Thứ bảy, 20/04/2024 01:00 (GMT+7)

Châu Á 'xoay vần' tìm lợi nhuận trong thách thức rác thải nhựa

MTĐT -  Thứ hai, 17/02/2020 15:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tờ Bloomberg đưa tin, châu Á hiện tiêu thụ gần một nửa số lượng các đồ đóng gói bằng chất liệu nhựa trên thế giới và thậm chí còn nhập khẩu thêm rác thải từ Mỹ và châu Âu.

"Hàng năm có khoảng 8 triệu tấn nhựa bị thải ra đại dương", Chủ tịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn Dow Chemical Jon Penrice từng chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn. "Đó là số lượng nhựa trị giá tới 100 tỷ USD và nó có giá trị đối với các doanh nghiệp".

Nhiều giải pháp đã được đưa ra để tái sử dụng nhựa thải. Thách thức lớn nhất trong quá trình thay đổi chính là làm sao tái chế nhựa ở chi phí và chất lượng cạnh tranh. Nhựa nguyên chất làm từ dầu thô và có liên hệ chặt chẽ với giá dầu toàn cầu. Do chi phí tái chế nhựa khá ổn định nên khi giá dầu giảm, nó sẽ trở nên đắt đỏ hơn.

Sự phức tạp trong việc phân loại các loại nhựa khác nhau là một khó khăn khác, cũng như xử lý chất thải tại nguồn thay vì đưa tới các địa điểm khác và tạo ra nhiều khí thải carbon hơn. Chuyên viên chính tại Công ty Tài chính Quốc tế của Ngân hàng thế giới Navneet Chadha cho rằng, cần phải coi nhựa đã sử dụng là một tài nguyên chứ không phải là rác thải. Tuy nhiên, theo ông, tiêu chuẩn cho các sản phẩm tái chế cần phải được nâng cao để tránh "các hậu quả ngoài dự kiến". Ví dụ, sử dụng nhựa trong xây dựng đường xá nên được đánh giá cẩn trọng hơn vì khi con đường xuống cấp có thể khiến phát sinh các hạt siêu vi nhựa.

Sau đây là một số biện pháp tái chế rác thải nhựa đang được thực hiện tại châu Á:

Rudi Hartono đóng giả làm Người nhện khi thu nhặt rác trên một bãi biển ở Pare-Pare, tỉnh Nam Sulawesi, Indonesia (ảnh: AFP)

Tái chế theo cách truyền thống

Rác thải nhựa thường được tái sử dụng thông qua thu thập và phân loại, sau đó làm tan chảy theo một quy trình gọi là tái chế cơ học. Một phần vấn đề là rất nhiều rác thải còn dính thực phẩm hoặc chất hóa học và không thể được biến đổi thành nguyên vật liệu thô với chi phí thấp.

"Thách thức lớn nhất là chất lượng của nhựa tái chế", ông Jean-Marc Boursier, CEO của Tập đoàn SUEZ – một trong những công ty tái chế lớn nhất thế giới nói. "Các công ty hàng hóa tiêu dùng lớn như Danone, Pepsi và Coca-Cola sẽ không mua nhựa tái chế trừ khi họ tin rằng, chất lượng nhựa tái chế tốt như nhựa nguyên chất".

SUEZ có 9 nhà máy trên thế giới có thể biến 450.000 tấn nhựa phế thải thành 136.000 tấn polymer – chuyên được sử dụng để làm chai đựng dầu gội đầu, nội thất ô tô và các sản phẩm khác. Trong năm nay, công ty sẽ mở nhà máy tái chế nhựa đầu tiên tại châu Á đặt ở Thái Lan.

Aerogel

Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore đã phát triển một phương pháp để biến đổi rác thải nhựa giá trị thấp thành aerogel – một vật liệu siêu nhẹ được dùng để sản xuất mọi thứ từ lõi bỉm trẻ em cho tới làm sạch vết dầu.

Khoảng 8 chai nước nhựa có thể làm ra một mét vuông aerogel theo phương pháp trên. Các nhà nghiên cứu đã bán quyền sản xuất thương mại cho một số công ty, bao gồm cả Bronxculture tại Singapore và DPN Aerogel JSC tại Việt Nam.

