Thứ sáu, 29/03/2024 03:45 (GMT+7)

RTN 11: Xách làn và mang bát đi chợ, tại sao không?

MTĐT -  Thứ sáu, 01/11/2019 16:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sử dụng túi nilong đi chợ đã trở thành thói quen khó bỏ của đa phần người nội trợ. Thói quen này đã xả ra môi trường hàng triệu túi nilong mỗi ngày.

Sử dụng túi nilong đi chợ đã trở thành thói quen khó bỏ của đa phần người nội trợ. Thói quen này đã xả ra môi trường hàng triệu túi nilong mỗi ngày, và phải mất hàng trăm triệu năm túi nilong mới bị phân hủy. Thay đổi được thói quen này trong dân, chắc chắn Việt Nam sẽ thoát ra khỏi top những nước xả thải chất thải nhựa ra biển.

Mô hình đáng nhân rộng

Phường Trúc Bạch, quận Ba Đình là một nơi đông dân cư, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cao vì vậy mà từ trước tới nay lượng rác thải nilong thải ra cũng rất lớn. Khoảng một năm trở lại đây, với sự tuyên truyền và thí điểm mô hình xách làn đi chợ của Hội Phụ nữ phường, lượng rác thải từ nilong đã được giảm hẳn ở phường Trúc Bạch. Chị Loan, một giáo viên sinh sống ở phường Trúc Bạch cho biết “khi đi chợ đã dùng các hộp đựng có đánh dấu bằng các chữ cái như C là để đựng đồ chín, S dùng đựng đồ tươi sống, R là đựng rau... tất cả bỏ chung vào làn lớn mang về sẽ hạn chế được 6 7 túi nilon mỗi lần đi chợ”.

Việc làm nhỏ những lợi ích lớn này đã lan rộng ra các bà nội trợ ở phường Trúc Bạch, tiểu thương ở các chợ trên địa bàn phường cũng đã quen với việc đựng thực phẩm vào trong hộp cho khách thay bằng túi nilon.

Xách làn đi chợ hạn chế túi nilong. 

Không thể phủ nhận sự tiện lợi của túi nilon khi có thể xách dễ dàng, treo vào móc xe máy, dùng xong chỉ việc bỏ mà không phải rửa cất đi nhưng hậu quả để lại đằng sau là vô cùng lớn. Túi nilong được dùng đựng cả bún, chè, đồ ăn đang nóng…việc này sẽ làm tan các hạt vi nhựa ra trong thực phẩm, sau đó con người ăn vào sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Mỗi bà nội trợ thường mua khá nhiều thứ trong buổi chợ sáng, mỗi người sẽ thải ra khoảng 6, 7 túi, nhân với số hộ thì con số lên đến hàng triệu túi nilong mỗi ngày. Chưa kể nói đến sự mất mỹ quan khi sử dụng túi nilon, các bọc thực phẩm xếp chồng lên nhau, khi mang về trút ra bát rất dây dưa.

Nhiều năm về trước, người nội trợ thường xách làn đan hoặc thúng đi chợ, điều này giúp không thải nilong ra môi trường, thức ăn được đảm bảo. Do xã hội phát triển, nhịp sống đô thị hối hả, việc tiện đâu mua đấy đã trở thành thói quen của người dân, các hàng quán chợ cóc cũng mọc lên ở khắp nơi. Khi mà con người chợt nhận ra tác hại của những thói quen đó thì mới tìm cách quay lại những giá trị truyền thống, dù sao cũng chưa phải là muộn. Việc xách làn, mang bát, lá chuối…đi chợ dần dần xuất hiện lại giữa lòng thành phố.

Phát làn đi chợ

Muốn gây dựng được phong trào khó có thể bắt nguồn từ một cá nhân đơn lẻ mà cần có sự vào cuộc của một tổ chức. Người phụ nữ thường là người nội trợ vì vậy Hội Phụ nữ các phường là tổ chức sinh hoạt gần gũi nhất. Tổ chức Hội nên đứng ra phát động phong trào phát làn đi chợ cho chị em phụ nữ, tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về phòng chống rác thải nhựa.

Đồng thời, Hội cũng nên tự tạo ra sản phẩm thay thế, ví dụ như thành lập các lớp đan lát giỏ cho người cao tuổi, vừa tạo ra công ăn việc làm vừa phát trực tiếp cho các bà nội trợ để hạn chế túi nilong. Mang giỏ và làn đi chợ cần phải phổ biến đến cả tiểu thương ngoài chợ, tuyên truyền tiểu thương phân loại rác thải tại nguồn, khơi thông cống rãnh, tuyệt đối không để các đống rác tồn ứ tại chợ, tạo ra môi trường sinh bệnh của các loại vi khuẩn.

Hội Phụ nữ cũng cần mở các chiến dịch dọn sạch đường làng ngõ xóm, thu gom túi nilong, rác thải nhựa trong khu dân cư, tránh gây tắc đọng cống rãnh. Chính việc đi thu dọn mới làm con người dễ nhận ra được sự tàn phá của rác thải nhựa tới môi trường, bởi lẽ chúng không hề bị phân hủy thông thường nếu như vứt bỏ quá nhiều và tràn lan.

Ngoài ra, tự mỗi chúng ta nên “chăm chỉ” lên, đừng quá phụ thuộc vào sự tiện lợi, bưng tận nơi. Nhiều loại thực phẩm như chè, cháo, bún, trà sữa, cà dưa…được bán ngay gần nhà chúng ta, hoàn toàn có thể mang bát đi đựng thay vì dùng túi nilong nhưng đa phần ai cũng “lười” một chút, khi sử dụng thực phẩm xong chỉ cần vứt vèo túi nilong là xong không cần phải rửa ráy cầu kỳ. Vô hình chung, túi nilong tiện lợi làm cho con người lười đi từ điều nhỏ nhất, làm nguy hại đến môi trường sống.

Không chỉ vậy, Hội nên tham gia sâu vào việc tuyên truyền phân loại rác thải. Hiện nay, ở nhiều khu vực trong nội thành việc phân loại  rác thải chưa được thực hiện, theo đó rác cần được phân loại thành 3 loại chính là rác vô cơ, rác hữu cơ, và các loại pin, linh kiện điện tử. Các loại pin và linh kiện điện tử cần được cho vào túi nilong và công ty môi trường sẽ có cách xử lý riêng đối với loại rác này.

Xách làn và mang bát đi chợ là một mô hình rất hay và ý nghĩa, việc còn lại trông chờ vào ý thức của mỗi chúng ta.

Bạn đang đọc bài viết RTN 11: Xách làn và mang bát đi chợ, tại sao không?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Nguyễn Duy Khánh

Cùng chuyên mục

Giải bài toán rác thải ở Bắc Ninh
Theo kế hoạch từ 2024, Bắc Ninh cơ bản sẽ xử lý triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày bằng các nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại của thế giới.
Thú quý trở về và thông điệp xanh
Thời gian gần đây, ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số địa phương khác, người dân liên tiếp phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm như voọc Hà Tĩnh, lửng lợn Đông Dương, mang Trường Sơn, gà lôi trắng, khỉ mốc, rùa sa nhân...

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.