Thứ ba, 19/03/2024 15:05 (GMT+7)

Chất lượng nước ngầm và các mô hình xử lý nước tại các hộ gia đình

PGS.TS Trần Thị Việt Nga;ThS.T -  Thứ sáu, 08/09/2017 08:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chương trình mục tiêu Quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn, 87% dân số nông thôn (tương đương gần 3,3 triệu người) được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 32% dân số

Tóm tắt.
Tại Hà Nội, tính đên hết năm 2013 theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn, 87% dân số nông thôn (tương đương gần 3,3 triệu người) được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 32% dân số (tương đương gần 1,3 triệu người) được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều hộ gia đình sử dụng trực tiếp nước giếng khoan, hoặc tự xử lý nước giếng khoan bằng bể lọc cát, máy lọc nước để có nước dùng cho mục đích sinh hoạt, ăn uống. Nghiên cứu được tiến hành tại các khu vực Thượng Cát, Tây Mỗ, Ngọc Hồi thuộc ngoại thành Hà Nội nhằm mục đích đánh giá chất lượng nước ngầm khai thác từ các hộ gia đình và đánh giá hiệu quả của các mô hình xử lý nước đang áp dụng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tại các khu vực này nước ngầm khai thác tại các hộ gia đình có thể bị ô nhiễm bởi sắt, mangan, amoni và asen, các biện pháp xử lý của các hộ gia đình vẫn còn nhiều điểm hạn chế cần khắc phục để nâng cao chất lượng nước cấp cho người dân.

1. Sự cần thiết của đề tài
Tại Hà Nội, tính đên hết năm 2013 theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 87% dân số nông thôn (tương đương gần 3,3 triệu người) được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 32% dân số (tương đương gần 1,3 triệu người) được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế [1]. Trên thực tế, chỉ có 2% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước đô thị, 7,9% sử dụng từ các công trình cấp nước tập trung nông thôn, còn lại 74,1% dân số phải tự túc lo nước hợp vệ sinh tại hộ gia đình (nguồn). Hình thức khai thác nước chủ yếu của các hộ gia đình là khoan các giếng khai thác nước ngầm ở độ sâu 20 - 30m, bơm lên két nước hoặc bể chứa, sử dụng trực tiếp hoặc qua các hệ thống xử lý nước. Nước ngầm khai thác ở tầng chứa cách mặt đất 20 - 30m thông thường chịu tác động của cấu tạo địa tầng nên chứa nhiều Fe, Mn, As, NH4-N... Theo các nghiên cứu của T.T.V. Nga và cộng sự (năm 2006), M. Berg và cộng sự (năm 2007), P. Q. Nhân và công sự (2008), Winkel (2011), thì một số khu vực nước ngầm Hà Nội bị ô nhiễm đồng thời cả Fe, As và NH4-N. Mức độ ô nhiễm Asen, Amoni cao tập trung chủ yếu tại các khu vực phía Nam của thành phố, nhiều khu vực như Pháp Vân, Nam Dư, Ngọc Hồi có hàm lượng As, Amoni trong nước ngầm cao vượt mức cho phép hàng chục thậm chí hàng trăm lần so với QCVN 09-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất, vượt ngượng giới hạn cho phép của QCVN 02:2009/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt và QCVN 01:2009/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống. Khi sử dụng nước ngầm có hàm lượng Asen và Amoni cao trong thời gian dài có thể gây ngộ độc cho cơ thể, tích lũy trong cơ thể gây ung thư, ảnh hưởng tới trầm trong tới sức khỏe người sử dụng. Các hệ thống xử lý nước tại các hộ gia đình như bể lọc cát, máy lọc nước đang được người dân xây dựng, sử dụng tự phát theo kinh nghiệm, không theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn và không được kiểm soát. Hiệu quả xử lý của các mô hình chưa được kiểm chứng, người dân cũng chưa có thói quen vệ sinh định kì các hệ thống xử lý, việc vận hành quản lý cũng còn nhiều nhiều điểm bất cập, chưa hợp lý. Đặc biệt, các mô hình xử lý hầu như bỏ qua khâu khử trùng. Việc sử dụng nước như vậy ở các hộ gia đình nông thôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong sử dụng nước, có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, công đồng. Do đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đánh giá chất lượng nước ngầm, hiệu quả xử lý của các bể lọc cát, máy lọc nước đang được sử dụng tại khu vực Thượng Cát, Tây Mỗ và Ngọc Hồi - khu vực ngoại thành của thành phố Hà Nội, từ đó đưa ra các khuyến cáo cho người dân trong việc xử lý, sử dụng nước phù hợp cho các mục đích.

