Thứ năm, 28/03/2024 17:52 (GMT+7)

Khoa học và công nghệ là động lực phát triển bền vững đất nước

MTĐT -  Thứ tư, 23/12/2020 08:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chương trình KH&CN cấp quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường” giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai thực hiện 43 đề tài nghiên cứu cấp quốc gia

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, những nghiên cứu của Chương trình Khoa học và Công nghệ ứng phó với Biến đổi khí hậu, Quản lý tài nguyên và Môi trường sẽ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời, là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.

Chiều 22/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ Tổng kết đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình Khoa học và Công nghệ ứng phó với Biến đổi khí hậu, Quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020.

Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Văn Minh; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân; Lãnh đạo, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và đại diện các địa phương cùng các nhà khoa học thực hiện chương trình.

Lãnh đạo hai Bộ chủ trì Hội nghị

Hội nghị được tổ chức nhằm tôn vinh những đóng góp tích cực của các chuyên gia, nhà khoa học, các cá nhân, đồng thời, cùng thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm hay trong quá trình triển khai thực hiện. Qua đó, đóng góp cho các Chương trình khoa học công nghệ tiếp theo trong giai đoạn mới.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Trong 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã thu hút được sự tham gia tích cực, hiệu quả của các tổ chức nghiên cứu, các nhà khoa học, chuyên gia ở khắp các vùng miền trên cả nước.

Chương trình KH&CN cấp quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường” giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai thực hiện 43 đề tài nghiên cứu cấp quốc gia tập trung về các nội dung: ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý tài nguyên và môi trường; Nghiên cứu cơ sở khoa học đối với những vấn đề có tính tổng hợp, liên ngành và liên vùng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường; chuyển giao kết quả nghiên cứu.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị

Phát triển nguồn nhân lực ứng phó BĐKH, quản lý TN&MT


Theo báo cáo, các kết quả nghiên cứu của các đề tài, đến nay, đã hoàn thành được các mục tiêu và nội dung của Chương trình. Trong đó, về ứng phó với BĐKH, đã xây dựng, phát triển hệ thống giám sát BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Việt Nam; giải quyết các vấn đề liên quan đến xâm nhập mặn (các loại đất, cây trồng, rừng...); đưa ra được các giải pháp chủ động thích ứng với BĐKH trong từng ngành, từng lĩnh vực nhất là các vùng dễ bị tổn thương...; đưa ra các giải pháp công nghệ về giống, cây trồng, công nghệ canh tác trong điều chỉnh kỹ thuật mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH; xây dựng các mô hình kinh tế thích ứng với các hiện tượng thiên tai cực đoan và các mô hình kinh tế ứng phó với xâm nhập mặn.

Về lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường, Chương trình đã đưa ra các phương pháp luận trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quản lý biến động tài nguyên và quản lý giám sát biến động sử dụng đất, đã xây dựng được các bản đồ quản lý tài nguyên đất...; đánh giá tổng quan an ninh nguồn nước; lượng giá và quy trình kết chuyển các giá trị tài nguyên vào môi trường hoạch toán tài khoản quốc gia; đánh giá hoạt động tân kiến tạo đối với sự biến đổi dòng chính các lưu vực sông và xây dựng được các bản đồ có liên quan.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Chánh văn phòng Chương trình Khoa học và Công nghệ phát biểu

Đến nay, Chương trình đã tổ chức đánh giá nghiệm thu cấp quốc gia cho 30 đề tài và đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở cho 9 đề tài, trong đó, 4 đề tài được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia đánh giá xếp loại xuất sắc.

Chương trình đã chuyển giao các kết qủa nghiên của các đề tài cho các bên liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả của Chương trình nói riêng và khoa học công nghệ nói chung phục vụ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Cùng với đó, Chương trình, đã giới thiệu các kết quả, sản phẩm của đề tài rộng rãi trong nước và quốc tế thông qua công bố 77 bài báo quốc tế có chỉ số ISI hoặc Scopus; 156 bài báo trên tạp chí khoa học trong nước và xuất bản 12 sách chuyên khảo, tạo cơ hội phát triển hợp tác trong và ngoài nước.

Đặc biệt, Chương trình đã góp phần phát triển nguồn nhân lực về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường thông qua đào tạo 99 thạc sĩ và hỗ trợ đào tạo 48 tiến sĩ, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thông qua thực hiện các đề tài thuộc Chương trình đối với 1.844 thạc sỹ, 980 tiến sĩ, nâng cao 186 phó giáo sư, 38 giáo sư. Đây là điều mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao và tin tưởng sẽ thành công hơn nữa trong thời gian tới.

