Thứ sáu, 29/03/2024 00:08 (GMT+7)

Khởi nghiệp bằng homestay giá rẻ - Liệu có dễ dàng với giới trẻ?

MTĐT -  Thứ hai, 10/02/2020 11:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không ít người trẻ bỏ những nghề nghiệp văn phòng để bước chân vào mô hình kinh doanh homestay. Liệu homestay có phải một hướng khởi nghiệp dễ dàng cho họ?

Không ít người trẻ bỏ những nghề nghiệp văn phòng để bước chân vào mô hình kinh doanh homestay (du lịch lưu trú tại nhà dân bản địa) giá rẻ vì cho rằng mức đầu tư thấp và tiềm năng lợi nhuận cao. Liệu homestay có phải một hướng khởi nghiệp dễ dàng cho họ?.

Xu hướng du lịch homestay ngày càng được sự lựa chọn của nhiều du khách nhờ giá thành hợp lý và sự gần gũi với cuộc sống của người bản địa.

Làm homestay người ta thường nghĩ đến việc phải có điều kiện kinh tế hay phải sở hữu một căn hộ ở vị trí đắc địa, nhưng một số bạn trẻ Việt Nam - thế hệ được xem là chưa có nhiều vốn sống cũng như điều kiện tài chính - lại đang có xu hướng khởi nghiệp từ homestay ngày càng đông hơn.

Theo ghi nhận, đầu tư homestay đang nở rộ trên thị trường BĐS, đặc biệt là các nhà đầu tư trẻ - những người chưa có nhiều vốn lẫn kinh nghiệm tham gia ngày càng nhiều. Lợi thế của homestay du lịch là mang lại cho du khách cảm giác được sống như người bản địa, trải nghiệm văn hóa, gần gũi với thiên nhiên trong khi chi phí rẻ hơn thuê khách sạn rất nhiều. Đặc biệt, khách du lịch là những bạn trẻ thích sự khám phá, sáng tạo, không gian có phong cách riêng thì mô hình homestay gần các khu du lịch được khách thuê lựa chọn.

Với kinh phí thấp, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn những mô hình homestay "sáng tạo", chủ yếu trông lạ mắt thu hút khách, làm từ vật liệu giá rẻ, tiền chế.

Mô hình homestay "sáng tạo"

Cách đây vài năm, khi mô hình homestay lên cao trào, người trẻ ồ ạt rủ nhau làm homesay. Tuy nhiên, với kinh phí thấp, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn những mô hình homestay "sáng tạo", chủ yếu trông lạ mắt thu hút khách, làm từ vật liệu giá rẻ, tiền chế.

Từ đó, mô hình homestay cotainer, nhà ống, con nhộng hay mái lá ra đời. Có một thời điểm, đi đâu cũng thấy nhà container mọc lên ồ ạt, với đủ màu sơn xanh đỏ. Tiếp đến, mô hình nhà ống đầu tiên xuất hiện tại Đà Lạt, sau đó được sao chép, phát triển ở nhiều địa phương du lịch khác như Vũng Tàu, Phan Thiết... Nhà mái lá xuất hiện cũng không ít, từ Đà Lạt đến miền Tây, miền biển.

Với homestay dạng container, giá thành cho mỗi một "con" khoảng 40 - 50 triệu đồng, cộng với chi phí trang trí, cảnh quan. Trung bình thời điểm đó các chủ nhân trẻ của loại hình homestay này đầu tư khoảng vài trăm triệu đến 1 tỉ đồng cho một dãy khoảng 10 phòng (mỗi phòng sức chứa từ 2 - 4 khách).

Nhà “ống cống” thì có kinh phí cho việc đúc mỗi ống cống khoảng 20 triệu đồng. Các chi phí sơn màu, mua sắm nội thất, cảnh quan, tổng thể không quá 500 triệu/dãy 10 phòng, với sức chứa 2 người/phòng. Nhà mái lá lại thì có chi phí đầu tư thấp hơn.