Hình 1. Ô nhiễm Asen trong nước ngầm của khu vực lưu vực sông Hồng
Nguồn: Winkel và công sự. 2011

Hình 2. Phân bố các khu vực ô nhiễm Amoni và Asen tại khu vực Hà Nội
Nguồn: Berg và cộng sự, 2007

2. Khu vực và đối tượng nghiên cứu

Hình 3. Vị trí các khu vực nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, lấy mẫu, đánh giá chất lượng nước giếng khoan tại các hộ gia đình, đánh giá chất lượng nước qua bể lọc cát và qua hệ thống máy lọc nước. Các mẫu nước được lấy trong các chai nhựa 0,5 lít, được bảo quản lạnh, chúng tôi đã tiến hành lấy 48 mẫu nước giếng khoan (trong đó 14 mẫu tại Thượng Cát, 16 mẫu tại Tây Mỗ và 18 mẫu tại Ngọc Hồi), 12 mẫu nước sau các bể lọc cát và 10 mẫu nước sau máy lọc nước hộ gia đình. Các thông số pH, EC, ORP được đo tại hiện trường bằng máy đo cầm tay của Hatch, trong khi đó các thông số tổng hàm lượng Fe, Amoni, As, Mn được tiến hành đo đạc tại phòng thí nghiệm, chúng tôi sử dụng các phương pháp chuẩn xét nghiệm nước và nước thải (SMEWW), các tiêu chuẩn tương đương của Việt Nam (TCVN) để phân tích và sau đó các kết quả sẽ được so sánh với các quy chuẩn dùng nước hiện tại là QCVN 02:2009/BYT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng cấp cho sinh hoạt và QCVN 01:2009/BYT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước cấp cho ăn uống.


3. Các kết quả thu được
3.1. Chất lượng nước giếng khoan tại khu vực nghiên cứu
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành lấy mẫu nước tại 48 giếng khoan tại các hộ gia đình. Các giếng có độ sâu trung bình từ 18 - 48m độ sâu trung bình là 27m, chủ yếu khai thác nước ngầm mạch trung ở tầng chứa Holocene. Các kết quả cho thấy ở các xã khác nhau (các khu vực khác nhau) chất lượng nước ngầm khai thác tại các giếng khoan hộ gia đình có sự khác nhau tương đối rõ rệt thể hiện tại bảng 2.

Bảng 1. Kết quả đo đạc tính chất nước giếng khoan tại các khu vực

1.a. Số liệu đo được tại Thượng Cát

1.b. Số liệu đo được ở tại Tây Mỗ

1.c. Số liệu đo được ở tại Ngọc Hồi

Trong đó: GTTB- Giá trị trung bình; GTLN-Giá trị lớn nhất; GTNN-Giá trị nhỏ nhất; QCVN 02- Giá trị cho phép trong QCVN 02:2009/BYT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước cấp cho sinh hoạt, do Bộ Y Tế ban hành năm 2009)

Hàm lượng Sắt và Asen trong mẫu nước ngầm tại khu vực nghiên cứu
Nồng độ sắt trong mẫu nước ngầm tại Thượng Cát là nhỏ nhất, giao động từ 0,01 - 1,4 mg/l, với giá trị trung bình là 0,19 mg/l < 0,5 mg/l là giá trị cho phép trong QCVN02:2009/BYT. Tại Tây Mỗ và Ngọc Hồi, nồng độ Sắt trong mẫu nước trung bình luôn vượt quá ngưỡng 0,5 mg/l. Ở Tây Mỗ, nồng độ trung bình là 14,56 mg/l gấp 29 lần giá trị cho phép, khoảng giao động là 5,34 - 23,83 mg/l. Ở Ngọc Hồi, nồng độ Sắt trong nước trung bình là 16,84 mg/l gấp gần 33,7 lần giá trị cho phép, khoảng giao động là 5,40 - 44,30 mg/l (Xem Hình 4).

