC là vấn đề tự tôn dân tộc”. Còn tại Singapore, Thủ tướng Goh Chock Tong đã từng tuyên bố: “Tình trạng NVSCC của đất nước là thước đo văn hóa của người dân”. Hiệp hội Nhà Vệ sinh Anh thì thực tiễn hơn đã từng coi “NVSCC góp phần tạo nên đẳng cấp của trụ sở cơ quan, vì chính nơi này đã để lại ấn tượng đầu tiên, khó phai mờ đối với khách đến giao dịch”.

Trong buổi khai trương một toilét công cộng ở New York (Mỹ), nhà tỷ phú Nelson Rockerfeller đã nói: “Mức độ phát triển của một quốc gia có thể đánh giá qua… Toilét công cộng của quốc gia đó”. Từ thuở xa xưa, nhân loại đã dành cho nhu cầu sinh lý thiết yếu của mình một sự quan tâm lớn. Người La Mã cổ đại cùng với việc xây nhà tắm công cộng đã xây luôn các “toilet công cộng” và phân chia theo nhiều hạng ông chủ, bình dân, nô lệ…, để thấy tầm quan trọng các “công trình phụ” này như thế nào.

Văn hóa toilet như một bước đi trong tiến trình hội nhập sâu rộng với thế giới. Cái toilet đầu tư một có thể cho mười, còn nhiều thứ đầu tư mười nhưng lại không cho một, thậm chí không cho gì cả”. Vài năm trước, Thủ tướng Malaysia đã đích thân phát động phong trào “Văn hóa toilet”-Toilet culture hoặc cao hơn là “Văn minh toilet”-Toilet civillization và phong trào ấy đang được người Malaysia hưởng ứng cho đến bây giờ.

Nhật Bản là một quốc gia nổi tiếng nhất thế giới không phải ở sự giàu có hay những ứng dụng thông minh trong khoa học công nghệ mà chính là những cái “toilet công cộng”, một chuẩn mực về văn minh và cũng là một “phẩm chất” văn hóa của quốc gia này. Gần như ai đến Nhật Bản cũng đều ấn tượng bởi hệ thống toilet công cộng từ nhà ga sân bay đến các công viên, siêu thị, hay những địa danh thắng cảnh, di sản… và cả trên đường phố. Ngoài việc giữ cho cái toilet sạch sẽ thơm tho, tại đây còn phát ra tiếng nhạc du dương, thậm chí bên cạnh bồn cầu còn có cả một bàn phím cho người dùng chọn theo dòng nhạc mà mình yêu thích, làm cho khách dùng toilet thư giãn chút đỉnh trong thời gian ngắn ngủi ngồi trong đó. Andrew Griffiths là nhà văn Australia, du lịch 10 ngày đến Nhật Bản 9/2018, đã phải thốt lên rằng: “Nhật Bản chính là trung tâm của nền văn hóa trên thế giới, với mọi dịch vụ đều khiến cuộc sống của con người trở nên dễ dàng hơn. Có lẽ không nơi nào trên thế giới có nhà vệ sinh sạch sẽ và đầy đủ tiện nghi như ở Nhật”.

Gần hơn, một quốc gia láng giềng của Việt Nam nằm trong khối ASEAN là Thái Lan, thì toilet công cộng của họ cũng là một “sản phẩm” văn hóa du lịch. Ngay ở nhà ga sân bay, chẳng ai còn lạ khi nhìn rất nhiều khách “check in”, chụp hình cái toilet công cộng vì nó quá đẹp, từ những dây hoa trang trí giống như một khu vườn lộng lẫy đến những bức tranh tường đầy ấn tượng như trong một Gallery mỹ thuật… Đặc biệt, du khách quốc tế cực kỳ ấn tượng và say mê chụp hình bên ngoài khu toilet có thiết kế hoành tráng trong khuôn viên ngôi chùa ở Chiang Rai (Thái Lan). Toàn bộ toilet công cộng thiết kế như một cung điện nhỏ, giống như được dát vàng với tất cả chi tiết cùng tông màu, mặt tiền được trang trí bằng những bụi cây hoa cắt tỉa gọn gàng, không gian thoảng hương thơm hoa lá tự nhiên… Và vì thế chẳng có gì lạ khi sự tăng trưởng kinh tế Thái Lan là từ ngành du lịch, bởi họ có thể “kinh doanh” từ cái “toilet công cộng”.

Tại Việt Nam, vấn đề xây mới, lắp đặt và cải thiện chất lượng NVSCC cũng được các cấp, các ngành chức năng của các tỉnh, thành phố quan tâm, đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tư này chưa được các cấp chính quyền quan tâm thực sự.

