Thứ bảy, 20/04/2024 12:35 (GMT+7)

Xử lý rác thải ở đô thị: Nhiều bất cập

MTĐT -  Thứ hai, 20/07/2020 15:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không chỉ với Hà Nội, xử lý rác thải sinh hoạt là vấn đề nhức nhối ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tỷ lệ chôn lấp quá cao gây mất diện tích đất và ô nhiễm thứ cấp.

Tỷ lệ chôn lấp quá cao gây nhiều vấn đề bức xúc. Trong ảnh là bãi chôn lấp rác thải của thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Nguyễn Hoài

Khó thúc đẩy các công nghệ hiện đại

Theo Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT, trung bình mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của nước ta là 25 triệu tấn, trong đó, chỉ 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp. Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.500 tấn, trong đó 90% được chôn lấp. Tỷ lệ này ở TPHCM khoảng 69%.

Theo GS Đặng Thị Kim Chi, chuyên gia hàng đầu về chất thải rắn, Hà Nội nói riêng và các đô thị nói chung phải đẩy nhanh việc giảm tỷ lệ chôn lấp do quỹ đất hạn chế, công nghệ xử lý gây nhiều ô nhiễm thứ phát như ô nhiễm đất, nước, mùi. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh các công nghệ tiên tiến như làm phân compost, đốt rác, đốt rác phát điện đang gặp nhiều khó khăn ở các địa phương.

Hà Nội đang triển khai nhiều dự án đốt rác phát điện như Dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày đêm, Dự án xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn công suất 1.500 tấn/ ngày đêm… Tuy nhiên, theo báo cáo của thành phố, các dự án ưu tiên đầu tư đề xuất đến năm 2020 theo quy hoạch chưa được thực hiện đúng tiến độ, chưa có nhà máy sử dụng công nghệ cao với quy mô lớn đi vào hoạt động.

Nguyên nhân được Hà Nội lý giải là điều kiện khó khăn chung về nguồn vốn ngân sách, việc đầu tư các dự án xử lý chất thải được thành phố định hướng xác định theo hai hình thức đối tác công-tư và xã hội hóa. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà đầu tư theo hai hình thức này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu tiến độ do phải qua nhiều trình tự, thủ tục.

TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nói rằng, hiện có tình trạng khó thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải, nhưng có nhà đầu tư xây dựng nhà máy xong thì lại không có rác thải để phát điện. Theo ông, có nhiều nguyên nhân làm nản lòng nhà đầu tư như thủ tục pháp lý rắc rối, cơ chế ưu đãi không rõ ràng, cơ chế xin-cho bởi chi phí cho xử lý rác thải vẫn do Nhà nước chi trả, các doanh nghiệp xử lý tính rác theo khối lượng để thu tiền. Trong khi đó, việc thu gom bị cắt khúc khiến nhiều nhà đầu tư không có rác để xử lý.

Hạn chế xin-cho, tạo cơ chế thị trường cho rác

GS Đặng Thị Kim Chi cho rằng, bài toán rác thải sinh hoạt cần phải giải tổng thể ở ba khía cạnh là phân loại - thu gom - xử lý, trong đó hai khâu phân loại tại nguồn và công nghệ xử lý là quan trọng nhất, có mối quan hệ mật thiết với nhau. Bà Chi nhấn mạnh, cần xác định được các loại công nghệ khuyến khích áp dụng. Trên cơ sở đó, phân loại, thu gom đồng bộ theo các loại hình công nghệ. Như vậy mới xuyên suốt, thống nhất trong xử lý rác thải. Để làm được việc này, cần cơ chế pháp lý, nguồn lực đầu tư và sự tham gia của cả Nhà nước và người dân.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, trước mắt cần thúc đẩy chính sách người gây ô nhiễm phải trả tiền, người nào xả càng nhiều rác càng phải trả nhiều tiền, tránh bình quân đầu người như hiện nay. Như thế mới có thêm nguồn lực để đầu tư các loại hình công nghệ xử lý rác tiên tiến hơn, đồng thời thúc đẩy người dân vừa hạn chế xả rác vừa phải phân loại rác tại nguồn nhằm tiết kiệm chi phí. Việc phân loại rác tại nguồn có ý nghĩa quan trọng trong tái chế, xử lý rác thải.

Ông Tùng nói: “Thay vì cơ chế xin-cho, cần từng bước tiến tới xã hội hóa trong xử lý rác. Cùng với nguồn vốn từ Nhà nước, người dân cũng tham gia trả tiền trực tiếp cho việc xử lý rác. Khi đó, như ở nhiều quốc gia tiên tiến, người dân có thể chọn nơi cung cấp, dịch vụ xử lý rác, có quyền đòi hỏi dịch vụ tốt hơn. Từ đó, từng bước tạo ra thị trường thu hút các nhà đầu tư phải phục vụ tốt hơn, đầu tư công nghệ hiện đại hơn”.

Theo Nguyễn Hoài/Báo Tiền Phong

Bạn đang đọc bài viết Xử lý rác thải ở đô thị: Nhiều bất cập. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chuyên gia hiến kế giảm ô nhiễm không khí Hà Nội
Tình trạng ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề cấp bách của Hà Nội. Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau “hiến kế” nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí cho Thủ đô.
Truyền thông trong dự án xây dựng sử dụng công nghệ BIM
Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, công nghệ BIM đóng vai trò quan trọng như một công cụ có giá trị để tăng cường sự hợp tác và truyền thông giữa các bên liên quan nhờ vào sự tham gia chặt chẽ của họ trong các giai đoạn từ thiết kế đến xây dựng.

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