Hình 4. Nồng độ Sắt và Asen trong nước ngầm ở 3 xã
Ghi chú: TC - Thượng Cát, TM - Tây Mỗ, NH - Ngọc Hồi

Asen là nguyên tố kim loại nặng và có tính độc, sử dụng nước nhiễm Asen có thể gây ra các bệnh ung thư, nở noét, viêm da... Nồng độ Asen trong mẫu nước ngầm ở 3 khu vực có sự khác nhau rõ rệt. Ở Thượng Cát nồng độ Asen trong nước tương đối thấp, với giá trị trung bình là 0,53 μg/l nhỏ hơn giá trị cho phép là 10 - 50 μg/l trong QCVN02:2009/BYT, khoảng giá trị là từ 0,12 - 3,36 μg/l, tất cả các mẫu đo đạc đều có giá trị Asen nằm trong khoảng cho phép. Tại Tây Mỗ và Ngọc Hồi, nồng độ Asen trong nước cao hơn rất nhiều. Ở Tây Mỗ, nồng độ trung bình là 44,25 μg/l, khoảng giao động là 13,00 - 106,10 μg/l, tất cả các mẫu đều có nồng độ Asen vượt ngưỡng 10 μg/l, có 6/16 mẫu có nồng độ Asen lớn hơn 50 μg/l. Ở Ngọc Hồi, nồng độ Asen trong nước trung bình là 97,63 μg/l cao gần gấp 2 lần giá trị cao nhất cho phép trong QCVN02/2009/BYT, khoảng giao động là 17,15 - 304,70 μg/l, tất cả các mẫu đều có nồng độ Asen vượt ngưỡng 10 μg/l, có 11/18mẫu có nồng độ Asen lớn hơn 50 μg/l, trong đó có 4/18 mẫu có nồng độ Asen ở mức rất cao lớn hơn 180 μg/l, đặc biệt có mẫu nồng độ Asen lên đến trên 300 μg/l gấp 6 lần giá trị lớn nhất cho phép trong QCVN02/2009/BYT.

 Về hàm lượng Mangan và Amoni trong nước ngầm khu vực nghiên cứu
Nồng độ mangan trung bình trong mẫu nước ngầm ở cả 3 khu vực đều vượt trên mức giới hạn cho phép là 0,3 mg/l. Ở Thượng Cát là lớn nhất, giao động từ 0,50 - 5,34 mg/l, với giá trị trung bình là 1,74 mg/l gấp 5,8 lần giá trị cho phép trong QCVN01:2009/BYT. Tại Tây Mỗ và Ngọc Hồi, nồng độ mangan trong nước trung bình nhỏ hơn, nằm sát ngưỡng 0,3 mg/l. Ở Tây Mỗ, nồng độ trung bình là 0,45 mg/l, khoảng giao động là 0,11 - 0,85 mg/l. Ở Ngọc Hồi, nồng độ mangan trong nước trung bình là 0,64 mg/l, khoảng giao động là 0,09 - 1,17 mg/l.


Phân bố Amoni trong các mẫu nước ngầm tại khu vực nghiên cứu có sự khác nhau tương đối rõ rệt. Nồng độ Amoni trong nước ngầm ở Thượng Cát là nhỏ nhất, giao động từ 0,26 - 4,12 mg/l, với giá trị trung bình là 1,67 mgN/l, nhỏ hơn giá trị cho phép trong QCVN02:2009/BYT là 3,00 mgN/l. Tại hai xã còn lại là Tây Mỗ và Ngọc Hồi, nồng độ Amoni trong nước trung bình đều vượt ngưỡng 3,00 mgN/l. Ở Tây Mỗ, nồng độ trung bình là 5,55 mg/l gấp gần hai lần giá trị cho phép, khoảng giao động là 0,92 - 11,90 mg/l, có tới 9/16 mẫu có nồng độ Amoni > 3,00mg/l. Ở Ngọc Hồi, nồng độ Amoni trong nước cao hơn hẳn hai xã trên, trung bình là 14,32 mg/l gấp gần 5 lần giá trị cho phép, khoảng giao động là 1,70 - 49,90 mgN/l, có tới 16/18 mẫu có nồng độ Amoni vượt quá ngưỡng cho phép là 3 mgN/l.

