Thứ sáu, 29/03/2024 21:18 (GMT+7)

Tôi từng làm việc 8 tiếng một ngày và ăn nhẹ trên bãi rác…

Chu Linh -  Thứ hai, 21/09/2020 14:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Hữu Thủy, Giảng viên Khoa Kỹ thuật Môi trường và Môi trường đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

So với những ngành học như Kinh tế, Truyền thông hay Sư Phạm,… Ngành Kỹ thuật môi trường ít nhận được sự quan tâm hơn. Tuy nhiên, Kỹ thuật môi trường đóng góp một phần rất quan trọng trong đời sống, đặc biệt khi môi trường đang là vấn đề nóng của toàn cầu.

Hãy cùng trò chuyện với TS Nguyễn Hữu Thủy, Giảng viên ngành Kỹ thuật môi trường để hiểu rõ hơn về ngành đóng góp thầm lặng cho xã hội.

TS Nguyễn Hữu Thủy chia sẻ về quy trình xử lý nước thải của Công ty cổ phần TCE VINA DENIM (Ảnh: Chu Linh)

Cơ duyên nào khiến thầy lựa chọn ngành Kỹ thuật môi trường thay vì những ngành “nhẹ nhàng” khác?

Tôi lựa chọn ngành này từ lớp 10. Vì bố tôi làm nghề này và tôi cũng rất thích. Đây là một ngành hấp dẫn và đa dạng. Tôi được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người từ doanh nghiệp cho đến các hộ gia đình. Từ đó, tôi được hiểu thêm rất nhiều điều. Hơn nữa, đây cũng là một trong những ngành có sự đóng góp cho xã hội, mặc dù đó là sự đóng góp thầm lặng.

Trong những nămlàm nghề, kỉ niệm nào khiến thầy cảm thấy ấn tượng nhất?

Nghề này đi khá nhiều, mỗi tháng thì tôi đi công tác khoảng 2 đến 3 lần. Trong đó, kỉ niệm khiến tôi ấn tượng nhất là trong một chuyến đi công tác đến Nhà máy đường Lam Sơn cùng với một chuyên gia người Cộng hoà Séc. Vị chuyên gia này rất giỏi nhưng điều khiến tôi đặc biệt ấn tượng đó là khi đến tham quan nhà máy, ông ấy đã đến khu chất thải đường lấy tay quệt và đưa trực tiếp vào miệng. Sau đó, chuyên gia người Séc đánh giá Nhà máy đường Lam Sơn sản xuất tương đối tốt.

Khi nghiên cứu hệ thống nước rỉ rác của Nhà máy rác Lam Sơn, tôi đã từng làm việc 8 tiếng một ngày và ăn nhẹ ở trên bãi rác. Và mấy hôm sau, thỉnh thoảng tôi lại cảm thấy xuất hiện vị chua chua ở cuống họng.

Khi nhắc đến vấn đề môi trường, thầy có nhắc đến sự bất công giàu nghèo của con người. Thầytừng chứng kiến tình huống nào khiến mình phải chạnh lòng vì sự phân biệt giàu nghèo quá rõ ràng?

Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều những tình huống khiến mình phải chạnh lòng vì  sự phân biệt giàu nghèo. Có một tình huống mà tôi mãi mãi không thể quên được. Đó là một lần tôi đi công tác đến bãi rác Lam Sơn với một cán bộ cấp cao của công ty Môi trường đô thị

Hôm đó, ông ấy quên không mang đôi giày sục chuyên dụng của mình và phải đi đôi giày tương đối đắt tiền để dẫn đoàn tôi lên khảo sát trên bãi rác. Khi vừa xuống, ông ấy đã bỏ đôi giày đó đi. Sau khi bỏ xong thì vị cán bộ này ra ngoài xe ô tô và lấy ra một đôi giày dự bị khác. Lúc mà ông ấy bỏ đôi giày đó thì đã có rất nhiều người đang làm việc tại đây dường như muốn được lấy lại đôi giày. Chứng kiến điều đó khiến tôi cảm thấy hơi chạnh lòng.

Nhưng có thể hiểu rằng, vị cán bộ kia không phải là vì sự giàu có mà bỏ đôi giày. Có thể là sau đó họ có cuộc họp và không thể đi đôi giày bẩn kia đến dự, bởi nó “hơi có mùi”.

Ngành Kỹ thuật môi trường là ngành vất vả nhưng lương lại không cao. Theo thầy đây có phải là lý do khiến chuyên ngành này ít được các bạn sinh viên lựa chọn?

Kỹ thuật môi trường là ngành học vất vả nhưng lương lại thấp. Trong khi đó xã hội hiện nay cha mẹ luôn định hướng con mình vào những công việc nhẹ nhàng mà lương cao. Đó là một trong những lý do chính làm cho ngành Kỹ thuật môi trường ngày càng có ít người muốn theo học.

Bên cạnh đó thì hiện nay cũng có nhiều trường đào tạo ngành Môi trường nên số lượng sinh viên đào tạo ngành môi trường nói chung quá lớn. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi thì chất lượng đào tạo chưa ổn khiến ngành môi trường bị mất giá. Nhưng tôi nghĩ rằng chỉ cần 5 năm cho đến 10 năm nữa thì mọi chuyện sẽ thay đổi, gành Kỹ thuật môi trường và những ngành liên quan đến môi trường khác sẽ được trọng dụng vì nhu cầu của xã hội.

Thầy Nguyễn Hữu Thủy (ngoài cùng bên phải) cùng đoàn tham quan quy trình xử lý rác tại Nhà máy rác Lộc Hòa, Nam Định (Ảnh: Chu Linh)

Với vai trò là một người đi trước, thầy có điều gì muốn nhắn nhủ đến những bạn trẻ đang có mong muốn được học ngành Kỹ thuật môi trường?

Điều quan trọng nhất đối với ngành Kỹ thuật môi trường đó là phải yêu nghề. Mình yêu nghề thì nghề sẽ yêu mình. Nghề nó sẽ mang đến cho mình những cái cung bậc cảm xúc vô cùng tuyệt vời. Có những thời điểm tôi cảm thấy là mình đã làm được những điều rất có ích cho xã hội.

Đó là khi tôi hoàn thành một công trình xử lý nước thải vận hành tốt, ổn định, đạt quy chuẩn khiến chủ đầu tư và người dân cảm thấy hài lòng. Những lúc như vậy thì tôi cảm nhận được sự hạnh phúc và niềm tự hào đang trào dâng trong trái tim. Đấy chính là nguồn động lức giúp tôi gắn bó với nghề.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thủy

  • Giảng viên ngành Kỹ thuật môi trường, Khoa Kỹ thuật môi trường và Môi trường đô thị, Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội.
  • Theo học ngành Công nghệ hóa môi trường tại Đại học Kỹ thuật Quốc gia Volgograd của Nga.
  • Theo học Thạc sĩ chuyên ngành Công nghệ Hóa học và Sinh học tại Đại học Kỹ thuật Quốc gia Volgograd của Nga.
  • Theo học Tiến sĩ chuyên ngành Hóa học tại Đại học Kỹ thuật Quốc gia Volgograd của Nga.
  • Từng nhận bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Xây dựng.
Bạn đang đọc bài viết Tôi từng làm việc 8 tiếng một ngày và ăn nhẹ trên bãi rác…. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể, hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Nguyên đã xử lý, chế biến để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.

Tin mới