Động lực phát triển bền vững đất nước

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe những tham luận của các Giáo sư, Tiến sĩ về các đề tài được thực hiện trong Chương trình. Các đề tài khoa học tập trung nghiên cứu về các hiện tượng biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng mô hình quản lý biến động tài nguyên, hoàn thiện công cụ quản lý và nâng cao năng lực giám sát biến động tài nguyên đất; Nghiên cứu tác động của hoạt động tân kiến tạo đối với sự biến đổi dòng chính các lưu vực sông; Nghiên cứu xây dựng hệ số phát thải khí nhà kính quốc gia cho lúa và các loại cây trồng cạn chủ yếu phục vụ kiểm kê khí nhà kính… Từ đó, đề xuất các giải pháp quản lý rủi ro, tăng cường năng lực nghiên cứu của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Các nhà khoa học trình bày tham luận

Trước những kết quả ấn tượng đó, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã đánh giá cao chương Nghiên cứu và ứng dụng vào KH&CN, có tính áp dụng cao vào thực tiễn đối với các nhà quản lý tài nguyên và môi trường trong bối cảnh khắc nghiệt, nhất là khi Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng rát lớn của biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao việc trong quá trình tổ chức, triển khai, Chương trình có gặp một số khó khăn như đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến công tác quản lý đề tài như công tác kiểm tra, đánh giá, hội thảo các đề tài, đặc biệt đối với các đề tài có nội dung đi điều tra khảo sát và tập huấn tại các địa phương. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các thành viên Ban Chủ nhiệm, Vụ Khoa học và Công nghệ và Văn phòng Chương trình đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành Chương trình vẫn đã hoàn thành được các mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, Chương trình Khoa học công nghệ Quốc gia mang tính tổng hợp chuyên ngành nhằm cung cấp luận cứ khoa học, ứng dụng mô hình phục vụ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường. Chương trình này cũng góp phần quan trọng thực hiện cam kết của Việt Nam trong Thỏa thuận Paris thông qua việc nghiên cứu cơ sở khoa học để đề xuất triển khai các giải pháp đã được cơ chế chính sách và phục vụ đóng góp quốc gia tự quyết định và công tác đàm phán tại cuộc họp thường niên các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai các nhiệm vụ khoa hoc công nghệ, xây dựng các chương trình chiến lược để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Đồng quan điểm với Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, với 43 đề tài cấp quốc gia theo 4 nội dung đã triển khai, Chương trình không chỉ đề xuất được những giải pháp hiệu quả cho ngành Tài nguyên và Môi trường mà còn đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, thế giới đang trong giai đoạn tìm ra những giải pháp phát triển bền vững trong bối cảnh ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng, cực đoan và khó lường như hiện nay, Việt Nam đã đặt ra yêu cầu ngày càng cao từ thực tiễn về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.

Bộ trưởng Bộ Trần Hồng Hà phát biểu

Do đó sự thành công của Chương trình đã góp phần phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực TN&MT, cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp hiệu quả cho việc thực thi chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng mong muốn các đề tài sẽ được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, phát triển đặc biệt là cần phối hợp với các doanh nghiệp, các cơ quan để cùng nhau hoàn thiện và đưa “đứa con tinh thần” vào cuộc sống phục vụ cho phát triển đất nước.

Lấy dẫn chứng về Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long đặt ra cho các nhà khoa học bài toán về phát triển vùng, chuyển đổi quy mô lớn về nền kinh tế, phát triển hạ tầng, kết nối…, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, để phát triển toàn diện đất nước, sẽ còn nhiều Nghị quyết số 120 nữa cho các vùng Tây Bắc, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên… những nơi còn đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và cần có sự chuyển đổi sang mô hình phát triển mới, mà “chìa khóa" để mở ra sự thành công đó là khoa học công nghệ.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng, các sản phẩm của nhiều đề tài đã được công bố rộng rãi trong nước và quốc tế, trở thành những tài liệu chuyên khảo phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy tại nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong nước. Đồng thời, mở ra những chương trình hợp tác quốc tế để chia sẻ, học hỏi những tiến bộ khoa học của các nước tiên tiến phục vụ đất nước.

Quang cảnh Hội nghị

“Tôi mong muốn những ý tưởng, những nghiên cứu khoa học của Chương trình sẽ đáp ứng được yêu cầu về ứng phó biến đổi, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đồng thời, luôn là động lực cho phát triển kinh tế xã hội, phát triển bền vững của đất nước.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường Bộ trưởng Trần Hồng Hà trân trọng cảm ơn Bộ Khoa học Công nghệ, các Bộ, ban, ngành ở Trung ương và các địa phương, các Viện nghiên cứu, trường Đại học, các nhà khoa học đã đồng hành cùng ngành TN&MT tiếp tục triển khai các Chương trình KH&CN cấp quốc gia, cấp Bộ đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo Khương Trung - Thu Trang/Báo TNMT

Bạn đang đọc bài viết Khoa học và công nghệ là động lực phát triển bền vững đất nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giải bài toán rác thải ở Bắc Ninh
Theo kế hoạch từ 2024, Bắc Ninh cơ bản sẽ xử lý triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày bằng các nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại của thế giới.
Thú quý trở về và thông điệp xanh
Thời gian gần đây, ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số địa phương khác, người dân liên tiếp phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm như voọc Hà Tĩnh, lửng lợn Đông Dương, mang Trường Sơn, gà lôi trắng, khỉ mốc, rùa sa nhân...

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.