Thứ bảy, 20/04/2024 11:41 (GMT+7)

“Triệu phú trẻ” từ mô hình VAC

MTĐT -  Thứ hai, 14/01/2019 16:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ hai bàn tay trắng, qua 8 năm kiên trì, bền bỉ, anh Nguyễn Chí Châu (người Tày), ở thôn Đồng Cáy, xã Yên Thắng (Lục Yên - Yên Bái), đã từng bước vươn lên làm giàu bằng mô hình kinh tế VAC.

Tốt nghiệp Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên, Châu chọn quê hương là nơi khởi nghiệp cho bản thân.

Để xây dựng mô hình kinh tế VAC, ban đầu anh mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mua 1 cặp hươu sao giống từ Hà Tĩnh. Lúc ấy, anh là người đầu tiên trong xã nuôi giống hươu này để lấy nhung. Với kiến thức đã học cùng tìm hiểu qua sách, báo và internet về kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho hươu, theo anh Châu, về cơ bản, nuôi hươu không khó, ngoài các bệnh lười ăn, khô mũi, hươu thường mắc một số bệnh về đường ruột, cần cho ăn thức ăn có vị chát đắng như lá xoan, quả chuối xanh…

Châu cho biết, nuôi hươu tuy vốn ban đầu lớn, sau 2 năm mới có thu, song chỉ cần 1 năm là có thể hoàn vốn. Hơn nữa, thức ăn của hươu là lá cây, quả có sẵn trong vùng nên không mất nhiều chi phí như một số vật nuôi khác. Nếu chăm sóc tốt, hươu sẽ cho thu nhung 2 lần/năm với trọng lượng khoảng 1 - 1,2 kg nhung/con/năm. Với giá  khoảng 2,5 triệu đồng/lạng, một con hươu bình quân cho thu  25 - 30 triệu đồng/năm. Chưa kể giá trị thịt thương phẩm hiện nay cũng gần 500.000/kg, giá hươu giống 15 - 25 triệu đồng/con. Trung bình mỗi năm từ bán nhung và bán thịt  thương phẩm giúp anh thu về trên 70 triệu đồng.

Anh Châu làm giàu từ mô hình kinh tế VAC. Ảnh: Hội Nông dân VN. 

Từ số tiền tích lũy nuôi hươu, Châu tiếp tục đầu tư vào nuôi cá, ếch, dê, trâu, bò... và chuyển đổi toàn bộ vườn tạp sang trồng 200 gốc cam Vinh. Hiện, anh đã xây dựng được trang trại VAC rộng hơn 3ha với 2 ao nuôi các loại cá thương phẩm như rô phi đơn tính, chép, trắm, mỗi năm cho thu 15-20 triệu đồng... Đặc biệt, vườn cam Vinh năm 2018 cho thu hoạch khoảng 10 tấn quả, với giá thị trường khoảng 20 nghìn đồng/kg, anh có thêm nguồn thu khoảng 200 triệu đồng. Qua tính toán của Châu, với mô hình kinh tế VAC, trừ chi phí, thu lãi 150-200 triệu đồng/năm.

Nhiều năm gần đây, Châu là tấm gương tiêu biểu của xã Yên Thắng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ông Nguyễn Tiến Lộc, Chủ tịch UBND xã, khẳng định: “Tuy còn trẻ nhưng anh Châu luôn năng động đi đầu trong phát triển kinh tế tổng hợp, đây là tấm gương mà xã tích cực tuyên truyền bà con học tập”.

Châu tâm sự: “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tập trung vào mô hình kinh tế VAC, đồng thời trồng thêm bưởi da xanh trên những diện tích đất trống của gia đình để tăng thu nhập”.

Trải qua bao khó khăn, vất vả nhưng với sự kiên trì, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, Nguyễn Chí Châu đã vươn lên, thoát nghèo rồi trở thành triệu phú trẻ từ phát triển  kinh tế VAC của vùng đất Yên Thắng.

Theo Kinh tế nông thôn

Bạn đang đọc bài viết “Triệu phú trẻ” từ mô hình VAC. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