Thứ sáu, 29/03/2024 22:55 (GMT+7)

Hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm bền vững cho thanh niên

Hiền Hạnh -  Thứ sáu, 10/08/2018 14:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Làn sóng khởi nghiệp trong thanh niên đang được nhân lên mạnh mẽ, tuy nhiên, không ít dự án đã thất bại. Làm thế nào để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp hiệu quả?

Đó là câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra tại Diễn đàn thanh niên “Khởi nghiệp và việc làm”, do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức mới đây.

Báo cáo của Trung ương Đoàn tại diễn đàn nêu rõ: Thời gian qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tham mưu cho Chính phủ triển khai các đề án, chương trình gắn với hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, việc làm, như: Đề án Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015; Đề án Quy hoạch xây dựng làng thanh niên lập nghiệp giai đoạn 2013-2020; phát động chương trình thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016-2021... Nhìn chung, các chính sách, chương trình, đề án về khởi nghiệp, việc làm được ban hành đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy khởi nghiệp, việc làm, góp phần giải quyết việc làm trong thanh niên.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trung ương Đoàn, quá trình ban hành và thực thi các chính sách còn nhiều tồn tại. Một số chính sách chủ yếu hướng vào hỗ trợ, khuyến khích, chưa rõ trách nhiệm của các đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của chính sách. Các chính sách tín dụng còn thiếu gắn kết giữa cho vay vốn và hỗ trợ đầu vào tiếp cận thị trường, nên hiệu quả sử dụng vốn chưa cao. Một số chính sách tín dụng hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cần có sự điều chỉnh về mức vay, thời hạn vay, như: Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ, dạy nghề cho thanh niên khuyết tật, dạy nghề cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, tín dụng với học sinh, sinh viên, Quỹ quốc gia về việc làm, cho vay tín dụng đi xuất khẩu lao động... Các dự án cho vay giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm chủ yếu hướng đến lĩnh vực nông nghiệp; đối với phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh mức cho vay còn thấp, lãi suất chưa linh hoạt. Chính sách ưu đãi đối với lao động làm việc ở vùng sâu, vùng xa chưa thực sự hấp dẫn với thanh niên; các nguồn lực hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp còn hạn chế...

Tính đến cuối năm 2016, số thanh niên trong độ tuổi lao động của cả nước là 24,3 triệu người, chiếm hơn 44% lực lượng lao động. Tuy nhiên, chất lượng lao động thấp (chỉ có 20,7% thanh niên nông thôn đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ), việc làm thiếu bền vững (47,2% thanh niên nông thôn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp; 50,8% thanh niên nông thôn là lao động tự làm và lao động gia đình không hưởng lương), hơn 2/3 số người thất nghiệp là thanh niên, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung. Mức độ thất nghiệp của thanh niên có xu hướng tăng dần theo trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn thanh niên “Khởi nghiệp và việc làm”

Trước những khó khăn, hạn chế trên, các đại biểu tham dự diễn đàn đã kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm bền vững cho thanh niên. Đồng chí Nguyễn Thanh Hiền, Phó bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Đồng Nai, đề xuất: Bộ LĐ-TB&XH cần có chiến lược về việc cung cấp thông tin thị trường lao động chính xác, phổ quát và kịp thời để cán bộ đoàn truyền tải nhanh, hiệu quả đến thanh niên. Bên cạnh đó, cần giải pháp gỡ bỏ các rào cản thủ tục hành chính về vốn vay đối với thanh niên, thúc đẩy việc thực hiện chương trình thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016-2021; kết nối giữa thanh niên khởi nghiệp, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước; hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan đến khởi nghiệp, việc làm, đặc biệt là chính sách cho vay tín dụng... Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Bí thư Đoàn Học viện Ngân hàng kiến nghị: Cần xây dựng kế hoạch, định hướng trong việc thúc đẩy phát triển mạng lưới các đơn vị cố vấn, tư vấn, cung cấp các dịch vụ quản trị cho các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp. 

Theo đồng chí Ngô Tường Vy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, cần có sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường trong việc đào tạo, tư vấn hướng nghiệp. Đào tạo nghề cần phải được thực hiện ngay từ cấp trung học cơ sở. Cần tổ chức cho học sinh đi tham quan các cơ sở sản xuất, từ đó giúp các em có thể định hình được việc mình sẽ làm và theo đuổi...

Các ý kiến, đề xuất của đại biểu tại diễn đàn đã được lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH ghi nhận, tiếp tục nghiên cứu để tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách giúp thanh niên khởi nghiệp bền vững, hiệu quả.

Đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, khẳng định: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đoàn hiện nay là giúp đỡ thanh niên về nghề nghiệp và việc làm, tham gia xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao. Trung ương Đoàn đang chú trọng đầu tư xây dựng bộ công cụ đưa thông tin thị trường lao động đến với người trẻ một cách đa dạng, có tính cập nhật nhanh hơn. Bộ công cụ này có các tiêu chí đánh giá, tư vấn, hỗ trợ giúp người trẻ chọn nghề theo năng lực, sở thích. Trung ương Đoàn cũng đang vận động thêm nguồn lực từ xã hội, để sớm triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Bạn đang đọc bài viết Hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm bền vững cho thanh niên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới