Thứ bảy, 20/04/2024 01:37 (GMT+7)

Khoa học Việt Nam cần nghiên cứu sâu về cấu trúc cơn bão

MTĐT -  Thứ năm, 19/07/2018 09:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việt Nam chưa có nghiên cứu cơ bản về cấu trúc hình thành cơn bão nên đây là một nhiệm vụ cần tập trung thời gian tới.

Chiều 18/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sơ kết ba năm hợp tác giữa hai bộ trong nghiên cứu khoa học.

Từ năm 2015 - 2018, trong bảy nội dung được thống nhất, hai bên đã cùng nhau phối hợp và đạt được nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị ở các lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, khí hậu, biển hải đảo, viễn thám...

Bộ Tài nguyên đã xây dựng, công bố xuất bản bản đồ địa chất Việt Nam (phần đất liền và các vùng biển phụ cận) nhằm trao đổi, giới thiệu về cơ sở địa chất và khoáng sản của Việt Nam với thế giới, đồng thời khẳng định chủ quyền biển đảo. Nghiên cứu di sản địa chất làm cơ sở khoa học để thành lập công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Tam Giang - Bạch Mã...

Lãnh đạo hai bộ ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2018-2021. Ảnh: BN.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đánh giá cao kết quả này và cho rằng Bộ Tài nguyên đã tập trung nguồn lực, huy động các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng giải quyết bài toán đặt ra đối với các lĩnh vực do Bộ quản lý.

Bộ trưởng Tài nguyên Trần Hồng Hà cho rằng, việc hai bên hợp tác đã giúp hoạt động nghiên cứu khoa học của Bộ thời gian qua đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, trong tình hình mới ông đặc biệt nhấn mạnh những nghiên cứu cần ưu tiên, nhất là công tác dự báo khí tượng, thủy văn.

Ông Hà cho rằng các nước khác nghiên cứu cơ bản về một cơn bão rất bài bản. Vì thế chỉ cần nhìn cấu trúc hình thành cơn bão sẽ biết ngay được tâm bão, sức tàn phá ra sao. “Việt Nam chưa có nghiên cứu đến nơi đến chốn về cấu trúc hình thành cơn bão. Đây là một nhiệm vụ cần tập trung thời gian tới”, ông Hà nhấn mạnh.

Đường đi của cơn bão số 8 - bão Sơn Tinh.

Một vấn đề cũng được Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đề xuất cùng Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định công nghệ xử lý chất thải trong thời gian tới.

Theo ông Hà, với các lò xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại hiện nay chưa đánh giá đã biết không đạt yêu cầu. Vì thế ông đề xuất thời gian tới nhiệm vụ đánh giá tác động môi trường, thẩm định công nghệ xử lý chất thải sẽ được thống nhất và hai Bộ cùng nhau đưa ra các tiêu chuẩn đối với lò xử lý chất thải.

“Nếu cần sẽ thành lập hội đồng quốc gia, đưa ra tiêu chí đánh giá và công bố đối với các công nghệ xử lý chất thải. Công nghệ nào hội đồng công bố mới được tham gia xử lý chất thải ở Việt Nam”, ông Hà nói.

Ngoài ra, các nghiên cứu khoa học trái đất và khoa học biển; phát triển hệ thống đồng hóa dữ liệu từ nguồn số liệu radar thời tiết, vệ tinh, thám không vô tuyến, số liệu bề mặt; phát triển hệ thống mô hình dự báo cực ngắn; hệ thống dự báo điểm; hệ thống dự báo bão, mưa lớn chuyên dụng cho Việt Nam cũng được hai bộ thống nhất và ký tiếp giai đoạn 2018-2021.

Bảy nội dung hai bộ thống nhất cùng nhau:

1.Xây dựng và thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ.

2.Phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển đến năm 2020 theo Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ.

 3.Đẩy mạnh tham gia các hoạt động về hợp tác quốc tế, phối hợp với các tổ chức quốc tế về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

  1. Lựa chọn, hình thành và đầu tư phát triển một đến hai tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt trình độ khu vực và thế giới, đủ khả năng giải quyết những vấn đề quan trọng của quốc gia về tài nguyên và môi trường.
  2. Xây dựng một số nhiệm vụ KHCN ưu tiên phục vụ việc triển khai các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia như Công ước Đa dạng sinh học, Công ước Biến đổi khí hậu, Công ước Ramsar về bảo tồn các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế; Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích.
  3. Phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ trong các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
  4. Phối hợp tích hợp cơ sở dữ liệu về kết quả hoạt động, tiềm lực khoa học và công nghệ của ngành tài nguyên và môi trường vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ theo Nghị định số 11/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ.

Theo Vnexpress

Bạn đang đọc bài viết Khoa học Việt Nam cần nghiên cứu sâu về cấu trúc cơn bão. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...