Không chỉ làm nhà mái lá, tại Đà Lạt, do khu du lịch này có khí hậu mát mẻ quanh năm nhiều bạn trẻ còn đầu tư thô sơ hơn với dạng homestay mái tôn, nhà gỗ... Tuy nhiên, qua thời gian, nhiều mô hình trong số này cũng đã bắt đầu thoái trào, gây nhàm chán cho du khách. Mô hình container hiện được dẹp bỏ khá nhiều, đặc biệt là ở những khu du lịch biển, bởi đặc trưng dạng nhà này khá bít bùng, luôn phải sử dụng máy lạnh công suất lớn quanh năm, đồng thời cũng không có nhiều kiểu dáng để decor.

Thực tế, các loại hình homestay tiền chế này phải tạo ra "chất" thật sự từ bên trong, có điểm nhấn để thu hút khách hàng thì mới mong trụ được lâu dài. Còn nếu chỉ tạo ra hoặc chạy theo trào lưu, thu hút khách hàng bằng vài tấm hình sống ảo lung linh, thì sau khi đã thỏa mãn trí tò mò của du khách, homestay sẽ không còn gì để giữ chân du khách, trong khi cơ sở vật chất hết sức sơ sài. "Cái chết" của nhiều homestay tiền chế cũng từ đây mà ra.

Bên cạnh sự nhàm chán, thiếu tiện nghi, một lý do khác khiến mô hình hình homestay tiền chế, sơ sài bắt đầu đi vào ngõ cụt là chính sách của nhiều địa phương du lịch bắt đầu siết chặt với các loại hình nhà tiền chế, tạm bợ như trên. Nhiều địa phương như Đà Lạt, Đà Nẵng còn có văn bản không cho phép mở mới homestay thô sơ, tạm bợ.

Thuê nhà cũ làm homestay: Giải pháp an toàn?

Hơn 1 năm trở lại đây, cùng với sự thoái trào của các homestay tiền chế, thị trường dịch vụ lưu trú đang dịch chuyển sang một mô hình mới: sửa nhà cũ làm homestay. Đây là giải pháp có mức đầu tư không cao, lại an toàn. Hiện, mô hình này đang được áp dụng phổ biến tại các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng...

Cách thức khai thác là thuê một căn nhà, căn hộ cũ về, trang trí lại theo phong cách yêu thích, cung cấp thêm các dịch vụ phụ trợ và đăng tin cho thuê trên Facebook hoặc các trang bán phòng trung gian như Airbnb, Agoda, Booking...

Một căn phòng homestay dạng này tuy không sang trọng, không thường nằm ở các mặt tiền đường, lượng nhân viên hùng hậu như khách sạn, nhưng vẫn đảm bảo được các tiện nghi cơ bản trong phòng, đồng thời ưu điển của loại phòng này là thường có khu vực chung để giao lưu, có bếp ăn, máy giặt cho khách tự túc.

Khá nhiều bạn trẻ hiện tham gia mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú tiện lợi như thế. Không ít trong số đó là dân ngoại tỉnh, thuê nhà ở và sẵn tiện khai thác cho thuê, vừa ở miễn phí vừa sinh lời. Thậm chí có bạn còn “thừa thắng xông lên” mở chuỗi với 3, 4 căn nhà thuê, thu nhập hàng trăm triệu/ tháng.

Tuy nhiên, trong bất cứ lĩnh vực nào, khởi nghiệp cũng cần có sự tìm hiểu kĩ thị trường, tạo ra sản phẩm có giá trị mới mẻ cho người tiêu dùng, chứ không chỉ “theo trào lưu”, bắt chước lẫn nhau, cạnh tranh không lành mạnh, để rồi “vỡ trận”.

Theo TBCKVN

Bạn đang đọc bài viết Khởi nghiệp bằng homestay giá rẻ - Liệu có dễ dàng với giới trẻ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.