Thứ bảy, 20/04/2024 15:57 (GMT+7)

Thay đổi tư duy để bắt nhịp với cách mạng công nghiệp 4.0

MTĐT -  Thứ năm, 13/09/2018 11:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các chuyên gia khẳng định, để có thể bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 Việt Nam phải thay đổi ngay từ tư duy.

Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (World Economic Forum on ASEAN 2018) diễn ra từ ngày 11-13/9/2018 tại Hà Nội với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao nhiều nước ASEAN và khu vực, các tổ chức quốc tế lớn và gần 1.000 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu ASEAN.

Với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0", diễn đàn là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá đúng tầm vóc và tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với các quốc gia ASEAN và khu vực, đặc biệt là tác động đến doanh nghiệp và người dân.

Cách mạng 4.0 đòi hỏi một chính sách dài hạn

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra đúng thời điểm nền kinh tế thế giới đang ghi nhận những nguy cơ về chiến tranh thương mại, trong bối cảnh các nền kinh tế, thương mại đa phương. Đồng thời, cách mạng công nghiệp đang thúc đẩy tăng trưởng, phá vỡ những thế mạnh truyền thống của khu vực trong sản xuất giá rẻ nhờ tự động hóa, công nghệ robot và in 3D.

Tuy nhiên, cách mạng 4.0 cũng khiến nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến lao động và việc làm. Thậm chí, một số quan điểm tỏ ra lo ngại rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhiều ngành nghề sẽ bị mất đi, điều này khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

 Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập, đồng thời là Chủ tịch điều hành WEF (Ảnh: AFP)

Nhìn nhận vấn đề này, Giáo sư Klaus Schwab - người sáng lập và Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới khẳng định: không nên bi quan mà cần lạc quan về các công việc mới sẽ được tạo ra. Chính phủ cần hoạch định ra chính sách để chủ động trước những thách thức, chuẩn bị cho một thời gian chuyển đổi, thay đổi, trả lời cho câu hỏi làm thế nào để sản xuất, tiêu dùng và giải trí.

Giáo sư Klaus Schwab cũng đưa ra nhận định, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một quá trình lâu dài và không thể thấy kết quả ngay trong ngắn hạn và gắn liền với nhu cầu giáo dục để đảm bảo con người, đặc biệt là giới trẻ thích ứng nhanh với công nghệ. “Chúng ta không nên kỳ vọng rằng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là bật một
công tắc mà đòi hỏi phải có một chính sách dài hạn”, Giáo sư nhấn mạnh.

Theo quan điểm của ông Klaus Schwab, quốc gia nào làm chủ được Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có sự độc quyền về trí tuệ nhân tạo sẽ có ưu thế cạnh tranh và đóng vai trò quan trọng.

Thay đổi từ tư duy

Trao đổi với báo chí tại một hội thảo được tổ chức cách đây ít ngày xung quanh cơ hội tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng chỉ số sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0 của chúng ta đang ở giai đoạn có tiềm năng nhưng hỗn độn.
“Vấn đề đáng lo ngại đối với Việt Nam hiện nay là môi trường kinh doanh cho sự phát triển của ngành kinh tế số đang tồn tại nhiều vấn đề. Chỉ số đánh giá sự nghiêm ngặt của các quy định pháp luật liên quan tới kinh tế số của Việt Nam được xếp ở mức 0,45 điểm, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của các nước được WEF đánh giá, tương đương với vị trí thứ 5 từ dưới lên trong bảng xếp hạng của WEF” ông Cung nói và khẳng định "Điều này cho thấy chính sách pháp luật của chúng ta đang có nhiều quy định bất cập, gây trở ngại cho hoạt động thương mại, đầu tư, dịch vụ liên quan tới công nghệ".

 TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương. (Ảnh: DĐDN)

Từ góc nhìn của mình, ông Cung cho rằng sẽ không có môi trường thuận lợi cho tài năng số, lực lượng lao động có kỹ năng về kinh tế số có môi trường để hiện thực nó nếu chúng ta không có những thay đổi về tư duy quản lý kinh tế theo hướng cách mạng công nghiệp 4.0.
“Nếu cứ tư duy thiếu thị trường, tư duy 1.0, 2.0 như hiện nay mà áp dụng vào kinh tế vận hành kiểu 4.0 thì sẽ đẩy cách mạng 4.0 đi khỏi Việt Nam chứ không phải kéo nó ở lại”, Viện trưởng Viện Ciem bày tỏ lo ngại.
Để Việt Nam có thể bắt nhịp được với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tận dụng những cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại, từ góc nhìn của mình, ông Cung đưa ra đề xuất:
“Việt Nam cần nhanh chóng cùng tư duy, cùng suy nghĩ, thúc đẩy cho quá trình cải cách nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hay 5.0 mà kỷ nguyên kinh tế số ở Việt Nam vẫn chỉ là trên giấy tờ, trên hội nghị. Với cách mạng công nghiệp 4.0 cần suy nghĩ hành động hơn là các tuyên bố khẩu hiệu và cũng phải bắt đầu bằng tư duy, thể chế, hạ tầng và các kế hoạch hành động cụ thể” ông Cung nói.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bạn đang đọc bài viết Thay đổi tư duy để bắt nhịp với cách mạng công nghiệp 4.0. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