Hình 5. Nồng độ Mangan trong nước ngầm ở 3 xã
Ghi chú: TC - Thượng Cát, TM - Tây Mỗ, NH - Ngọc Hồi

 3.2 Hiệu quả xử lý của bể lọc cát và máy lọc nước hộ gia đình
Nước ngầm từ giếng khoan được các hộ gia đình sử dụng bể lọc cát và máy lọc nước để xử lý, nước sau lọc cát được sử dụng cho sinh hoạt, trong khi đó các hộ tiếp tục dùng máy lọc nước để xử lý nước sau lọc cát cấp để sử dụng cho mục đích ăn uống. Sơ đồ sử dụng nước được mô tả tại hình 6

 Qua việc lấy mẫu nước trước, sau lọc cát và sau máy lọc nước của 12 hộ gia đình sử dụng bể lọc cát và trong đó có 10 hộ có thiết bị lọc, phân tích tại phòng thí nghiệm ta thu được kết quả sau:
- Hiệu quả xử lý Sắt

Hình 7. Nồng độ Fe trong nước ngầm, nước sau lọc cát, nước sau lọc RO và hiệu suất xử lý

Kết quả phân tích cho thấy, hiệu quả xử lý Sắt của bể lọc cát rất cao, trung bình đạt >90%, các giá trị nồng độ Sắt còn lại trong nước sau bể lọc cát đều nằm trong khoảng cho phép của QCVN02/2009/BYT là thấp hơn 0,5 mg/l. Nồng độ Sắt trong nước sau khi lọc qua máy RO là rất nhỏ, gần như bằng 0 mg/L, hiệu quả xử lý Sắt của máy lọc gần như đạt hiệu xuất 100%, đảm bảo yêu cầu chất lượng nước ăn uống theo QCVN01/2009/BYT (thấp hơn 0,3 mg/l).


- Hiệu quả xử lý Asen
Hiệu quả xử lý Asen của bể lọc cát cũng tương đối cao, trung bình là 75%, giao động từ 50% - 95%, 9/12 mẫu nước sau lọc cát có hàm lượng Asen nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 02:2009/BYT, trong đó, 5/12 mẫu có hàm lượng Asen <10 µg/L và 4/12 mẫu có hàm lượng Asen nằm trong khoảng 10-50 µg/L, chỉ có 3/12 mẫu có hàm lượng Asen >50 µg/L nằm ngoài khoảng giá trị cho phép của QCVN 02:2009/BYT. Các mẫu 2, 4, 7, 8 là những mẫu có hiệu suất xử lý asen thấp, đây là những mẫu có hàm lượng Asen cao trong khi hàm lượng Fe thấp, có tỉ lệ hàm lượng As/Fe rất cao so với các mẫu khác. Trong khi đó các mẫu còn lại có tỷ lệ giữa hàm lượng As/Fe thấp hơn hiệu quả xử lý Asen cao hơn đáng kể. Điều này có thể cho thấy hiệu quả xử lý Asen của bể lọc cát có bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ giữa hàm lượng As so với hàm lượng Fe trong nước.

Hình 8. Nồng độ As trong nước ngầm, nước sau lọc cát, nước sau lọc RO và hiệu suất xử lý

Nồng độ Asen trong nước sau khi lọc qua máy RO là rất nhỏ, nằm trong khoảng từ 0-1 µg/L, hiệu quả xử lý Asen của máy lọc đạt hiệu xuất từ 98 - 100%. Giá trị Asen sau lọc luôn nằm trong khoảng giá trị cho phép của QCVN 01:2009/BYT.


- Hiệu quả xử lý Amoni
Hiệu quả xử lý Amoni của bể lọc cát là không cao, hiệu xuất xử lý trung bình đạt <50%, chỉ có 4/12 mẫu Amoni sau lọc cát nằm trong khoảng cho phép của QCVN 02:2009/BYT, 8/12 mẫu còn lại Amoni trong nước đều vượt quá giới hạn cho phép QCVN 02:2009/BYT. Sự thay đổi nồng độ Amoni trong nước chưa hẳn do Amoni được giữ lại trong lớp cát lọc, mà nhiều khả năng do Amoni đã bị chuyển đổi sang dạng khác sau quá trình làm thoáng trên bề mặt bể lọc tại các hộ gia đình.
Sau khi lọc qua máy lọc RO, tất cả các mẫu nồng độ Amoni đều nằm trong khoảng cho phép của QCVN 01:2009/BYT. Hiệu quả xử lý rất tốt, hiệu suất đạt từ 85 - 100%.

Hình 9. Nồng độ NH4-N trong nước ngầm, nước sau lọc cát, nước sau lọc RO và hiệu suất xử lý

- Hiệu quả xử lý Colifrom
Sau lọc cát, chỉ số Coliform trong nước vẫn còn tương đối cao, có đến 11/12 mẫu chỉ số này nằm ngoài khoảng cho phép của QCVN 02:2009/BYT. Như vậy có thể thấy bể lọc cát không có tác dụng trong việc loại bỏ coliform, vi khuẩn.
Chỉ số Coliform của nước sau khi lọc qua máy RO cũng tương đối thấp, có 5/10 mẫu có Coliform = 0 vk/100ml, 3/10 mẫu có Coliform nằm trong khoảng từ 1-10 vk/ml, 2/10 mẫu Coliform nằm trong khoảng 20-40vk/100ml. Giá trị chỉ số Coliform của tất cả các mẫu đều nằm trong khoảng cho phép của QCVN 02:2009/BYT cho thấy máy lọc có thể loại bỏ được vi trùng, vi khuẩn. Tuy nhiên ½ số mẫu, chỉ tiêu coliform vẫn nằm ngoài khoảng cho phép của QCVN 01:2009/BYT, chưa đảm chất lượng nước cấp trực tiếp cho ăn uống, nguyên nhân có thể do việc sử dụng màng lọc quá lâu dẫn tới việc lọt vi khuẩn qua màng.


4. Kết luận & Nhận xét:
Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy nước giếng khoan khai thác tại các hộ gia đình tại các khu vực nghiên cứu đều bị ô nhiễm bới Sắt, Asen và Amoni, tuy nhiên tùy thuộc vị trí của từng khu vực mà mức độ ô nhiễm nặng nhẹ khác nhau. Khu vực Thượng Cát nằm ở phía Tây Bắc của Hà Nội, có chất lượng nước ngầm khai thác tương đối tốt, nồng độ Sắt, Asen, Amoni tương đối thấp nằm dưới và trong khoảng giá trị của QCVN 02:2009/BYT, tuy nhiên nồng độ mangan lại hơi cao hơn giá trị cho phép một chút. Môi trường nước dưới đất là môi trường oxi hóa. Khu vực Tây Mỗ nằm ở phía Tây của Hà Nội, khu vực nước ngầm có nồng độ Sắt cao vượt ngưỡng giá trị cho phép nhiều lần, đây cũng là khu vực nước ngầm có nồng độ Asen và Amoni vừa phải nằm trong và vượt ngưỡng khoảng giá trị cho phép của QCVN 02:2009/BYT một ít. Môi trường nước dưới đất là môi trường khử. Xã Ngọc Hồi nằm ở phía Nam của Hà Nội, xã nằm trong khu vực nước ngầm có nồng độ Sắt, Amoni và Asen cao vượt ngưỡng giá trị cho phép của QCVN 02:2009/BYT nhiều lần. Môi trường nước dưới đất là môi trường khử. Như vậy các kết quả nghiên cứu một lần nữa khẳng định khu vực phía Nam của Hà Nội là khu vực ô nhiễm Asen và Amoni nặng nhất so với các khu vực khác của Hà Nội.
Bể lọc cát có khả năng xử lý tốt Sắt trong nước giếng khoan với hiệu suất xử lý cao trên 90%, hiệu quả xử lý Asen ở mức khá, hiệu xuất trung bình khoảng 70%, hiệu quả xử lý Asen của bể lọc cát phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ hàm lượng As/Fe, có 25 % số mẫu nước sau bể có hàm lượng As cao hơn giá trị cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt QCVN 02:2009/BYT. Bể lọc cát không hiệu quả trong việc xử lý Amoni trong nước ngầm, hiệu xuất xử lý khoảng 40 - 50 %, có tới 67% mẫu nước sau bể lọc cát hàm lượng Amoni vượt ngưỡng giá trị cho phép của QCVN 02:2009/BYT. Bể lọc cát không loại bỏ được vi trùng vi khuẩn.
Máy lọc nước hộ gia đình có hiệu quả cao trong việc xử lý Sắt, Asen, Amoni trong nước ngầm, nước sau xử lý có hàm lượng các chỉ tiêu này đều đảm bảo giới hạn cho phép của QCVN 01:2009/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống. Tuy nhiên có tới 50 % số mẫu sau máy lọc còn có sự hiện diện của Coliform, việc sử dụng máy lọc trong suốt thời gian dài, không thay thế màng lọc đình kỳ, làm tích tụ cặn bẩn trên màng lọc dẫn tới rò rỉ cặn bận, vi trùng, vi khuẩn qua màng, vì thể vẫn còn tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.
Việc xử lý nước tại các hộ gia đình hiện nay đều không có khâu khử trùng, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn khi sử dụng nước trực tiếp. Các hộ gia đình tự túc trong việc khai thác sử dụng nước ngầm cần có các hiểu biết cơ bản về chất lượng nước, cần định kỳ 3 - 6 tháng tiến hành gửi mẫu để đánh giá chất lượng sinh hoạt và ăn uống./.



TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Báo cáo kết quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn năm 2013.
2. Bộ Y Tế. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống. QCVN 01:2009/BYT.
3. Bộ Y Tế. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt. QCVN 02:2009/BYT.
4. Phạm Quý Nhân và các cộng sự. Nguồn gốc và sự phân bố Amoni và Asenic trong các tầng chứa nước Đồng bằng sông Hồng, 2008.
5. Michael Berg; Arsenic Contamination of Groundwater and Drinking Water in Vietnam: Geochemical Investigation and Mitigation Measures.2007.
6. Michael Berg, Pham Thi Kim Trang, Caroline Stengel, Johanna Buschmann, Pham Hung Viet, Water Giger, Doris Stuben; Hydrological and Sedimentary Controls to Arsenic Contamination of Groundwater in the Hanoi Area, Vietnam: The Impact of Iron-Arsenic Rations, Peat, River Bank Deposits, and Excessive Groundwater Abstraction. Chemical Geology 6/2007.
7. Nga, T. T.V, Takizawa S. Natural occurrence of arsenic in the organic-rich aquifer in Hanoi City: sources and mobilization processes. In: H. Furumai (Ed), Southeast Asian Water Environmen. IWA Publishing 2006
8. Lenny H. E. Winkela, Pham Thi Kim Trang, Vi Mai Lan, Caroline Stengel, Manouchehr Amini,
Nguyen Thi Ha, Pham Hung Viet, and Michael Berg; Arsenic pollution of groundwater in Vietnam exacerbated by deep aquifer exploitation for more than a century; 1246–1251 ∣ PNAS ∣ January 25, 2011 ∣ vol. 108 ∣ no. 4.

PGS.TS Trần Thị Việt Nga;ThS.Trần Hoài Sơn; CN.Nguyễn Thúy Liên
Khoa Kỹ thuật Môi trường. Trường Đại học Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Chất lượng nước ngầm và các mô hình xử lý nước tại các hộ gia đình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tái tạo rừng sau động đất: Một quá trình đầy thách thức
Sau mỗi trận động đất, các khu vực rừng phải mất thời gian lên tới hàng thập kỷ để phục hồi hoàn toàn. Vì vậy cần thiết phải quản lý rủi ro để bảo vệ môi trường, tài nguyên rừng hiệu quả sau trước và sau các thảm hoạ địa chất.

Tin mới

Bài thơ: Im lặng để mất nhau
Anh im lặng , em cũng sẽ lặng im////Dù con tim hình bóng anh khuất lấp///Niềm nhớ thương dành cho anh duy nhất///Cũng im lìm chẳng nhắn gọi anh đâu...
Bài thơ: Lòng cỏ
Đôi khi lòng đau như cỏ///Vết chân vô ý lướt qua,///Có khi lòng vui như cỏ///Bàn chân mềm mại thướt tha.