"Mọi người ném chai nhựa đi vì họ không nhìn thấy bất kỳ giá trị nào", một đại diện của nhóm nghiên cứu cho hay. "Chừng nào chúng ta có thể khiến nó trở nên giá trị, mọi người sẽ giữ và bán nó".

Một người phụ nữ cầu nguyện bên trong một giáo đường làm hoàn toàn từ nhựa tái chế ở Nam Tangerang, Indonesia (ảnh: DPA)

Đường cao tốc

Sử dụng rác thải nhựa để xây dựng đường xá đang ngày càng trở nên phổ biến. Các tập đoàn như Dow Chemical và Reliance Industries đã phát triển các công nghệ sử dụng nhiều loại nhựa khác nhau, bao gồm cả loại giấy nhựa đóng gói nhiều lớp khó tái chế thường để bọc chocolate và giao thực phẩm.

Reliance Industries của tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani đã xây dựng 40km đường với vật liệu nhựa không thể tái chế. Theo CEO Vipul Shah, tập đoàn cũng đang thảo luận với Cơ quan Đường Cao tốc Quốc gia Ấn Độ và các nhà thầu khác để nhân rộng công nghệ ở nhiều dự án hơn.

Trong khi đó, tập đoàn lọc dầu lớn nhất Ấn Độ Indian Oil Corp. cũng đang cố gắng thuyết phục chính phủ đưa việc sử dụng nhựa không tái chế trong xây dựng đường xá thành quy định bắt buộc. Còn từ Philippines, tập đoàn San Miguel Corp đã tiến hành các dự án xây đường với vật liệu nhựa ở cả Ấn Độ, Indonesia, Việt nam và Mỹ.

"Từ góc độ công nghệ khá là đơn giản: anh xé nhỏ rác thải nhựa, phân loại, lựa chọn và sau đó cho nó vào một cỗ máy", Chủ tịch Jon Penrice của tập đoàn Dow Chemical nói. "Khoảng 100 tấn nhựa rác thải có thể được tái chế thành 40km đường".

Nhựa được sử dụng làm hộp đựng thực phẩm tại một khu chợ đêm ở Bangkok, Thái Lan (ảnh: getty)

Dệt may

Chai nhựa bỏ đi có thể được dùng để sản xuất vật liệu polyester trong may mặc, và công nghệ này đang ngày càng phổ biến tại châu Á. Reliance Industries đã chế tạo các máy tự động thu thập chai lọ nhựa đã dùng để đổi lấy các phiếu giảm giá dành cho khách hàng.

Tập đoàn Ấn Độ có thể tái chế khoảng 2 tỷ chai nhựa mỗi năm tương đương 33.000 tấn và đó chưa phải là mục tiêu năng suất cao nhất mà tập đoàn hướng tới trong tương lai gần.

Gạch

Một số tổ chức phi chính phủ và công ty đang bắt đầu tìm các biện pháp để tận dụng nhựa phế thải làm thành gạch và các vật liệu xây dựng khác. Qube, một start-up Ấn Độ đã phát triển một loại gạch làm hoàn toàn từ nhựa rác thải có tên gọi là PlaticQube. Nó được quảng cáo rẻ hơn và tốn ít năng lượng hơn trong quá trình sản xuất hơn các loại gạch thông thường.

Tái chế hóa học

Chuyển nhựa phế thải thành nguyên liệu cho máy móc hay còn gọi là quá trình pyrolysis, có thể tái xử lý các loại nhựa bẩn, bị nhiễm khuẩn và không thể xử lý bằng tái chế cơ học.

Theo Bloomberg, tới năm 2030, pyrolysis có thể cung cấp khoảng 17% trong nhu cầu 17 triệu tấn nhựa tái chế của các nền kinh tế lớn.

"Tái chế cơ học sẽ tiếp tục rẻ hơn", CEO Boursier của tập đoàn SUEZ nói. "Nhưng đối với nhựa tổng hợp hoặc nhựa nhiễm khuẩn, tái chế hóa học sẽ là tương lai".

Theo Tổ quốc

Bạn đang đọc bài viết Châu Á 'xoay vần' tìm lợi nhuận trong thách thức rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...