Thứ tư, 24/04/2024 05:30 (GMT+7)

Khơi thông "đầu ra" cho sản phẩm OCOP

MTĐT -  Thứ năm, 16/12/2021 17:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời điểm hiện tại, việc khơi thông “đầu ra” cho các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) vẫn là “bài toán” khó, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường.

Để tháo gớ khó khăn cho các chủ thể OCOP và chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong tháng cuối cùng của năm 2021, Sở NN&PTNT, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã và đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP.  

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

“Đầu ra” gặp khó

Anh Phùng Đắc Dũng, đại diện Hợp tác xã Sản xuất nghệ và tinh dầu Bà Bé ở xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) - đơn vị có 11 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP “4 sao”, cho biết: Cuối năm là thời điểm hợp tác xã liên kết với hàng trăm hộ dân trồng mùi già, sả, nghệ... để chế biến tinh dầu, tinh bột. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại,  hợp tác xã đã thông báo đến người dân, đề nghị giảm diện tích trồng cây nguyên liệu; mức sản xuất chỉ bằng 1/2 so với mọi năm.

Cùng cảnh ngộ, dù đã được chứng nhận sản phẩm OCOP “4 sao” nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều bếp ăn tập thể ngừng hoạt động, nên việc tiêu thụ sản phẩm “Gạo thơm Bối Khê” không thuận lợi như trước. Giám đốc  hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên chia sẻ: Chúng tôi mong muốn được  hợp tác với các cơ quan, đơn vị, các sàn giao dịch điện tử để tạo “đầu ra” ổn định cho sản phẩm.

Đây cũng là khó khăn chung đối với nhiều chủ thể OCOP trong năm 2021. Trong khi đó, theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, thành phố Hà Nội là địa phương có số sản phẩm được công nhận nhiều nhất cả nước. Tính đến hết năm 2020 đã có 1.054 sản phẩm được UBND thành phố chứng nhận OCOP. Đến hết năm 2021, thành phố sẽ có thêm ít nhất 400 sản phẩm được đánh giá, công nhận.

Mới đây, thành phố Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra các chủ thể có sản phẩm OCOP đã được chứng nhận. Kết quả cho thấy, nhiều đơn vị đã phải thu hẹp hoặc sản xuất “cầm chừng” bởi khó tiêu thụ sản phẩm. Những năm trước, thành phố tổ chức nhiều hội nghị quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương cho các sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng  của dịch Covid-19, từ đầu năm tới tháng 10-2021, nhiều hoạt động quảng bá, kết nối trực tiếp tiêu thụ sản phẩm bị đình trệ. Các hình thức quảng bá trực tuyến (online), phát trực tiếp (livestream) mới chỉ phát huy hiệu quả phần nào...

Đẩy mạnh kích cầu, kết nối tiêu thụ sản phẩm

Để khơi thông “đầu ra” cho sản phẩm OCOP và chuẩn bị cho thị trường Tết Nhâm Dần, thành phố đã đẩy mạnh các sự kiện trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP đến các nhà phân phối bán lẻ và người tiêu dùng Thủ đô trong các tháng cuối năm. Vào cuối tháng 11, đầu tháng 12-2021 vừa qua, Hà Nội đã tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP thuộc nhiều nhóm ngành hàng nông sản, thực phẩm tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt-Xô. Hoạt động này nhằm hỗ trợ tháo gỡ kịp thới những điểm nghẽn trong tiêu thụ để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin: Trong tháng 12 này, Sở tổ chức 4 tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, kết  hợp tư vấn bán hàng trực tuyến, trực tiếp các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, với thời gian 5 ngày/1 tuần hàng, tại các trung tâm thương mại trên địa bàn các quận: Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy. Chuỗi sự kiện này hứa hẹn sẽ mang đến những tiện ích mua sắm, trải nghiệm thú vị cho người tiêu dùng Thủ đô, cũng như mở ra thêm cơ hội dành cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh...

Thực tế cho thấy, muốn mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP, bên cạnh hoạt động xúc tiến thương mại thì tổ chức các điểm bán, trưng bày sản phẩm OCOP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã chủ trì, phối  hợp với các địa phương rà soát, lựa chọn, đưa vào vận hành các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Đến nay đã phát triển được 35 điểm, phấn đấu đến cuối năm, mỗi quận, huyện, thị xã vận hành thêm được tối thiểu 1 điểm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương và thành phố Hà Nội.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy, huyện có 103 sản phẩm được thành phố đánh giá, công nhận, phân hạng sản phẩm OCOP. Việc lựa chọn, mở các điểm giới thiệu và quảng bá sản phẩm mang lại động lực sản xuất cũng như quyết tâm giữ vững chất lượng sản phẩm của các chủ thể OCOP.

Thời điểm hiện tại, thành phố, các huyện, thị xã đang và sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ các chủ thể. Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết: Ngày 18/12/2021 tới, huyện Phúc Thọ sẽ tổ chức “Lễ công bố nhãn hiệu bưởi Tam Vân - Ngày hội quảng bá sản phẩm OCOP, bưởi Phúc Thọ”; gắn với du lịch trải nghiệm tại xã Vân Hà. Qua sự kiện, Ban tổ chức mong muốn góp phần tôn vinh, gìn giữ, phát huy các sản phẩm - đặc sản của huyện, tạo cơ hội xúc tiến thương mại, giới thiệu tiềm năng và thu hút đầu tư. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh địa phương có thêm cơ hội kết nối với các đối tác, tìm thêm “đầu ra” cho các sản phẩm OCOP.

Phấn đấu năm 2025 Chương Mỹ có 200 sản phẩm OCOP

(HNM) - Năm 2021, huyện Chương Mỹ có 40 sản phẩm được công nhận đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Trong đó có 4 sản phẩm 3 sao, 29 sản phẩm 4 sao và 7 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Thời gian qua, Chương Mỹ tích cực hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP bằng nhiều hoạt động, chính sách thiết thực Nhờ đó, nhiều sản phẩn sau khi được công nhận OCOP đã ký kết được  hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn như: Gạo hữu cơ của  hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú; trà túi lọc cà gai leo của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long; các loại rau ăn lá, cà chua của  hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn; trứng gà của Công ty cổ phần Tiên Viên...

Trên cơ sở đó, Chương Mỹ tiến tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nhằm nâng cao chất lượng và giá trị thu nhập cho các sản phẩm OCOP; phấn đấu đến năm 2025 có 200 sản phẩm được thành phố công nhận là sản phẩm OCOP 3-5 sao.

Giải “bài toán” khó

Thời điểm hiện tại, thành phố Hà Nội đã có gần 1.500 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhưng số lượng sản phẩm tìm được chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước hoặc xuất khẩu không nhiều. Trong khi đó, người tiêu dùng không có nhiều thông tin về sản phẩm OCOP và việc tìm “đầu ra” cho sản phẩm OCOP Hà Nội vẫn là “bài toán khó”.

Muốn sản phẩm có được giá bán phù hợp với chất lượng thì phải có thương hiệu và “đầu ra” ổn định trên thị trường. Nhưng thực tế ở không ít địa phương, trong đó có Hà Nội, tại các chợ truyền thống cũng như các điểm bán hàng, nhiều người tiêu dùng không định hình được sự khác biệt giữa sản phẩm OCOP với các mặt hàng cùng loại... Cũng phải nói thêm, phần lớn sản phẩm OCOP được sản xuất với quy mô nhỏ, chủ yếu tiêu thụ trực tiếp, rất ít dấu ấn của công nghiệp chế biến và công nghệ cao.

Ở khía cạnh khác, hầu hết các sản phẩm OCOP sinh ra từ làng, là thành quả lao động của những nghệ nhân - nông dân. Những chủ thể OCOP này không có nhiều thông tin về thị trường, cũng không am tường việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Trong khi đó, một số địa phưong chưa thực sự quan tâm đúng mức tới việc hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP khiến nhiều chủ thể OCOP phải “tư bơi”, do đó chưa đủ sức “đề kháng” để chống lại những biến động của thị trường. Minh chứng rõ nhất là khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường thiếu ổn định, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại trục tiếp bị ngừng trệ, nhiều chủ thể OCOP gặp khó khăn, sản xuất cầm chừng do ế thừa sản phẩm vì không thể tiêu thụ.

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp, ngành Công Thương cần phối  hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng việc quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Trước hết, đề người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm OCOP  thay vì  các mặt hàng cùng loại, cơ quan chức năng cần hỗ trợ các chủ thể trong việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao gồm các yếu tố nhận diện như: Kiểu dáng, bao bì, nhãn mác...; đồng thời tư vấn, hỗ trợ các chủ thể OCOP về kỹ năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm và đặc biệt là kỹ năng bán hàng điểm quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các địa phương để người tiêu dùng có thêm thông tin, thêm lựa chọn, dễ tiếp cận với sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh các giải pháp kết nối tiêu thụ sản phẩm như: Tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu một cách chuyên nghiệp các sản phẩm OCOP, qua đó kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa các tỉnh, thành phố, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, cần chú trọng kết nối tiêu thụ sản phẩm bằng hình thức trực tuyến nhằm khắc phục tình trạng đứt gãy các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần quan tâm xây dựng sàn thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP; đa dạng hình thức kết nối và hỗ trợ các chủ thể ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sản xuất, kinh doanh...

Về lâu dài, bên cạnh việc triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm, cần chú trọng chuyển đổi số trong quản lý sản xuất để minh bạch thông tin về sản phẩm OCOP. Và một giải pháp không kém phần quan trọng, cùng với việc tuyên truyền, vận động người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm OCOP thì các chủ thể cần duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm - yếu tố quyết định để đầu ra của sản phẩm OCOP không còn là “bài toán” khó.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại liên kết với doanh nqhiệp

Thời gian qua, huyện Ba Vì đẩy mạnh hố trợ các chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm. Hiện nay, huyện tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, liên kết với các doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm OCOP

Theo ông Tạ Viết Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì, với quy trình chăn nuôi bò sữa bảo đảm chất lượng, mỗi năm, hợp tác xã sản xuất khoảng 800.000 lít sữa, trong đó, khoảng 1,2 triệu lít sữa thành phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP "4 sao". Đặc biệt, từ khi sản phẩm sữa đạt tiêu chuẩn OCOP,  hợp tác xã đã ký kết hợp đồng với siêu thị, cửa hàng tiện ích cung cấp số lượng ổn định.

Còn ông Phùng Văn Hải, hội viên  hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ tổng  hợp ong núi Ba Vì cho hay, vừa qua, sản phẩm mật ong của  hợp tác xã được đánh giá đạt tiêu chuẩn "4 sao" thuộc Chương trình OCOP. Điều này tạo cơ hội cho sản phẩm mật ong của Ba Vì tiêu thụ rộng khắp trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận.

Đánh giá về Chương trình OCOP trên địa bàn huyện thời gian qua, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, huyện vừa được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội đánh giá xếp loại 54 sản phẩm OCOP năm 2021, vượt 16 sản phẩm tham gia phân loại. Trước đó, năm 2020, huyện đã có 47 sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP. Tất cả sản phẩm được lựa chọn đều là sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh, được các cơ sở sản xuất, chế biến bảo đảm an toàn, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, chất lượng kiểm định và ghi nhãn hàng hóa theo quy định.

“Các sản phẩm OCOP đã góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện, thu nhập trung bình của người dân trên địa bàn huyện Ba Vì” ông Nguyễn Giáp Đông, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết thêm

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều sản phẩm đã đạt OCOP, có thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu tập thể, tem truy xuất nguồn gốc... song việc tiêu thụ còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân, do nông sản của huyện chủ yếu vẫn tiêu thụ qua các kênh của thương lái hoặc hộ sản xuất tự tiêu thụ tại các chợ đầu mối. Theo ông Trần Đình Thành, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì, thời gian tới, để các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện tiếp tục phát huy hiệu quả, các ngành chức năng cần hỗ trợ hợp tác xã về sản xuất theo hướng an toàn. Cùng với đó, mở các hội chợ trên địa bàn huyện, thành phố để các chủ thể có, cơ hội quảng bá, giới thiệu và tiếp tục ký kết  hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, huyện luôn đồng hành và tạo điều kiện để các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuận tiện trong vận chuyển nông sản đến người tiêu dùng; đồng thời, hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; tạo điều kiện kết nối tiêu thụ, giúp nông dân ổn định đầu ra cho sản phẩm OCOP.

Còn theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của huyện Ba Vì đều được lựa chọn kỹ lưõng, có chất lượng, mẫu mã đẹp, nhiều sản phẩm hữu ích với sức khỏe người tiêu dùng. Thời gian tới, thành phố tiếp tục mở rộng các điểm bán sản phẩm OCOP để hỗ trợ các chủ thể tham gia bán, giới thiệu sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng Thủ đô.

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Mai “Khơi thông đầu ra cho sản phẩm OCOP”. HNM 13/12/2021.
2. Quỳnh Dung “Phấn đấu năm 2025 Chương Mỹ có 200 sản phẩm OCOP”
3. Thế Văn “Giải bài toán khó”. 
4. Ngọc Quỳnh “Đẩy mạnh xúc tiến thương mai, liên kết với doanh nghiệp”

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CNMT Hà Nội.

Bạn đang đọc bài viết Khơi thông "đầu ra" cho sản phẩm OCOP. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới