Thứ ba, 19/03/2024 14:27 (GMT+7)

Phát triển thiếu bền vững khi chưa có NM xử lý nước thải tập trung

MTĐT -  Thứ tư, 23/12/2020 17:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển các khu công nghiệp được xem là giải pháp trọng tâm, bước đột phá trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Cà Mau.

Tuy nhiên, bên cạnh việc làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông, tăng cường thu hút đầu tư… thì việc xây dựng hệ thống nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, do chưa có nguồn lực. Từ đó tác động không nhỏ đến mời gọi đầu tư.

Nhà máy Xử lý khí Cà Mau được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng trên vùng dự án Khu công nghiệp Khánh An, hoạt động rất hiệu quả, tuy nhiên vẫn phải xử lý nước thải riêng lẻ, tất yếu ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị.

Các khu công nghiệp được thành lập và phát triển với mục đích tập trung phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tập trung các nguồn phát thải ô nhiễm vào các khu vực nhất định, nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu quả quản lý nguồn thải và bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, việc chưa đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp: Khánh An, Hòa Trung, Sông Đốc không những ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ môi trường tại đây, mà còn gây tác động đến công tác bảo vệ môi trường của tỉnh.

Thấy được thực trạng trên, năm 2017, Cà Mau đã có đề xuất Dự án “Khu xử lý nước thải tập trung các khu công nghiệp: Khánh An, Hòa Trung và Sông Đốc - tỉnh Cà Mau”, nguồn kinh phí từ vay vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hungary, giai đoạn 2019 - 2022, với tổng vốn vay trên 20 triệu Euro, cùng với đó là nguồn đối ứng của địa phương gần 54 tỷ đồng để thực hiện các nhà máy xử lý nước thải tập trung, tổng công suất 25.668m3/ngày đêm. Cụ thể, tại Khu công nghiệp Khánh An sẽ hình thành nhà máy xử lý nước thải có công suất 8.280m3/ngày đêm, Khu công nghiệp Hòa Trung là 11.500 m3/ngày đêm và Khu công nghiệp Sông Đốc là 5.888m3/ngày đêm. Tiếp đó, ngày 30/7/2019, một lần nữa Cà Mau có công văn đề xuất Chính phủ xem xét thực hiện Dự án này với tổng mức đầu tư dự kiến 540 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2024.

Tính cấp thiết xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tại các khu công nghiệp là thế, tuy nhiên, theo ông Lê Minh Ái - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế của tỉnh, đến nay vẫn chưa có thông tin gì về sự chấp thuận thực hiện dự án này, Ban đã đề xuất bổ sung Danh mục các dự án vốn nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện trong thời gian tới.

Lũy kế đến nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế có 35 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực, vốn đăng ký 16.987,3 tỷ đồng (trong đó có 2 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 1.885,6 tỷ đồng; 33 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 15.101,7 tỷ đồng); 22 dự án đang hoàn thành và đi vào hoạt động; 8 dự án đang triển khai đầu tư…
Do chưa quy hoạch nhà máy xử lý nước thải tập trung, nên các cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp Hòa Trung phải tự xây dựng hệ thống xử lý nước thải và ngành chức năng rất khó trong kiểm soát vấn đề xả thải theo quy định.

Do chưa quy hoạch nhà máy xử lý nước thải tập trung, nên các cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp Hòa Trung phải tự xây dựng hệ thống xử lý nước thải và ngành chức năng rất khó trong kiểm soát vấn đề xả thải theo quy định.

Một thực tế kéo dài trong thời gian qua là tình hình ô nhiễm môi trường, Khu công nghiệp Hòa Trung (huyện Cái Nước) luôn là “điểm nóng”. Hiện, khu vực này đã có mặt bằng sạch 50ha, được quy hoạch xây dựng nhà máy nước thải tập trung cho toàn khu. Trong khi chờ nguồn vốn thực hiện, ngành chuyên môn và chính quyền phải thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở các nhà máy tăng cường kiểm soát ô nhiễm và xử lý triệt để về ô nhiễm bụi, khí thải ra môi trường. Do chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, các cơ sở sản xuất phải tự xây dựng hệ thống nên hoạt động, cũng như xả nước thải xử lý không đạt Quy chuẩn kỹ thuật môi trường, rất khó kiểm soát. Tại Khu công nghiệp Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), bên cạnh chưa hoàn thiện về hạ tầng, trong đó có nhà máy xử lý nước thải tập trung, nên việc thu hút các nhà máy chế biến vào một khu vực gặp rất nhiều khó khăn, phần lớn đang nằm rải rác, ven tuyến sông nên hoạt động xả thải chưa thể kiểm soát triệt để, làm cho tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn luôn diễn biến phức tạp.

Tại Khu công nghiệp Khánh An (huyện U Minh), hạ tầng cơ bản đảm bảo, thuận lợi, nhiều cơ sở sản xuất với quy mô lớn đã đi vào hoạt động, cùng với đó là nhiều dự án đang triển khai, đã đăng ký đầu tư… nhưng hiện cũng chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đây thực sự là điều bất hợp lý, nhất là trong khâu thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và Cà Mau nói riêng, phải luôn gắn liền với công tác bảo vệ sức khỏe và môi trường sống của cộng đồng. Đây là vấn đề rất quan trọng, đã và đang được sự quan tâm của toàn xã hội, trong đó, công tác xử lý môi trường tại các khu công nghiệp là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Từ đó, việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung cho các khu công nghiệp tại Cà Mau là vấn đề bức xúc, mang tính quyết định đến môi trường đầu tư, đảm bảo phát triển bền vững của địa phương.

Dự án Nhà máy Xử lý nước thải tập trung dự kiến bao gồm các hạng mục: Bể xử lý, hệ thống thoát nước thải sau xử lý, đường ống dẫn nước thải về bể xử lý, lắp đặt thiết bị nhà máy xử lý, hệ thống điện động lực nhà máy xử lý, nhà làm việc, nhà đặt máy phát điện dự phòng và nhà xe, nhà đặc bồn hóa chất, nhà vận hành, đường ống thoát nước thải sau xử lý ra nguồn tiếp nhận, hệ thống đường ống thu gom nước thải sản xuất của các nhà máy.

Theo Trần Nguyên/baoanhdatmui.vn

Bạn đang đọc bài viết Phát triển thiếu bền vững khi chưa có NM xử lý nước thải tập trung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tái tạo rừng sau động đất: Một quá trình đầy thách thức
Sau mỗi trận động đất, các khu vực rừng phải mất thời gian lên tới hàng thập kỷ để phục hồi hoàn toàn. Vì vậy cần thiết phải quản lý rủi ro để bảo vệ môi trường, tài nguyên rừng hiệu quả sau trước và sau các thảm hoạ địa chất.
Xây dựng, phát triển TOD theo mô hình 3 cấp độ
3 cấp độ xây dựng, phát triển mô hình TOD gồm cấp vùng, cấp đô thị và cấp điểm. Nguyên tắc quy hoạch dựa trên trục xương sống là đường sắt đô thị và ưu tiên thúc đẩy đi bộ.

Tin mới