Còn nhớ, có đại diện của một hãng du lịch Nhật Bản tham dự Hội nghị Xúc tiến du lịch Việt Nam tổ chức tại Tokyo năm 2014 có phàn nàn rằng: “Khó thúc đẩy lượng du khách Nhật Bản tới Việt Nam nếu chất lượng các nhà vệ sinh công cộng ở Việt Nam không được cải thiện”. Đúng vậy, khi đặt chân đến sân bay Tân Sơn Nhất hay Nội Bài, nơi đầu tiên mà du khách tìm đến là toilet. Khi tới các resort nghỉ ngơi cũng vậy. Có nhiều lý do để người ta phàn nàn: Mùi hôi nồng nặc, thiếu nước, bồn cầu dơ bẩn, hoen ố, thiết bị vệ sinh cũ kỹ, thiếu giấy vệ sinh, thiếu vòi xịt, thiếu nơi vệ sinh cho người khuyết tật… Chuyện này còn tệ hơn ở các vùng ngoại ô hay miền quê nào đó.

Không chỉ là thiếu những “toilet công cộng”, mà ý thức của người sử dụng cũng là một đánh giá về mức độ văn minh. Rõ ràng người Việt Nam rất thiếu kiến thức ứng xử nơi công cộng, nhất là vấn đề vệ sinh môi trường, từ xả rác đến việc ý thức trong sử dụng toilet công cộng. Phần lớn những toilet công cộng ở các điểm đến du lịch của Việt Nam là một trải nghiệm khá kinh khủng với du khách bởi sự mất vệ sinh. Và chính điều đó mà người Việt trong một mức độ nào đó để đánh giá, chưa thật sự gọi là văn minh.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, tổng số nhà vệ sinh trên địa bàn thành phố là 371 nhà (không bao gồm số nhà vệ sinh do Cty Vinasing mới lắp đặt). Trong đó có 113 nhà vệ sinh bằng vỏ thép, hầu hết được xây dựng từ năm 2003 - 2010. Còn lại 258 nhà vệ sinh bằng gạch, hầu hết được xây dựng từ trước năm 1990 nhằm phục vụ nhu cầu vệ sinh tại các khu dân cư và được phân bố trong các khu nhà dân, khu tập thể, nằm sâu trong ngõ. Với gần 8 triệu dân cùng hàng triệu khách du lịch đến với Hà Nội mỗi năm, số lượng 371 NVSCC là quá ít ỏi. Nhằm cải thiện tình trạng thiếu NVSCC trong bối cảnh ngân sách thành phố còn eo hẹp, UBND thành phố Hà Nội đã có chủ trương đầu tư, lắp đặt và đưa vào vận hành 1.000 NVSCC theo hình thức xã hội hóa.

Còn thống kê về mạng lưới nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn TPHCM hiện nay có 208 nhà vệ sinh công cộng có thu phí, trong đó 155 nhà vệ sinh công cộng tập trung ở các tuyến đường, bến xe, chợ và khu du lịch. Về cơ bản chưa đạt chuẩn, số lượng chưa đủ và bố trí không phù hợp. Chỉ có 11 nhà vệ sinh công cộng do Sở GTVT phối hợp với một ngân hàng xây dựng (chủ yếu ở các công viên tại quận 1) là đạt yêu cầu. Để đảm bảo bảo số lượng cũng như chất lượng, thành phố đã và đang kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng.

Nhà vệ sinh nhếch nhác trên đường Yên Phụ, Hà Nội

Nhà vệ sinh chợ Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội có diện tích khá nhỏ hẹp

Theo ông Lê Văn Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, có một thực trạng là nhà vệ sinh công cộng tại nhiều nơi trên cả nước chưa đạt chất lượng. Một số nơi nhà vệ sinh rất bẩn, người dân chưa có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Có những trường học có nhà vệ sinh khá khang trang, nhưng vẫn chưa đạt được chuẩn cụ thể; ở nhiều bệnh viện, trường học, nơi công cộng vẫn còn mùi nồng nặc, dơ ráy. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh hoặc vi khuẩn có thể lây chéo tới người bệnh. Đó là chưa nói đến vùng nông thôn, các phòng khám, trường học, bệnh viện, trung tâm y tế không có nhà vệ sinh, hoặc nhà vệ sinh gần như đối với họ là quá xa. Đặc biệt là ở vùng nông thôn, 90% không sử dụng nhà vệ sinh sạch hoặc dùng nhà vệ sinh mà không rửa tay rửa chân gì cả và sử dụng chính nguồn “thải sống” ấy để bón cây mà không qua bất kỳ khâu xử lý nào, gây ảnh hưởng ô nhiễm rất nhiều cho môi trường. Nói chung, không kể hết được những hệ lụy khủng khiếp từ nhà vệ sinh bẩn và thói quen từ rất xưa của người Việt.

Nhà vệ sinh công cộng ở Sài Gòn

Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp và việc hạn chế tiếp xúc với vi khuẩn ở những nơi công cộng là việc làm cần thiết và thật không may nhà vệ sinh công cộng là nơi mà rất nhiều người cùng sử dụng chung.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nhà vệ sinh vốn là nơi trú ngụ và phát tán của nhiều loại mầm bệnh. Nhà vệ sinh công cộng lại càng nguy hiểm hơn nữa, khi nó quy tụ chất thải của nhiều người, đến từ nhiều nơi và với đủ các tình trạng sức khỏe khác nhau. Có một số loại bệnh tật mà chúng ta dễ mắc khi thường xuyên sử dụng nhà vệ sinh công cộng như:

Viêm gan A:

Chúng ta có khả năng bị nhiễm bệnh viêm gan A từ nhà vệ sinh công cộng. Các triệu chứng của bệnh bao gồm cảm thấy mệt mỏi hoặc buồn nôn, đau dạ dày, nước tiểu sẫm màu, vàng da (vàng da và mắt). Các triệu chứng này có thể kéo dài tới 6 tháng.

Tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng

Nếu nhiễm phải virus Norovirus, vi khuẩn Salmonella, vi khuẩn Shigellosis hoặc nhiễm E. Coli,… từ nhà vệ sinh công cộng, bạn sẽ có các triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, nôn, và đau bụng,…

Cúm

Bạn có thể bị nhiễm loại virus gây bệnh đường hô hấp này trong không khí ở bất cứ đâu mà con người thường xuyên qua lại, đặc biệt là nhà vệ sinh công cộng.

Các triệu chứng thường là ớn lạnh cơ thể, đau nhức cơ, ho, đau họng, sốt, và đau đầu,... Cơn sốt có thể kéo dài từ 3-4 ngày, và sự mệt mỏi kéo dài đến 3 tuần. Nếu không may, bệnh có thể dẫn đến viêm phế quản hoặc viêm phổi.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục

Nhà vệ sinh công cộng có thể là một địa điểm trung gian gây truyền nhiễm các căn bệnh về đường tình dục, trong đó có bệnh mụn giộp sinh dục. Căn bệnh này có thể lan truyền qua đường da, khi chúng ta ngồi lên bệ toilet bám virus gây bệnh, tạo điều kiện cho virus thâm nhập cơ thể. Các chứng viêm nhiễm âm đạo cũng có thể lây truyền sang cơ thể bạn khi tiếp xúc với khu vực bệ toilet trong nhà vệ sinh công cộng.

Một xã hội văn minh, lịch sự nhưng thiếu nhà vệ sinh công cộng thì ý thức vẫn là phóng uế bừa bãi, ô nhiễm môi trường, không khí. Nhận thức được điều này, nhiều doanh nghiệp, cơ quan chức năng đã đầu tư để nhà vệ sinh sạch, hiện đại hơn. Có thể dễ nhận thấy từ bến tàu, bến xe, nhà hàng, khu vui chơi, trường học, bệnh viện… đến thời điểm này đã thay đổi như một bước ngoặt mới bằng nguồn vốn xã hội hoá.

Ông Lê Văn Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam chia sẻ, chúng ta cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông, nhằm thay đổi ý thức cộng đồng. Chúng tôi sẽ kết nối khắp các tỉnh thành và xin cơ chế để làm nhà vệ sinh theo phương thức xã hội hóa trên toàn quốc. Thực tế là quốc gia nào cũng còn nhiều việc để làm, nên để chờ ngân sách nhà nước đủ để làm thật sự không biết đến bao giờ nếu chúng ta cứ ngồi yên để chờ. Bởi thế, một giải pháp thông minh về vốn, cần có cơ chế để làm sao các thành viên hội mạnh dạn tài trợ nhà vệ sinh cho các tỉnh và rao lại cho thành viên các địa phương quản lý.

"Tôi tin rằng ý thức của thế hệ trẻ trong tương lai sẽ được cải thiện. Họ sẽ nhìn nhà vệ sinh một cách tích cực hơn với những dự án phát triển Cộng đồng. Hy vọng thời gian không xa về chất lượng số lượng và ý thức của con người Việt Nam sẽ thay đổi để nhà vệ sinh công cộng không còn là ám ảnh với người dân và khách du lịch." Ông Hiệp cho biết thêm.

Từ quan niệm “công trình phụ” trong gia đình của thời xưa thì nay đã được chú ý và thậm chí xem như một tiêu chí để thể hiện ngôi nhà có đẹp không, và không ít gia đình đã áp dụng công nghệ để biến không gian này thành một trong những nơi thư giãn… Nhưng với toilet công cộng ở Việt Nam thì cho đến giờ, nó vẫn chỉ là chuẩn tối thiểu, mà đôi khi do con người thiếu ý thức, cái tối thiểu đó cũng không thực hiện. Nên xem ra chẳng sai khi nói rằng, nhà vệ sinh công cộng là thước đo chuẩn văn minh không chỉ là con người mà còn là của thành phố, lớn hơn là quốc gia./.

Bạn đang đọc bài viết Thực trạng và giải pháp nhà vệ sinh công cộng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hiệu ứng nhà kính và các giải pháp từ tiêu chuẩn
Thật dễ dàng để có những ý kiến khác nhau về carbon. Nó là tốt hay xấu? Một mặt, nó là nền tảng cho sự sống trên Trái đất. Mặt khác, nó liên quan đến biến đổi khí hậu. Đây là loại khí nhà kính được sản xuất phổ biến nhất và giữ nhiệt trong khí quyển.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.